Đường nét (Phần 2)
e. Các khả năng khêu gợi dáng điệu của các loại đường chéo, đường xiên
Ngoài ý nghĩa của đường xiên như đã trình bày ở trên, chúng ta có thể hình dung các đường xiên, chồng chéo của các thế dáng của con người từ đứng đến ngồi tạo ra hoặc các nét cong gợi cảm của cơ thể nữ giới do y phục mặc sát người mà trên y phục được các nhà thiết kế xếp các nếp vải chéo nhau ở những vị trí khêu gợi, trong khi ấy thân thể thì nẩy nở, đầy đặn.
Đường xiên còn gợi nên hướng chuyển động, lực định hướng lao tới hay ấn tượng về sự lệch đổ…
Thí dụ một người đứng trong tư thế sức nặng toàn thân trụ lên chân phải. Như vậy, hướng chân phải sẽ là nét xiên từ dưới lên trên hướng sang trái (nhìn từ trước vào), lúc ấy mặt ngang xương chậu sẽ là nét xiên từ phía trên, bên trái hướng xuống bên dưới phải và trục xương sống sẽ là nét xiên hơi cong từ dưới lên, hướng sang trái.
Còn nữa, các hướng chạy tới, lao tới, đều là nét xiên thể hiện trạng thái, hình thể, tốc độ của sự chuyển động.
Vấn đề này được các nhà điêu khắc, các nhà tạo dáng sản phẩm rất quan tâm.
Khi nghiên cứu vấn đề này thì các nhà thiết kế thời trang, nhà thiết kế tạo dáng sản phẩm công nghiệp cũng cần quan tâm khi thiết kế trang phục, tạo dáng cho ô tô, xe máy, phải gắn nó với khái niệm chiều hướng, chuyển động, vận động của cơ thể, của hình thể kiểu dáng của sản phẩm.
Thí dụ chúng ta hãy quan sát các đường xiên hay cong trên hình khối, kiểu dáng của các loại xe gắn máy: Honda, Yamaha, Vespa…
Tóm lại, nét xiên gợi lên lực hay hướng chuyển động của các dáng điệu, hình thể.
f. Loại đường nét sắc cạnh hay lởm chởm:
Mỗi loại đường nét có tính chất riêng và từ đó có sức tác động thị giác, gây hiệu quả, tạo các ấn tượng khác nhau.
Những hình thái của đường nét, nét vẽ thể hiện sự mềm, cứng, trơn tru hoặc vỡ vụn, gai góc hay mượt mà đều có khả năng gây ấn tượng và góp phần hình thành trạng thái tâm lý cảm nhận xuất hiện bên trong tư duy của người xem.
Việc thể hiện bút lực, thần thái trong nét bút là mục tiêu rèn luyện và học tập của các họa sỹ vẽ tranh thủy mặc Trung Quốc. Họ rất quan tâm đến những trạng thái tinh thần, sức mạnh thể hiện trong nét bút của mình: mạnh mẽ nhưng sóng trào, chuyển động như vũ bão, mãnh liệt như thác đổ, sắc bén như nhát kiếm, mũi đao, mềm mại như sóng vỗ, êm ả như gió đùa.
Chúng ta hãy chú ý đến những nét vẽ do bút vẽ bị khô mực, thiếu mực đã tạo ra loại đường nét này và nó thường xuất hiện trong lĩnh vực thư pháp.
Từ ý nghĩa này, các loại nét sắc bén, nét lởm chởm, bể nét cũng có chỗ đắc dụng trong một số tình huống, nhưng cũng có trường hợp khó sử dụng.
Về mặt phối hợp thì nét sắc bến thể hiện sự trơn tru cứng cáp có thể phối hợp với môi trường, đường nét, chất liệu mềm, xốp. Còn loại nét lởm chởm, vỡ vụn thì phối với môi trường mịn trơn.
