Kỹ thuật vẽ bút sắt

Bút sắt là loại bút có quản gỗ hay nhựa, ngòi sắt, đồng hay thép, dùng để chấm mực viết và vẽ.

Trong mỹ thuật, tranh bút sắt là một thể loại đồ họa, dùng bút sắt chấm mực vẽ lên giấy. Bút sắt chỉ tạo ra các nét mực rõ ràng, không nhấn nhá được đậm nhạt kiểu bút chì. Muốn diễn tả cho sâu và phong phú, ta chỉ còn cách phối hợp từ nét đơn đến đan nét. Đa số tranh bút sắt chỉ có 1 màu mực (và tốt nhất là dùng màu đen).

* Lịch sử tranh bút sắt:

- Giấy: Cách đây gần 5000 năm, người Ai Cập cổ đại đã sản xuất được một loại giấy ép từ thân cây sậy gọi là papyrus, mặt giấy có thớ ngang là mặt phải, thớ dọc là mặt trái. Họ dùng giấy papyrus để viết và vẽ minh họa. Cuộn giấy papyrus có văn tự và hình vẽ cổ nhất trong lịch sử nhân loại có niên đại 2400 năm trCN. Đến thế kỷ VII trCN, giấy papyrus được nhập vào Hy Lạp và từ sau thế kỷ III trCN thì đã được dùng phổ biến ở Hy Lạp cổ đại, rồi La Mã cổ đại và sau đó lan rộng trên toàn đế quốc La Mã ở khắp Nam Âu và Địa Trung Hải. Trong khi đó, người Trung Quốc phát minh ra giấy năm 105 sau CN và giữ bí mật công thức chế tạo, nhưng đến thế kỷ VIII thì người Arập lấy được bí quyết và sản xuất để rồi sau đó lại bị lộ công thức cho người châu Âu. Đầu thế kỷ XII, những xưởng làm giấy theo công thức này ra đời tại châu Âu – đây là tiền thân của các loại giấy công nghiệp ngày nay – mà trong số đó, giấy canson mặt sần của Pháp là loại giấy tốt nhất để vẽ tranh bút sắt và màu nước.

- Bút: Chính người Ai Cập cổ đại cũng đồng thời chế tạo ra bút để viết và vẽ từ thân cây sậy (calame) bằng cách gọt nhọn một đầu. Sau đó kiểu bút này phổ biến khắp Hy Lạp rồi La Mã cổ đại. Tuy nhiên, bút sậy cứng, giòn, ngậm mực ít, nét hơi thô và dễ làm xước mặt giấy. Đến thế kỷ VI, người châu Âu chuyển sang dùng bút lông ngỗng (loại lông to ở cánh) vì loại này đàn hồi hơn, có thể gọt giũa ngòi tinh tế hơn (nét rất nhỏ hoặc khá dày), đựng mực nhiều hơn nên viết lâu hơn mới phải chấm mực. Trong nhiều thế kỷ, các cha đạo đã dùng bút lông ngỗng để chép và minh họa kinh thánh. Thời Phục Hưng (thế kỷ XIV, XV, XVI) từng có 2 trường phái: kiểu viết Florence nét thanh mảnh, uốn lượn; kiểu Venise nét cứng, thẳng và đậm hơn. Đến thế kỷ XIX, phương Tây mới phát minh ra ngòi bút sắt để thay thế cho ngòi bút lông ngỗng. Khác với lông ngỗng, ngòi sắt có thể chế tạo hết sức phong phú: dập, uốn, đúc, ghép… nên có thể tạo ra rất nhiều kiểu ngòi cứng – mềm, rộng – hẹp, dày – mỏng khác nhau với các mức độ ngậm mực nhiều – ít khác nhau… và tất nhiên sẽ tạo ra nhiều hiệu quả của nét bút, phục vụ nhiều kiểu viết và vẽ tranh bút sắt. Đến thế kỷ XX, bút máy rồi bút bi (thậm chí máy vi tính) đã thay thế bút sắt để viết chữ, như thể loại tranh bút sắt vẫn tồn tại với các loại ngòi sắt (kiểu cũ), bút máy có ngòi để vẽ, bút kim…

