Hệ thống tạo hình trong mỹ thuật dân gian Trung Quốc (Phần 1)

* Tạo hình theo quan niệm âm dương:

Vào dịp Tết năm con chuột (Tý), một phụ nữ nông dân tên là Lý Ái Bình ở Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây gửi đến cho tôi một tác phẩm hoa giấy dán cửa với hình ảnh một con chuột chui ra từ một chiếc bát đậy nắp, tác phẩm đó tên là “Thử giảo thiên khai” (Chuột sinh ra đất trời). Theo cách nói của dân gian Trung Quốc, thì chuột là con của thần, có nội dung tương đồng với cá, đều là những biểu tượng của sự phồn thực. Ý nghĩa của tác phẩm hoa giấy dán tường này là vũ trụ là chiếc bát đậy nắp, giống như trời và đất tương hợp lại làm một chưa tách ra, một con chuột là con của thần nằm trong đó, năm chuột “thử giảo thiên khai”, chuột cắn vào chiếc bát đó chui ra sinh ra nhân loại và vạn vật. Tương tự như vậy, họ coi những hình ảnh nhiều con như hồ lô, bí ngô, nho v.v… là những biểu tượng của sự phồn thực, bởi vì ý nghĩa của chúng khi dùng vào những tác phẩm nghệ thuật mỹ thuật không còn là thuộc tính tự nhiên như bề ngoài của chúng nữa, mà là thuộc tính chức năng sinh sản mạnh mẽ. Họ nhất định phải vẽ ra được những nội dung mà ta không thể nhìn thấy được từ bề ngoài. Tôi nói với họ rằng từ bí ngô không nhìn thấy con đâu cả, họ nói, bí ngô có thể có con chứ.

tao hinh 1
Cắt giấy dân gian “Thử giảo thiên khai”
(chuột sinh ra đất trời) (Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây”.

tao hinh 2
Tác phẩm cắt giấy dân gian thể hiện nội dung con cá chui ra
trong sự mở mang của đất trời, vũ trụ để sinh ra con người và vạn vật.
(Hoàng Lăng, tỉ
nh Thiểm Tây).

Qua đó tôi mới biết được cái mà họ nhìn thấy không phải là hạt ở bên trong hồ lô, bí ngô, nho. Họ coi hồ lô, bí đỏ, nho là tử cung mẫu thể, và những hạt trong các thứ quả này là sự phồn thực con cái. Hình thái nghệ thuật được quyết định bởi quan điểm triết học nguyên thủy và việc quan sát sự vật khái quát nên ý nghĩa biểu tượng như thế đặc trưng cơ bản trong mỹ thuật dân gian của Trung Quốc. Tương tự, “Chuột ăn bí ngô”, “Chuột ăn nho” v.v… cũng đều có thể hiểu là những biểu tượng của sự phồn thực.

tao hinh 3
Cắt giấy dân gian “Chuột ăn nho” (Lạc Xuyên, tỉnh Thiểm Tây)

Trong mỹ thuật dân gian, hình ảnh cá và hoa sen trong “Ngư hý liên”, “Ngư giảo liên” cũng là những biểu tượng văn hóa của sự tương hợp giữa trời và đất, sự tương giao giữa nam và nữ, cũng dùng vào những ngày Tết hoặc ngày đám cưới. Cá ví với nam, hoa sen ví với nữ và sự đông con, đây là điều mà ai cũng biết trong nghệ thuật dân gian. Thế nhưng,“Ngư hý liên” và “Ngư giảo liên” có điểm gì khác biệt thì lại rất ít người biết. Vào một dịp Tết năm nọ, tôi ở lại thị trấn Ngũ Lý thuộc Nghi Quân, tỉnh Thiểm Bắc, một nhóm các cô gái trẻ đang cắt hoa giấy dán cửa trong nhà hang. Tôi hỏi một cô gái rằng cô ấy đang cắt gì, cô ấy trả lời mình đang cắt “Ngư hý liên”; tôi lại hỏi một cô gái khác thì nhận được câu trả lời rằng cô ấy đang cắt “Ngư giảo liên”. Tôi liền hỏi họ rằng “Ngư hý liên” nghĩa là gì? Tôi vừa hỏi xong thì cả bọn họ đều cười và nói: “Tức là yêu nhau!”. Tôi lại hỏi thế còn “Ngư giảo liên” là thế nào? Đến câu hỏi này thì bọn họ không ai trả lời, nhưng tất cả các khuôn mặt đều ửng đỏ vì xấu hổ. Sau đó, một cụ già đang bế cháu ngồi ở cạnh đó nói giúp họ: “Thì là ngủ chung với nhau chứ sao!”, rồi mọi người đều cười ồ lên. “Ngư hý liên” là hình ảnh con cá đang chơi hoa sen ở trên mặt nước, ngụ ý nam nữ yêu nhau, còn “Ngư giảo liên” là hình ảnh con cá lặn dưới nước cắn đọt hoa sen, ngụ ý nam nữ kết hôn động phòng. Hai tổ hợp hình tượng khác nhau này vốn dĩ đã có những nội dung hạn chế rất chặt chẽ. Có một cô gái còn cắt hình ảnh hoa sen, trên đó thêm vào nữa là hình ảnh một em bé, họ nói đó là ngụ ý “Hoa sen sinh con”, nhưng nhất định phải để vào chính giữa “Ngư giảo liên”, chứ không thể đặt vào giữa “Ngư hý liên”. Tôi hỏi, vì sao vậy? Câu hỏi của tôi lại khiến mọi người cười ồ lên. Rồi lại là bà cụ đang bế cháu giải thích: “Nếu thế thì thành ra chưa đám cưới đã sinh con à!”. Có thể thấy, từ giai đoạn yêu nhau, kết hôn rồi đến sinh con, đều có những thủ pháp tạo hình khác nhau.

