Vẽ màu nước
- Màu nước (còn gọi là thuốc nước) là loại màu hòa tan trong nước, vẽ lên giấy hay lụa, có hiệu quả màu trong, mỏng, tan đều. Ngày nay màu nước được sản xuất công nghiệp với thành phần chủ yếu gồm có chất màu ở dạng bột khô, mịn, được nghiền kỹ, lọc nhuyễn, hòa với gôm arabic (gomme arabique) làm chất kết dính, glycerine tạo độ dẻo và chống khô (khi còn đặc), một chút mật bò để tạo độ ẩm đều… Sản phẩm bán trên thị trường có 2 dạng: đóng tuýp hoặc đúc thành viên nhỏ bỏ trong các ngăn của một hộp nhựa.
Trong mỹ thuật, tranh màu nước thường được các họa sĩ vẽ lên giấy (nếu vẽ lên lụa thì gọi là tranh lụa), đa số ở dạng ký họa, số ít ở dạng hoàn chỉnh, đặc sắc, mới được công nhận là tranh màu nước.
* Lịch sử tranh màu nước:
- Màu nước ở Ai Cập cổ đại: Trong vòng 2000 năm tr.CN, người Ai Cập cổ đại đã từng vẽ minh họa trên giấy sậy papyrus bằng một thứ màu gần như màu nước, gồm các khoáng chất nghiền mịn trộn với lòng trắng trứng làm chất kết dính rồi hòa với nước để vẽ. Họ đã chế được hộp màu gỗ với 12 ô đựng 12 màu và các bút vẽ bằng thân lau sậy đập giập đầu. Dù còn rất thô sơ nhưng kiểu màu Ai Cập cổ đại trên đây xứng đáng là tổ tiên xa nhất của màu nước hiện đại.
- Màu nước ở Trung Quốc: Bằng chứng xa xưa nhất về tranh màu nước ở đây là 2 bức phướn lụa tối cổ khai quật được trong mộ cổ thời Chiến Quốc, có niên đại ước đoán TK III – IV tr.CN. Kể từ đó, người Hán ngày càng phát triển kỹ thuật vẽ màu nước trên lụa cũng như trên xuyến chỉ - loại giấy đặc chế mỏng, đều, có thớ vân chìm. Họ coi tranh thủy mặc và màu nước với truyền thống hàng nghìn năm là cốt lõi của nền quốc họa đặc trưng Trung Hoa. Cũng như kiểu mực nho, người Hán điều chế các khoáng chất, thực vật để đúc thành những thỏi mực màu, khi vẽ thì mài ra với nước. Nhiều danh họa đã lưu danh muôn thuở bằng những kiệt tác thủy mặc và màu nước như: Cố Khải Chi, Hàn Cán, Trương Huyên, Trương Trạch Đoan, Mã Viễn, Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch… Tranh quốc họa của họ vừa phóng hoáng vừa tỉa tót tinh vi nhưng không hẳn giống thực vì họ chủ trương tả ý chứ không chép lại thiên nhiên.
- Màu nước phương Tây: Thoạt tiên người ta dùng màu nước để minh họa kinh thánh của đạo Thiên chúa kể từ cuối thời La Mã cổ đại (khoảng từ thế kỷ III, IV) cho đến tận khi máy in có thể in tranh minh họa vào thời Cận đại (TK XIX). Đỉnh cao của loại hình này là những minh họa của 3 anh em nhà Limbourg người Hà Lan (họ đều mất khoảng năm 1416). Tranh minh họa của họ chỉ toàn cỡ nhỏ (tương đương A4) nhưng lại thường vẽ cảnh rộng, đông nhân vật với các chi tiết đầy đủ, tỉa tót tinh vi (có lẽ họ phải dùng cả kính hiển vi khi vẽ). Sau đó đến lượt họa sĩ Phục Hưng người Đức Durer (1471-1528) được coi là bạc thầy của nghệ thuật vẽ màu nước. Tất nhiên thời ấy chỉ có màu ở dạng điều chế thủ công, không thực sự mịn đều; thế nhưng tranh của Durer vẫn trong trẻo và tinh tế. Kể từ TK XVI trở đi, tranh màu nước ngày càng phát triển tại Anh. Trong rất nhiều họa sĩ vẽ màu nước ở đó, có 4 danh họa: Constable, Cotman, Jongkin và nhất là Turner – người đã vẽ hàng ngàn tranh màu nước xuất sắc.