- Mực: Ở Ai Cập cổ đại, mực chế bằng muội khói trộn keo. Loại mực này vẫn bền cho đến tận ngày nay, tuy thô và sạn. Từ thế kỷ IV sCN, ở La Mã có thêm loại mực hóa chất màu nâu. Đến thế kỷ XIX, người châu Âu có thêm nhiều loại mực sản xuất công nghiệp.

Ngày nay, để vẽ tranh bút sắt, không nhất thiết phải dùng bút sắt chấm mực mà ta có thể dùng thẳng bút máy có lắp loại ngòi để vẽ hay bút kim.

* Tranh bút sắt của phương Tây: Ở phương Tây, từ thời Trung cổ (trước thế kỷ XIV), người ta dùng bút ngỗng để viết chữ và cũng tiện thể vẽ hình minh họa trên giấy, nếu cần. Đó là tiền thân của tranh bút sắt. Kể từ thời Phục Hưng (thế kỷ XIV, XV, XVI) cho đến thế kỷ XVIII, khá nhiều họ a sĩ nổi tiếng đã vẽ ký họ a và phác thảo bằng bút lông ngỗng như Leonardo da Vinci, Albrecht Durer, Rembrandt, Francisco Goya. Đến thế kỷ XIX, người ta chuyển sang viết chữ và vẽ hình minh họa trên giấy bằng bút có ngòi sắt. Do sự phát triển ngày càng đa dạng của khoa học và nghệ thuật, bút sắt được dùng để vẽ các bản vẽ kỹ thuật, kiến trúc, đồng thời trở thành một thể loại tranh đồ họa độc lập. Một số danh họa từng thành công trong thể loại tranh bút sắt như Matisse, Picasso…Ưu điểm của bút sắt là hình hài luôn rõ nét, sắc sảo, đặc biệt rất thích hợp với phong cảnh có kiến trúc hay phóng tác một hình thể di động.

* Tranh bút sắt ở Việt Nam: Vốn là sản phẩm của phương Tây nên những tranh bút sắt đầu tiên xuất hiện ở nước ta là các bản ghi chép cảnh vật và phong tục của người Việt do các thương nhân, sứ giả hay cha cố Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp vẽ (sau này được chuyển sang khắc đồng) vào các thế kỷ XVI, XVII, XVIII ở Đàng Trong hay Đàng Ngoài. Từ cuối thế kỷ XIX cũng đã có khá nhiều tranh bút sắt cảu Pháp vẽ cảnh vật và con người ở xứ thuộc địa Đông Dương. Từ đầu thế kỷ XX, cùng với việc Pháp cho thành lập các trường Kỹ nghệ thực hành, Mỹ nghệ, Mỹ thuật, Viễn Đông Bác cổ… người Việt bắt đầu biết vẽ bút sắt, chủ yếu là các bản vẽ kỹ thuật, thiết kế kiến trúc và ký họa .

Bút sắt chỉ thực sự trở nên đáng chú ý vào thời kháng chiến chống Mỹ, khi nhiều ký họa chiến trận của các họa sĩ quân giải phóng miền Nam được gửi ra Bắc và triển lãm (1960-1975). Trong số đó có các ký họa bút sắt của Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu…

Hiện nay bút sắt vẫn được sử dụng khá thường xuyên trong các bản vẽ thiết kế kiến trúc.

Trong lĩnh vực đồ họa tạo hình Việt Nam đương đại, hiện có một số họa sĩ chuyên vẽ tranh bút sắt như Lý Cao Tấn, Văn Nhiệm, Lại Lâm Tùng, Nguyễn Đức Nha, Nguyễn Thị Oanh (cùng ở Cà Mau), Lê Huy Trấp (Hà Nội), Nguyễn Minh Đạt (Bắc Ninh)… Đáng chú ý trong số đó có 2 họa sĩ Lê Huy Trấp và Lý Cao Tấn từng được một số giải thưởng cấp quốc gia và khu vực về tranh bút sắt.