Như vậy, các nhà thiết kế, họa sỹ vừa phải vận dụng nguyên lý về tương phản và nguyên lý hòa hợp, khái niệm hệ thống chủ đạo, vừa phải dùng kinh nghiệm trực giác để tổ chức, quy hoạch, điều phối, bố trí từng loại đường nét, tùy theo nội dung, môi trường thích hợp trên cơ sở khẳng định các hệ thống chủ đạo về đường nét, chất liệu.
g. Sự nhảy múa, uốn lượn của các đường cong
Trên thực tế thì từ trực giác, chúng ta cũng có những ấn tượng về cái động và khả năng gợi nên Cái động của đường nét cong.
Sở dĩ người ta sử dụng thuật ngữ "nhảy múa" ý muốn nói đến sự chuyển động có nhịp điệu của loại đường nét này.
Bởi lẽ nếu chúng ta nhìn một quả bóng rơi từ trên xuống và nó liên tục "nẩy lên" theo nhịp điệu từ mạnh đến yếu và chiều cao của độ nẩy chuyển từ cao xuống thấp dần, khoảng cách của điểm rơi càng ngày càng ngắn dần thì cho thấy nó giống như là sự nhảy múa, một dạng nhịp điệu trước mạnh sau yếu và mất dần.
Chúng ta có thể nhìn làn khói, ngọn lửa bốc lên với những đường lượn, uốn éo trong gió, để hình dung tốc độ chuyển động của các đường cong như là điệu múa.
Chúng ta có thể liên tưởng đến hình tượng của những công viên "nhạc nước" với sự thiết kế các vòi phun nước theo những chiều hướng chủ định để tạo hình các họa tiết bằng nước nhuộm ánh sáng màu theo nền nhạc.
Qua nghiên cứu đặc điểm này, bắt buộc chúng ta phải lưu ý đến việc nghiên cứu, ứng dụng tinh thần của loại nhịp điệu do các đường cong tạo ra theo các tình huống nội dung của nghệ thuật thiết kế từ hai chiều cho đến ba chiều hoặc nghệ thuật môi trường như vườn cảnh, công viên.
h. Loại nét cứng và nét mềm
Như đã trình bày ở trên, khi người nghệ sỹ diễn tả, thể hiện những đường nét, nét vẽ thông qua cá tính, xúc cảm, tâm trạng riêng biệt của mình trong từng tình huống thì sẽ tạo ra những hình thái của đường nét: nét cứng, nét mềm, nét rõ, nét mờ, nét mạnh yếu là chuyện bình thường. Chú ý đến những nét vẽ bị mờ, nhòe do đầu cọ bị dư nước.
Vấn đề "bút lực" trong tranh thủy mặc hay Cái Thần trong hình nét là nét riêng của nghệ thuật thủy mặc của Trung Quốc.
Điều quan trọng là làm sao thể hiện, tạo được những nét bút mạnh (có lực) như sấm chớp vũ bão và mềm mại, uyển chuyển, sinh động mà không bị sượng nét, gãy nhịp và ứng dụng nó trong những tình huống hợp lý nhất.
Vì vậy, cũng như đã nói ở trên là các nhà thiết kế, nhà họa sỹ phải biết phân tích, đánh giá từng loại đường nét theo tinh thần riêng của nó mà sử dụng, biết cách sử dụng, điều phối chúng trong từng tình huống, theo vai trò vị trí, nội dung, ý tưởng thật phù hợp.
Chúng ta hãy liên tưởng đến nghệ thuật thư pháp của các dân tộc từ Trung Quốc, các quốc gia Hồi giáo và gần đây nhất là thư pháp chữ Việt.
i. Loại đường nét tả tơi, không đều
Như đã nói ở trên, khi diễn nét, có người tạo nên những nét trơn tru, mạnh khỏe, cũng có người tạo những nét mềm yếu, nhũn nhão, cũng có người tạo những nét khô khốc, tả tơi, bể vỡ. Đó là những nét riêng đáng trân trọng, miễn sao nó được sử dụng để gợi nên cảm xúc thẩm mỹ, đúng với tinh thần nôi dung của đề tài, chủ đề.
