Hệ thống tạo hình trong mỹ thuật dân gian Trung Quốc (Phần cuối)
* Tạo hình vật tổ:
Hình ảnh con hổ được những nhà sáng tạo mỹ thuật dân gian thể hiện không phải là con hổ thuộc hình thái tự nhiên trong một khoảng thời gian, không gian nhất định nào đó, mà là con hổ thuộc hình thái quan niệm vượt thời gian và không gian, là con hổ vật tổ bảo vệ thị tộc và quần thể mình. Ví dụ, có hình ảnh con hổ chân ngắn, thân tròn trịa trong “Ái hổ” bảo vệ em bé, cùng chơi đùa với em bé, có hình ảnh con hổ bốn chân choãi ra, tướng mạo hung dữ trong “Hổ xuống núi” chuyên để trấn giữ nhà cửa. Mô hình con hổ này trong dân gian đều không phải là hổ thuộc hình thái tự nhiên trong một khoảng thời gian hay không gian nhất định.
Tác phẩm cắt giấy dân gian “Hổ xuống núi” (An Tắc, tỉnh Thiểm Tây)
Tác phẩm cắt giấy dân gian “Ngải hổ” (An Tắc, tỉnh Thiểm Tây)
Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Viện Mỹ thuật Trung ương mời tôi dẫn theo 6 cụ già người Thiểm Bắc và Lũng Đông đến viện để biểu diễn cắt giấy cho các học sinh xem. Đến Bắc Kinh, tôi muốn dẫn họ đi tham quan Bắc Kinh trước. Tôi hỏi họ muốn đi đâu, họ nói họ muốn đến sở thú, tôi biết, mục đích chủ yếu của họ là muốn xem con hổ thực sự là như thế nào, bởi vì cả đời họ cắt giấy hình ảnh con hổ nhưng lại chưa một lần thấy con hổ thật. Khi họ vừa đến sở thú, thoạt nghe thấy tiếng hổ gầm thì cả mấy người đều vội vàng chạy đến núi hổ, đến núi hổ họ nhìn chăm chú, mắt không rời con hổ thật. Sau khi về nhà khách, suốt đêm ấy họ không hề chợp mắt, họ đều cầm kéo và cắt những tư thế của con hổ mà họ đã chứng kiến lúc ở sở thú, cứ thế họ cắt suốt một đêm. Thế nhưng vì họ không được họ qua tốc ký, do vậy loay hoay mãi họ vẫn không thể cắt được, bởi vì đây là hai hệ thống nghệ thuật hoàn toàn khác nhau.
Cắt giấy “Xà bàn thố” (Rắn quấn thỏ)
(An Tắc, tỉnh Thiểm Tây)
Cắt giấy dân gian “Xà bàn thố” và “Xà bàn bàn” cũng không phải là rắn của thuộc tính tự nhiên trong một tư thế ở thời khắc nhất định nào đó, mà là hình tượng thần bảo hộ vật tổ. Hình tượng rắn cuộn là ở sự tương giao của đầu và đuôi, ý biểu đạt chính là sự tương hợp của trời và đất, miệng rắn còn ngậm ngải thảo, lại càng nói lên rằng rắn ở đây là rắn thần. Thỏ được rắn cuộn ở giữa, thỏ là con cháu, thể hiện sự che chở bảo vệ và nuôi dưỡng cháu con của thị tộc. Mô hình hình tượng “Xà bàn bàn” đã xuất hiện từ hình ảnh con rắn cuộn trên đồ gốm màu được phát hiện tại di chỉ văn hóa Đào Tự từ đời nhà Hạ ở Tương Phần, tỉnh Sơn Tây, trải qua hình tượng rắn cuộn trên đồ đồng thời đại nhà Chu (1046 TCN – 256 TCN), biểu tượng rắn cuộn này đã được tiếp nối từ 5.000 năm trước đến nay.