Đến cuối TK XVIII, màu nước đóng viên dẻo bắt đầu được sản xuất tại Anh và năm 1846, hãng Winsor quyết định sản xuất màu nước đựng trong tuýp theo dây chuyền công nghiệp. Suốt nửa cuối TK XIX, màu nước của Anh được xuất khẩu sang Pháp, Đức, Áo, Nga… Khá nhiều danh họa ở các nước trên đã thích thú vẽ màu nước và thúc đẩy sự phát triển của thể loại tranh này như Delacroix, Moreau, Gauguin, Schiele, Vrubel, Kandinsky, Klee, Picasso…
- Tranh màu nước ở Việt Nam: Trước thế kỷ XX, người Việt đôi khi cũng có vẽ một thứ gần như màu nước: đó là tranh chân dung Nguyễn Trãi hay một số tranh thờ các vị tổ dòng họ. Các dòng tranh dân gian cũng in màu tự chế gần với màu nước như ở dòng tranh Đông Hồ hay màu phẩm tô tay như ở dòng tranh Hàng Trống… Phải đến tận năm 1925, khi trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập thì chúng ta mới có những tranh màu nước đích thực, trên cơ sở ảnh hưởng Pháp. Những ký họa màu nước của Việt Nam phát triển mạnh trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ do gọn nhẹ, tiện lợi. Trong bạt ngàn những ký họa ấy, đôi hi cũng có một số xứng đáng gọi là tranh màu nước do sự hoàn chỉnh, chất lượng nghệ thuật cao, có tính mẫu mực… Đó là những bức vẽ của Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lưu Công Nhân, Nguyễn Trọng Hợp, Phạm Đỗ Đồng… Gần đây, đầu TK XXI xuất hiện loạt minh họa truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài bằng màu nước rất hiệu quả. Tác giả của những bản vẽ ấy là họa sĩ Tạ Huy Long.
* Vật liệu màu nước ở Việt Nam:
- Màu nước: hiện nay tốt nhất là màu nước Anh hoặc Pháp, loại đúc viên dẻo, bỏ trong các ô của hộp nhựa (đắt và thỉnh thoảng mới có). Cũng tốt, lại sẵn, giá không quá cao là màu nước Nga, cũng đúc viên dẻo, bỏ trong các ô của hộp giấy hoặc nhựa (trước kia là nhãn Leningrad hay Neva, nay là nhãn St Peterbourg). Đôi khi cũng có màu nước Nhật hay Hàn Quốc, gồm các tuýp màu trong hộp giấy, tuy loãng, không tan đều nhưng rất sẵn và rẻ. Chú ý: bất đắc dĩ thì cũng có thể dùng màu nước đóng viên tròn dành cho trẻ em và dùng màu goát thay thế nhưng hiệu quả rất đục vì nhiều chất bột.
- Bảng pha màu: tốt nhất là mua palét nhựa chuyên dụng cho màu nước, có các ô trũng cách đều để làm chỗ hòa sẵn màu. Cũng có thể tự cắt từ các tấm mika trắng (nhưng lại thiếu ô trũng). Chú ý: bất đắc dĩ mới dùng palét gỗ dán vì không thật phẳng và màu nền không thật trắng, khó pha màu chuẩn (màu nước trong, mỏng, tnh tế nên kén palét).