Đường nét tả tơi như giẻ rách là loại đường nét hiếm có, đặc biệt khó tìm.
Do đó, khi sử dụng loại nét này trong thiết kế hay hội họa cũng cần nghiên cứu, phân tích kỹ tình huống, môi trường, nội dung, đề tài cần phải diễn tả.
6. Đường nét trong toán học:
Toán học là lĩnh vực quy ước, còn nghệ thuật là lĩnh vực của xúc cảm, của ngẫu hứng bất ngờ. Do đó, đường nét trong toán học là những ký hiệu có tính chất quy ước. Vì vậy nó có vẻ khô khan và mang tính chính xác hơn trong mỹ thuật. Nhưng xét về các yếu tố trang trí thì hình nét trong toán học là nguồn cung cấp các loại hình kỷ hà, những đường nét, điểm, chấm để sáng tạo nên những họa tiết trang trí.
7. Đường nét trong mỹ thuật:
Khác với tinh thần quy ước của toán học, đường nét trong mỹ thuật thường biểu hiện cảm xúc dưới dạng những nét vẽ, nét khắc, đường lượn của hình khối trong điêu khắc, trong nghệ thuật tạo dáng với nhiều trạng thái vô cùng phong phú.
Nó là phương tiện để diễn cảm với những tâm trạng vô cùng phong phú, nhiều trạng thái, hình thức khác nhau từ vui buồn, tĩnh động: mạnh mẽ, yếu mềm, mãnh liệt, nhàn nhã, sắc bén, vỡ vụn, mượt mà, tả tơi, khô khan, nhòe nhoẹt.
Do đó, người ta cho rằng đường nét với góc độ là nét vẽ luôn luôn phản ánh những trạng thái tâm hồn của người vẽ ra nó.
Trong sáng tạo mỹ thuật, đứng từ góc độ hoạch định thì việc lựa chọn đường nét trong tác phẩm thường dựa vào các yêu cầu như sau:
- Dựa vào tinh thần của chủ đề, đề tài hay phong cách (trang trí, kiến trúc, thời trang…) để tạo đường nét chủ đạo;
- Tạo sơ đồ, định hướng bố cục (quy hoạch đô thị, tranh mỹ thuật);
- Tạo tinh thần nhịp điệu hợp với đề tài;
- Tạo các hướng dẫn mắt;
- Tạo sự sinh động trong diễn tả.
Người có cách diễn tả bằng loại đường nét, nét vẽ này chắc cũng là những người có tâm hồn cá biệt. Nó như là nét bút thật khô, thật mạnh với độ nhấn thất thường.
Nghiên cứu để tạo nét vẽ như là sự ngẫu nhiên, người ta còn ứng dụng kỹ thuật tạt màu hay nhỏ giọt cho màu nhễu xuống hay dùng ống hơi thổi cho màu loãng chạy thành nét. Chúng ta hãy liên tưởng đến cách vẽ tạt màu của họa sỹ người Mỹ tên là Jackson Pollock (1912-1956).
Thật ra, Pollock theo khuynh hướng "Biểu hiện trừu tượng", chủ yếu khai thác động lực tự phát, không tính trước; coi đó là sự bộc phát tự nhiên. Nét vẽ và vẽ cực kỳ nhanh, không suy nghĩ trước.
Ngày nay, chúng ta cũng nên phân biệt nét vẽ thông qua phương tiện hiện đại là computer. Lúc này, có khi người nghệ sỹ "scan nguyên xi" tinh thần của những nét vẽ bằng tay vào máy computer và phối hợp nó với những yếu tố khác, cũng có khi nét vẽ hoàn toàn do quá trình vẽ trên máy hoặc dùng loại nét đồ họa của computer.
