Mối liên quan kiến trúc – điêu khắc – hội họa (Phần cuối)

2. Mối liên quan kiến trúc – hội họa:

Nói một cách nôm na, dễ hiểu nhất thì đó là: “Tranh vẽ lên tường nhà”. Tất nhiên, nhìn từ góc độ chuyên môn thì sự thể không đơn giản như vậy. Hội họa là ngành nghệ thuật ra đời thuộc loại sớm nhất trong lịch sử nhân loại, thậm chí trước cả kiến trúc. Bằng chứng là ngay từ thời kỳ đồ đá, khi vẫn còn chưa biết xây nhà, người nguyên thủy đã vẽ tranh lên các vách hang động. Nổi tiếng nhất nhì trong số các hang động kiểu ấy là hang Lascaux ở Pháp và Altamira ở Tây Ban Nha với niên đại phỏng đoán cho các bức tranh trên vách đá khoảng từ 15.000 đến 20.000 năm trước CN. “Nhân vật” chính trong các bức tranh ấy là các thú lớn – nguồn đạm động vật chủ yếu của người nguyên thủy như bò rừng, hươu, nai, ngựa, tê giác, voi ma mút… và các ác thú, đối thủ tranh cướp nguồn thức ăn bổ dưỡng ấy như sư tử, hổ, báo, gấu… Sau này, khi đã biết dựng nhà thì con người luôn luôn muốn trang hoàng nơi mình ở, nhất là khi họ xây được những căn nhà cao cấp nhất như đền, miếu, đình, chùa, hoàng cung, lăng mộ… Có những lăng mộ từng được vẽ kín cả tường, cột và trần nhà. Sau hàng thiên niên kỷ hoang phế, may mắn thay chúng ta vẫn còn được chiêm ngưỡng những di sản kiến trúc tuyệt vời với những bức tranh tường lộng lẫy ở Ai Cập, Syri, Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc… và ngay cả ở Việt Nam ta. Chắc chắn đó là những báu vật nghệ thuật của nhân loại! Vấn đề rất lớn nhưng chỉ xin gửi lại 2 lưu ý nhỏ, một là: ham muốn được vẽ là tập tính của tất cả mọi người chúng ta, không chừa một ai, ngay từ thuở nhỏ, tạo thành những nét loằng ngoằng ngay trên tường nhà mình… Tất nhiên khi lớn lên, không phải ai cũng thành họa sĩ cả nhưng điều này dẫn tới lưu ý thứ 2 là: hội họa, dù quý đến đâu chăng nữa, cũng chỉ có thể được lưu giữ hoặc trên các vách tường nhà, hoặc trong các ngôi nhà, và bởi thế, điều đó tạo nên mối liên quan hết sức đặc biệt giữa Hội họa và Kiến trúc.

* Kiến trúc có trang trí nội thất và tranh tường:

- Bức tranh tường cổ nhất hiện còn trong lịch sử nhân loại:

Đó là bức tranh tường tìm thấy ở Syri, tại di chỉ khảo cổ Djade al – Mughara, bên bờ sông Euphrate, phía đông bắc thành phố Alepo. Sau một quá trình khai quật lâu dài từ đầu những năm 1990, đến năm 2007, các nhà khảo cổ Pháp đã công bố phát hiện bức tranh tường có niên đại khoảng 9000 năm tr.CN, tức là cách ngày nay 11.000 năm. Tranh vẽ trên tường gạch không nung của một ngôi nhà lớn có mái lợp gỗ mà các nhà khảo cổ đoán đó là một ngôi đền. Các họa sĩ thời kỳ đồ đá ở đây đã vẽ tranh bằng 3 màu: đỏ, đen và trắng, nhưng với tạo hình cực kỳ hiện đại: gồm toàn các mảng hình vuông và chữ nhật.

