Các bài tập vẽ tranh bằng bột màu
1. Vẽ tĩnh vật bằng bột màu
* Hiểu biết về tranh tĩnh vật vẽ bằng bột màu:
- Đối tượng là các vật tĩnh, bày trong một không gian cụ thể, ánh sáng tập trung, màu mạnh.
- Phải ưu tiên tả cho được khối nổi của lọ, hoa quả cũng như tương phản về màu và đậm nhạt giữa nền và các vật tĩnh.
- Lưu ý: Do ánh sáng nên các màu vẽ có ảnh hưởng sang nhau. Bên trong mảng tối của lọ và hoa quả thường có phản quang rất thú vị nhưng phản quang không bao giờ sáng bằng ngoài sáng.
- Bóng đổ không chỉ có 1 độ đậm và 1 màu.
- Thứ tự ưu tiên của bài sẽ là: 1 – Hoa; 2 – Quả; 3 – Lọ hay đồ gốm, thủy tinh, đồng; 4 – Các hình khối hỗ trợ như hộp phấn, sách, khối lập phương, khối kim tự tháp… 5 – Nền, 6 – Mặt tường hay không gian rộng bao quanh.
* Cách chọn và bày mẫu:
- Vì các em mới tập vẽ nên cần bày màu với ánh sáng mạnh và tập trung. Tốt nhất ánh sáng nên chếch từ trên xuống, tránh ánh sáng ngang.
- Lọ gốm có dáng và màu đơn giản, không tươi màu như quả chín, tốt nhất chỉ 1 màu. Quả nên to và chín (tránh loại quả nhỏ và nhiều). Hoa cắm lọ nên rực rỡ.
- Vải nền thật đậm nếu lọ và hoa màu sáng và ngược lại (để tôn các vật mẫu lên).
- Tránh các vật mẫu giống nhau về tạo dáng, ví dụ quả tròn mà lọ cũng tròn hay lọ hình trụ bày cạnh khối viên trụ…
* Khuôn khổ bài: khoảng 45 x 60 cm là vừa. Nếu bồi nên cắt giấy báo cỡ 50 x 65cm
* Các công đoạn: Xem các bước vẽ bột màu và các kỹ thuật bột màu ở bài trước.
* Cách trình bày bài bột màu:
Vẽ xong lấy thước kẻ và dao rọc giấy rọc bên trong vạch đã miết hồ hay miết bún rồi dỡ bài ra. Xén cho thật cân và vuông 4 góc bài rồi đính cho cân lên trên một tấm bìa trắng, sao cho mỗi cạnh bìa thừa rộng ra từ 5 đến 10cm.
Nếu có điều kiện nên làm bo trổ: trổ thùng một hình chữ nhật giữa tấm bìa trắng sao cho nhỏ hơn kích thước bài một chút. Sau đó đặt lên trên mặt bài rồi chỉnh cho cân. Cuối cùng dán cố định bài ở mặt sau, chú ý dán các góc và giữa cạnh dài.
Bước 1: Phác chì
Bước 2: Phác bằng màu nhẹ và nhạt đè lên nét chì
Bước 3: Lên các mảng đậm nhạt bằng các màu chính
Bước 4: Tiếp tục diễn tả
Bước 5: Diễn tả tĩnh vật cho đến khi xong bài
2. Bài vẽ phong cảnh bằng bột màu
* Hiểu biết về tranh phong cảnh vẽ bằng bột màu:
- Phong cảnh vẽ bằng bột màu rất thú vị vì dễ truyền tải cảm xúc, rất thuận lợi vì bột màu cho phép dập xóa tương đối thoải mái nên trước khi vẽ không cần đắn đo gì nhiều.
- Lý tưởng nhất là vẽ phong cảnh vào mùa cây thay lá hay ra hoa (sẽ có các sắc màu thay đổi trong tranh như đỏ, cam, vàng, hồng, tím, trắng bên cạnh màu xanh lá cây muôn thuở). Khi đó bên những cây lá xanh còn có cây trụi lá, trơ cành, tạo nên hình thái phong phú.
- Nên vẽ lúc có nắng thì màu sắc đẹp hơn, tương phản mạnh hơn, nhưng không nên vẽ liền tù tì cả ngày (vì hướng ánh nắng thay đổi) mà nên vẽ toàn buổi sáng hoặc toàn buổi chiều (để chỉ vẽ một kiểu ánh nắng).
- Nên vẽ cảnh có thấp thoáng bóng chùa, đình, tháp cổ…
- Nên vẽ cảnh có núi xanh xa xa, hồ ao ở gần cho sơn thủ y hữu tình.
- Chọn góc nhìn cao một chút thì sẽ dễ vẽ hơn, ví dụ đứng trên đê…
* Cách chọn và cắt cảnh:
- Thoải mái nhất là vẽ trong công viên vì có nhiều cây cỏ trồng tập trung lại thoáng đãng. Cũng có thể vào vườn chùa nào rộng và đẹp. Gợi ý: vườn sau của Bảo tàng Dân tộc học, Văn Miếu, hồ Văn, các chùa ven hồ Tây như Kim Liên, Trấn Quốc, Thiên Niên, Vạn Niên, Tảo Sách hay Phủ Tây Hồ…
- Có thể ra ngoài thành vẽ cảnh cánh đồng quê.
- Chuẩn bị khung bìa trổ hình chữ nhật để tiện soi và cắt cảnh. Chú ý không để các lỗi như: đường chân trời chia đôi tranh theo chiều ngang, cột điện hay cây cau chia đôi tranh theo chiều dọc, điểm tụ ở chính giữa tranh…
- Tuyệt đối không chụp ảnh rồi chép lại vì sẽ mất khả năng vẽ thực tế, mất cảm xúc trực tiếp, mất sáng tạo, sau này chỉ vẽ dược từ hình ảnh đã dàn lên mặt phẳng.
- Không vẽ cảnh lạ kiểu: ban đêm (dù có đèn) hay trời mưa, gió bão (vì rất phức tạp).
* Khuôn khổ bài: khoảng từ 40 x 55cm đến 45 x 60cm, tùy theo thời gian thực hiện bài dài hay ngắn.
* Các công đoạn: Xem các bước vẽ bột màu và các kỹ thuật vẽ bột màu.
Bước 1: Phác hình bằng nét màu
Bước 2: Phác chỉnh kỹ hình
Bước 3: Lên màu diễn tả khối và chất
Bước 4: Nhấn tỉa, mô tả kỹ
Một số hình ảnh tham khảo các phong cách vẽ tranh bột màu
Phố Hà Nội đêm giải phóng năm 1954. Tranh bột màu của Lê Thanh Đức
Phố Hàng Bè. Tranh bột màu của Văn Giáo
Ao làng. Tranh bột màu của Phan Thị Hà
Phong cảnh làng quê. Tranh bột màu của Lê Na
>>> Vẽ bột màu
>>> Ký họa và bột màu (Phần 1)
>>> Học vẽ - Bột màu