Thông thường thì nét vẽ do sử dụng "con chuột" tạo ra có vẻ "bị chai" không xốp nét, không mạnh khỏe, không khoáng đạt, sinh động bằng những nét vẽ được vẽ bằng tay.
Tuy nhiên, hiện tại có một số phần mềm được thiết lập có thể tạo nên những nét sinh động như vẽ tay trong tranh thủy mặc.
8. Đường nét và Thị ảo giác:
Ảo giác chính là sự sai sót, không chính xác của sự nhận thức từ giác quan. Nó là sự không giống nhau giữa những gì ở thực tế bên ngoài và những cái cảm nhận được thông qua giác quan.
Khi nói đến thuật ngữ thị ảo giác (Optical illussion) là nói đến khả năng, gợi hay tạo nên ảo giác của đường nét hay màu sắc.
Hiện tượng ảo giác là hiệu quả của sự tính toán, phối hợp các loaiij đường nét với nhau trên cơ sở vận dụng một số lý thuyết về toán học, vật lý.
Những hiệu quả ảo, hiệu quả rung mà trường phái nghệ thuật chuyển động hay nghệ thuật động ảnh khai thác, diễn tả chính là kết quả của sự phân tích, sử dụng hiệu quả ảo giác của màu sắc và đường nét.
Trong lĩnh vực thiết kế trang trí nội thất, thời trang, trang phục, thiết kế ánh sáng thì thị ảo giác cũng là mục tiêu sáng tạo và khai thác của nghệ sỹ.
9. Loại đường nét chủ đạo:
Trong quyển "Khái lược về hội họa" của Armand Drouant, khi nói về các loại bố cục hình thức thì ông có đề cập đến ba loại như sau:
Bố cục đường nét: Cách tổ chức, chọn lựa sử dụng loại đường nét chủ đạo cho phù hợp ánh sáng hay ánh sáng có màu (các loại đèn). Ở đây chúng ta chọn lựa màu chủ đạo nóng hay lạnh cho phù hợp với tinh thần của tác phẩm.
Bố cục về khối: Đây là khái niệm bố cục gắn liền với các tác phẩm mỹ thuật ba chiều như điêu khắc, tạo dáng sản phẩm. Trong tranh thì nó chính là sự gián tiếp nói đến khái niệm xa gần của sự xử lý không gian.
Trong kiến trúc hay tạo dáng sản phẩm thì chính nó tạo nên bố cục, xử lý ứng dụng loại khối chủ đạo, cách phối hợp về khối trong không gian công trình (khối lồi lõm, âm dương…).
Như vậy, đường nét vốn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Cho nên, trong quy trình thực hành việc bố cục, sáng tác tranh thì ngoài các hệ thống chủ đạo: Hệ thống màu chủ đạo, Hệ thống chủ sắc, Hệ thống chất liệu chủ đạo, Hệ thống khối chủ đạo (trong nghệ thuật tạo dáng), chất liệu chủ đạo thì ngôn ngữ đường nét cũng đặt ra một hệ thống sườn cốt nhằm thực hiện tốt các giải pháp tổ chức bố cục để thực hiện đúng tính chất tĩnh động của chủ đề. Giới chuyên môn gọi đó là hệ thống đường nét chủ đạo.
Hệ thống đường nét chủ đạo là gì và từ đâu mà có? Hệ thống đường nét chủ đạo có được là do quá trình tư duy nghiêm túc về tinh thần, nội dung, ý tưởng của đề tài để chọn ra loại đường nét chủ đạo, có khả năng chuyển tải rõ nét ý tưởng của tác phẩm. Chúng ta cần hiểu rõ mức độ, tính chất tĩnh, động của đề tài để tìm giải pháp tối ưu nhất.
Như vậy hệ thống đường nét chủ đạo bắt buộc phải gắn liền với nội dung, tinh thần, tính chất của đề tài, chủ đề.