* Chất liệu bút sắt:

- Ngòi bút: Hiện nay ở Việt Nam, chúng ta có thể sử dụng các loại ngòi bút sau: Ngòi sắt nội địa để viết cho học sinh tiểu học (mà cũng có thể vẽ); Bút kim; Bút dạ kim; Bút máy lắp ngòi để vẽ; Cành tre vót nhọn; Ngòi sắt ngoại nhập (Tất nhiên ngòi sắt ngoại nhập là tốt nhất, cả về chất lượng lẫn kiểu cách. Đại thể có những loại ngòi ngoại như: ngòi ký họa, ngòi mỏ thép, ngòi viết mũi nhọn, ngòi viết mũi bằng, ngòi viết mũi tròn… Ngoài hiệu quả của nét (thanh, đậm, đều), các ngòi sắt ngoại đều chắc, đủ độ đàn hồi, ngậm mực tốt).

- Giấy: Thực ra bút sắt có thể vẽ trên nhiều loại giấy khác nhau như: giấy in báo, giấy can, giấy photocopy… thậm chí cả giấy dó. Tất nhiên, như trên đã nói, tốt nhất là giấy canson của Pháp vì đó là loại giấy chuyên dụng để vẽ, có độ dày và độ xốp thích hợp. Trong điều kiện nước ta hiện nay, các sinh viên có thể dùng một loại giấy công nghiệp nào đó, trắng, đủ độ dày và xốp là được.

- Mực: Có thể tìm mua các lọ mực đen, mực nho nước, mực can có sẵn trên thị trường tốt nhất là mực ngoại nhập (vì đen hơn và ít cặn). Cũng có thể mua mực đen chuyên dụng bán tại một số cửa hàng họa phẩm ở cổng các trường Mỹ thuật Yết Kiêu và Mỹ thuật Công nghiệp.

* Kỹ thuật vẽ bút sắt:

- Bước đầu: Phác hình bằng chì

Đã vẽ bút sắt là không thể tẩy xóa. Chỉ có những người rất thông thạo mới vẽ ngay lập tức bằng bút sắt. Với các sinh viên thì tốt nhất là nên phác trước bằng chì. Cách phác cũng giống như phác hình của một bài hình họa chì mà thôi. Tất nhiên nên phác nhẹ tay để cho khỏi lõm giấy (khi ngòi sắt đưa qua sẽ vấp) và khỏi đậm nét chì (sẽ không thấm mực).

- Các loại nét và chấm:

Trong tranh bút sắt thuần túy chỉ có nét và chấm là được chấp nhận. Thêm bất cứ gì khác vào đều sẽ sang kiểu tranh khác.

Nét mực bút sắt phải đều, rõ và không thể nhấn nhá kiểu bút chì. Nét ở đây chỉ có thể dài hay ngắn, to hay nhỏ, cong hay thẳng, đứt đoạn hay liền mạch mà thôi. Nếu cầu kỳ cũng có thể dùng 2 – 3 loại ngòi to nhỏ khác nhau trong cùng một bài. Nhưng thực ra cứ vẽ 1 loại ngòi, khi cần nét to ta đi lại nét lần nữa là được.

Ta dùng cách chấm khi cần vẽ các nét mờ, xa hoặc phải nhấn nhá một chi tiết nào đó. Cũng có trường hợp ta dùng nhiều chấm để tả chất. Điều khiển nét và chấm thế nào là ý định và khả năng của mỗi người vẽ.

