Các vấn đề có liên quan đến thị giác (Phần 2)

7. Lực dẫn mắt (Visual Direction Force):

Lực dẫn mắt cũng là hình thái của lực thị giác và lực định hướng. Nó tạo nên đường hướng dẫn mắt người xem đi từ đâu đến đâu trong tác phẩm phải được nghệ sỹ thị giác quan tâm.

Ở đây chúng ta có hai ý: Thứ nhất là “lực” tức là sức hút. Sức hút mạnh hay yếu. Thứ hai “dẫn” (hướng dẫn). Hướng dẫn cái gì? Hướng dẫn con mắt nhìn về hướng nào đó. Có khi muốn dẫn mà không dẫn được bởi sự hấp dẫn yếu. Cũng có khi sức hút tốt nhưng không biết “dẫn” về đâu, rồi từ chỗ nào qua tiếp chỗ nào nữa?

Chắc chắn là đường dẫn mắt phải tạo nên lực dẫn mắt, tạo nên sức hút vô hình, tạo nên sợi dây nối kết, là mạch liên kết giữa các nhóm chính, phụ và trọng tâm của tác phẩm. Nghĩa là nó phải đi từ các nhóm phụ đến nhóm chính, trọng tâm.

Về mặt bố cục thì bằng sự cân nhắc, cố ý bố trí đường nét, ánh sáng, bóng tối, màu tươi tái, nóng lạnh, người sáng tác phải chủ động dẫn dắt thị giác người xem di chuyển từ các phần phụ, vào phần chính, rồi vào đến trọng tâm bức tranh một cách thật tinh tế, tế nhị.

Để thực hiện công việc này, người sáng tác phải bằng mọi cách hình thành bên trong tác phẩm một dạng đường nét, được gọi là đường dẫn mắt (Visual Lines of Path of Eyes).

Đường dẫn mắt là dạng nét phác được thực hiện ngay lúc ban đầu của việc sắp xếp các yếu tố hình thức. Nó là sơ đồ bằng nét thật nhẹ. Dựa vào đó mà chúng ta bố trí chiều hướng cho các hình, mảng, đường nét (theo chiều dự định).

Khi bố trí xong, chúng ta tiếp tục tô màu. Những sắc màu liên tục chồng lên làm mờ các sơ đồ này. Nhưng về bản thân người nghệ sỹ phải lưu ý, nhớ lấy chiều hướng (của các sơ đồ làm sườn này) bằng cách dùng màu hay nét của các lớp bên trên (vẽ chồng lên sau) để định vị một cách tinh tế.

Nhờ vậy, mà sơ đồ ban đầu mặc dù bị vô hình hóa (do nhiều lớp màu sau chồng lên) nhưng vẫn có thể “dẫn” mắt người xem được như dự định của họa sỹ.

thi giac 1
Tác phẩm “Path of Life II” của M.C. Escher

Các yếu tố tạo nên lực vô hình có khả năng thu hút và định hướng hướng nhìn:

- Làm sao để tạo ra “lực”, sức thu hút cái nhìn? Làm sao để có lực đủ mạnh?

- Làm sao để định hướng cho lực? Sức hút dẫn mắt đi về hướng nào?

- Làm sao vô hình hóa “hướng nhìn”?

Để tạo lực chúng ta có các cách như sau: Tạo sự chú ý bằng sự tương phản của màu sắc: vị trí thích hợp, độ đậm nhạt, độ tươi tái, vẻ đẹp của hình, sự thu hút của cảm giác về chất liệu (sần sùi, láng bóng…), tính chất của đường nét. Để tạo hướng dẫn mắt chúng ta cần có sự hoạch định bằng một sơ đồ định hướng bằng những nét phác nhẹ và phải luôn chú ý đến nó trong suốt quá trình tô vẽ liên tục sau khi có sơ đồ này.

Để vô hình hóa sơ đồ này là chúng ta chủ động “giấu” nó, làm cho nó “ẩn” một cách tinh tế đến nỗi “phải chỉ ra” mới thấy.