Nhà xây ở vùng Trung Cận Đông cách đây khoảng 12.000 đến 8.000 năm thuộc loại những kiến trúc tối cổ của nhân loại và đương nhiên cũng tối giản: chỉ gồm 4 vách tường đất hoặc gạch không nung, mái bằng lợp gỗ. Vì thế, muốn thiêng hó a một ngôi đền, người ta phải đắp thêm các bục, bệ, + - Trang trí nội thất và tranh tường trong các đền đài, lăng mộ Ai Cập cổ đại:

+ Nội thất đền đài được tô màu trang trí: Theo tín ngưỡng cổ đại Ai Cập, tất cả các đền đài, lăng mộ đều phải được trang hoàng lộng lẫy. Do đó mà tường, cột, trần trong các đền hay lăng thường được tô màu trang trí hầu như kín mít. Điển hình theo cách này là nội thất của ngôi đền thờ nữ thần Isis trên đảo Philae (150 trCN), giữa dòng sông Nil: từ chân tường, chân cột đến toàn bộ trần đền đều được tô vẽ tỉ mỉ, tinh tế và trang nhã đến độ tuyệt hảo. Năm 1798, các nhà khảo cổ học đi theo đoàn quân của Napoleon đến Ai Cập đã từng phải kinh ngạc trước cách trang trí kiến trúc cổ của Ai Cập và họ đành phải thán phục chép lại cách trang trí nội thất tuyệ vời này (bản vẽ của Lepere trong cuốn Description de l’Egypte).

+ Chạm nổi nông (bas-relief) hoặc chạm chìm (hollow relief) trên tường đá vôi được tô màu như bức tranh hoàn chỉnh (vừa là điêu khắc vừa là hội họa)

Khá nhiều Kim tự tháp và các lăng mộ cổ Ai Cập chọn cách trang trí nội thất bằng chạm nổi nông trên vách tường đá và các cột. Các bas-relief này thường có tính trang trí rất cao, bố cục chặt chẽ, nền phẳng, chi tiết rất tinh tế, hình tượng là người và các loài chim, thú, hoa lá. Màu tô chỉ có mấy màu cơ bản như trắng, đen, nâu đỏ, xanh cây, xanh trời ngả xám, vàng đất, vàng dát… nhưng tương quan đậm nhạt mạnh và khối nổi đã làm các bức tranh trở nên sinh động với hiệu quả thẩm mỹ cao. Điển hình cho các ví dụ của phần này là các bas-relief trong mộ của Ptahhotep hay mộ Mereruka ở Saqqara, thời Cổ vương quốc, triều đại thứ V và VI, 2350-2300 trCN. Còn chạm chìm tô màu trên tường đá vôi trong mộ Metjetji cũng ở Saqqara, thời Cổ vương quốc, triều đại thứ V, 2400 trCN.

+ Tranh tường trên vách và trên trần các đền đài, lăng mộ cổ Ai Cập

Đây là các bích họa phổ biến thời Ai Cập cổ đại: tranh được vẽ lên vách, cột và trần của kiến trúc (đã xử lý bề mặt bằng cách bả thạch cao). Chính với cách vẽ này, các họa sĩ Ai Cập cổ đại để lại cho hậu thế một số trích đoạn nổi tiếng, xứng đáng là mẫu mực của bích họa thế giới cổ đại.

Các ví dụ cơ bản của phần này:

a. Tranh tường trong lăng Sennefer (Thebes), 1427-1401 trCN, với các chùm nho, lá nho vẽ kín trần nhà, còn viên quan Sennefer thì được vẽ nhiều hình đang ngồi trên ghế ở khắp tường, cột để đón thức ăn, hoa sen tím, trái cây do 3 người vợ lần lượt dâng lên.

b. Bộ tranh diềm tường vẽ ngỗng trời trong mộ tầng mastaba Ita ở Meidoum (Maidum), 2550 trCN, với hình vẽ 6 con ngỗng đẹp đẽ, tỉa tót kỹ tới từng sợi lông, màu mạnh và tinh tế.

c. Trích đoạn “Ba nữ nhạc công” ở lăng Nakht, thời Tân vương quốc, triều đại thứ XVIII, 1390 trCN. Đây là trích đoạn rất nổi tiếng với màu sắc đơn giản, chỉ có trắng, đen và nâu đỏ nhưng tạo dáng rất uyển chuyển, đường nét chắt lọc và bay bướm.

d. Trích đoạn “Săn chim trong đầm” ở lăng Nebamun, thời Tân vương quốc, triều đại thứ XVIII, 1390 trCN, với thợ săn Nebamon có nước da bánh mật đang đứng trên thuyền, vợ đéng kế phía sau và con gái be snhor đang ôm chân; cả ba đang ngợp trong một trời đầy chim, bướm, cò, vịt trời và đầm nước đầy cá, lau sậy, hoa súng…

