Kỹ thuật sử dụng bút chì
* Ký hiệu các loại bút chì để vẽ:
Có hai loại bút chì: cứng (ký hiệu bằng chữ H) và mềm (ký hiệu bằng chữ B) trong mỗi loại có nhiều mức độ khác nhau biểu thị bằng các số đặt ở trước ký hiệu, số càng lớn thì càng cứng hoặc càng mềm.
Nếu vẽ ký họa nên dùng bút chì mềm có ký hiệu từ 4B đến 6B. Còn vẽ hình họa nghiên cứu chỉ nên sử dụng bút chì từ HB đến 4B. Vì vẽ hình họa thường tẩy xóa nhiều, dùng chì mềm quá khi tẩy thường bị bết và đen.
Khi vẽ nếu mặt giấy vẽ nháp nên sử dụng bút chì có độ cứng thích hơp với giấy đó, khi mặt giấy vẽ nhẵn chì khó bám ta nên dùng chì có ký hiệu mềm hơn. Chì cứng quá muốn tả độ đậm không được, chì mềm quá vẽ nét bị nhòe khi vẽ bóng dễ bị đen và bết, tẩy xóa khó khăn vì vậy trước khi vẽ nên thử bút chì trên giấy để chọn lấy loại chì có ký hiệu thích hợp.
* Cách gọt bút chì:
Để thuận tiện cho việc vẽ người ta thường gọt bút chì theo các dạng dưới đây:
- Gọt đầu vát;
- Gọt đầu tù;
- Gọt đầu nhọn
Cách gọt bút chì:
- Gọt đầu tù (vẽ nét thô);
- Gọt đầu nhọn (vẽ tinh);
- Gọt đầu vát (vẽ tinh và vẽ thô)
Đầu chì gọt vát có tác dụng vẽ được nét thô, nét mảnh tùy ý, đầu bút chì nhọn để vẽ các chi tiết nhỏ và chỉnh hình cho tinh, còn đầu bút chì tù để vẽ những nét thô và các mảng bóng lớn.
* Cách cầm bút chì để vẽ:
Thông thường có một số cách cầm bút chì khi vẽ mỹ thuật:
- Cầm úp tay như khi cầm phấn viết bảng
- Cầm nghiêng tay như khi cầm bút viết chữ
- Đặt tay xa đầu chì khi phác hình và đưa nét nhẹ (a)
- Đặt tay gần đầu chì để chỉnh hình và nhấn độ đậm những chỗ cần thiết (b)
- Khi vẽ không tì cả chiều nghiêng bàn tay xuống giấy mà chỉ tì đầu ngón tay út xuống mặt giấy để khỏi bị di tay vào những nét bút đã vẽ làm mờ hoặc nhòe (c)
* Kỹ thuật diễn đạt sắc độ:
Khi sử dụng chì để vẽ bóng muốn diễn đạt các mảng sắc độ khác nhau không bị bết nên sử dụng các biện pháp: đưa nét vẽ nhẹ tay dùng nét mảnh hoặc đan nhiều nét thưa để thể hiện độ nhạt; ấn mạnh nét vẽ, dùng nét thô hoặc đan nhiều nét dày để tả độ đậm.
Nói chung kỹ thuật vẽ bằng bút chì rất linh hoạt, mỗi người có một cách riêng để thể hiện, song thông thường khi thể hiện các độ đậm nhạt người ta hay dùng nét đan để tránh bị bết như: đan ô vuông, đan quả trám, đan mắt cáo v.v… Ngoài ra còn có thể vẽ di kết hợp với nét đan nhưng riêng chất liệu bút chì không nên chỗ nào cũng di nhẵn như vẽ truyền ảnh.
Phương pháp diễn tả sắc độ của bút chì
Độ đậm nhạt của bút chì
>>> Quy trình tạo nên chiếc bút chì
>>> Hành trình 500 năm của cây bút chì