- Chiều hướng của các đường nét vô hình được nghệ sỹ hoạch định để dẫn vào nhóm nội dung chính, vào trọng tâm tác phẩm, để bên trên đó bố trí các yếu tố thị giác, các yếu tố hình thức.

- Sự phân bố các nhóm hình thức ở trọng tâm phải đủ mạnh, vượt trội các nhóm khác. Khái niệm “mạnh” chính là khả năng lôi cuốn thị giác (độ đậm, độ sáng, độ tươi, sự tương phản của màu…).

Nó được hình thành do độ lớn, sự quy kết thành cụm nhóm, sự tương phản về tính chất đường nét của hình (vô hướng hay có hướng), sự tương phản về tính chất nóng lạnh, về độ sáng tối của các yếu tố thị giác.

Chúng ta hãy quan sát sự sử dụng đường nét và ánh sáng tạo thành các đường dẫn mắt, trong bức trang trí hình vuông, khắc gỗ, với chủ đề “Đường sống II(Path of Life II) của Maurits C. Escher.

Minh họa về luật phối cảnh và sự chuyển động trong tranh:

thi giac 2
Tác phẩm “Buổi tiệc ly” tranh của họa sỹ Leonard de Vinci

thi giac 3
Bố cục theo dạng đăng đối thông qua sử dụng phối cảnh 1 điểm

thi giac 4
Tạo nhịp điệu chuyển động trong bố cục đăng đối tĩnh

Minh họa về lực định hướng và lực chuyển động trong thiết kế tạo dáng công nghiệp

thi giac 5

Minh họa về luật phối cảnh và hướng dẫn mắt để liên kết các nhân vật trong tranh

thi giac 6
Tác phẩm “Trường học ở Athenes” tranh của họa sỹ Raphael

thi giac 7
Tác phẩm “Nhạc Calypso” tranh của họa sỹ Tạ Tỵ (Tạ Văn Tỵ)

8. Thị ảo giác (Visual Illusion):

Thị ảo giác hay ảo giác thị giác (Visual Illusion) là hiện tượng không có thật do sự cảm nhận sai của con mắt mà con mắt cứ tưởng là có thật. Nó là hiện tượng có thật do sự tương tác bởi sự bố trí về vị trí, về hình thể, về chiều hướng, về độ lớn, về khoảng cách về sắc độ, về cường độ, về tính chất, mức độ nóng lạnh của màu sắc, về chất liệu được sử dụng trong các yếu tố hình thức.

Nó chính là hiệu quả rung, nhấp nháy hay tăng giảm kích thước, cường độ, sắc độ, chiều hướng của vật thể; tạo tinh thần, cảm giác về không gian: làm đổi tính chất của màu sắc các yếu tố thị giác.

Chúng ta có các dạng ảo giác thị giác như sau:

- Ảo giác về sự chuyển động (do tính chất của mỗi loại đường nét: do sự lung linh, tương tác về độ đều nhau của đường nét, độ sáng tối, do sự bố trí chiều hướng của đường nét, hình thể…).

- Ảo giác về sắc độ (do sự tương quan, sự tương phản về độ sáng tối của hình mảng).

- Ảo giác về nhiệt độ (do sự tương quan, cộng hưởng của các sắc màu nóng lạnh trong các hòa sắc).

- Ảo giác về trọng lượng: nặng, nhẹ…

- Ảo giác về mùi vị (do sự cảm nhận về cường độ tươi tái, sáng tối của chất màu dẫn đến cảm giác: chua, ngọt…).

- Ảo giác về chiều hướng (do sự tác động bởi tỷ lệ, số lượng, chiều hướng của đường nét này gây ngộ nhận về sự thay đổi chiều hướng của đường nét kia).

- Ảo giác về kích thước, diện tích (do sự tương tác màu, sắc, tương phản của độ sáng tối, chiều hướng của đường nét, hình mảng và cảm giác từ chất liệu được sử dụng).

- Ảo giác về không gian (do sự phối hợp màu sắc, bút pháp, thủ pháp diễn tả, sự chồng ghép hình, kéo lệch hình).

