Hình dạng và Màu sắc
Nói một cách nghiêm túc, toàn bộ bề ngoài trực quan đang vay mượn sự tồn tại của mình từ độ sáng và màu sắc. Các ranh giới xác định hình dáng của đối tượng tiếp nhận năng lực của mắt để phân biệt các khu vực có độ sáng và màu sắc khác nhau. Điều đó cũng đúng chỗ cả các đường nét định nghĩa hình dạng trong các bức vẽ; chúng được nhìn thấy chỉ khi màu mực khác màu giấy. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói về hình dạng và màu sắc như một hiện tượng tách biệt. Một cái đĩa màu xanh lá cây trên một nền màu vàng cũng chỉ tròn như một cái đĩa đỏ trên nền xanh lam, và một hình tam giác màu đen cũng chỉ đen như một hình vuông đen.
Trong khi hình dạng và màu sắc có thể được phân biệt với nhau, chúng còn có thể được ví như phương tiện nhận thức. Trước tiên, nếu chúng ta xét tới uy lực nhận dạng của chúng, thì phải thừa nhận rằng, hình dạng cho phép phân biệt một số lượng dường như vô hạn của các đối tượng cá thể khác nhau. Điều này là đặc biệt đúng cho hàng nghìn khuôn mặt người mà chúng ta có thể nhận diện với độ tin cậy đáng kể dựa trên cơ sở của một thời điểm khác biệt trong hình dáng. Với phép đo lường khách quan chúng ta có thể nhận diện được vân tay của một người nhất định giữa hàng triệu người khác. Nhưng nếu toan tạo ra một bảng chữ cái của hai mươi sáu màu chứ không phải của các hình dạng, chúng ta sẽ thấy hệ thống này là vô dụng. Số lượng của các màu mà chúng ta có thể nhận ra dễ dàng và đáng tin cậy hầu như không vượt quá sáu, cụ thể là ba màu sơ cấp (đỏ, vàng, lam) cộng với kết hợp thứ cấp giữa chúng (cam, xanh lá cây, hồng), mặc dù các hệ thống tiêu chuẩn của màu sắc chứa vài trăm sắc. Chúng ta khá nhạy cảm khi phân biệt các sắc thái khác nhau đến mức tinh tế, nhưng khi câu chuyện chuyển sang việc xác định một màu cụ thể bằng trí nhớ hoặc ở một khoảng cách không gian nào đó xa hẳn một màu khác, thì năng lực nhận dạng của chúng ta sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.
Nguyên nhân cực kỳ chủ yếu của điều đó là ở chỗ, những khác biệt trong mức độ tính là khó nhớ hơn nhiều so với những khác biệt trong hiện vật tính. Bốn kích thước của màu sắc mà chúng ta có thể phân biệt được một cách tự tin là độ đỏ (redness), độ lam (blueness), độ vàng (yellowness) và tỉ lệ xám (gray scale). Ngay cả các màu thứ cấp cũng có thể gây nhầm lẫn bởi vì đang có quan hệ họ hàng giữa chúng và các màu sơ cấp, chẳng hạn, giữa màu xanh lá cây (green) và màu lam (blue) hoặc màu vàng (yellow); và khi chúng ta nói màu tím tía (purple) khác với màu tím nhạt (violet) ở chỗ nào, thì chỉ có thể đảm bảo rằng chúng nằm liền kề ngay cạnh nhau. Chỉ sử dụng các màu sơ cấp là hiển nhiên trong việc tạo dấu hiệu màu sắc, được sử dụng trong các bản đồ, biểu đồ, và các công cụ định hướng khác. Mặt khác, khi được bổ sung vào việc tách bạch hoá hình dạng, thậm chí chỉ cần một chút các màu thô sơ cũng sẽ làm cho phân biệt thị giác được phong phú hơn. Các khán giả xem phim đen trắng thường bị thiệt thòi khi xác định thức ăn lạ lùng mà các diễn viên có trên đĩa của họ. Trong các tín hiệu, cờ, đồng phục, màu sắc mở rộng phạm vi của những khác biệt có thể truyền đạt.
