Màu sắc của Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân đã viết trong Ngôn ngữ của hình và màu sắc: “Màu sắc là biểu hiện phức tạp nhất của nhận thức và cảm thụ thị giác, màu tác động một cách phức tạp, tinh vi, rất nhanh nhạy vào tâm lý và gây ra xúc cảm, gây liên tưởng, xây dựng tình cảm con người mạnh mẽ để nói lên tầm quan trọng và khó làm chủ của yếu tố này. Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách bên cạnh việc sử dụng các yếu tố thẩm mỹ thuật cơ bản như điểm, nét, mảng, khối… thì màu sắc luôn là vấn đề quan tâm của người họa sỹ. Trong tổng thể chung nó đóng vai trò như một thành tố vừa không thể tách rời vừa có tính độc lập. Trên bìa “Màu sắc cua chữ cũng là vấn đề quan trọng, không kém gì việc lựa chọn kiểu dáng chữ”.Vì vậy màu và độ đậm nhạt của chữ khi kết hợp với các thành phần minh họa khác chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của ấn phẩm về thẩm mỹ.
Trước đây do hạn chế về công nghệ nên đa phần chữ chỉ có một màu và ở dạng mảng bẹt. Nếu có từ 2 đến 3 màu thì các màu bắt buộc phải nằm riêng rẽ trên từng mảng chứ không ăn nhập, hòa chuyển vào nhau do phải dùng nhiều khuôn để in. Có thể lấy trường hợp tên sách của bìa Chiếc áo cưới màu hồng làm ví dụ. Cụm từ Áo cưới và Màu hồng nằm trên một mặt phẳng thì phải dùng kỹ thuật chồng phim phức tạp nhưng trông cũng không được tự nhiên. Việc chuyển đậm nhạt, sắc độ trên cùng một bề mặt chữ hay hiệu ứng bóng đổ là không thể thực hiện.
Chiếc áo cưới màu hồng - Nxb Dân ta (1957)
Màu sắc của nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách so với các giai đoạn trước đã có nhiều thay đổi. Đạt được những tiến bộ vượt bậc có thể nhận biết qua các đặc điểm:
Chữ được xử lý trên bề mặt, có nhiều màu, được chuyển đậm nhạt hay thể hiện các chất liệu.
Họa sỹ có thể thực hiện trên bề mặt chữ việc chuyển đậm nhạt hoặc tả chất liệu một cách dễ dàng như trường hợp chữ Say sắc trông giống kim loại trong bìa sách cùng tên của Nxb Phụ nữ (2007), giải Bìa đẹp năm 2008. Tạo hiệu ứng bóng đổ màu xám trên nền trắng của bìa cuốn Truyện Kiều, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (2007), giải Vàng Sách đẹp năm 2008.
Say sắc - Nxb Phụ nữ (2007)
Truyện Kiều - Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (2007)
Đa phần nghệ thuật chữ trên bìa sách trong và ngoài giải thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam đều sử dụng chữ cùng màu. Những màu này có thể là trắng, đen hay màu khác… tùy theo ý tưởng thiết kế. Tuy nhiên đôi khi có những trường hợp nghệ thuật chữ được dùng nhiều màu khác nhau cho một từ, một dòng hoặc áp dụng hiệu ứng chuyển sắc độ khiến chữ như được chiếu sáng trên bề mặt. Cuốn Đại Nam thực lục, Nxb Văn hóa Văn nghệ, giải Bìa đẹp năm 2012 có kiểu chữ không chân nét đều. Chuyển màu từ vàng sang nâu vàng để tạo vẻ hoàng kim rất hợp với nội dung và các chi tiết cổ xưa minh họa trên bìa. Tương tự với bìa Bà chúa kho, Nxb Kim Đồng, màu của tên sách được chuyển từ vàng sang vàng sáng (Chúa) làm người xem có cảm giác như phản quang từ những thỏi vàng, thỏi bạc hắt lên.
Đại Nam Thực Lục - Nxb Văn hóa Văn nghệ (2011)
Đi theo một hướng hoàn toàn mới, bìa cuốn Họ trở thành nhân vật của tôi, Nxb Trẻ (2012), giải Bìa đẹp năm 2013 đã thiết kế tên các nhà văn thành mảng chữ màu xám uốn lượn tạo hiệu ứng 3 chiều. Mảng chữ này có tác dụng độ đậm nhạt khác nhau làm chủ đạo, bố cục chung của bìa trở nên đơn giản, không bị rối tuy sử dụng nhiều lớp mảng và kiểu chữ.
Họ trở thành nhân vật của tôi - Nxb Trẻ (2012)
Cách chuyển sắc độ nói trên cũng được áp dụng nhiều cho nghệ thuật chữ của bìa các ấn phẩm nằm ngoài hệ thống giải. Bìa sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình, Nxb Thế giới (2012) có dòng tên sách màu xanh nhạt được làm mờ dần từ trên xuống dưới. Bìa sách Công nghệ Nanô, Nxb Khoa học và Kỹ thuật (2004). Bề mặt chữ Công nghệ Nanô được chuyển màu vàng đậm nhạt xen kẽ theo hướng xiên từ dưới lên trên. Khiến khi nhìn, bề mặt chữ như chuyển động theo nhịp, hay gợn sóng. Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, Nxb Chính trị Quốc gia (2008), có chữ Địa danh hành chính chuyển từ màu gạch non nhẹ nhạt, đậm dần từ dưới lên trên. Màu chữ Nam bộ cũng được chuyển khá phức tạp. Không chỉ từ gạch non nhẹ sang xanh mà còn có sắc độ trung gian màu tím nhẹ xen ở giữa.
Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình - Nxb Thế giới (2012)
Nhìn chung nghệ thuật chữ trên bìa sách đều có màu sắc tươi tắn, trong trẻo do thành tựu của kỹ thuật in công nghệ số. Màu nghệ thuật chữ đạt tới sự hài hòa với màu sắc chung của bìa và được thiết kế phù hợp nội dung của từng thể loại, đề tài. Ví dụ như nghệ thuật chữ trên bìa sách thiếu nhi thì tươi vui, với các hòa sắc tương phản mạnh mẽ. Trên các sách nghiên cứu, văn học… thì trang nhã, êm ái, nhẹ nhàng với các hòa sắc tương đồng. Truyện phiêu lưu, trinh thám thì thường dùng những màu gợi cảm giác tò mò kỳ bí. Chưa kể có những màu tạo hiệu ứng đặc biệt như tỏa sáng ra từ một điểm hay chuyển xen kẽ như gợn sóng… mà các công nghệ cũ không thể nào tin được.
- Bùi Quang Tiến -
>>> Cấu trúc của nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách
>>> Nghệ thuật trang trí bìa sách chữ quốc ngữ
>>> Nghệ thuật chữ trong quảng cáo