Hiệu quả tạo hình của các chất liệu nề họa – khảm sứ
trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn
Trong nghệ thuật trang trí truyền thống của dân tộc, nhiều chất liệu tạo hình đã được phối hợp sử dụng và tạo nên những cấu trúc mới lạ về không gian – hình tượng nghệ thuật trang trí. Trong nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn tại Huế, nghệ thuật khảm sứ trên các cung điện, lăng tẩm, đền miếu,… đã có sự phối hợp với nề họa để tạo nên hiệu quả trang trí tổng thể độc đáo cho công trình kiến trúc.
* Chất liệu nề họa:
Các nhà mỹ thuật vẫn gọi tranh nề họa (hay tranh tường) theo cách gọi và thuật ngữ của người Hy Lạp là Fresco (tiếng Pháp: fresque – Bích họa, tranh nề) với nguyên nghĩa là chỉ tình trạng và kỹ thuật tươi, ướt, chưa khô hẳn. Phương pháp vẽ tranh tường cổ điển của người Châu Âu là dùng sắc tố hay còn gọi là bột màu được vẽ với nước không keo lên nền vữa ướt (vôi với cát mịn). Màu thấm qua lớp mặt nền và khi khô sẽ tạo được độ bền chắc như chính lớp vữa nền. Kỹ thuật này được gọi là fresco buono (bích họa chính thống) để phân biệt với tranh vẽ trên tường khô được gọi là fresco secco hay một cách vắn tắt là secco. Lối vẽ màu khô với keo thường phổ biến ở Châu Á.
Long mã tại đình làng ngoại ô Huế
Ở Việt Nam, nề họa là kỹ thuật không phổ biến, nó là chất liệu “sinh sau, đẻ muộn” hơn so với nhiều chất khác, nhưng các nghệ nhân Việt Nam có một lối nề họa riêng, khác với kỹ thuật vẽ nề họa chính thống của phương Tây. Lối vẽ của nghệ nhân Việt Nam cũng là lối vẽ trên nền vữa ướt nhưng chất liệu làm nền rất khác với kỹ thuật (fresco buono). Việc trang trí công trình kiến trúc vào thời Nguyễn khá phổ biến, do yêu cầu phát triển của xây dựng và trang trí kiến trúc, những người thợ nề giỏi khắp nước được trưng tập về kinh đô làm việc. Họ thuộc Bộ công quản lý, tổ chức và điều hành trong nê ngõa tượng cục (NÊ: dùng để chỉ ngành thợ nề; NGÕA: là ngói; TƯỢNG CỤC: là một tổ hợp gồm đội ngũ những người thợ lành nghề hoạt động trong các công trường thủ công thời phong kiến).
Phụng tại Thái Bình lâu
* Chất liệu khảm sành sứ:
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nghệ thuật khảm sành sứ Huế được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI – XVII. Đó là giai đoạn các chúa Nguyễn đã thiết lập ở Đàng Trong những dinh thự, phủ chúa, đó là những công trình kiến trúc tồn tại lâu bền cần trang trí cầu kỳ, lộng lẫy.
Nghệ thuật khảm sành sứ vốn có cội nguồn từ đời sống bình dân, từ xa xưa người dân ở các làng quê đã dùng những mảnh sành sứ từ các bình gốm vỡ để trang trí khảm ghép. Từ nhu cầu thiết thực của việc trang trí mà các nghệ nhân đã sử dụng mảnh sứ, gốm sứ, gốm thô, mảnh sành và sau này mảnh chai lọ, … khảm, ghép lại thành các sản phẩm trang trí ở các chùa chiền, am miếu, nhà cửa như cổng nhà, đầu hồi, bờ mái, các bức đại tự, bình phong, non bộ, chậu cây cảnh, bình phong, bể cạn,… rất phổ biến trong các làng xã ở Huế. Vì lẽ đó, trong các chất liệu tạo hình trang trí kiến trúc cung đình Huế, khảm sành sứ là chất liệu mang tính bình dân hơn cả.
Dơi khảm sứ tại Cung Trường Sanh
Tranh “Bát tiên quá hải” của cụ Cửu phẩm Trương Văn Lập
Chân dung Cửu phẩm Trương Văn Lập – Người nghệ nhân khảm sứ cuối cùng của triều Nguyễn
Sau năm 1802 khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lập vương triều Nguyễn, việc xây dựng kinh đô mới được đặt ra khẩn thiết, tạo điều kiện cho nghệ thuật trang trí – hội họa – điêu khắc trong đó có thể loại khảm sành sứ phát triển. Trước yêu cầu to lớn của việc xây dựng kinh thành mới, nhà Nguyễn đã trưng tập nhiều thợ giỏi khắp nước về kinh đô, trong đó có những người thợ nề khảm được gọi từ xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Nam. Với những điều kiện thuận lợi về vật chất và các yêu cầu thẩm mỹ cao của triều đình, nghệ thuật khảm sành sứ Huế đã có những bước phát triển nhảy vọt. Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nghệ thuật khảm sành sứ trở thành một trong những chất liệu quan trọng trong biểu cảm giá trị và nội dung của các công trình kiến trúc, phản ánh xu hướng thẩm mỹ cung đình, những sắc thái văn hóa, tâm linh của cả một thời đại phong kiến.