Bản thân hình dạng là một phương tiện nhận diện tốt hơn màu sắc, không chỉ bởi vì nó cung cấp nhiều hơn các loại khác biệt về chất, mà còn bởi vì các đặc tính khác biệt của hình dạng đối kháng lại các biến đổi của môi trường tốt hơn. Mặc dù vậy, cái được gọi là «tính lì» của hình dạng không có nghĩa là hoàn toàn không đổi như người ta thường nghĩ. Chúng ta thấy rằng, con người có khả năng xuất sắc để nhận ra một đối tượng thậm chí khi góc nhìn tới nó có thể khác đi ít nhiều. Chúng ta nhận định được một nhân hình hầu như từ tất cả các điểm quan sát. Hơn nữa, hình dạng hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của độ sáng và màu sắc trong môi trường, trong khi màu sắc cục bộ của các đối tượng rất dễ bị «tổn thương» trong phương diện này.
Minh họa 1
Sự không đổi của màu sắc thực ra đang tồn tại ở một mức độ nào đó, không những đối với con người mà còn một số động vật có khả năng thiên phú để nhìn được màu. Trong một thực nghiệm nổi tiếng của Katz và Revesz, những con gà được huấn luyện để chỉ mổ gạo trắng và từ chối mổ gạo nhuộm màu khác nhau. Gặp gạo trắng được chiếu sáng trong màu lam mạnh, lũ gà đã mổ mà không hề do dự. Sự hằng sắc được hỗ trợ bởi một dữ kiện tâm lý, khi võng mạc thích nghi với sự chiếu phủ ánh sáng. Cũng giống như khi độ nhạy sáng tự động giảm đi nếu mắt nhìn vào một vùng sáng chói, thì sự phản hồi của các thụ thể màu sắc cũng thích ứng nếu một màu nhất định bao trùm thống trị trường thị giác. Đối mặt với ánh sáng màu xanh lá cây, sự phản hồi của mắt đối với các màu xanh lá cây cũng giảm đi.
Minh họa 2
Khoản bù này lên tới mức cân bằng, làm giảm hiệu quả của ánh sáng màu chiếu phủ trên màu cục bộ của các đối tượng. Cũng vì lẽ ấy, tuy nhiên, chúng ta còn nhận thấy màu của ánh sáng chiếu phủ không còn chính xác nữa. Một hiệu ứng thích ứng, được Kurt Koffka và cả Harry Helson mô tả, khiến chúng ta nhận tức màu phủ là “bình thường”, có nghĩa là, gần như là không màu, và toàn bộ các màu trong trường thị giác dường như được tịnh tiến về một hướng tính từ mức chuẩn (xem minh hoạ số 1). Sau khi thích nghi với màu phủ đỏ, chúng ta vẫn thấy một bề mặt xám là xám, nhưng chỉ chừng nào độ sáng của nó bằng với độ sáng lan rộng khắp môi trường. Nếu như bề mặt ”màu xám” này sáng hơn, nó được nhìn thấy là đỏ; nếu tối hơn, nó được thấy là ám xanh (xem mình hoạ số 2).
Liên quan tới điều này, tôi còn phải dẫn nguồn tham khảo tới hiệu ứng của cường độ ánh sáng trên màu sắc. Khi được chiếu sáng mạnh thì các màu đỏ nhìn có vẻ sáng rực lên một cách đặc biệt, bởi vì các tế bào hình nón của võng mạc phải làm việc cật lực và nhiệt tình phản hồi nhất khi tiếp nhận các bước sóng dài hơn. Một ánh sáng lờ mờ sẽ đẩy các màu xanh lá cây và các màu lam ra tiền cảnh, đồng thời còn khiến chúng xuất hiện sáng trắng hơn, bởi vì giờ đây các tế bào hình que, vốn nhiệt tình hơn với các ánh sáng có bước sóng ngắn, sẽ chia sẻ công việc, mặc dù chúng không góp phần vào quá trình nhận thức sắc tố. Hiện tượng được gọi theo tên của Johannes Evagelista Purkinje, người đã mô tả nó lần đầu tiên.