- Dùng nét bút sắt lên hình cơ bản: Tất nhiên ta phải qua bước phác chì đã: chủ yếu là phải có sẵn các đường hình cơ bản rồi, như chu vì đầu, sống mũi, mắt, môi (nếu là bài vẽ đầu tượng) hay thân cây, cành cây, vách tường, cột điện (nếu là bài vẽ phong cảnh). Trên cơ sở ấy, ta vẽ các nét bút sắt đè lên để dựng xong khung hình cơ bản của bài vẽ. Vì đó là các nét hình chính nên ta có thể dặm lại nét một lần nữa cho rõ hơn, chuẩn hơn.

- Diễn tả bằng nét và chấm: Để diễn tả các độ đậm nhạt khác nhau của sự vật, ta có thể đan nét thưa hay mau, cùng chiều hay đa hướng. Biện pháp này giống như ta vẽ hình họa chì, chỉ khác là không tẩy được. Do đó cần phải luyện tập trước bằng các loại nét phối hợp để tả các diện – khối – hướng cũng như các độ sáng tối. Chỗ nào nét mờ hay thêm thắt chi tiết thì có thể dùng chấm. Bước đầu tập vẽ bút sắt đừng quá chú trọng vẽ các nét bay bướm, hãy theo nguyên tắc: đúng trước, đẹp sau. Chú ý: kể cả chỗ đậm nhất cũng chỉ nên đan bằng nét, không tô đen kịt (làm “chết” không gian).

- Nhấn và tỉa trọng tâm: Khi bài vẽ cơ bản đã xong, ta cần nhấn nhá thêm vào khu vực trọng tâm cho đẹp hơn. Đó có thể là mắt hay mũi (bài đầu tượng) hay thân và chạc cây (bài phong cảnh). Tùy theo thực tế đòi hỏi, ta có thể thêm nét hay các chấm cho đậm đặc chi tiết, cho nét hơn, nổi hơn… so với các chỗ khác trong bài.

- Nhược điểm của tranh bút sắt:

Không có các độ đậm nhạt hay mờ tỏ của từng nét. Nét nào cũng rõ, chỉ có thanh hay đậm, dài hay ngắn, cong hay thẳng, đứt đoạn hay liền mạch mà thôi. Chỉ có thể tạo độ đậm nhạt bằng mật độ nét và chấm thưa hay mau mà thôi.

Hết sức hạn chế vẽ mảng đen kịt (làm “chết” không gian). Dù tối đến mấy cũng phải đan bằng nét.

Tuyệt đối không “di” tay khi nét còn ướt (tranh sẽ rất bẩn).

Đã vẽ rồi thì không thể tẩy xóa (tranh bút sắt mà tẩy xóa thì bị cọi là phế phẩm). Do vậy cần tính toán cân nhắc kỹ trước khi vẽ và nên theo các bước: Vẽ dần từ nhạt đến đậm; Đan nét từ thưa đến mau; Bắt đầu đơn sơ, cuối cùng tỉa tót.

* Bài vẽ đầu tượng bằng bút sắt:

- Hiểu biết về những tỷ lệ cơ bản của đầu và mặt người: Dù đã học trong môn Giải phẫu tạo hình, chúng ta vẫn nên lưu ý một chút các tỷ lệ cơ bản. Ví dụ: đường trục mặt đi qua sống mũi, đường ngang mắt chia đôi mặt, từ chân tóc đến lông mày bằng từ lông mày đến chân mũi bằng từ chân mũi đến cằm, hai con măt cách nhau khoảng cách bằng chiều dài một con mắt…

- Xác định hướng vẽ và độ cao thấp của mắt ta so với mẫu: Không phải ai cũng có thể chọn chỗ đứng chính diện với đầu tượng. Do đó ta phải xác định hướng vẽ là nghiêng hay 2.3 hay 3.4 … thậm chí là sau gáy tượng. Trên cơ sở ấy ta sẽ xác định vẽ và tả cái gì là chính, đâu là trọng tâm.

Độ cao thấp cũng rất quan trọng. Nếu ta cao hơn đầu tượng thì các tuyến đường tưởng tượng đi ngang qua đôi lông mày hay qua đôi mắt của mẫu sẽ cong vồng xuống; ngược lại sẽ cong vồng lên.