Cắt giấy “Búp bê thắt bím” (An Tắc, Tỉnh Thiểm Tây)
Từ ếch vật tổ chuyển hóa thành thân ếch mặt người, rồi lại chuyển hóa thành búp bê thắt bím nhân hóa thành thần, chúng ta có thể nhìn thấy được quá trình tiếp nối, phát triển của dạng tạo hình này. Búp bê thắt bím trong mỹ thuật dân gian ở Thiểm Bắc có 2 loại, một loại được coi là thần bảo vệ như vật tổ, đầu búp bê được chải thành hai bím tóc hoặc trang trí hai con gà (mặt trời hoặc mặt trời, mặt trăng) đứng ở hai phía đối lập nhau, hai tay giơ lên cao, hoặc cầm hai con gà (mặt trời, mặt trăng), hoặc càm một bên là gà (mặt trời), một bên là thỏ (mặt trăng). Nếu được thể hiện ở dạng bò thì sẽ là gối “búp bê bò” đã được nhắc đến ở phần trước. Tạo hình búp bê thắt bím dạng này chính là từ tạo hình ếch vật tổ diễn biến thành, có lẽ chính là thủy tổ của mẫu hệ đã có công nặn đất nặn người, phồn thực và truyền dòng nối dõi của dân tộc Trung Hoa mà trong truyền thuyết sử sách cổ đại vẫn thường nói, đó chính là Nữ Oa; một dạng khác là “Hỷ oa oa”, đứng ở hai phía đối diện, đầu đội hoa sen, hai tay thõng xuống, ngồi xổm, thể hiện tư thế đang sinh nở, phía dưới chân là ký hiệu hai con cá, hoặc hai con cá và sênh (biểu trưng cho sự sinh nở). Đây là tạo hình búp bê thắt bím biểu trưng cho thần phồn thực. Theo khảo chứng, tư thế sinh nở trong thời xã hội nguyên thủy đều là tư thế ngồi, chứ không phải là tư thế nằm, vì thế mà lấy tư thế ngồi xổm làm đặc trưng tạo hình của thần phồn thực.
* Tạo hình vượt thời gian, không gian:
Tác phẩm cắt giấy “Cổ miếu” dùng hoa mẫu đơn trang trí ngói trên nóc nhà
(Hoàng Lăng, tỉnh Thiểm Tây)
Tác phẩm cắt giấy dân gian “Cá” (Hoàng Lăng, tỉnh Thiểm Tây)
Trang trí nghệ thuật trong mỹ thuật dân gian dùng những biểu tượng có sự sống như hoa cỏ, động vật và sự sùng bái đối với vạn vật thần linh trong thiên nhiên để thay thế sự trang trí cho những sự biến hóa, thay đổi của những thứ không có sự sống như đường nét, đen trắng, sáng tối. Ví dụ trong một số tác phẩm có thể nhìn thấy được, con lợn trong quan niệm thần linh thay thế cho ngọc ở trong nhị long hý ngọc; hoa mẫu đơn trang trí trần nhà thay thế cho gạch ngói không có sự sống; hoa sen trang trí cho cá thay thế cho những vảy cá không có sự sống; họa tiết hoa cỏ, động vật trang trí trên hoa văn áo quần của con người và lớp da của động vật v.v… làm nổi bật nên khúc ca về sự sống của vũ trụ, nơi có hoa cỏ tốt tươi, cảnh vật náo nhiệt. Những điều này được quyết định bởi tố chất tình cảm và tố chất tâm lý của những người sáng tạo nghệ thuật dân gian Trung Quốc, trang trí biến hình không phải là đặc trưng mỹ thuật dân gian Trung Quốc, trong những trường phái mỹ thuật hiện đại của phương Tây cũng có trang trí biến hình. Trang trí biến hình trong nhảy múa khỏa thân của Matisse thuộc trường phái dã thú chính là trang trí biến hình đối với cấu trúc tự nhiên của cơ thể người, trang trí biến hình của những nhân vật có mặc áo quần cũng không tách rời quy luật vận động của hoa văn trên áo quần, không thể tách rời hình thái tự nhiên của hoa văn. Biến hình nhận vật của Brack thuộc trường phái lập thể cũng là trang trí biến hình trong quan niệm tạo hình sáng tối của phương Tây. Ở họ, liệu rằng có thể tìm thấy những bức tranh dùng hoa mẫu đơn để trang trí mắt hay không? Liệu rằng có thể tìm thấy những bức tranh dùng hoa sen để tô điểm cho cá, hay ở vùng bụng của động vật được trang trí bằng những động vật nhỏ khác, hay như trần nhà được trang trí bằng hoa mẫu đơn hay không? Câu trả lời là không. Trong hội họa của phương Tây không thể tìm thấy được những hình ảnh ấy. Có thể thấy, vấn đề không phải là ở trang trí biến hình, mà là ở việc trang trí thế nào và biến hình thế nào, là sự trang trí biến hình đối với hình thái tự nhiên không có sự sống, hay là trang trí biến hình đối với hình thái quan niệm có sự sống, đây mới chính là sự khác nhau trong quan niệm văn hóa của phương Đông và phương Tây.