Vì tất cả các lý do này, màu sắc của nghệ sỹ trên sân khấu vẫn rất phong phú nhờ có sự khoan dung của ánh sáng môi trường, trong khi hình dáng của họ ít nhiều bị ảnh hưởng. Wolfgang Schone đã chỉ ra rằng, sơ đồ màu sắc của tranh tường thời trung cổ bị thay đổi hoàn toàn khi các cửa sổ nguyên gốc bị thay thế bằng kính không màu hiện đại. Các cửa sổ nhà thờ của thời Tiền Trung Cổ nhuốm màu xanh lá cây và màu vàng và là kính mờ chứ không phải kính trọng suốt. Sẽ là thừa thãi nếu nói rằng, loại kính hoen ố của các thế kỷ sau này đã ảnh hưởng đến sự chiếu sáng một cách ngoạn mục, và, không chỉ tranh tường, mà cả các minh hoạ của sách cũng đã thích nghi với các điều kiện chiếu sáng diện rộng.
Khi tranh của Monet hoặc Van Gogh, được vẽ trong ánh sáng mạnh của ban ngày, lại được nhìn dưới ánh sáng của đèn sợi đốt, chúng ta không thể giả vờ để nhận thức được các sắc màu có trong ý định của các danh họa; và khi màu sắc thay đổi, tổ chức và biểu cảm của chúng cũng thay đổi theo. Các hoạ sỹ ngày nay, những người khảng định rằng sản phẩm của họ, được sáng tác dưới ánh điện nhân tạo, có thể được ngắm trong ánh sáng ban ngày mà không hề bị mất chất, ngụ ý rằng, chất lượng màu sắc và quan hệ màu sắc có ý nghĩa đối với công trình của họ chỉ trong cách hiểu thô thiển và chung chung nhất.
Claude Monet. "Grainstacks in the Sunlight, Morning Effect" and
"Grainstacks, end of day, Autumn", 1890–1891, Art Institute of Chicago.
Chúng ta kết luận rằng, đối với các mục đích thực tiễn thì hình dạng là phương tiện đáng tin cậy hơn trong việc nhận dạng và định hướng, so với màu sắc, chừng nào màu sắc còn chưa được giới hạn vào khuôn khổ của các màu sơ cấp nền tảng. Khi con người được đề nghị lựa chọn giữa các quan hệ hình và màu, thì hành vi của họ sẽ chịu ảnh hưởng của hàng loạt các yếu tố. Trong một sự sắp đặt thực nghiệm của một số điều tra viên, trẻ em được cho xem, chẳng hạn, một hình vuông màu lam và một hình tròn màu đỏ . Chúng được hỏi liệu một hình vuông màu đỏ sẽ giống với hình nào hơn trong hai hình đã cho. Trong những điều kiện như vậy, trẻ em dưới ba tuổi sẽ lựa chọn dựa vào hình thường xuyên hơn, trong khi trẻ em từ ba đến sáu tuổi lại lựa chọn dựa vào màu thường xuyên hơn. Trẻ em trên sáu tuổi đã gặp khó khăn trong tình huống mơ hồ này, nhưng nhìn chung vẫn nghiêng về lựa chọn hình dáng như tiêu chí của mình. Khi xem lại các bằng chứng đó, Heinz Werner đã đề xuất rằng, phản ứng của trẻ em ít tuổi nhất được xác định bởi hành vi vận động, và, suy ra, bởi chất lượng nào "có thể nắm bắt" của các đối tượng. Một khi các đặc tính thị giác đã chiếm ưu thế, đa số trẻ em trước tuổi đến trường sẽ được «sự hấp dẫn nhận thức mạnh mẽ của màu sắc» chỉ dẫn. Nhưng khi văn hóa bắt đầu đào tạo trẻ em kỹ năng thực hành, dựa vào hình dạng nhiều hơn hẳn dựa vào màu sắc, thì hình dạng dần dần biến thành phương tiện quyết định của nhận dạng.
Công trình gần đây hơn của Giovanni Vicario đã chỉ ra rằng, kết quả của những thực nghiệm như vậy phụ thuộc một phần vào hình dạng nào được sử dụng. Ví dụ, khi một đứa trẻ phải chọn giữa hình tam giác và hình tròn , chứ không phải giữa hình vuông và hình tròn , các xu hướng quy chiếu dựa trên cơ sở hình dạng, thay vì màu sắc, sẽ tăng lên. Rõ ràng, sẽ dễ dàng hơn khi bỏ qua sự khác biệt giữa hình vuông và hình tròn, so với, giữa hình tam giác và hình tròn.