- Ảo giác do sự sử dụng kỹ xảo vi tính (2D, 3D).

- Ảo giác về sự mất còn, có hay không, liền lạc hay đứt đoạn do chính sự cố ý sử dụng các kỹ thuật, khoa học, thủ pháp gây ảo giác (trong khoa học về ảo thuật hay hiệu quả điện ảnh, của các phần mềm computer).

Trong thực hành phối hợp các yếu tố thị giác có khi chúng ta vô tình hay cố ý tạo nên ảo giác thị giác. Thị ảo giác là hiện tượng có thật mang tính tương tác, cộng hưởng của các yếu tố thị giác khi bố trí cạnh nhau theo trật tự hoặc tình huống nào đó.

Nói đến thị ảo giác là nói đến các khả năng chủ động tạo ra chúng hay khả năng khai thác, sử dụng chúng trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, nghệ thuật ảo thuật.

Thí dụ: Trường phái Op Art hay khuynh hướng nghệ thuật chuyển động (Kenetic Art) hay lĩnh vực ảo thuật hay nghệ thuật thiết kế ảo giác (Illusioin Design) dành cho các nhà ảo thuật.

Những người học, thực hành sáng tạo về nghệ thuật thị giác có thể tham khảo các tư liệu về khả năng này trong các tác phẩm của các trường phái hay nghệ thuật đặc biệt nói trên.

thi giac 8

9. Chuyển động thị giác (Visual Movement):

Chuyển động thị giác không phải là chuyển động vật lý mà nó chính là một dạng ảo giác thị giác được thực hiện một cách chủ động hay bắt buộc trong nghệ thuật thị giác mà tác giả chính là nghệ sỹ. Nó là ảo giác về sự chuyển đông, là hình thái sinh động, biến hóa giống như là khái niệm về nhịp điệu. Nó là hiệu quả tất yếu của khả năng tạo các hình thái chuyển động thị giác.

Các khả năng tạo chuyển động thị giác có thể kể đến như sau:

thi giac 9

- Tạo sự mâu thuẫn, tương phản trong các yếu tố hình thức (lớn nhỏ, tĩnh động, sáng tối, đậm nhạt, nóng lạnh, tươi tái).

- Ứng dụng các quy luật: lặp đi lặp lại, xen kẽ, đảo ngược, chồng hình, ly tâm, hướng tâm, xoáy trôn ốc, thăng bằng, đăng đối có trục hay không có trục.

- Sự chủ động sử dụng các loại đường nét: xiên, cong, gãy…

- Sự tinh tế, nhạy bén trong xử lý, phối hợp các yếu tố thị giác.

Muốn có được khả năng này thì đòi hỏi phải kinh qua quá trình học tập, thể nghiệm, thực hành nghiên cứu, sáng tạo về nghệ thuật thị giác khá lâu dài.

10. Trọng lượng thị giác (Visual Weight):

Trước hết trọng lượng thị giác không phải là trọng lượng vật lý (Physical Weight); nó là “ảo giác về sức nặng mà con mắt cảm thấy”. Loại trọng lượng này không thể đo lường được bằng dụng cụ đo lường vật lý (các loại cân).

Trọng lượng thị giác có được hay hiện hữu thông qua sự cảm nhận thị giác chứ không phải nhìn thấy. Nó là ảo giác do sự tương tác mang từ những yếu tố hữu hình: mảng miếng, hình thể, diện tích, khối lượng, sắc màu đậm nhạt gợi nên trong thị giác người xem.

Vậy thì có phải người xem nào cũng cảm nhận hay phát hiện được các trạng thái này? Xin thưa là chỉ có những nghệ sỹ thị giác từng trải trong thực hành sáng tác bằng ngôn ngữ thị giác mới nhận thấy.

Thí dụ: Các sinh viên ở những năm đầu chưa thể hoặc chưa chắc có thể cảm thấy được hiện tượng thị giác này mà phải được các bậc thầy giàu kinh nghiệm phân tích, giảng giải và thị phạm bằng hành động cụ thể.

