Các nguyên lý sáng tác và thiết kế
1. Nguyên lý về trung tâm:
Nguyên lý này hướng dẫn chúng ta phân bố các yếu tố thị giác trên cơ sở “điểm” và “hướng tập trung là tâm” của không gian hai hoặc ba chiều. Từ nguyên lý này chúng ta có khái niệm về “hướng tâm” và “ly tâm”. Nguyên lý này còn nhắc nhở chúng ta rằng tác phẩm nào, không gian nào cũng cần có sự xác định sẵn các điểm phụ, điểm chính, điểm nhấn và bộ phận nào giữ vai trò là sự định hướng, nguyên lý này là nền tảng của nguyên lý điểm nhấn.
2. Nguyên lý về đường trục:
Nguyên lý đường trục là cơ sở để bố trí các yếu tố hình thức theo quy luật đối xứng, đăng đối tạo thăng bằng qua trục. Trong thiên nhiên chúng ta thấy hình tượng các gân lá lớn, nguyên lý này thường được sử dụng trong bố cục trang trí (hình vuông, tròn, chữ nhật, tam giác), kiến trúc, bố cục tranh tôn giáo.
Nguyên lý này hướng dẫn chúng ta phân bố, quy tập các yếu tố thị giác trên cơ sở các đường trục trong không gian hai hay ba chiều. Từ đường trục này chúng ta sẽ có khái niệm về đăng đối và bất đăng đối. Nó cũng là nguyên lý có liên quan đến sự tập trung do sự định hướng tạo sự dẫn mắt vào trục. Nguyên lý này dễ nhìn thấy trong nghệ thuật quy hoạch đô thị.
Nguyên lý này cũng nhắc nhở chúng ta về “cái lõi chính” hay là “trục xương sống” trong khi phân bố các yếu tố hình thức.
3. Nguyên lý về hình học:
Nguyên lý này hướng dẫn chúng ta phân bố hay quy các yếu tố thị giác vào các dạng các hình học phẳng hay ba chiều dựa vào phân tích các cấu trúc của chúng.
Nó nhắc nhở chúng ta ý thức về sự khái quát, sự định dạng tổng quát các yếu tố hình thức hay trừu tượng hóa vật thể thành các dạng hình kỷ hà để dễ nhận định và so sánh. Cũng như “hình học hóa” các diện, khối và hình trong tác phẩm nghệ thuật thị giác, nguyên lý này gợi cho chúng ta nhớ đến khuynh hướng nghệ thuật lập thể. Từ đó vận dụng nó theo không gian mà mình chọn lựa: hai hay ba chiều. Nguyên lý này giúp chúng ta bố cục, tạo hình dựa vào các hình, khối có quy ước. Nguyên lý này được các nhà thiết kế kiến trúc rất quan tâm.
Cấu trúc hình học trong bố cục thị giác
4. Nguyên lý về đường xoắn ốc:
Nguyên lý này hướng dẫn chúng ta bố trí các yếu tố thị giác thật thăng bằng theo chiều hướng của các hình nét của đường xoáy trôn ốc trong không gian nào đó mà mỗi người chọn lựa dù là hai chiều hay ba chiều. Nguyên lý này cũng tạo sự tập trung, sự dẫn mắt người xem tập trung vào trung tâm.
Thí dụ: dạng cầu thang xoắn, đây cũng là cách bố cục theo hàng lối dạng xoắn ốc.
5. Nguyên lý về cột xương sống:
Nguyên lý cột sống là kim chỉ nam cho cách bố trí phối hợp về mỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc giúp cho tư duy hoạch định, tổ chức hình thức bố cục, kết cấu kiểu dáng tác phẩm kiến trúc hay công trình dạng 2 chiều, 3 chiều, không gian môi trường. Nhằm bảo đảm yêu cầu công năng lẫn thẩm mỹ theo kết cấu mắt xích nối tiếp tạo sự hài hòa, nhịp điệu, bất đối xứng và cân bằng cuộn tròn theo mắt xích như đốt cột sống. Trong thực tế các nhà khoa học đã nghiên cứu cấu trúc bộ xương của Khủng long để sáng tạo các công cụ kỹ thuật.
Cầu thang Cột sống là một cấu hình lại ấn tượng của một hình thức quen thuộc và các kết nối của nó, dẫn đến một mảnh duy nhất nhưng chức năng của lưu thông dọc. Lấy cảm hứng từ xương sống của một con cá voi, nó không chỉ đơn giản là bắt chước hình thức hữu cơ mà là một cuộc thám hiểm trong cấu trúc tạo hình.
Nguyên lý này gần giống như nguyên lý về đường trục nhưng chuyển động uốn lượn có nhịp điệu theo cấu trúc linh hoạt. Trên đường cột sống này, chúng ta có thể bố trí các yếu tố thị giác xoay quanh theo không gian hai hay ba chiều, theo dạng đăng đối hay bất đăng đối. Mọi sự phân bố dịch chuyển vị trí đều xoay quanh cột sống này như là trung tâm của không gian. Trung tâm này được coi như là đường trục của bố cục hai chiều lẫn ba chiều. Nguyên lý này tạo sự tập trung, sự liên kết dạng mắt xích, đốt cột sống, sự cộng hưởng của lực thị giác hay thế vững chắc về vật lý.