Bởi vì, ngoài các hệ thống màu sắc (tính chất nóng lạnh, vui buồn, tươi tái, đậm nhạt) thì hệ thống đường nét cũng góp phần tạo nên tinh thần, cái hồn của tác phẩm.
Việc thể hiện có hiệu quả hay không tùy thuộc vào sự chọn lựa loại hệ thống đường nét thật thích hợp và một loạt các giải pháp điều phối về đường nét.
Điều cực kỳ quan trọng là trong quy trình xác lập hệ thống chủ đạo trong tác phẩm thì hệ thống đường nétchủ đạo là hệ thống cần có trước tiên, bởi vì nó còn chính là cái tinh thần của cái sườn vô hình của tác phẩm. Nó được coi như là hệ thống sườn cốt của các nét vẽ phác, có vai trò định vị cho việc bố trí các yếu tố từ nội dung đến hình thức trên mặt phẳng hợp với tinh thần tác phẩm.
Bố cục về ánh sáng: Đây cũng chính là bố cục màu sắc bởi lẽ màu sắc tạo ra như đã đề cập ở các phần trên, thì sau khi việc sắp xếp, lắp đặt các yếu tố thị giác chồng, phủ lên trên xong thì hệ thống sườn cốt này bị chìm khuất bên dưới mà thoạt nhìn vào nếu không có kinh nghiệm sáng tác bố cục thì không thể nào nhận thấy được. Lúc ấy nó dường như là "hệ thống vô hình", "hệ thống các đường ẩn" có nhiệm vụ định hướng, định vị cho hành động bố cục các yếu tố hình thức (thậm chí là cả nội dung).
10. Nét vẽ và khái niệm bút lực trong tranh thủy mặc:
Đối với người Trung Hoa thì viết và vẽ thật sự có nhiều điểm chung. Trong thư pháp, người Trung Hoa không ngưỡng mộ những vẻ đẹp trang trọng của những ký tự mà quan tâm đến tài năng sử dụng trong phút giây cảm hứng tột cùng tạo nên cái Thần trong nét bút. Trong nét vẽ cũng cần có cái Thần như thế.
Trong lĩnh vực diễn tả nét vẽ bằng bút lông của các họa sỹ Trung Quốc thì tinh thần của nét bút cực kỳ quan trọng mà họ phải khổ luyện liên tục, thậm chí suốt cả đời mới có. Sức mạnh của tinh thần của họa sỹ được bộc lộ trên hình thái của mỗi nét bút. Họa sỹ Trung Quốc gọi đó là bút lực. Bút lực là mức độ mạnh yếu của nét vẽ bằng cọ do động tác vẽ của cổ tay, do tinht hần điều khiển của nét bút tạo ra.
Lực của nét bút như rồng bay, phượng múa, như sóng vỗ, thác đỗ, sóng trào, như gió bão, như những nét kiếm, nhát đao chính là tinh thần của nét bút được các họa sỹ liên tục luyện tập và mong muốn đạt được. Đặc biệt là nét vẽ cũng có nhiều tên gọi, nói lên hình thái đặc biệt của nét bút, nét vẽ.
Trong tranh thủy mặc chuyên về vẽ phong cảnh, chính do sử dụng, khai thác những đặc tính của mỗi nét vẽ mà các họa sỹ đã hình thành cho mình cách diễn tả về núi và những nếp của núi bằng nét vẽ thông qua nhiều cách xử lý bút lực (sức mạnh của cổ tay) khác nhau cùng với nhiều tên gọi rất đặc biệt như :
- Nếp "Phi ma" có nét vẽ thô, khô như vỏ cây gai (còn gọi là "Ma bì") do họa sỹ Đổng Nguyên thường dùng để diễn tả các nếp núi vùng Kim Lăng, Nam Kinh.
- Nếp "Giải Sách" (còn gọi là Dây đứt) nét vẽ như dây thừng bị đứt khoảng như là dây bị đứt.