Các yếu tố tạo nên sự cảm nhận của con mắt về trọng lượng như sau:

- Sự bố trí các nhóm hình thức có lệch trục quá nhiều hay xa trung tâm (quá gần với bốn mép tranh: trên dưới, phải trái).

- Một trong các nhóm yếu tố thị giác quá đậm hay quá to.

- Một số hình, mảng vừa nằm lệch trục, xa trung tâm mà bản thân chiều hướng của hình lại xoay chiều chạy ra khỏi mép tranh.

Theo sự nghiên cứu của Mohody Nagy và Johaness Itten thì cái được gọi là yếu tố thị giác có khi là hình thể, màu sắc hay mảng khối xuất hiện trước mắt có độ nặng, nhẹ khác nhau… tùy vào ba tình huống sau đây:

a. Tùy vào vị trí mà yếu tố thị giác đó xuất hiện trong khu vực được gọi là “trường thị lực”. Nghĩa là hễ vật nào nằm gần trung tâm của trường thị lực thì có vẻ nhẹ và ổn định hơn, không gợi cảm giác về lệch, đỏ hay chông chênh thiếu ổn định, dễ rơi rớt về quy luật thị giác.

Theo quy luật này thì đối tượng nào nằm ngay bên trong hay gần trọng tâm của trường thị lực thì nó có vẻ thăng bằng. Còn nếu ở vị trí càng xa trường thị lực thì nó có vẻ nặng hơn, có vẻ dễ rơi hơn vì thiếu thăng bằng.

Cách tạo sự thăng bằng trong tranh khi điều tiết trọng lượng thị giác
(Bằng cách gia giảm diện tích và độ đậm hay thay đổi chiều hướng của các yếu tố thị giác).

thi giac 10

b. Tùy theo vị trí sắp đặt các tín hiệu thị giác cũng như số lượng các tín hiệu được bố trí. Thông thường thì vùng, khu vực có sự bố trí số lượng tín hiệu càng nhiều thì càng gây cảm giác nặng hơn khu vực có ít.

c. Tùy theo mức độ đậm hay nhạt của tín hiệu thị giác, hễ càng đậm thì có vẻ nặng hơn.

Điều này sẽ bổ sung cho khái niệm nặng, nhẹ tùy theo số lượng tín hiệu thị giác. Như vậy thì khu vực có tín hiệu ít mà bản thân các tín hiệu có độ đậm mạnh hơn thì nó sẽ gây cảm giác nặng hơn.

d. Cũng theo sự nghiên cứu của Johaness Itten, Mohody Nagy về trọng lượng thị giác của một tín hiệu thị giác thì mỗi màu có trọng lượng thị giác nặng nhẹ khác nhau căn cứ và sắc độ cùng quang độ: Màu Xám = 0.5; Màu Vàng = 3; Màu Cam = 4; Màu Đỏ và Xanh Lá cây có sức nặng ngang nhau = 6; Màu Xanh Lam = 8; Màu Tím = 9.

Nói chung, sự cân bằng này có được vốn do hiệu quả của sự bố cục, cách rải rác, phân bố màu sắc, đường nét, chất liệu theo thế tam giác hay hình chóp dễ tạo cảm giác về sự cân bằng.

11. Sức căng thị giác (Visual Tension):

Thuật ngữ sức căng thị giác luôn gắn liền với lực thị giác. Sức căng thị giác là sức tác động khách quan vào thị giác, làm cho con mắt bắt buộc phải chú ý, tập trung sức nhìn vào đối tượng được nhìn. Nó cũng là một hình thái của sức hút thị giác.

Sức căng này cũng có những tác động tốt và không tốt. Khi phối hợp các yếu tố thị giác, mà không biết dìm, nhấn hợp lý thì hiệu quả của sức căng thị giác sẽ không thể kiểm soát được. Khi ấy sự rối loạn quá đáng trong bố trí và phối hợp các yếu tố thị giác sẽ tạo nên sức căng không hợp lý. Cường độ màu tương phản nóng lạnh quá mạnh cũng tạo nên sức căng thị giác.