Hiệu quả của tranh tường Ai Cập cổ đại: kiến trúc lăng mộ Ai Cập cổ đại vốn tối giản, chỉ có 2 kiểu chính là Kim tự tháp thì đỉnh nhọn – đáy vuông và Mastaba thì các khối vuông chồng vài tầng nhỏ dần lên đỉnh, kỹ thuật thì xếp đá kín mít nên dù to lớn hùng vĩ nhưng trông rất nhàm chán. Thế nhưng chính nhờ hệ thống tranh tường phủ kín bên trong mà nội thất các lăng mộ sinh động, đẹp đẽ lên gấp bội phần; thậm chí có một số trích đoạn (đã kể trên) đáng được coi là mẫu mực của hội họa thế giới cổ đại.

- Tranh tường ở cung điện Cnossos trên đảo Crete, Hy Lạp cổ đại:

Khoảng 1600 năm trCN, nền văn minh đầu tiên trên đất Hy Lạp đạt tới cực thịnh ở đảo Crete. Cung điện Cnossos đã được xây dựng nguy nga… Ngày nay người ta còn tìm thấy trong phế tích của cung điện này những căn phòng lớn có cột tròn sơn đỏ, đầu và chân cột sơn đen. Cung điện có nhiều tranh tường, dẫu không toàn vẹn vẫn để lại ấn tượng rất mạnh cho các nhà nghiên cứu mỹ thuật thời hiện đại. Nổi bật trong số đó là cảnh Xiếc bò với một người đang nhào lộn trên lưng một con bò khổng lồ trong khi 2 người khác đứng khống chế ở đầu và đuôi bò. Tranh khác trong phòng thiết triều vẽ 2 con thú đầu chim với bờm xoắn ở thế đốii diện 2 bên ngai vàng, hòa sắc chỉ có 2 màu đỏ - vàng, nét đen. Lại có trích đoạn vẽ 3 cô gái với đường nét rất bay bướm, tóc uốn lượn, áo đầy hoa văn… Rồi một trích đoạn đắp nổi hình hoàng tử cầm hoa, tóc đen, eo nhỏ, đội mũ lông chim trên nền đỏ sẫm… Các tranh tường của nền văn minh Minoen cho thấy cách đây 3600 năm, người Crete cổ đại đã xuất sắc trong tạo hình, tạo dáng, táo bạo trong bố cục và phóng khoáng sử dụng đường nét vẽ.

dieu khac 1

- Tranh tường trong 29 Phật động ở Ajanta, Ấn Độ

dieu khac 2

Như đã trình bày, khu chùa hang Ajanta, TK II – VI sau CN là kiến trúc không xây mà hoàn toàn tạc vào núi đá. Nội thất của 29 Phật động ở đó được tô màu và vẽ hầu như kín mít tranh tường với màu sắc rất lộng lẫy. Nội dung cơ bản của các tranh này là sự tích Phật giáo với các nhân vật: Phật, thần thánh, sư sãi, apsara, nhạc công… Hòa sắc chủ yếu là vàng, vàng đất, nâu, đỏ, đen, trắng, xanh cây… thậm chí có cả dát vàng. Đường nét uyển chuyển, giàu tính trang trí. Có một số trích đoạn được coi là mẫu mực của bích họa thế giới như: Tiên nữ Apsara (Phật động số 17), Tiền kiếp Đức Phật (cửa vào Phật động số 17), Các nhạc công và vũ nữ (Phật động số 1), Hoàng tử Mahadjanaka và vợ (Phật động số 1), Ngọc hoàng Indra cùng các tiên nữ Apsara bay đến yết kiến Đức Phật (Phật động số 17), Nàng Irandasi ngồi đu (Phật động số 2), Trang trí vòm trần (Phật động số 11)…