Mỗi chất liệu nghệ thuật có những đặc trưng, đòi hỏi những phương pháp, kỹ thuật riêng. Có nhiều kỹ thuật và cách xử lý chất liệu khi ghép mảnh sành sứ lên bề mặt của kiến trúc nơi cần trang trí, liên quan chặt chẽ trong hình thức – kỹ thuật với chất liệu nề vữa. Trên những khung hình ô hộc ở cửa Chương Đức (Đại Nội) có nhiều vết vỡ, sứt, gãy nhưng những mảnh sứ còn lại vẫn giữ độ bề về màu, độ bền về tính năng vật liệu rất cao, những mạch ghép nối, liên kết vật liệu vẫn rất sát và có độ kết dính chắc chắn. Hỗn hợp chất liệu gắn kết này có từ dân gian, việc dùng vôi hàu trộn với cát, giấy dó và mật mã đã tạo thành một thứ vữa quánh dẻo, bền chắc, chịu được nắng mưa lâu dài. Một số nhà nghiên cứu khác còn cho biết thêm trong chất kết dính còn có cả lá và nhựa cây bời lời, giấy dó, rơm cọng vàng, bông hoa cẩn, dây tơ hồng. Tỷ lệ giữa các chất kết hợp phụ thuộc vào kinh nghiệm của các lớp nghệ nhân, các phường thợ. Tuy nhiên vôi là chất liệu chủ đạo, vì vậy việc làm vôi, lọc vôi và tỷ lệ của chúng trong tổng hợp các phụ gia thế nào là bí quyết của từng phường thợ. Ngoài ra, tùy theo đề tài, loại vật liệu, vị trí cần trang trí mà nghệ nhân điều chế công thức tỷ lệ chất kết dính cho hợp lý.
Khảm sứ và nề họa tại điện
Trang trí khảm sứ tại lăng Kiên Thái Vương
Hiệu quả tạo hình trong thể loại khảm sành sứ - nề họa khảm sứ là một chất liệu quan trọng, phổ biến trong trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn nhưng không phải bất cứ vị trí nào của kiến trúc cũng có thể đặt khảm sứ vào cho phù hợp. Do đặc tính của độ bền, độ sáng bóng và tính chất “mảnh vụn” của chất liệu mà khảm sứ có thế mạnh về diễn tả những sự vật, hiện tượng cần có sự biểu cảm về chất và gợi tưởng về bản chất của vật thể. Như các bình hoa, bút nghiên, quạt, con chim trĩ, … ở điện Khái Thành (Lăng Khải Định), mâm ngũ quả, chim phụng, hoa văn hoa thị ở cung Trường Sanh, cung Diên Thọ,… Tuy nhiên ở các bình diện biểu đạt có không gian rộng lớn, hoành tráng thì khảm sành sứ khó biểu đạt hơn, nhất là khi muốn diễn tả chiều sâu không gian hoặc sự trong trẻo, mờ ảo của cảnh vật trong các tranh diễn tích như Lã Vọng câu cá, Ngư ông đắc lợi, Mục đồng, Tuế hàn tam hữu… Trong những trường hợp như vậy, nề họa đã thay thế để phối hợp với khảm sứ để tạo dựng các lớp không gian khác nhau.
Khảm sứ màu và nề họa tại cổng cung Trường Sanh
Chi tiết khảm rồng tại lăng Kiên
Khảm sứ màu và nề họa tại bình phong lăng bà Lệ Thiên Anh
Do vậy, người vẽ cần khéo léo, tự tin và biết phân bổ thời gian hợp lý. Hơn nữa, các nghệ nhân phải vẽ và khảm từng mảng sứ màu trực tiếp làm đến đâu xong đến đó. Màu nề họa thời Nguyễn sử dụng các chất từ các sắc tố thiên nhiên để vẽ cho dù chúng có thể bị nhạt màu hơn khi khô nhưng lại bền màu.