Nhà nghệ sỹ của nghệ thuật thị giác là người có khả năng điều khiển lực tập trung thị giác của người xem thông qua tài năng bố trí, phối hợp các yếu tố thị giác trên tác phẩm của mình bằng cách thực hiện: sự bố trí các cụm, nhóm yếu tố thị giác và những màu có độ tươi, sáng hay đậm có sự tập trung hợp lý theo từng vùng, khu vực và có trọng điểm, trên cơ sở biết định hướng các yếu tố thị giác vào mục tiêu chủ định.

thi giac 11

Nếu anh ta có tài năng thực sự thì làm cho tác phẩm mình có sức hút mạnh đối với người xem, khiến cho người xem phải nhìn theo sự điều khiển của mình. Để làm được điều này anh ta phải biết sử dụng những phương pháp phân bố, xử lý khối lượng, trọng lượng, vị trí, ánh sáng, màu sắc, chất liệu trên những yếu tố tạo hình để tạo nên những vùng có sức căng thị giác, mạnh hay yếu một cách chủ động, có mỹ thuật.

- Sức căng thị giác cũng có những mức độ: tối đa, vừa phải, hợp lý hay yếu.

Sự phân tán, rải đều hay màu sắc nhợt nhạt, thiếu yếu tố tương phản thường tạo nên sự đơn điệu trong các yếu tố thị giác, yếu tố tạo hình.

12. Nhiệt độ thị giác (Visual Heat):

Nhiệt độ thị giác cũng là ảo giác, là cảm giác về sự nóng hay lạnh do sự cộng hưởng, tương tác của màu sắc mà chúng ta sử dụng một cách vô tình hay cố ý trong tác phẩm nghệ thuật thị giác tạo nên.

Các yếu tố tình huống gợi nên nhiệt độ thị giác:

- Đa số các màu trong hệ thống màu nóng làm chủ đạo đều có cường độ, độ tươi, quá mạnh nhưng lại thiếu màu đậm để “dằn” tạo “độ trầm” làm giảm bớt cường độ của các màu.

- Thiếu sự sử dụng màu trung tính (đen, trắng hoặc xám) hợp lý để xen vào hòa sắc vốn đang có sự tương phản mạnh.

thi giac 12

13. Mùi vị thị giác (Visual Smell):

Nói đến khái niệm “Mùi vị thị giác” chẳng qua là sự tích lũy các kinh nghiệm thị giác liên tưởng đến hương vị, mùi vị của sản phẩm kèm theo sự quan sát về màu của mỗi loại sản phẩm. Nó cũng là ảo giác về mùi chứ không có thật do lỗ mũi ngửi thấy. Thí dụ khi thiết kế bao bì cho các loại nước trái cây, các họa sỹ đã tìm ra màu của vị cam (Màu Cam), vị chua của trái chanh (Màu Vang), vị chua ngọt của trái dâu (Màu Tím đỏ).

Đây là ảo giác thị giác về độ chua, ngọt do sự cộng hưởng, tương tác của màu sắc trong tác phẩm nghệ thuật thị giác tạo ra. Để cảm nhận được nhiệt độ hay mùi vị thị giác thì cần phải là người lão luyện trong nghệ thuật thị giác.

Mùi thị giác thường xuất hiện khi biết sử dụng màu chủ đạo mang tính gợi mùi ở số lượng vừa phải (không cần nhiều màu, sắc) giữ các màu này có độ tươi, thắm (Intensity brightness) ở mức cần thiết.

Việc sử dụng yếu tố “màu gợi mùi” thường được các nhà thiết kế quảng cáo áp dụng trong khi thiết kế. Để làm được điều này các nhà thiết kế phải hiểu tâm sinh lý về màu sắc (psychology of colour).

thi giac 13

thi giac 14

- Họa sỹ Uyên Huy -

>>> Các vấn đề có liên quan đến thị giác (Phần 1)

>>> Tại sao phải nghiên cứu về thị ảo giác

>>> Lịch sử truyền thông thị giác (Phần 1)

0976984729