- Tranh tường trong 492 Phật động Mạc Cao, Đôn Hoàng, Trung Quốc

Như đã trình bày, khu chùa hang Mạc Cao, 366 – TK XIV sau CN cũng là kiến trúc không xây mà hoàn toàn tạc vào núi đá. Nội thất của 492 Phật động ở đó cũng được tô vẽ hâu như kín mít cả tường, cột và trần với màu sắc rất lộng lẫy. Nội dung cơ bản của các tranh này cũng là các sự tích Phật giáo theo tạo hình Trung Á, Tây Tạng và Hán hóa với các nhân vật: Phật, thần thánh, sư sãi, apsara, nhạc công… Hò a sắc chủ đạo là các gam lạnh với các màu xanh cổ vịt, xanh trời, xanh lá mạ, xám, đen, trắng… hoặc gam nóng với các màu vàng, vàng đất, nâu, đỏ, tía, đen… và cũng có cả dát vàng. Đường nét rất mạnh bạo, hoặc dày dặn, hoặc mảnh mai, giàu tính trang trí. Một số nội thất và trích đoạn được coi là mẫu mực của bích họa thế giới: Nội thất Phật động số 285 (trang trí kín mít toàn bộ tường và trần), Hoàng tử Sudana trong Phật thoại Jataka – hòa sắc xanh dương (Phật động số 419), Phật nhập Niết bàn hòa sắc nâu đen, Ba vị Bồ tát – hòa sắc xanh ngọc (Phật động số 420), Đức Phật cưỡi ngựa gặp hươu – hòa sắc đỏ (Phật động số 257), Đức Phật thuyết pháp – hòa sắc xanh và xam, các Trang trí trần nhà hình vuông – hòa sắc nâu, đen, đỏ, xanh ngọc, xanh xám và xanh lá mạ…

* Kiến trúc có tranh ghép đá màu:

Tranh ghép đá màu là thành tựu của nền văn minh La Mã, ra đời khoảng TK IV trCN. Thuở ấy, người ta dã ghép tranh đá màu trong các cung điện, đền thờ đa thần giáo, dinh thự của quý tộc, nhà tắm công cộng rồi sau đó ghép cả trong các nhà thờ đạo Thiên chúa… Thoạt tiên người ta lấy các loại sỏi đá tự nhiên để ghép thành tranh nhưng sau đó, khi đòi hỏi chất lượng tăng lên, nghệ nhân La Mã đã lựa chọn các loại đá có màu sắc khác nhau, cưa cắt, mài để tạo ra các miếng đá vuông, phẳng, nhỏ đều rồi ghép và gắn theo các hình mảng bố cục định sẵn. Phần lớn tranh ghép đá màu có tính trang trí kiến trúc nhưng cũng có một số đạt tới chất lượng tạo hình cao cùng với nội dung có giá trị lịch sử. Loại tranh này chắc chắn có độ bền màu gần như vĩnh cửu. Tranh có thể gắn trên vách tường, sàn nhà và đặc biệt còn được lát đáy bể bơi trong các nhà tắm công cộng. Nổi tiếng nhất ở thể loại tranh này là bức “Alexandre đại đế tấn công quân Ba Tư của vua Darius trong trận Issus”, 2m72 x 5m13, niên đại khoảng năm 100 trCN, ghép đá màu trên tường trong một dinh thự La Mã cổ của thành Pompeii (vốn bị núi lửa Vezuve chôn vùi năm 79 sau CN, được khai quật lên từ TK XIX). Dù là tranh ghép mảnh (lại đã rụng vài phần) nhưng bức tranh nói trên vẫn thể hiện khả năng tả thực khá cao: có khổi nổi với nháy sáng, khối sáng tối, nếp nhăn trang phục, chi tiết áo giáp, bóng đổ… Tại Pompeii còn một số tranh ghép mảnh đáng kể khác như các tranh “Gánh hát rong”, “Gánh kịch rong” của họa sĩ có tên là Dioscoride de Samos. Một di tích La mã khác cũng có nhiều tranh ghép mảnh là Villa Casale ở đảo Sicile với các tranh mô tả cảnh săn bắn, nhập cảng các loại thú rừng từ châu Phi, các cô gái điền kinh mặc bikini…

Kiểu tranh ghép đá màu đã làm kiến trúc La Mã đẹp hơn, sang hơn. Tranh có thể làm rất to với chi tiết rất nhỏ do mỗi viên đá ghép chỉ cỡ 1 x 1cm, dễ làm khối vờn, dễ thay các mảnh mà màu lại rất bền.