- Khuôn khổ bài vẽ: Khuôn khổ bài vẽ sẽ do thầy cô giáo quy định. Nhưng vì đây là bài tập vẽ bút sắt đầu tiên nên tốt nhất là cỡ nhỏ, chỉ nên A3 (30 x 40cm). Bài to quá thì các bạn sẽ bị “bơi” rất lâu, rất mệt.

- Phác hình: Không phác đậm. Chỉ dùng chì 2B, 3B phác nhẹ (như phác hình họa).

but sat 1
Các bước của bài Hình họa bằng bút sắt

but sat 2
Bài Hình họa bằng bút sắt đã xong

- Đi nét vào các đường hình cơ bản: chu vi đầu, cằm và quai hàm, sống mũi, lông mày, mắt, môi, nhân trung, chu vi tai, tóc mai… Đó là khung hình của bài, trên cơ sở đó bắt đầu diễn tả.

- Diễn tả các diện và khối bằng nét và chấm: Đầu tiên bao giờ cũng phải quan sát và cân nhắc cho kỹ (vì bút sắt là “bút sa gà chết”). Sau đó tuân theo các bước như ở phần trên.

- Tỉa và nhấn trọng tâm: Với mặt người trọng tâm thường là mắt, môi, cánh mũi, lông mày…

* Bài vẽ phong cảnh thiên nhiên (cây cối) bằng bút sắt:

- Hiểu biết về đặc điểm phong cảnh thiên nhiên ở Việt Nam:

Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa nên cây cối tươi tốt quanh năm, riêng miền Bắc có mùa đông nên một số loài cây rụng hết lá vào cuối năm. Do đó, phong cảnh thiên nhiên nước ta thường có hình ảnh chủ đạo là cây cỏ. Vì là nước nông nghiệp nên cảnh đồng quê, làng mạc là phổ biến. Vì sát biển và luôn có nhiều mưa bão nên phong cảnh thường gặp là sông, hồ, ao, đầm. biển cả. Cùng vẽ đồng quê nhưng nếu ở Nam Bộ đất bằng bao la, tầm mắt thường nhìn ngang và thấp (người vẽ đa số đứng ở tầm nhìn bình thường) thì ở ngoài Bắc, người vẽ có thể đứng trên đê hay nóc nhà mái bằng nên có tầm nhìn cao hơn, dễ xử lý các lớp cảnh hơn. Ở trung du và miền núi, nhất là miền Trung (núi ra sát biển) thì tầm nhìn còn ngoạn mục hơn nữa vì cảnh rộng hơn, dễ phân biệt các lớp cảnh hơn, “sơn thủy hữu tình” hơn. Gặp lúc trời nắng, phong cảnh sẽ có độ đậm nhạt phân biệt mạnh mẽ, hấp dẫn hơn, dễ vẽ hơn.

- Lưu ý Luật xa gần và góc cảnh:

2 không: Không để đường chân trời ở chính giữa (sẽ chia đôi tranh). Không để điểm tụ ở giữa tranh (tranh sẽ hoàn toàn cân xứng, nặng về lý tính, mất chất lãng mạn).

Cố gắng phân biệt các lớp cảnh: cận, trung, hậu cảnh (tranh sẽ có chiều sâu).

Tầm nhìn ngang là bình thường cho bước đầu học vẽ. Sau này ta sẽ thấy còn có các tầm nhìn khác gây hứng thú hơn: trên cao nhìn xuống, dưới nhìn hất lên. Muốn giải quyết tốt vấn đề này, ta phải nhớ xác định: đường chân trời ở đâu? (có khi ngoài tranh).

Ngoài bố cục ngang còn có bố cục dọc (nếu cảnh có nhiều cây, cột, núi cao).