Lựa chọn giữa màu và hình còn có thể được nghiên cứu trong một trắc nghiệm được thực hiện với các vết mực. Một số thẻ bài Rorschach trao cho người quan sát một cơ hội để căn cứ diễn tả của họ về điều gì họ thấy trong màu sắc khi không có hình dạng, hoặc ngược lại. Một người có thể nhận định mẫu bài nào đó dựa vào đường viền, mặc dù màu sắc mâu thuẫn với lời giải thích; người khác có thể mô tả hai hai hình chữ nhật màu xanh blue đối xứng như "bầu trời" hoặc "hoa lưu ly" khi bỏ qua hình dạng để ủng hộ màu sắc. Rorschach và một số đồng nghiệp hậu duệ, những người mà quan sát của họ lúc ban đầu được thực hiện với các bệnh nhân tâm thần, đã khảng định rằng, sự khác biệt trong phản ứng này có liên quan đến một trong số các tính cách. Rorschach đã tìm ra rằng, màu sắc phản hồi khi tâm trạng vui vẻ, trong khi tâm trạng suy sụp thường phản ứng trước hình dạng. Sự thống trị của màu sắc chỉ ra một tâm trạng cởi mở với các kích thích từ bên ngoài. Những người như vậy được cho là nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng, không ổn định, bừa bộn, bồng bột. Bệnh nhân nào ưu tiên phản ứng trước hình dạng — thì được coi là hướng nội, kiên cường, mô phạm, lãnh cảm.
Một số thẻ bài «InkBlot» của Rorschach từ wikipedia
Rorschach đã không đề xuất một giải trình nào cho quan hệ mà ông đặt ra giữa hành vi nhận thức và tính cách. Tuy nhiên, Ernest Schachtel đã gợi ý rằng, kinh nghiệm về màu sắc giống như hệ quả của ảnh hưởng hoặc trải nghiệm của cảm xúc. Trong cả hai trường hợp chúng ta có xu hướng tiếp nhận kích thích một cách thụ động. Cảm xúc không phải là sản phẩm của một tâm trí được tổ chức chủ động. Nó chỉ đơn thuần giả định một bản tính cởi mở, mà, chẳng hạn, một người bị suy nhược có thể không có được. Cảm xúc tác động vào chúng ta như màu sắc. Hình dạng, ngược lại, dường như đòi hỏi một phản ứng chủ động hơn. Chúng ta soi quét đối tượng, xác định bộ xương kết cấu của nó, liên hệ các phần tới tổng thể. Tương tự, một tâm trí có kiểm soát sẽ ứng xử áp đảo các kích thích, áp dụng các nguyên tắc, điều phối sự đa dạng của trải nghiệm, và đưa ra quyết định trong tiến trình của hành động. Nói rộng ra, khi nhìn màu sắc thì hành động bắt nguồn từ đối tượng bên ngoài và ảnh hưởng tới nội tâm con người; nhưng khi nhận thức hình dạng thì tâm trí có tổ chức sẽ đi ra bên ngoài và tiến tới đối tượng.
Một ứng dụng theo nghĩa đen của lý thuyết này có thể sa đà vào một kết đoạn, rằng, màu sắc sinh ra trải nghiệm cho chất cảm xúc, trong khi hình dạng tương ứng với kiểm soát trí tuệ. Một dẫn luận như thế dường như là quá hẹp, đặc biệt khi nói về nghệ thuật. Có lẽ sẽ là đúng nếu nghĩ rằng, khả năng tiếp thu và tính tức thời của trải nghiệm là thường thấy hơn ở phản xạ màu sắc, trong khi kiểm soát chủ động lại đặc trưng cho nhận thức hình dạng. Nhưng một bức hình chỉ có thể được vẽ và được hiểu nhờ có tổ chức chủ động toàn bộ các giá trị màu; đồng thời, chúng ta đầu hàng vô điều kiện trước hình dạng biểu cảm trong chiêm nghiệm. Thay vì nói màu sắc hồi ứng và hình dạng hồi ứng, chúng ta có thể phân biệt hai thái cực một cách phù hợp hơn. Một bên là thái độ tiếp thu các kích thích thị giác được khuyến khích bởi màu sắc nhưng cũng còn được áp dụng được cho cả hình dạng, và, một bên là thái độ chủ động hơn, phổ biến trong nhận thức hình dạng nhưng cũng còn được áp dụng cho bố cục màu sắc. Khái quát hơn, có lẽ đó là những chất lượng biểu cảm (chủ yếu của màu sắc, nhưng cũng có ở hình dạng), đang tự phát gây ảnh hưởng tới tâm trí tiếp thu bị động, trong khi kết cấu kiến tạo của hình mẫu (đặc trưng ở hình dạng, nhưng cũng còn được tìm thấy trong màu sắc) đang tham gia vào tâm trí có tổ chức.