tao hinh 4

Cắt giấy “Ngư hý liên” (cá giỡn hoa sen), cá nằm trên hoa sen,
ví với sự ân ái của nam và nữ

tao hinh 5
Cắt giấy “Ngư giảo liên”: cá ở dưới hoa sen cắn đọt sen,
ví với sự tương giao của nam và nữ cũng như việc sinh sản.

Khi họ cát giấy “Kê hàm ngư” và sáng tạo hình ảnh hợp nhất của gà và cá trong tác phẩm “Cá đầu gà”, là muốn dùng hình ảnh gà ví với trời, ví với nam giới, còn hình ảnh của cá ví với đất, ví với nữ giới, đều là những ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật thể hiện sự tương hợp của trời và đất, sự tương hợp của âm và dương và sự tương giao của nam và nữ.

Trong cắt giấy dân gian, trong phần bụng của “Ái hổ” có trang trí thêm ba bốn con hổ nhỏ “hiếu động” và dễ thương, trong phần bụng của con khỉ ở hình ảnh “Khỉ ăn khói” cũng có trang trí thêm những con khỉ con dễ thương, trong phần bụng của hình ảnh hai con chim cũng có trang trí thêm những con chim nhỏ đang bay v.v… đều là thủ pháp tạo hình thể hiện nội dung lấy động vật thần linh để diễn đạt sự phồn thực cháu con.

* Tạo hình theo quan niệm ngũ hành:

Các nhà nghệ thuật dân gian Trung Quốc vừa không tuân theo cách thể hiện tiêu điểm qua không gian lập thể của truyền thống phương Tây, cũng không nhìn thấu bản chất sự vật một cách tản mạn như truyền thống tranh màu, mà tạo hình dựa trên quan niệm từ cách nhìn triết học nguyên thủy của Trung Quốc. Cắt giấy dán cửa “Chuột trộm dầu” là tác phẩm coi chiếc bình mẫu thể, coi chuột là biểu tượng phồn thực sinh sôi bất tận. Nhưng trong tác phẩm cắt giấy của họ, miệng chai dầu được cắt theo đường vòng cung, nhưng đáy chiếc chai lại được cắt theo đường thẳng, tôi hỏi họ vì sao, họ nói: “Vì chiếc chai phải có đế bằng mới đứng yên được”. Trong tác phẩm này, miệng chai được ví với sự thông thiên, đế chai ví với mặt đất bằng phẳng, dùng hình ảnh chiếc chai để ví với vũ trụ mẫu thể trời tròn đất vuông. Thủ pháp nghệ thuật nhìn theo lối phản trực quan này không phải xuất phát từ cấu trúc hình học hình thể vuông và tròn của phái nghệ thuật lập thể hiện đại phương Tây, mà xuất phát từ cấu trúc hình thái quan niệm triết học của Trung Quốc.

tao hinh 6

Cắt giấy hoa dán cửa “Chuột trộm dầu” (Nghi Xuyên, tỉnh Thiểm Tây)

Khi họ thể hiện kiến trúc nhà ở cũng không phải là kiến trúc nhìn vào tiêu điểm, mà là kiến trúc theo quan niệm ngũ hành. Dàn trải mặt phẳng ra, vừa có thể nhìn thấy mặt chính, cũng có thể thể hiện mặt nghiêng mà vốn dĩ không thể nhìn thấy được, bởi vì phòng ốc đều có mặt nghiêng. Những hoa văn ở kết cấu dạng hộp cũng có thể biểu hiện bằng những hoa văn ở mặt nghiêng mà vốn dĩ không thể nhìn thấy.