Trên bố cục mặt phẳng thì nó gần như hệ thống trục bình thường. Nhưng nếu tạo hình dạng phối cảnh trên mặt phẳng thì cách bố trí các yếu tố hình thức, yếu tố thị giác như hình tượng của “trái thông”. Nghĩa là nó xoay quanh cách bố cục theo hệ thống hai chiều hay đa chiều. Đây cũng là dạng nguyên lý bố cục theo hàng lối dựa vào trục xương sống.
6. Nguyên lý về bung tỏa hay thu gọn, ly tâm hay hướng tâm:
Nguyên lý này có liên quan đến nguyên lý trung tâm. Tiếng Anh gọi là Convergence Principles hay Ratial Principles. Nguyên lý này hướng dẫn chúng ta bố trí các yếu tố thị giác theo các chiều hướng mở rộng hay thu hẹp trên cơ sở tạo sự chuyển động ly tâm và hướng tâm. Bố cục theo nguyên lýnày là phải dựa vào các chiều hướng trên cơ sở xác định được tâm điểm của không gian hay không.
Hai hình thái bung ra và thu vào này được lưu tâm cùng một lúc để phân bố các yếu tố hình thức. Nguyên lý này lấy tâm điểm làm điểm thu (quy tâm) và điểm phát (ly tâm) cho nên mọi cách bố trí đều nhằm theo hệ thống ly tâm, hướng âm. Hệ thống này xoay quanh hai dạng hệ thống:
Thứ nhất là “tia bung tỏa” hay còn gọi là “các đường nét dẫn từ tâm bung ra ngoài hay từ ngoài chạy, quy tụ vào trung tâm”. Các tia này là hệ thống vô hình. Khi bố cục hình theo hệ thống này chúng ta cũng quan tâm đến luật viễn cận: ngoài lớn, trong nhỏ. Các hình ảnh sẽ có độ lớn bên ngoài và nhỏ bên trong, hợp với vị trí cac tia bung tỏa.
Thứ hai là “các hình tròn đồng tâm” bung từ ngoài vào trong và ngược lại. Còn khi bố cục theo dạng sóng hình tròn bung, thu từ trong ra hay ngoài vào thì các hình sẽ được thiết lập theo dạng các đoạn của hình vành khăn, bố trí lớp láng từ trong ra ngoài hay ngoài vào trong (không cần giải quyết lớn nhỏ theo phép viễn cận theo hàng lối thật trùng khớp).
Trong thực tế ứng dụng trong thiết kế hai chiều, ba chiều lẫn thiết kế môi trường thì trên một tác phẩm đơn lẻ hay tổ hợp có khi chúng ta trình bày cùng một lúc hai ba hoặc nhiều hệ thống bung tỏa. Tuy nhiên cho dù có nhiều hệ thống bung tỏa này chúng ta phải xác lập hệ thống chính, phụ và trọng tâm trong hệ thống ấy.
Nguyên lý này cũng thích hợp cho nghệ thuật quy hoạch đô thị và thiết kế tạo dáng công nghiệp.
8. Các nguyên lý sáng tác nghệ thuật:
* Nguyên lý thị giác: là kim chỉ nam để phối hợp xây dựng các yếu tố thị giác để vừa làm rõ nội dung bằng các loại hình tượng nghệ thuật thị giác (nghệ thuật tại hình khác với nghệ thuật trang trí, nghệ thuật thiết kế hay mỹ thuật ứng dụng: điêu khắc khác hội họa (hội họa khác đồ họa) sao cho làm hiển thị được nội dung ý tưởng một cách tốt nhất về lĩnh vực thẩm mỹ thị giác. Nguyên lý thị giác là kim chỉ nam để khêu gợi, định hướng phương pháp, phạm vi tư duy của tác giả trong quá trình thực hành, phối hợp các yếu tố hình thức và nó cũng là tiêu chí để giảng dạy, thẩm định các tác phẩm nghệ thuật thị giác.
Nguyên lý thị giác là nguyên lý về lý luận thực hành. Nó xác định, hướng dẫn cách xác lập những yếu tố tương quan, mức độ tương quan, phối hợp các yếu tố hình thức trên cơ sở quan năng cảm thụ là con mắt.
Đây là những nguyên lý gần như bất biến, nó chỉ có sự thay đổi về số lượng, sự xác định vị trí quan trọng của từng nguyên lý tùy theo lĩnh vực nghệ thuật thị giác, các đặc điểm về sáng tạo trong các chuyên ngành, các kỹ thuật thể hiện. Nó chỉ thay đổi chứ không hoàn toàn khác nhau.
* Nguyên lý sáng tác: là nguyên lý chung cho tất cả các loại nghệ thuật bao gồm nghệ thuật thị giác, nghệ thuật thính giác và nghệ thuật thính thị giác (nghệ thuật tổng hợp).
Nguyên lý này cho thấy mối quan hệ tất yếu mang tính xã hội trong việc xác định nhân sinh quan, thế giới quan, thái độ, tình cảm, trách nhiệm của nghệ sỹ đối với cuộc sống.
Nói rõ hơn là trong khi nguyên lý thị giác xác định sự tương quan về hình thức nội tại của tác phẩm thì nguyên lý sáng tác lại xác định sự tương quan về ý thức giữa chủ thể sáng tạo với đối tượng sáng tác, với thực tế cuộc sống. Nó cũng là đầu mối cơ bản của lý luận sáng tác nghệ thuật.
>>> Các nguyên lý trong trang trí hình vuông
>>> Các nguyên lý trong trang trí hình tròn