Thật là hấp dẫn khi khám phá những tương quan giữa hành vi nhận thức và kết cấu nhân cách trong nghệ thuật. Thiên hướng đầu tiên có thể được gọi là lãng mạn; cái thứ hai — cổ điển. Trong môn vẽ, chúng ta có thể nghĩ, chẳng hạn, tới cách tiếp cận của Delacroix , người không chỉ đặt nền tảng cho tác phẩm dựa trên các sơ đồ màu sắc mà còn chú trọng tới các chất lượng biểu cảm của hình dạng, khác hẳn với Jacques Louis David, người chuyên tâm tới các quan niệm về hình dạng, sử dụng định nghĩa tương đối tĩnh của các đối tượng, vừa kiềm chế vừa đơn giản hoá màu sắc.
Matisse từng nói: "Nếu vẽ là của tâm hồn, và, màu sắc là của giác cảm, bạn phải vẽ trước, để nuôi dưỡng tâm hồn đó, và, để có khả năng dẫn dắt màu sắc vào những nẻo đường tâm linh". Phát ngôn của ông đi theo một quan điểm truyền thống, cho rằng hình dạng là quan trọng và chững chạc hơn màu sắc. Poussin đã nói: "Màu tranh đã và đang tán tỉnh để quyến rũ con mắt nhìn, giống như, vẻ đẹp của tiết thơ là mồi nhử lỗ tai nghe". Phiên bản tiếng Đức của quan điểm này có thể được tìm thấy trong di bút của Kant: “Trong hội hoạ, điêu khắc, và quả thật trong mọi nghệ thuật tạo hình, trong kiến trúc, trong nghệ thuật làm vườn, cho đến mức mà chúng được mệnh danh là fine art (tạm hiểu là mỹ thuật), thiết kế là công việc cần thiết như nền tảng của hương vị, chỉ dùng những thú vui bắt nguồn từ hình dạng, chứ không bởi trò giải trí với cảm giác mạnh. Những màu nào chiếu phủ mô hình phác thảo, những màu đó thuộc về chính kích thích. Chúng có thể truyền sinh khí cho cảm giác mạnh đó, nhưng không thể khiến đối tượng trở nên tuyệt đẹp và đáng suy ngẫm. Chúng bị hạn chế nhiều hơn trong đòi hỏi phải có hình dáng đẹp và, ngay cả khi kích thích được thừa nhận, thì chỉ có hình dạng mới làm nên sự tinh tế siêu việt”.
Claude Monet. Woman in a Garden, 1867, Hermitage, St. Petersburg
Với những quan điểm đó được đưa ra, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta nhận thấy hình dạng được xác định với đức tính truyền thống của phái mạnh, còn màu sắc tương ứng với sự cám dỗ của phái yếu. Theo Charles Blanc, “liên kết giữa thiết kế và màu sắc đang cần sinh ra bức tranh cũng hệt như kết hợp của nam và nữ để sinh ra loài người, nhưng thiết kế phải duy trì được ưu thế của nó trước màu sắc. Bằng không thì bức tranh sẽ nhanh chóng bị sụp đổ: nó sẽ vỡ vụn vì màu sắc, giống như loài người đã ngã xuống vì Ê-va”.
- Miukafoto -
>>> Cách quan sát các hình dáng trong vẽ ký họa theo mẫu
>>> Mô hình màu sắc từ thế kỷ XVII