Họa tiết Boteh
Boteh (Ba Tư: بته), hoặc buta (Azerbaijan: Buta), là một mô típ hoa văn trang trí có dạng của hạt hạnh nhân hoặc quả thông hình nón và kết thúc với một đường cong vút sắc nhọn ở phần cuối cùng bên trên. Họa tiết này có lẽ có nguồn gốc từ Ba Tư, nhưng lại rất phổ biến ở Ấn Độ, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác ở Cận Đông.
Theo những chiếc khăn choàng Kashmir (Ấn Độ), họa tiết Boteh lan rộng sang châu Âu, đã trở nên rất phổ biến ở phương Tây trong thế kỷ 18 và thế kỷ 19; ở nơi đây loại hoa văn này được sử dụng và gọi là paisley (họa tiết những cánh hoa cong vút) vì sau đó vùng Paisley, Renfrewshire ở Scotland đã trở thành một trung tâm chính tạo tác nên các họa tiết, hoa văn này với những mô phỏng mang tính địa phương.
Trong trang trí châu Á, các họa tiết Boteh tiêu biểu thường được đặt thành hàng lần lượt theo thứ tự, mặc dù ở Ấn Độ, chúng có thể xuất hiện trong một đồ án với nhiều kích cỡ, màu sắc, quay về những hướng khác nhau, đan xen và đây cũng là đặc điểm của các hình mẫu paisley của châu Âu.
Lịch sử
Mặc dù nguồn gốc Bái hỏa giáo được đề xuất cho họa tiết này, nhưng boteh không được tìm thấy trong những ngôi đền thờ lửa xa xưa còn hiện tồn của tín niệm này. Bên cạnh đó, có thể thấy boteh chạm khắc trên các cột trụ của nhà thờ Hồi giáo Haji Piyada, tỉnh Balkh, miền Bắc Afghanistan, được xây dựng vào thế kỷ thứ 9.
Một số học giả chuyên về những đồ án/thiết kế tin rằng buta là sự hội tụ giữa một cành hoa nhỏ cách điệu và cây bách: một biểu tượng của Bái hỏa giáo về cuộc sống và sự vĩnh hằng. Cây tuyết tùng “uốn cong” cũng là một dấu hiệu cho sức mạnh và sự đối kháng/chống cự nhưng khiêm tốn. Các họa tiết hoa văn có nguồn gốc từ triều đại Sassanid và sau đó là triều đại Safavid của Ba Tư (1501-1736), và là một hoa văn chính trên vải ở Iran trong suốt các vương triều Qajar và Pahlavi.
Trong những giai đoạn này, hoa văn boteh đã được sử dụng để trang trí trên biểu chương/y phục hoàng gia, vương miện, và quần áo của triều đình, cũng như hàng dệt may được sử dụng bởi người dân nói chung. Các đồ án thiết kế của Ba Tư và Trung Á thường sắp xếp các họa tiết theo hàng một cách trật tự, với nền đơn giản chỉ một màu trơn.
Sau đó, những công ty nhập khẩu từ Đông Ấn đã giới thiệu ở châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 17 đã khiến họa tiết boteh và các mẫu hoa văn khác của Ấn Độ trở nên phổ biến, khiến cho các công ty cung không đủ cầu, và boteh cũng trở nên phổ biến ở các quốc gia Baltic từ giữa những năm 1700 đến những năm 1800 và cho là được sử dụng như bùa hộ mệnh để xua đuổi ma quỷ.
Theo đó, các nhà sản xuất địa phương ở Marseille đã bắt đầu sản xuất hàng loạt các mẫu hoa văn thông qua các quy trình in vải ban đầu diễn ra vào năm 1640. Ở Anh vào khoảng những năm 1670 và Hà Lan theo ngay sau đó vào năm 1678. Do đó, lần lượt, những người thợ dệt châu Âu phải cạnh tranh khốc liệt hơn để đáp ứng như cầu, và sắc lệnh hoàng gia Pháp từ năm 1686 đến năm 1759 nghiêm cấm việc sản xuất và nhập khẩu in ấn các họa tiết hoa văn là những đường cong hình cánh hoa paisley.
Tuy nhiên, việc thực thi vào cuối thời kỳ đó là khá lỏng lẻo và Pháp đã có ngành công nghiệp sản xuất vải in vào đầu năm 1746 tại một số địa phương. Paisley không phải là thiết kế duy nhất được sản xuất bởi công nghiệp in vải của Pháp; nhu cầu về paisley tạo ra ngành công nghiệp nơi đây hình thành nên khả năng sản xuất cho cả các mẫu hoa văn bản địa như toile de Jouy.
Vào thế kỷ 19, sản xuất paisley của châu Âu gia tăng, đặc biệt là ở Scotland từ đó mà hoa văn này đã mang tên paisley như hiện tại. Những người lính trở về từ các nước thuộc địa cũng đã mang về những chiếc khăn san (bằng len) casơmia từ Ấn Độ, và Công ty Đông Ấn gia tăng nhập khẩu nhiều hơn. Thiết kế được sao chép từ những chiếc khăn Kashmir bằng lụa và len đắt tiền được tiếp nhận trước tiên chúng được tạo tác trên các khung cửi, và sau năm 1820 là trên khung cửi Jacquard.
