Tĩnh vật
Dịch từ chữ “nature morte” tạo vật đã chết – hoặc “still life”, vật bất động – chủ đề Tĩnh vật cho phép họa sĩ dùng các loại đồ vật nhân tạo như chẽn đĩa, bình rượu, tẩu thuốc lá, bức tượng, hoặc các sinh vật đã chết như cá, càng cua, hoa trái v.v… để tạo những bố cục hình sắc tùy ý hứng riêng của mỗi người. Nó là một dạng chủ đề khá phóng khoáng thời cổ điển. Các danh họa như Velasquez, Jan Vermeer thường dùng tĩnh vật làm một góc trang trí trong tranh nhân vật của họ. Riêng Chardin có một số tranh tĩnh vật thuần túy, hoàn toàn không có chân dung nhân vật nào.
Cézanne vận dụng tĩnh vật để thực nghiệm những ý niệm mới về chiều sâu và không gian hội họa của mình. Tĩnh vật vốn là loại bố cục thích hợp nhất cho từng chủ ý đặc biệt của họa sĩ.
Trong thời gian đang chuyên chú vào tĩnh vật với những “trái táo” ông nói: “Muốn hiểu thiên nhiên, hãy chiêm nghiệm như thể ngắm nhìn nó qua một mạng lưới mỏng. Thiên nhiên sẽ xuất hiện như những mảng màu tách bạch nhưng liên tiếp kết hợp với nhau theo nhau, theo hệ thống hài hòa. Vẽ như vậy là một cách bố cục, dàn dựng hình sắc theo thị quan nghiêm túc”. Theo ông, họa sĩ Phục Hưng chỉ biết nhìn sự vật bằng “một con ngươi” duy lý, và họa sĩ Ấn tượng cũng phiến diện khi nhìn thiên nhiên bằng một con mắt duy cảm. Cezanne muốn nhìn thế giới tự nhiên bằng cả cặp mắt hiện thực hoàn chỉnh.
Trong bức họa “Nhà bếp treo tranh Chúa” của Velasquez (trang bên), tĩnh vật với đĩa cá, đĩa trứng chỉ là phần trang trí ở tiền cảnh chứ không phải là một bức họa “Tĩnh vật” đúng nghĩa như ta thấy ở bố cục “Tĩnh vật với Bình trà” của Cezanne.
* Bố cục tranh tĩnh vật:
Tranh tĩnh vật Cezanne là mẫu mực điển hình cho loại tranh đặc biệt chú trọng về bố cục tạo hình
Bước đầu chuẩn bị cho tranh tĩnh vật là sắp đặt sự vật, bố trí hình thể và màu sắc, tìm dạng bố cục cho tranh. Họa sinh cần phải quyết định chọn lựa khổ tranh, hình vuông hay hình chữ nhật, khổ ngang hay dọc, chủ sắc là màu ấm hay màu lạnh.
Họa sĩ thường bày đồ vật trên bàn hay một góc phòng, dành khá nhiều thời giờ vào việc sắp đi xếp lại, phác thảo nhiều lần trước khi ổn định được một bố cục không gian vừa ý. Những trái táo, ấm trà và nếp khăn trên bàn hẳn là đã được Cezanne sửa đổi, xoay chuyển từ trái sang phải, hoặc ngược lại… Khi vẽ Cezanne sửa đổi, xoay chuyển từ trái sang phải hoặc ngược lại… Khi vẽ Cezanne không “sao y” hình thể theo lối tả chân như Velasquez. Ông nhấn mạnh, cường điệu hóa những nét cong từ trái cam sang ấm trà tạo chiều sâu trên không gian phẳng của hội họa bằng những vận chuyển màu sắc theo đường vòng. Nét màu nền cũng giàu tính tưởng tượng hơn là thị giác đơn thuần. Ngược lại, Velasquez mô tả đĩa cá, đĩa trứng, củ tỏi, từng chi tiết y như chụp hình.
* Các kỹ thuật căn bản:
Họa sinh có thể sử dụng nhiều loại kỹ thuật tùy theo dụng cụ và vật liệu sẵn có như bút chì, màu nước, acrylic hay sơn dầu, phấn tiên, chì màu, bút sắt với mực màu hoặc mực đen. Kỹ thuật thường phát triển song hành với cải tiến vật liệu. Lịch sử nghệ thuật được thể hiện và minh họa bằng kỹ thuật cụ thể và sáng tỏ hơn là trăm ngàn trang sử.
Hội họa Tây phương, kể từ tác phẩm “Hôn phối Arnolfini” của Van Eyck, bắt đầu dùng sơn dầu thay thế dần kỹ thuật “tempera” (bột màu pha lòng trứng) nhằm mục đích tả thực, vẽ như hình chụp. Sơn dầu tuy lâu khô hơn tempera và các loại màu nước như thủy thái, bột màu, acrylic – nhưng nó có ưu điểm phù hợp với mục đích tả thực của họa sĩ cổ điển. Sơn dầu cho phép họa sĩ rộng thời gian sửa chữa, tô điểm, vờn vẽ các chi tiết tả thực trong khi sơn chưa khô hẳn. Ngược lại, chất sơn Acrylic rút ra từ hợp chất nhựa polymer, đặc tính rất mau khô của nó đòi hỏi một kỹ thuật khác hẳn sơn dầu.
Vị trí: Đối tượng chính của tranh thường được đặt vào giữa khung tranh.
Để tránh nhàm chán, họa sĩ có thể di chuyển đồ vật rời xa trung tâm, lệch sang một phía.
Tuy nhiên, không nên đi quá xa. Tranh sẽ mất trọng tâm, hóa ra lệch lạc.
Sắp xếp: Đồ vật cần phải liên quan chặt chẽ với nhau về tỉ lệ to nhỏ, chiều ngang, chiều dọc tùy theo chiều động tĩnh.
Vật ở tiền cảnh không nên che khuất trung cảnh. Vật cao như cái chai sống động hơn bình trà thấp.
Tính tương phản giữa các hình thể và chất liệu như lá thủy tinh tạo thêm vẽ sống động toàn thể.
Khăn, màn, riđô thường được dùng để tạo đường hướng vận chuyển nét liên kết, hoặc mảng che khuất một phần sự vật, nửa ẩn nửa hiện.
Nhiều danh họa sử dụng tĩnh vật để phụ họa vào tranh chân dung hay nhân vật cho nội dung thêm phong phú. Ở tranh cổ điển phần phụ họa còn là một cách phô diễn kỹ xảo của họa sĩ.
Tĩnh vật sơn dầu của Vincent Van Gogh “Ghế và tẩu thuốc”
>>> Tĩnh vật màu sắc