Bức tranh khảm sành sứ - nề họa có thể thể hiện được sâu sắc hình ảnh cần mô tả. Trong đó đồng thời phát huy được thế mạnh của hai chất liệu. Về khảm sứ là tính chính xác, tinh tế của mảnh ghép, độ quý của màu men thể hiện được nội dung điển tích. Về nề họa, ngoài việc góp phần làm tôn vẻ đẹp của khảm sứ, tiếp ứng cho các họa tiết trang trí hay chi tiết hình tượng, nề họa còn tạo ra phần nền và lớp không gian phẳng cho khảm sứ. Chính vì vậy không gian trang trí được mở rộng, tạo hiệu quả nghệ thuật. Nề họa tạo ra sự liên kết thống nhất trong các mảng trang trí theo ô hộc cở các dải, cổ diêm, gờ mái hay các bình phong. Đây là một loại hình bố cục trang trí phổ biến trong kiến trúc thời Nguyễn. Thông thường, ở các cổ diêm, các ô hộc đã được phân định và trang trí phải tuân thủ hình thức bố cục “nhất thi, nhất họa” xen kẽ. Như vậy trong phối hợp với khảm sứ, chất liệu nề họa không những đã tạo ra không gian khép kín của một bức tranh khảm sứ cụ thể, trong một điểm tích cụ thể mà nhìn ở bố cục tổng thể, nề họa còn liên kết các phần khảm sứ khác nhau để tạo nên một không gian thống nhất cho công trình kiến trúc.
Khảm sứ màu, tô nền tại cung Diên Thọ
Cùng với sự vận động của nét, màu sắc của sành sứ - nề họa là một trong những yếu tố đem lại hiệu quả nghệ thuật rất cao cho các họa tiết trang trí kiến trúc. Tại cung Trường Sanh cho thấy sự mở rộng của bảng màu khảm sành sứ từ nền nề họa trang trí. Việc xây lăng Khải Định đã thành một cơ hội cho những người nghệ nhân khảm sành sứ phát huy được tài năng của mình trên cơ sở cốt lõi truyền thống và mạnh dạn sử dụng, cải biến những chất liệu khảm mới như thủy tinh màu, thủy tinh trong ốp trên nề màu. Điều đó thể hiện rõ ở đầu thế kỷ XX, với sự thâm nhập của nhiều vật liệu sành sứ đã được bổ sung thêm nhiều màu mới, xa lạ với truyền thống. Tuy vậy, khi ghép các chất liệu mới này trong không gian nề họa thì chúng trở nên gắn bó với họa tiết trang trí theo mỹ cảm phương Đông với bảng màu quen thuộc.
Có nhiều trường hợp ta thấy hiệu quả nghệ thuật được nâng lên rất rõ khi nghệ nhân xử lý một mảnh, cụm sứ màu hợp lý, chọn lọc. Điển hình là ở mắt chim phụng trên bình phong ở cung Trường Sanh, chỉ một mảnh sứ màu với chấm hoa văn đen được ghép chéo góc đã làm hiện ra một mắt chim phụng sinh động và làm linh hoạt cả một quần thể trang trí. Nhiều chi tiết khác ở Lăng Khải Định, Lăng bà Lệ Thiên Anh, Lăng Kiên Thái Vương được thể hiện sắc sảo, tinh tế cũng qua sự dày công cắt gọt, tìm tòi, chọn lựa những mảnh gốm sứ thích hợp với tiết diện trang trí, kết cấu hình thể và sắc màu chủ đạo. Điều này thấy rõ qua xử lý trang trí hoa thị, hoa sen, hoa cúc, đầu rồng, đầu phụng, cá chép, bát quái.
Ngày nay, quần thể kiến trúc cung đình thời Nguyễn đã là di sản văn hóa thế giới, việc nghiên cứu trùng tu, phục chế có yêu cầu về trang trí, phục chế, khảm sứ - nề họa. Đây cũng là một thách thức đối với các nghệ nhân hiên nay khi họ phải phục chế những tác phẩm khảm sành sứ trong kiến trúc cung đình xưa. Chính vì vậy, cần nắm vững hơn các nguyên lý tạo hình truyền thống, nắm bắt đầy đủ các thuộc tính phối hợp chất liệu, biết lường trước các hiệu quả trang trí – tạo hình thì việc trùng tu, phục chế sẽ đạt được kết quả khả quan hơn, bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc trong đời sống văn hóa hiện nay.
Dơi khảm sứ và nề họa tại Duyệt Thị đường
Mặt hổ phù tại cổng Hiển Nhân
Chi tiết khảm rồng tại lăng Kiên Thái Vương
- Phan Thanh Bình -
>>> Nề họa trong hội họa hoành tráng
>>> Lịch sử nề họa