Từ khoảng những năm 1800 đến năm những năm 1850, người thợ dệt của thị trấn Paisley ở Renfrewshire (Scotland) đã trở thành nhà sản xuất những chiếc khăn choàng paisley hàng đầu. Bổ sung độc đáo cho khung cửi dệt vải thủ công bằng tay và khung cửi dệt vải Jacquard cho phép họ tạo tác với năm màu trong khi hầu hết những người thợ dệt hiện tại lúc bấy giờ chỉ sử dụng duy nhất hai màu. Đồ án thiết kế này được biết như là hoa văn paisley. Đến năm 1860, paisley được tạo tác trên khăn choàng với 15 sắc màu, vẫn chỉ bằng một phần tư màu trong vòng tròn màu sắc trong khi những hoa văn paisley đa sắc vẫn được nhập khẩu từ Kashmir.
Ngoài vải dệt khung cửi, thị trấn Paisley trở thành một địa điểm chính để sản xuất vải bông in và len vào thế kỷ 19, theo Bảo tàng và trưng bày mỹ thuật Paisley. Hoa văn paisley đã được in thay vì dệt trên các mặt hàng may mặc khác, bao gồm cả hình vuông trên vải bông là tiền thân của khăn rằn/khăn tay lớn in hoa sặc sỡ hiện đại. Paisley in cho giá thành rẻ hơn so với paisley dệt đắt tiền và điều này đã bổ sung thêm vào sự phổ biến của nó. Những nơi quan trọng trong việc in ấn paisley là Anh và vùng Alsace của Pháp.
Tại Thế vận hội mùa đông 2010, đội của Azerbaijan đã mặc những chiếc quần paisley nhiều màu sắc. Đó cũng là biểu tượng của World Cup FIFA U-17 Women 2012/Bóng đá nữ thế giới FIFA U-17, được tổ chức tại Azerbaijan.
Sử dụng
Những họa tiết Boteh vẫn có thể được tìm thấy trên các chiếc thảm của Ba Tư, thảm/mền Ireland, khăn choàng và vải dệt kalaghai, tranh vẽ ứng dụng mỹ thuật trang trí của Iran mở rộng (Iran, Azerbaijan,…) và cả trong trang trí cho các di tích kiến trúc. Nó phổ biến rộng rãi ở Ganja, Azerbaijan, là nơi không thể thiếu với những nghệ phẩm thảm trang trí.
Họa tiết boteh được dệt bằng những sợi chỉ vàng hoặc bạc trên lụa hoặc hàng dệt chất lượng cao khác để làm tặng phẩm, cho đám cưới và những dịp đặc biệt. Ở Iran và Uzbekistan, việc sử dụng nó ngoài quần áo, với tranh vẽ, đồ trang sức, bích họa, rèm cửa, khăn trải bàn, mền, thảm, trong cảnh quan sân vườn và trên đồ gốm cũng thể hiện đồ án/thiết kế buta. Ở Uzbekistan, mặt hàng thường thấy nhất là chúng được thiết kế trên những chiếc mũ truyền thống do#ppi.
Ở Tamil Nadu, manga maalai (vòng cổ xoài) đi cùng khuyên tai là một nét truyền thống của điệu nhảy bharathanatyam. Đây là một thiết kế/đồ án nổi bật trong Kanchipuram saris. Đôi khi nó được liên kết với Hindu giáo.
Trong những ngôn ngữ khác
Những từ tiếng Pháp hiện đại để chỉ paisley là boteh, cachemire (“cashmere”/ khăn san (bằng len) casơmia; không viết hoa, có nghĩa là “Kashmir, vùng/miền”) và palme (“cây cọ”, cùng với thông và cây bách – là một trong những truyền thống họa tiết thực vật được cho là đã ảnh hưởng đến hình dạng của yếu tố paisley như ngày nay đã được biết đến).
Trong các ngôn ngữ khác nhau của Ấn Độ và Pakistan, tên của đồ án thiết kế này có liên quan đến từ chỉ xoài:
– Trong tiếng Bengal: kalka
– Ở Andhra: mamidi pinde’, hoa văn xoài non
– Trong tiếng Tamil: mankolam, đồ án/hoa văn xoài
– Trong tiếng Marathi: koyari, hạt xoài
– Trong tiếng Hindi/Urdu: carrey hoặc kerii, có nghĩa là xoài xanh
– Trong tiếng Punjab: ambi, từ amb, xoài.
Trong tiếng Trung, nó được biết đến như “đồ án bắp đùi khủy chân sau của động vật” (tiếng Trung: 火腿 纹; bính âm: huǒtuǐwén). Ở Nga, trang trí này được biết như là “cây/quả dưa chuột” (огурцы). Còn boteh là một từ Ba Tư có nghĩa là bụi cây, chùm lá hoặc nụ hoa.
- Huỳnh Thanh Bình -
>>> Bố cục và họa tiết trong nghệ thuật trang trí Islam
>>> Các loại họa tiết trong tranh Hàng Trống (Phần 1)