Các loại bảng màu có ô trũng của màu nước
Nhờ có các ô pha màu sẵn mà tránh được cặn màu
- Giấy: theo truyền thống, các danh họa Việt Nam thường vẽ màu nước lên giấy dó. Tuy nhiên loại giấy này rất khó với người mới tập vì rất dễ loang nhòe, khó sửa chữa. Do đó, hợp lý nhất (cho người mới tập vẽ màu nước) là dùng loại giấy sản xuất công nghiệp phương Tây, có ganh (grain) sần đều như: canson, conqueror hay canson TQ.
- Bút: tất cả các loại bút lông mềm, quản tròn kiểu bút nho TQ hay bút bẹt lông mềm kiểu Tây đều được. Không dùng bút bẹt lông cứng vốn chuyên để vẽ sơn dầu hay bột màu.
Hộp màu nước Lêningrat (Liên Xô cũ)
Dung dịch cao su non (của Anh và TQ) để phủ các chi tiết cần giữ
sáng trong tranh màu nước (sau đó bóc ra, vẽ tiếp)
Các loại hộp màu nước dạng tuýp và viên kẹo của Liên Xô cũ
Các loại bút vẽ màu nước
* Kỹ thuật vẽ màu nước:
- Chuẩn bị vật liệu, họa phẩm trước khi vẽ: Phải có đủ hộp màu, palét nhựa chuyên dụng, giấy canson, bút lông mềm, 2 ống nước sạch, 1 để pha màu, 1 để rửa bút. Cặp vẽ hoặc bảng gỗ dán, các kẹp sắt. Giá gấp: tốt nhất là giá 3 chân nhôm – nhựa Hàn Quốc, nếu không thì giá gỗ gấp 3 chân nội địa cũng được (để đi vẽ phong cảnh ngoài trời).
- Tuyệt đối không chụp ảnh rồi chép lại: Với người mới tập thì sẽ làm mất khả năng vẽ thực tế với không gian thật, chỉ còn khả năng chép hình đã hiện diện sẵn trên mặt phẳng. Mặt khác, độ hút vào chiều sâu của máy ảnh luôn kém so với mắt người nên các bức ảnh không hề giống như cảnh mà ta nhìn thấy, nhất là cảnh có chiều sâu.
- Các nguyên tắc vẽ màu nước:
+ Đặc trưng của màu nước là: trong, mỏng, tan đều, có thể loang – nhòe khi ướt, càng vẽ càng đậm. Do đó trước khi vẽ phải tính toán kỹ, không thể dùng màu sáng đè lên màu đậm (tương tự mực nho), không dập xoá lung tung, bất đắc dĩ mới sửa chỗ đã vẽ rồi.
+ Không nên vẽ màu đặc, dày như bột màu mà bao giờ cũng nên pha loãng, tô mỏng để không triệt tiêu mặt giấy có grain bên dưới. Thậm chí màu đen cũng chỉ cần tô vừa đủ kín và không quá dày.
+ Hạn chế dùng màu trắng vì càng pha trắng thì màu càng đục, bị “vôi”. Tốt nhất những mảng sáng nền chừa lại nền giấy, không vẽ. Theo kinh nghiệm, ta nên chừa nền trời và đất, nếu cần chỉ gợi mây hay các gờ đất, cỏ…
+ Cần tập pha màu sao cho sau khi dàn đều một mảng màu xong thì trong bút vẫn dư một chút màu và nước. Tránh vẽ khi bút đã kiệt màu và nước, trừ khi muốn theo kiểu trường phái lạ.
+ Muốn cố định màu để không loang nhòe thì phải đợi mảng màu trước đã khô hay se mới vẽ chồng tiếp. Ngược lại muốn loang nhòe thì nên xoa nước trước vào chỗ định vẽ hoặc chồng màu ngay lên chỗ màu còn ướt. Chính những chỗ loang nhòe này làm nên cái duyên, cái rung cảm của tranh màu nước. Tất nhiên, cũng không nên vẽ các mảng quá rõ ranh giới, không loang nhòe vì như vậy tranh sẽ rất cứng, giống tô màu hơn là vẽ.
