Sao chép – Học hỏi qua hình mẫu

Công việc sao chép đã định hình nên nhiều phương diện trong công việc của người họa sĩ qua các thiên niên kỉ. Theo truyền thống, họa sĩ học việc sao chép tác phẩm của thầy họ; các bậc thầy cũng sao chép tác phẩm của những bậc tiền bối hoặc các nghệ sĩ đương thời mà họ ngưỡng mộ, hoặc cố gắng sao chép một cách chân thực hình dạng các tạo vật của tự nhiên. Gần đây hơn, dù công việc sao chép bị xem thường trong kỷ nguyên Lãng mạn, nó vẫn là một bệ phóng cho sự sáng tạo cá nhân.

sao chep 1

Gustave Courbet luôn rất ngưỡng mộ Rembrandt. Cũng như ông, các nghệ sĩ trước kia cũng vẽ con người giống với họ trong thực tế mà không có sự lý tưởng hóa . Gustave Courbet đã sao chép lại một bức chân dung tự họa (1655, hình trái) của Rembrandt, trong bức tranh này (1869, hình phải) ông đã cố gắng để hiểu rõ những bí mật trong trường phái Hiện thực của Rembrandt.

Khi nghệ thuật được xem như một ngành thương mại hoặc một nghề nghiệp, việc sao chép trở thành một phần trong quá trình đào tạo. Hầu hết các bản sao chép của học viên được coi như không có giá trị và bị hủy, ngoại trừ một số rất ít những ví dụ còn sót lại. Những bản ký họa đầu người và cú trên những mảnh gốm vỡ (ostracon – mảnh vỡ bằng gốm được viết hoặc vẽ lên) vào thế kỷ XV TCN ở Deirel Bahri có vẻ như là tác phẩm của một môn sinh người Ai Cập cổ đại sao chép cách diễn tả những đối tượng này một cách chính xác. Vì nghệ thuật Ai Cập đã thiết lập một hệ thống ngữ nghĩa phức tạp, kết hợp hình ảnh và chữ tượng hình, do đó việc sao chép chính xác những hình dạng thông thường là việc thiết yếu nếu muốn truyền tải ý nghĩa nào đó. Điều này cũng đúng với hội họa ảnh tượng của Chính thống giáo phương Đông và nghệ thuật Cơ Đốc giáo thời kỳ Trung cổ ở châu Âu trước khi chữ viết ra đời. Quyền năng mà các ảnh tượng có được xuất phát từ niềm tin rằng đó là bản sao chân thực của các vị thánh. Diện mạo, nét đặc trưng của nhân vật và các vị thánh trong Kinh Thánh cần phải được sao chép cẩn trọng, không được phép sai lệch từ những hình mẫu. Các phường nghề thủ công – những tổ chức kiểm soát tất cả các sản phẩm thủ công thời kỳ Trung cổ ở châu Âu – đã đặt ra các tiêu chuẩn đào tạo dựa trên sự tôn trọng đối với việc sao chép chính xác.

sao chep 2

Những bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân ở La Mã chứa đầy những bản sao chép đủ các kích cỡ lớn nhỏ của các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp, chẳng hạn như Chân dung của Athena Lemnia, được sao chép từ tác phẩm gốc của nhà điêu khắc vĩ đại Pheidias của Hy Lạp.

Công việc sao chép như một phương tiện phục vụ cho việc tiêu thụ số lượng lớn được tiên phong bởi người La Mã, những người đã phát triển nên kỹ thuật sao chép một cách chính xác những bức tượng đồng của Hy Lạp trên đá. Đối với họ, thật vô lý khi cho rằng một tác phẩm nghệ thuật bị mất đi giá trị khi tồn tại nhiều bản sao. Những họa sĩ vẽ chân dung thành công thường giữ lại bản sao các tác phẩm của họ để làm mẫu tham khảo cho những vị khách tiềm năng xem.

Quan niệm cho rằng họa sĩ phải là những người sáng tạo ra cái mới chứ không phải là những người sao chép hoặc người diễn dịch đã làm thay đổi quan niệm về việc sao chép, điều này vốn đã có nguồn cội sâu xa ở Italy vào thời gian mà nhà bác học Giorgio Vasari thời Phục Hưng xuất bản tác phẩm. Những cuộc đời vào năm 1550. E. H. Gombrich đã nhận thấy rằng bức tượng Thánh George của Donatello ở Orsanmichele (khoảng năm 1414) đã không còn mang sự bất động trang nghiêm như những bức tượng về các vị thánh vào thời kỳ đầu Trung cổ, trong khi đó lại mô phỏng (nhưng không bắt chước) tinh thần của nghệ thuật Hy Lạp và La Mã và quan sát (nhưng không sao chép) Tạo hóa.

sao chep 3

Vào những năm 1950, ở tuổi ngoài thất thập Pablo Picasso quay lại với tác phẩm của ác nghệ sĩ vĩ đại thời trước, tạo nên hàng loạt tranh mô phỏng tác phẩm Déjeuner sur I’herbe của Edouard Manet và Las Meninas của Diego Vel á zquez với một phong cách không thể nhầm lẫn của mình.

Công việc sao chép đã trở thành một phần quy trình giảng dạy nghệ thuật hàn lâm từ thế kỷ XVII trở đi. Tuy nhiên, trường phái Lãng mạn nhấn mạnh tính nguyên gốc nhất quyết xếp nghệ sĩ chép tranh đơn thuần vào vị trí thấp hơn rất nhiều so với những thiên tài về sáng tạo.

Nhà phê bình và họa sĩ John Ruskin thời Victoria đã nhấn mạnh: “Là họa sĩ mà đi sao chép thì chỉ đang giá một cọng rơm”, mặc dù ông cũng ca ngợi Charles Fairfax Muray như là “một nhà sao chép trời sinh”, người mà ông đã cử tới Italy để sao chép những bức tranh của các họa sĩ bậc thầy thời trước (trước thế kỷ XVIII). Gustave Courbet và tiếp nối là rất nhiều nghệ sĩ phong trào nghệ thuật tiên phong thế kỷ XIX-XX đã tạo nên những bản sao của các kiệt tác trong lịch sử, trong đó hành vi sao chép là một phương tiện giúp thấu hiểu hơn về bản gốc để có thể vượt qua nó, để làm nên điều gì đó hoàn toàn khác biệt. Trong cách Pablo Picasso mô phỏng lại tranh của Velázquez hay cách Francis Bacon mô phỏng lại tranh của Van Gogh và Velázquez, việc sao chép hiệu quả đã gần như là sự chiếm hữu đến tận cốt tủy.

>>> 400 hình mẫu vẽ người 

0976984729