* Kiến trúc có trang trí bằng cách ghép gốm sứ màu:

Ngược lại với tranh ghép đá màu của La Mã và phương Tây là kiểu ghép mảnh gốm sứ màu của phương Đông, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Thật khó xác định loại tranh ghép mảnh gốm sứ xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết từ cách đây hơn 1000 năm đã có kiểu gắn đĩa gốm hoặc sứ lên các tháp mới xây ở vùng Hoa Nam TQ, sau đó kiểu trang trí này lan rộng ra hầu khắp vùng Đông Nam Á, thậm chí cả tới Nam Á và Đông Phi (thời mà đoàn thương quyền của Trịnh Hòa đi khắp Ấn Độ Dương, đầu TK XV). Có lẽ dần dà người ta nhận thấy gốm sứ bền màu mà lại đẹp hơn nhiều so với cách sơn màu ra mặt ngoài các tháp nên các mảnh gốm sứ đã vỡ đã được tận dụng để gắn lên bề mặt kiến trúc.

* Kiến trúc có tranh kính màu:

Tranh kính màu ra đời và phát triển cùng với nghệ thuật Gothic. Cụ thể hơn: đó là đặc sản của các nhà thờ Gothic. Loại tranh này dùng các miếng kính có độ màu mạnh như đỏ, xanh lá cây, xanh da trời, xanh biển, vàng, tím… với viền đen theo chu vi giữa các miếng kính để ghép kín các cửa sổ nhà thờ. Tranh kính màu đã làm cho các nội thất rất tối trong các nhà thờ trở nên lung linh hơn, sặc sỡ hơn, tất nhiên với điều kiện nhìn từ trong ra (ngược sáng). Một số tranh kính màu trong các nhà thờ Gothic nổi tiếng: 1. Kính màu bố cục hình tròn, kiểu Cửa sổ hoa hồng của các nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ Chartres, Reinms, Bourges (Pháp) thường là hoa văn hình học; 2. Các cửa kính màu thành nhóm hình chữ nhật theo trục đứng với đỉnh vòm nhọn của các nhà thờ Chartres, Reims, Saint Denis (Pháp) hay Wells (Đức) thường là tranh bố cục về sự tích trong kinh thánh, đôi khi là sự kiện lịch sử ra đời của nhà thờ.

* Kết cấu và chạm khắc trang trí kiến trúc được sơn son thếp vàng:

Tất cacr các đình làng Việt đều dành vị trí chính giữa cho việc thờ cúng với các ban thờ, cửa võng, hoành phi, câu đối, bài vị, cặp tượng hạc đứng trên lưng rùa hay đôi tượng phỗng quỳ… Dù đình làng 3 gian hay 5 gian thì việc thờ cúng vẫn được sắp đặt ở gian giữa, chính đây là dẫn chứng điển hình cho cho mối liên quan giữa kiến trúc (cột,vì kèo) với điêu khắc (tượng hạc-rùa, tượng phỗng, tượng thành hoàng hay các chạm khắc trang trí trên cửa võng) và hội họa (sơn son thếp vàng trên các tượng, hoành phi, câu đối, cửa võng). Ngày xưa, khi chưa có điện mà chỉ thắp nến thì nội thất các đình chùa khá tối nên nếu chỉ có màu gỗ thì không gian tôn giáo thiếu hẳn sự linh thiêng. Giải pháp sơn son thếp vàng đã tạo ra hiệu quả tuyệt vời: màu sắc lộng lẫy, sáng bóng, không gian lung linh, chống được cả mối mọt và mục ruỗng. Dẫn chứng điển hình cho mục này là gian giữa của các đình làng: Diềm (Bắc Ninh), Phù Lưu (Bắc Ninh), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hàng Kênh (Hải Phòng), Phong Phú (TP. HCM), Long Thanh (Vĩnh Long). Đáng chú ý nhất là cửa võng đình Diềm được chạm lộng 9 lớp rồng cuốn và thếp vàng toàn bộ, trở nên rực rỡ trong một không gian thâm trầm.

>>> Mối liên quan kiến trúc - điêu khắc - hội họa (Phần 1)

>>> Gợi ý cho các bản vẽ kỹ thuật kiến trúc được tốt hơn

>>> Ứng dụng chiều sâu trong hội họa

0976984729