Sắc trắng

Màu trắng trong nghệ thuật có vô vàn ý nghĩa – sự thuần khiết và triển vọng, sự trống trải hoặc phong phú, khoảng không hoặc sự bằng phẳng. Sắc trắng thường được các họa sĩ sử dụng để thể hiện những hiệu ứng cục bộ đặc biệt, nhiều hơn hẳn một màu sắc thông thường hay không màu. Trong trường phái Tân cổ điển, trường phái Kết cấu và các loại hình nghệ thuật khác, sắc trắng chứa đựng các giá trị tích cực để tạo nên một triết lý thẩm mỹ.

Các đồ vật được chế tạo từ ngà voi, bạc hoặc các vật liệu “màu trắng” khác thường thấm đượm quyền năng tâm linh, chẳng hạn như chiếc vương miện màu trắng của thần Ai Cập Osiris hay bộ y phục hoàng gia màu trắng ngà của vương quốc Benin ở châu Phi, gắn với thần thủy tề Olokun. Màu sắc nhợt nhạt huyền ảo trong tranh của Pieter Saenredam về khung cảnh bên trong những nhà thờ Hà Lan thế kỷ XVII thể hiện mối ác cảm của Tin Lành đối với những bức tranh tường “mê tín”của Công giáo, những bức tranh này đã được phủ lớp sơn màu trắng lên trên, thay thế bằng đức tin mới chú trọng vào việc chiêm nghiệm lời của Thiên Chúa không qua bất kỳ hình ảnh trung gian nào. Nghệ thuật Công giáo đã đáp lại sắc trắng trang nhã của Tin Lành bằng sự rung động gợi cảm của nghệ thuật điêu khắc đá cẩm thạch kiểu Baroque. Trong tác phẩm Sự ngây ngất của Thánh Theresa (1645-52) của Gianlorenzo Bernini diễn tả một thiên thần đóng vai thần Cupid và Thánh Theresa đang bất tỉnh, vẻ nhợt nhạt của đá tạo nên khoảng cách nhất định giữa người xem và sức hút gợi cảm của tác phẩm điêu khắc. Những thế hệ điêu khắc gia châu Âu tiếp theo, nhìn chung, đều vận dụng sắc trắng theo cách này, mà đỉnh cao là tác phẩm gợi tình táo bạo nhưng đẹp đẽ theo phong cách Cổ điển của Antonio Canova vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Tác phẩm này cho thấy dù làn da tươi trẻ được mô phỏng bằng đá cẩm thạch tinh xảo đến mức nào đi nữa, thì một bức tượng vẫn chỉ là một vật thể lạnh lẽo, đáng ngưỡng mộ mà ai cũng có thể nhìn chằm chằm một cách công khai.

sac trang 1

Những tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch trắng của Antonio Canova, như Ba nàng tiên duyên dáng (1814-17) đã tạo nên một xu thế thời thượng cho Trường phái Tân cổ điển đầu thế kỷ XIX. Thay vì những phiến đá Cẩm thạch thời Cổ đại với sắc thái nhợt nhạt vì phong sowng, ông đã biến chúng thành những tác phẩm điêu khắc với bề mặt láng mịn và những đường nét thanh khiết, uyển chuyển.

Vào thời đại của Canova, sắc trắng có mối liên hệ cao quý với nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Dù các đền thờ và các bức chạm khắc của Hy Lạp ban đầu được sơn nhiều màu sắc sống động, nhưng sau này sự tái sáng tạo của nghệ thuật Cổ điển, tiên phong bởi nhà nghiên cứu về Hy Lạp Johann Joachim Winckelmann ở thế kỷ XVIII, đã coi sắc trắng là đặc điểm khác biệt của điêu khắc Hy Lạp, thể hiện sự thuần khiết và chủ nghĩa lý tưởng. Việc áp dụng phong cách Tân cổ điển trong kiến trúc, thời trang và trang trí một cách quá phổ biến ở thế kỷ XIX khiến cho nghệ thuật điêu khắc bị đánh đồng với các bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng. Điều này là động lực khiến Auguste Rodin, với bức tượng đá cẩm thạch Nụ hôn (1889) đầy nhục dục, xé toang tấm màn sắc trắng của trường phái Tân cổ điển ngăn cách giữa tác phẩm nghệ thuật cao quý và cảnh luyến ái đơn thuần. Tác phẩm Bản giao hưởng màu trắng của James Abbott McNeill Whistler mang âm hưởng của trường phái Tượng trưng về giá trị nên thơ của màu sắc: màu trắng ở đây là màu trang phục của các cô gái, không phải là da thịt của họ, làm liên tưởng đến sự ngây thơ.

Sự hồi sinh của màu sắc trong nghệ thuật tiên tiến ở châu Âu, từ Eugène Delacroix trở đi, là một trong những phản ứng của trào lưu tiên phong (avant-garde) đối với sự giả tạo của nghệ thuật hàn lâm trong đó những cảnh da thịt của trường phái Tân cổ điển đã trở thành ngôn ngữ chính thức của sự khiêu dâm. Tuy nhiên, vào thập niên 1920 và 1930, sắc trắng một lần nữa lấy lại vị thế trung tâm dưới hình thức của nghệ thuật trừu tượng hình học và kiến trúc. Những vị khách khi đến thăm studiolo của Piet Mondrian ở Paris đều bị ấn tượng bởi sắc trắng chủ đạo quanh căn phòng. Chuỗi tác phẩm phù điêu màu trắng của Ben Nicholson cũng thể hiện các nguyên tắc tương tự: nghệ thuật cần phải giũ bỏ sự xô bồ của đời sống có thể thấy rõ đâu thực sự là điều quan trọng; nghệ thuật có thể thay đổi mối quan hệ của chúng ta với không gian mà ta đang sống, giúp ta sống hòa hợp hơn và có mục đích hơn. Nghệ thuật trường phái Tối giản của thập niên 1960 và 1970 đại diện cho sự hồi sinh những lý tưởng này trong những công trình nghệ thuật sắp đặt như Hai khối lập phương rỗng/Đặt so le nhau của Sol LeWitt (1972) hay Khối hộp mỏng của Robert Morris (1973).

sac trang 2

Vào năm 1934 Ben Nicholson tạo nên nhiều tác phẩm phù điêu trừu tượng sơn trắng; trong hình này là tác phẩm 1934 (phù điêu). Sắc trắng trong các tác phẩm này tập trung vào sự sắp xếp các hình dạng thành một bố cục tổng thể, không làm nổi bật các chi tiết.

sac trang 3

Whistler đã từng viết: “Âm nhạc là sự nên thơ của âm thanh, do đó hội họa là sự nên thơ của cảnh vật”. Tên các tác phẩm của ông thường kết hợp âm nhạc với màu sắc như Bản giao hưởng màu trắng số III (1865-67). Ở đây, màu trắng đã tạo nên “bản giao hưởng” hoàn chỉnh của các chủ thể trong tranh.

>>> Bí mật màu trắng trong tranh sơn dầu

>>> Phổ màu xanh trong hội họa

>>> Lịch sử gam màu đỏ

0976984729