+ Càng chồng màu nhiều thì màu càng tối, mất đội tươi, do đó nếu muốn màu tươi thì chỉ nên vẽ 1 đến 2 lớp màu là cùng.
- Các cách vẽ màu nước:
+ Vẽ từ nhạt đến đậm: bằng cách chồng dần nhiều lượt màu mỏng: đây là cách dễ nhất với người mới tập. Cần xác định trước các mảng màu chính, có diện tích lớn trong tranh để pha màu hơi tươi và nhạt hơn đôi chút rồi phết lên đó. Chú ý: vẽ từ nhạt đến đậm không có nghĩa là vẽ bên sáng trước mà ngược lại phải vẽ bên đậm trước bằng màu nhạt rồi chồng màu đậm dần. Tiếp theo, ta tìm các mảng nhỏ hơn, đậm hơn trong mảng lớn để vẽ tiếp lên. Cứ làm như vậy cho đến các chi tiết đậm nhất.
+ Vẽ từ đậm đến nhạt dần: cách này hiệu quả hơn nhưng khó hơn. Cần luyện tập nhiều để có kinh nghiệm. Trước khi vẽ, ta phải xác định các mảng hay chi tiết đậm nhất ở khu vực trọng tâm rồi vẽ trước với màu đủ độ đậm. Sau đó vẽ đến các mảng nhạt dần (và màu cũng tươi sáng dần). Cuối cùng để chừa những mảng sáng nhất.
+ Vẽ ướt trên ướt: đây là cách vẽ tạo hiệu quả đầy rung cảm nhưng rất mạo hiểm nếu ta thiếu kinh nghiệm. Nên xoa nước trước lên mặt giấy rồi vẽ, màu sẽ loang, nhòe và hòa quyện với nhau. Độ loang nhòe tù y thuộc vào độ ẩm ướt của giấy. Chú ý: tường như là ngẫu nhiên nhưng nếu luyện tập nhiều thì ta hầu như có thể điều khiển được vấn đề loang nhòe.
+ Vẽ bằng cách thấm bớt màu: khi mảng màu còn đang ướt, ta có thể dùng bút sạch hoặc tăm bông chùi bớt màu ra. Cách này cần luyện tập trước cho thành thạo.
+ Vẽ rửa: Vẽ rửa chỉ áp dụng cho lụa, vì màu sẽ nhuộm vào thớ lụa dù bề mặt bị rửa sạch. Cách này không áp dụng cho giấy được vì rửa sẽ làm giấy bở và rách.
+ Vẽ khô: Khi cần vẽ các chi tiết sắc nét, ta pha màu đặc hơn với ít nước trong bút rồi vẽ lên nền giấy khô. Cách này thậm chí có thể tả những mái nhà rơm khô xốp.
+ Để chừa đốm sáng: Nếu muốn chừa đốm sáng thật sạch, rõ nét, ta tìm mua lọ tạo màng cao su non có nhãn Art Masking Fluid của hãng Daler – Rowney hoặc của TQ có bán tại một số cửa hàng họa phẩm ở Hà Nội. Chất lỏng trong lọ màu trắng đục, ta chấm bút để tô lên mảng cần che đi, sau một lát sẽ tạo màng kết dính trên bề mặt, tha hồ vẽ các mảng xung quanh không ảnh hưởng gì. Cuối cùng khi vẽ xong ta bóc ra, sẽ còn lại mặt giấy sạch bong (vẫn có thể vẽ tiếp lên đó). Chú ý: đừng quên rửa bút đã nhúng cao su non ngay trong vòng 30 giây, quá hạn đó bút sẽ bị cao su đông kết, bám lằng nhằng vào tất cả các sợi lông, khó rửa.
Minh họa quá trình sử dụng cao su non để phủ bông hoa trắng,
vẽ nền xanh thoải mái, xong rồi bóc màng cao su, vẽ nốt bông hoa.