Tranh “Vườn táo” của nông dân (Lạc Xuyên, tỉnh Thiểm Tây)
60 năm trước, Lý Tân An là chồng của nông dân Vương Lan Bạn, nhà ở Lạc Xuyên, tỉnh Thiểm Bắc, là người đầu tiên mang giống táo về trồng ở Thiểm Bắc, vườn táo nhà họ là vườn táo đầu tiên trên cao nguyên Hoàng Thổ. Các tác phẩm cắt giấy và tranh vẽ nông dân của Vương Lan Bạn với hình ảnh “Vườn táo” thể hiện rất nhiều công đoạn, từ việc cuốc đất cho vườn táo, đến khi trồng táo, rồi đến lúc thu hoạch cho táo vào sọt, đã thể hiện toàn bộ quá trình lao động sản xuất trong những mùa khác nhau, không gian khác nhau và thời gian cũng khác nhau; thế nhưng bà vẫn cảm thấy chưa thể hiện được hết ý, cuối cùng bà thêm vào đó hình ảnh của long, phụng và một số động vật nhỏ khác, rồi bà mới thật sự hài lòng. Đây là những điều mà sáng tạo nghệ thuật trong một góc nhìn không gian nhất định và thời gian nhất định không cách nào có thể thể hiện được, vì bà thêm vào đó những động vật không liên quan như long, phụng là một sự bất hợp lý. Nhưng sáng tạo nghệ thuật của những tác giả mỹ thuật dân gian là sáng tạo và thể hiện một thế giới vũ trụ vượt thời gian và không gian, nó có thể được thêm vào đó những hoa cỏ, động vật trong thế giới và vũ trụ bao la một cách tùy ý và ngẫu hứng, để qua đó nhấn mạnh sức sống sinh sôi bất tận.
Tác phẩm cắt giấy “Ngựa” của Cao Phụng Liên (Diễn Xuyên, tỉnh Thiểm Tây)
“Gà” được trang trí bằng hoa văn dạng móc (An Tắc, Tỉnh Thiểm Tây)
Trong cắt giấy dân gian, trang trí biểu tượng chữ vạn để thể hiện sự xoay tròn ở phần đuôi của các động vật mang tính dương như bò, hổ, ngựa, chó, dê v.v… là biểu tượng mang tính tiêu biểu của những động vật dương tính, chứ không phải là để thể hiện hình thái tự nhiên về sự xoay tròn ở phần đuôi của những động vật này; ở phần lưng của con gà trống thêm vào biểu tượng hoa văn dạng móc, cũng là biểu tượng mang tính tiêu biểu của tính dương và được gọi là “thắng”, chứ không phải là hình thái tự nhiên của hai cánh con gà trống. Nhưng trong những tác phẩm cắt giấy của nữ nông dân Cao Phụng Liên ở Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, tác giả đã hợp nhất biểu tượng xoay tròn của chữ vạn và động vật thần linh dương tính thành một, sáng tạo nên một hình thái nghệ thuật lấy động vật thần linh làm trung tâm, còn bốn chân của động vật thì thể hiện thành hình chữ vạn xoay tròn, nội dung văn hóa của hình thái nghệ thuật được thể hiện trong tư thế vận động xoay tròn này chính là sự sinh sôi bất tận, tạo sự kích thích thị giác vô cùng lớn. Hình thái nghệ thuật này có sức cảm hóa lớn hơn nhiều so với hình thái chỉ dùng ký hiệu mang tính tiêu biểu trang trí phần đuôi của động vật dương tính.
Tác phẩm tranh “Tết Đoan Ngọ”: Một dạng tạo hình nghệ thuật với hai mắt là mặt trời,
mí trên và mí dưới không che khuất tròng đen mắt.