- Nếp "Lát Búa" là sự sáng tạo của hai cha con họa sỹ nhà họ Lý: Lý Tử Huấn và Lý Chiêu Đạo, thời nhà Đường. Loại nét này được dùng để tả thế núi vùng Gia Lăng.
- Nếp "Hạt Mưa" (cũng có người là "Hạt Mè") là nét đặc biệt của họa sỹ Kính Hạo và học trò của mình là Quan Đồng, đời Ngũ Đại.
- Nếp "Đại Gẩy" là nét riêng của họa sỹ Nghệ Tản đời Nguyên dùng để vẽ núi vùng Giang Nam.
- Nếp "Đầu Quỹ" của họa sỹ Diệm Thư Bình, đời Nam Tống dùng để tả núi đá vùng Thái Hòa.
- Nếp "Đầu Mây" là sự sáng tạo của họa sỹ Vương Mông đời Nguyên, dùng để vẽ núi Thái Sơn.
- Nếp "Phàn đầu" (cục phèn) là nét riêng của họa sỹ Hoàng Tử Cửu đời Nguyên dùng để tả các dạng núi ở vùng Phú Xuân, Thiên Đài và Nhạn Nam.
Nói chung, thông qua quá trình nghiên cứu sáng tạo, qua nhiều thời gian bằng nét vẽ, mỗi họa sỹ đều thể hiện trong tác phẩm của riêng mình những tinh thần, xúc cảm rất riêng bằng những phong cách tiềm ẩn trong nét bút đặc biệt. Ở hội họa Trung Quốc cho thấy có sự quan tâm đặc biệt đến tinh thần, cái hồn của nét bút. Nó chính là cơ sở cho sự xuất lộ cái được gọi Thần hay cái Thần trong nét bút.
Như vậy, cho thấy rằng, ở đây, cái Thần không thể tách biệt khỏi sự lão luyện, sự lưu loát, cái Lực của nét bút và cái lực của nét bút được biểu hiện qua hình thái của nét cọ.
Từ ý nghĩa này mà danh họa Trung Quốc là họa sỹ Tề Bạch Thạch đã nói rõ quan niệm của mình về hình vẽ.
Theo ông thì trong hình vẽ phải bộc lộ được cái Thần, tức là bộc lộ được cái Hồn, sức mạnh vô hình, tiềm ẩn trong hình nét được nghệ sỹ diễn đạt.
Như vậy, nếu nét vẽ không được khổ luyện lâu dài đến độ "nhập tâm" đến độ thấm vào xương tủy. Không có lực thì làm sao tạo được cái phần vi diệu mà họa sỹ Tề Bạch Thạch coi đó là tâm niệm của mình.
Ngoài ngôn ngữ nét và các khoảng trống kỳ diệu của nghệ thuật thủy mặc Trung Quốc thì chúng ta có thể liên tưởng đến họa sỹ Hard Tung chuyên vẽ bích chương (poster) của Hãng hàng không Pháp (Air France) với những nét có vũ bão đẹp mắt dường như là những nét kiếm đang sát phạt, tung hoành trong không gian, trong thập niên 60 của thế kỷ 20 vừa qua.
Tất cả những vấn đề có liên quan đến đường nét đã trình bày ở trên cho thấy để thấu hiểu một yếu tố thị giác là điều không dễ dàng và chỉ có những người già dặn, lão luyện trong nghệ thuật sử dụng đường nét và nét vẽ mới cảm nhận được sự vi diệu này.
Tóm lại, đường nét, nét vẽ có khả năng diễn tả, biểu lộ tinh thần cảm xúc cho ngôn ngữ nghệ thuật thị giác.
Có 3 loại đường nét gốc
Đường thẳng – Đường gãy – Đường cong
Từ đó chia ra 5 loại đường nét dưới đây:
Đường thẳng đứng – Đường nằm ngang – Đường xiên – Đường gãy – Đường cong
Tranh trong khuynh hướng nghệ thuật mới (New Arts)
>>> Ý nghĩa đường nét trong thiết kế tạo hình