Chú ý phân biệt: Phong cảnh với Góc cảnh. Góc cảnh là một phần của bố cục phong cảnh, thường nhỏ hẹp, nhìn gần hơn gây cảm giác chật chội hơn, dễ đặc tả một vật thể nào đó hơn. Bài vẽ của chúng ta là phong cảnh chứ không phải là góc cảnh.

- Khuôn khổ bài: Tùy theo thời hạn. Nếu dưới 1 tuần thì chỉ nên cỡ 30 x 40cm. Nếu khoảng 2 tuần trở lên thì có thể 40 x 50cm hoặc hơn. Vẽ bút sắt rất mất công nên nếu ít thời gian thì không nên vẽ to.

- Chọn và cắt cảnh: Nên chọn cảnh có chiều sâu với 2 – 3 – 4 lớp cảnh. Chỉ 1 lớp thì cảnh sẽ rất lý tính, giống sân khấu, mất tự nhiên. Quá nhiều lớp thì cảnh sẽ quá sâu và phức tạp.

Có thể trổ sẵn một khung giấy chữ nhật cỡ nhỏ (A5) để tự ngắm và cắt cảnh sao cho: Đường chân trời không chia đôi ngang khuôn hình; Thân cây cau hay cột điện không chia đôi dọc khuôn hình; Trọng tâm không ở chính tâm; Giới hạn tranh được xác định.

Không nhất thiết vẽ tất cả mọi thứ có trong khuôn hình. Cái nào xấu thì có thể bỏ. Cái nào vướng thì có thể dịch chuyển vị trí. Cái nào rườm rà thì có thể loại bớt. Người vẽ có quyền hơn người chụp ảnh là ở chỗ đó.

- Phác hình: Tất nhiên nên phác nhẹ bằng chì 2B hay 3B như kiểu phác hình họa, có kỹ hơn ở các hình ảnh chính (như thân và cành cây chẳng hạn).

- Dùng nét bút sắt lên hình cơ bản: Đi nét với bút sắt lên các chu vi thân, cành, lùm cây, giới hạn mặt đất, mặt đường, mặt nước, các bờ ruộng, bờ tường, bờ rào… Chú ý: lấy các hình trọng tâm ở khu vực giữa tranh làm chuẩn và vẽ trước. Như vậy ta đã dựng được bộ khung của tranh.

- Diễn tả: Phải diễn tả cho ra các hiệu quả khác nhau của: thân – cành cây, vòm lá, mặt đất, mặt đường, mặt tường, mặt ruộng, bụi cỏ, đống rơm, cống rãnh, trời mây… Hãy dùng đúng chỗ các nét cong hay thẳng, dài hay ngắn, liền mạch hay đứt đoạn… Hãy chú ý các chiều hướng của nét sao cho hợp với vật thể. Hãy đan nét đậm dần cho đến khi thấy hợp lý. Phải đảm bảo tính toàn bộ, tránh tỉa tốt ngay từ đầu.

Lịch sử tranh bút sắt cho thấy: nên bỏ trống trời và đất (tranh sẽ tập trung hơn, đỡ rối). Tất nhiên vẫn có thể gợi tả một chút mây hay vài gờ đất.

- Tỉa và nhấn trọng tâm: Khu vực trọng tâm tất nhiên nên đậm và kỹ hơn. Ta nên tỉa và nhấn thêm các chi tiết ở đó cho đậm và rõ hơn các chỗ còn lại. Nếu tả được chất thì càng tốt.

but sat 3

but sat 2

Các bước của một bài Phong cảnh, bút sắt

* Bài vẽ phong cảnh thành thị bằng bút sắt:

- Hiểu biết về đặc điểm phong cảnh thành thị:

Đương nhiên ở thành thị thì kiến trúc là phổ biến. Ta sẽ phải vẽ phỗ xá, công sở, dinh thự, cổng chào, nhà cao tầng, đài nước, cột điện, vỉa hè… Riêng Hà Nội còn có khu phố cổ rất thú vị với các nhà cổ, cổng đình, chùa, đền, miếu, lác đác tháp cổ, cầu tàu hỏa bắc qua phố… Theo quy hoạch từ thời Pháp thuộc, vỉa hè thành phố phải trồng cây nên ta luôn thấy các hàng cây mọc đều hai bên phố. Hà Nội còn là thành phố có nhiều hồ nhất Việt Nam nên có khá nhiều phố đẹp ven các hồ Gươm, Tây, Trúc Bạch, Thuyền Quang, Ngọc Khánh… Một vài hồ thậm chí còn có kiến trúc cổ trên các đảo giữa hồ. Đó là những cảnh quan đặc sắc, rất đáng vẽ của thủ đô chúng ta.

- Lưu ý Luật Xa gần và góc cảnh:

Tương tự như bài Phong cảnh thiên nhiên nhưng có thêm vài ý khác:

3 không: Không vẽ chính diện (đối diện một bên mặt phố) vì sẽ gây cảm giác rất “cứng”, lý tính. Không chọn bố cục cân cả 2 bên hè phố vì như vậy tránh sẽ bị chia đôi. Không dùng thước kẻ để kẻ các cột điện, bờ tường, mái bằng, cửa sổ vì sẽ gây cảm giác rất cứng và thiếu nghệ thuật. Hãy tập vẽ tay cả những đường thẳng.

Kiến trúc bao giờ cũng quan trọng hơn cây cối nên cần chọn kiến trúc làm trọng tâm của tranh.

Kiến trúc khó vẽ hơn cây cối vì không được phép nghiêng hay méo.

Tránh vẽ kiến trúc phô ra tiền cảnh 100% (sẽ bị “trơ”) mà nên khuất lấp đôi chút sau 1 – 2 cành hay thân cây.

- Khuôn khổ bài: Đây là bài quan trọng, có lẽ nên chọn khuôn khổ 40 x 55 cm.

- Chọn và cắt cảnh: Tương tự như bài Phong cảnh thiên nhiên.

- Phác hình: Tất nhiên nên dùng chì 2B, 3B phác nhẹ, chú trọng chu vi các hình cơ bản.

- Dùng nét bút sắt lên hình cơ bản: Đi nét bút sắt lên các nét phác chu vi thân – cành – vòm lá, tường – tầng – mái nhà, vỉa hè… Như vậy là ta đã có khung hình cơ bản của bức tranh. Chú ý: cái gì định là trọng tâm thì nên vẽ trước và lấy đó làm chuẩn cho cả bức vẽ.

but sat 5
Phác hình nhẹ bằng chì

but sat 6
Đi nét bước đầu bằng bút sắt

but sat 7
Diễn tả bằng bút sắt

but sat 8
Hoàn chỉnh bằng bút sắt

- Diễn tả: Diễn tả cây thì như bài phong cảnh thiên nhiên. Diễn tả kiến trúc nói chung phải dùng nhiều đường thẳng, cả các tổ hợp nét đan cũng là các đoạn thẳng. Phải vẽ tay, không dùng thước.

Kinh nghiệm cho thấy: nên để trắng trời và mặt đường, vỉa hè. Tất nhiên không nên trắng hoàn toàn mà có thể gợi vài đám dmaay, mấy nét gợn mặt đường, vài ô gạch. Tập trung diễn tả kiến trúc hơn cây cối vì ở bài này kiến trúc quan trọng hơn.

- Tỉa và nhấn trọng tâm: Vì kiến trúc ở bài này quan trọng nên ta có thể tỉa tót vào các chi tiết hấp dẫn như: cổng, cửa chính, cửa sổ, ban công, đầu mái cong… để làm nổi bật nét đẹp kiến trúc.

>>> 5000 mẫu hình họa bút sắt (Phần 1)

>>> Học vẽ - Dạy vẽ: Bút sắt - bài vẽ đầu tượng chân dung

>>> Bút sắt - Bài vẽ khối cơ bản

0976984729