(An Tắc, tỉnh Thiểm Tây)
Một tác giả mỹ thuật dân gian khác nữa là Tào Điền Tường vẽ hình con gà, một con gà trống hoa rất to chiếm hết một tờ giấy trắng, khí thế hiên ngang, màu sắc vô cùng rực rỡ. Tôi hỏi bà ấy: “Tại sao một tờ giấy như thế này mà bà chỉ vẽ một con gà trống to?”. Bà ấy trả lời: “Vẽ to thì mới thể hiện được sự uy phong, sự uy phong thực sự!”. Tôi lại hỏi vì sao vẽ cái mào lớn như vậy, bà ấy trả lời: “Gà trống chẳng phải luôn có mào lớn thế này sao!”. Tôi hỏi thế còn cái đuôi sao cũng lớn như thế thì bà trả lời: “Gà trống thì cần phải có đuôi lớn thế này!”. Tôi hỏi thế vì sao lại vẽ chân của gà trống vừa thô vừa lớn như thế, bà ấy nói: “Gà trống cần phải có chân lớn như thế này, gà trống không chỉ chân to mà, còn phải gáy sáng nữa chứ!”. Hình tượng nghệ thuật oai nghiêm hoành tráng, khí thế hùng hồn này chính là sự thể hiện mạnh mẽ đối với tố chất tình cảm, tố chất tâm lý và tinh thần dân tộc của cộng đồng dân tộc Trung Hoa. Trong nghệ thuật dân gian, rất ít khi tìm thấy những tác phẩm mang không khí lạnh lẽo, u uất, buồn bà theo kiểu nhìn thân thương phận hay tự cho mình là thanh cao thường thấy trong những tác phẩm của các nhà nghệ thuật chuyên nghiệp.
Khi họ thể hiện mắt của nhân vật và động vật trong các tác phẩm cắt giấy của mình, họ luôn cắt hoặc vẽ sao cho tròng đen thật tròn rồi đặt vào giữa lòng trắng, mí mắt trên và dưới cũng không để bị che khuất, họ nói rằng như vậy thì mắt mới sáng, mới thể hiện được sức sống. Khi họ thêu mắt của con chuột, họ còn thêu những đường nét như mắt của chuột đang phóng ra ba tia sáng ở xung quanh và gọi đó là “tam tam châm”. Đây là mô hình đã được định ước sẵn, mắt ví với mặt trời, tỏa ra những tia sáng rực rỡ, họ nói rằng cắt, vẽ như vậy mới thể hiện được cái thần sắc.
Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, trong thời gian tôi dẫn 6 người phụ nữ ở Thiểm Bắc đến Viện Mỹ thuật Trung ương để biểu diễn cho các học sinh xem, một nghiên cứu sinh đã sáng tạo một tác phẩm cắt giấy lớn với chủ đề con người sinh ra, kết hôn và qua đời, đây là đề tài sáng tác thịnh hành thời bấy giờ. Trong buổi tham quan thưởng thức tác phẩm, 6 người phụ nữ ấy đều không đồng ý với việc đưa chủ đề qua đời lên tác phẩm cắt giấy. Một người trong số họ nói: “Đừng để nhân vật phải chết, giữ nhân vật lại để họ phục vụ cho nhân dân chẳng phải tốt hơn hay sao?”. Còn có một học sinh khác phỏng theo tác phẩm cắt giấy hình ảnh gà trống của bà Hồ Phụng Liên, nhưng không thể hiện ký hiệu hoa văn hình móc được gọi là “thắng” trong tác phẩm, bởi vì học sinh này cảm thấy rằng nếu đã không phải là cánh thì thể hiện hoa văn này chẳng có ý nghĩa gì, nhưng bà Hồ Phụng Liên không đồng ý, phần khác không cắt cũng được, nhưng riêng phần “thắng” này thì bắt buộc phải thể hiện ra, bởi vì nó chính là biểu tượng cuộc sống, thể hiện sự sinh sôi bất tận, chính là nơi thể hiện chủ đề của tác phẩm, là nơi thể hiện sức mạnh tình cảm. Tôi nghĩ, những vấn đề này quả là khiến mọi người phải suy nghĩ.
- Người dịch: ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng –
(Trưởng Bộ môn Biên – Phiên dịch
Khoa Ngữ văn Trung Quốc – Trường Đại học KHXH &NV
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
>>> Hệ thống tạo hình trong mỹ thuật dân gian Trung Quốc (Phần 1)
>>> Nghệ thuật hình khối dân gian Việt Nam