Khi thể hiện cảnh tượng những trò chơi dân gian (múa sư tử, rước đèn lồng) ở sân chính giữa của kiến trúc tứ hợp viện, cũng là sự thể hiện sự dàn trải của mặt phẳng mà không bị che khuất lẫn nhau, vì thế có thể thể hiện được một cảnh tượng rất hoàn chỉnh. Những kiến trúc phòng ốc theo bốn phía đông nam tây bắc của tứ hợp viện đều được thể hiện theo chiều nghiêng, nền hướng vào giữa. Các nhân vật trong trò chơi dân gian cũng nghiêng, chân hướng vào giữa, thể hiện tổ hợp kết cấu trong quan niệm không gian ngũ hành của triết học nguyên thủy Trung Quốc.

tao hinh 7
Cắt giấy dân gian Thiểm Bắc “Đời sống nhà nông”

tao hinh 8
Cắt giấy “Trò chơi dân gian trong ngày Tết” (Trung Dương, tỉnh Sơn Tây)

Khi thể hiện đời sống của người nông dân, các cảnh vật, nhân vật trong nhà và ngoài nhà cũng đều được trải ra trên mặt phẳng, không che khuất nhau; khi thể hiện tổ chim khách trên cành cây, thì tạo hình của cây là mặt nghiêng còn tạo hình tổ chim khách là nhìn thẳng theo chiều từ trên xuống, như thế có thể thể hiện được hình tượng những con chim khách nhỏ đang lao xao nhảy nhót trong tổ chim một cách hoàn chỉnh nhất. Thủ pháp thể hiện theo ý muốn của riêng mình cũng giống như chiếc máy quay phim nâng lên hay hạ xuống, chiếc máy xoay đến đâu thì hình ảnh được ghi lại đến đó.

Khi họ đang vẽ người theo hướng nghiêng thì xuất hiện hai con mắt, tôi nói rằng, nếu vẽ người theo hướng nghiêng thì sẽ không thể nhìn thấy một con mắt, họ nói: Nhưng mà người đều phải có hai mắt chứ!”

tao hinh 9
Cắt giấy dân gian: “Tổ chim khách” (An Tắc, tỉnh Thiểm Tây)

Khi vẽ hình ảnh em bé chăn trâu trong tác phẩm: “Chăn trâu”, họ vẽ phần đầu của em bé ở giữa gốc cây lớn thành một tổ hợp mặt chính và hai mặt nghiêng phải trái, họ nói rằng em bé chăn trâu không thể chỉ nhìn thẳng, mà em bé luôn phải nhìn qua bên trái, bên phải để còn coi trâu của mình; còn đầu của con trâu cũng được vẽ thành hai cái đầu ở hai bên phải trái, tôi hỏi họ vì sao lại thế, họ trả lời: “Trâu đang ăn cỏ, đầu nó luôn quay sang bên trái trồi lại bên phải, vì khi ăn cỏ, nó luôn ăn bên này rồi lại tìm ăn bên kia, nó không thể chỉ ở môt tư thế bất động, không thể chỉ ăn một vị trí nhất định nào đó”. Họ thống nhất những không gian và thời gian khác nhau lại với nhau, họ sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật mang tính quan niệm.

tao hinh 10
Hội họa dân gian “Chăn trâu” (Nghi Quân, tỉnh Thiểm Tây)

Khi họ vẽ “Khương Tử Nha điếu ngư tam tình” (ba nét mặt lúc câu cá của Khương Tử Nha), họ vẽ mặt của Khương Tử Nha theo hướng thẳng, hướng nửa nghiêng và hướng nghiêng để diễn tả sự tập trung tinh thần của Khương Tử Nha lúc câu cá, rồi vẻ mặt hớn hở của Khương Tử Nha khi cá cắn câu và vẻ mặt cười vui của Khương Tử Nha khi câu được cá lên bờ, thể hiện sự hợp nhất giữa thời gian và không gian khi Khương Tử Nha câu cá. Sự thể hiện này tương tự như quan niệm nghệ thuật trong “Chăn trâu”.

tao hinh 11
Cắt giấy dân gian “Khương Thái Công câu cá” (Nghi Quân, tỉnh Thiểm Tây)

- Người dịch: ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng –
(Trưởng Bộ môn Biên – Phiên dịch
Khoa Ngữ văn Trung Quốc – Trường Đại học KHXH &NV
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

>>> Hình ảnh dân gian nước ngoài trong các lĩnh vực

>>> Trò chơi dân gian tuổi thơ qua tranh vẽ

>>> Tranh dân gian Hàng Trống

0976984729