1. Phác hình bông hoa bằng nét chì;
2. Lấy bút lông chấm vào dung dịch cao su non;
3. Tô kín bông hoa bằng dung dịch cao su non;
4. Vẽ các màu lá xanh quanh bông hoa thật thoải mái;
5. Tự do điều chỉnh và thêm các chi tiết cho các lá cây;
6. Day đầu ngón tay để bóc bỏ mang cao su non;
7. Sau khi bóc màng cao su non, các cánh hoa chỉ còn là giấy trắng;
8. Tô vẽ nốt các cánh hoa và nhụy hoa.
Nếu muốn đốm sáng mờ ảo, lung linh, ta thả hạt muối vào đúng chỗ, ngay khi mảng màu còn ướt, muối tan sẽ đẩy màu và nước ra xa (cách này để vẽ sao trên trời đêm).
Cũng có thể không cần màng cao su non hay muối mà chỉ cần để chừa lại vị trí có đốm sáng nếu ta cẩn thận và khéo tay. Chỉ có điều ngay cả đốm sáng cũng phải xử lý tinh tế: chỗ nào sắc nét, chỗ nào vờn mờ chứ không nên để 1 miếng sáng chơ vơ, sắc nét đều tất cả các cạnh.
+ Tẩy bớt màu: tẩy bớt màu nghe có vẻ khó tin nhưng có thể dùng tẩy chì loại mềm để giảm bớt độ đậm của một vài mảng màu với một số điều kiện: chỉ tẩy được trên mặt giấy canson loại tốt, chỉ tẩy nhẹ để khỏi hỏng mặt giấy, chỉ giảm bớt chứ không thể tẩy trắng.
+ Cách vẽ tổng hợp: không nhất thiết chỉ vẽ cách này mà thôi cách kia. Ta có thể dùng tất cả các cách trong một tranh, nếu cần.
- Các bước vẽ màu nước:
+ Bước đầu: phác chì (hoàn toàn giống như bài vẽ mực nho).
+ Bước 2: phác lại bằng nét màu nhạt.
+ Bước 3: pha sẵn các màu mà ta định vẽ trong bài (vào các ô trũng trong palét nhựa), với độ đậm nhạt cơ bản rồi thử lên giấy nháp trước khi vẽ (cả giấy vẽ và nháp nên cùng loại).
+ Bước 4: vẽ các mảng tối và đậm trước bằng màu nhạt. Đây là cách vẽ từ nhạt đến đậm – cách phù hợp nhất với người mới tập. Với người đã có kinh nghiệm thì có thể theo cách vẽ từ đậm đến nhạt.
+ Bước 5: vẽ tuần tự cho đến khi xong. Chú ý: tập trung diễn tả khu vực trọng tâm cho nổi hơn, tương phản mạnh hơn, đẹp hơn. Các mảng sáng nhớ để chừa nền giấy.
+ Bước cuối: nhấn và tỉa trọng tâm cho bài hoàn chỉnh.
* Nhược điểm của màu nước:
- Hầu như không tẩy xóa được nên đành phải cân nhắc để vẽ từ tốn từ nhạt đến đậm.
- Bất đắc dĩ mới phải pha màu trắng (vì nó đục, không trong).
- Tránh sa vào hai thái cực: hoặc quá loang – nhòe, hoặc ngược lại quá khô và cứng.
- Khi vẽ hết sức tránh để nắng chiếu vào bài sẽ làm giấy bị khô cong, vênh, khó vẽ.
- Mặc dù rất giống màu nước, lại tươi hơn, nhưng phẩm có nhược điểm là dễ và nhanh bị bay màu, ta không nên sử dụng.
>>> 18 kỹ thuật màu nước mà họa sĩ nên biết
>>> Tranh màu nước về các loài chim (sưu tầm)
>>> Sách vẽ màu nước cho người mới bắt đầu (Phần 1)