Bố cục và họa tiết trong nghệ thuật trang trí Islam
Nếu ngôn ngữ Arab là món quà do Thượng đế tạo ra cho dân tộc Arab thì nghệ thuật trang trí Islam chính là món quà đặc biệt mà họ dâng tặng Thượng đế.
Vào thế kỷ VII (SCN), tại xứ Arab, đạo Islam đã ra đời dưới sự dẫn dắt của nhà tiên tri Mohammed. Ngay sau đó, Islam giáo đã lan tỏa đến nhiều nơi, thu phục được hàng ngàn tín đồ. Từ đó, đưa Thánh kinh Koran trở thành hệ tư tưởng chủ yếu, chi phối mạnh mẽ đời sống con người Trung Cận Đông. Trong đó, nghệ thuật – một lĩnh vực của sự sáng tạo, cũng không ngoại lệ.
Trải qua hàng ngàn năm, nghệ thuật Islam vẫn tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt trong việc lựa chọn đề tài và thể loại. Bên cạnh Thơ ca và Kiến trúc, Trang trí là bộ môn nghệ thuật phổ biến nhất của nền nghệ thuật này. Ngoài vai trò là phương tiện biểu lộ đức tin, nghệ thuật trang trí Islam còn xây dựng được những chuẩn mực điển hình. Trong đó không thể không nói đến hai yếu tố quan trọng, Bố cục và Họa tiết.
Nghệ thuật trang trí Islam phổ biến tại Trung Cận Động (Ảnh: gravity).
Trang trí – trong hội họa, là sự hòa quyện, phối hợp lại các yếu tố đơn lập (bố cục, họa tiết, chất liệu) vào một chỉnh thể nhằm thiếp lập nên mối tương quan nhất định giữa các đối tượng. Qua thời gian, từ lối trang trí tự phát, nó đã được nâng lên thành nghệ thuật sáng tạo cái đẹp – Nghệ thuật trang trí.
Ngoài tính ứng dụng cao, trang trí cũng chứa đựng những tính chất của nghệ thuật tạo hình như tính khoa học, tính sáng tạo, tính dân tộc và tính thẩm mỹ. Các tính chất này càng đầy đủ càng nói sự hoàn thiện của một tác phẩm trang trí.
Một nền nghệ thuật trang trí điển hình phải xây dựng được cho nó những nguyên tắc sáng tạo cốt lõi, đồng thời phải chuyển tải được bản sắc riêng của dân tộc đó qua các tác phẩm độc đáo. Nghệ thuật trang trí Islam là một nền nghệ thuật như vậy.
1. Họa tiết trong nghệ thuật trang trí Islam
Họa tiết (motifs) được hiểu là các chi tiết được vẽ nên bằng trí tưởng tượng hoặc tả thực hay cách điệu một đối tượng nào đó mà tạo thành. Vì thế, đề tài khai thác của họa tiết là vô hạn, không thể liệt kê hết mà chỉ có thể gom chúng lại vào những dạng tiêu biểu.
Tại Arab, họa tiết trang trí (Arabasque) được khai thác ở ba dạng chính: Họa tiết chữ, Họa tiết hoa lá, Họa tiết hình học. Cả ba dạng họa tiết này đều đạt đến đỉnh cao về độ tinh xảo và tuyệt mĩ.
+ Họa tiết chữ Arab
Có thể nói, các ký tự trong tiếng Arab có độ phức tạp cao hơn so với các ký tự ngôn ngữ khác trên thế giới, đặc biệt so với các ký tự Latinh. Tuy nhiên, người Arab đã biết khai thác các con chữ của mình để đưa chúng trở thành các kiểu thức trang trí đậm bản sắc. Trong đó, họa tiết chữ thư pháp là dạng nổi bật.
Chữ thư pháp Arab được khắc tinh xảo cùng họa tiết hoa lá trong Kinh Quran.
Nhìn chung, ký tự chữ Arab là sự biểu đạt cao của yếu tố đường nét và hình thể. Sự kéo giãn các đường nét sẵn có trên con chữ cũng là một phương pháp sáng tạo. Bằng cách này, họa tiết chữ Arab hiện ra với sự uyển chuyển theo lối viết chân phương hay cứng mạnh theo kiểu Kufic (1), hoặc nhịp nhàng theo lối đan xen, sóng lượn, cuộn tròn. Đặc biệt bản thân các con chữ đã tồn tại ý nghĩa, do đó khi sắp xếp chúng lại sẽ phát sinh một ý niệm khác.
Quá trình tìm tòi, cách điệu chữ viết cho thấy tinh thần coi trọng ngôn ngữ của người Arab. Điều này xuất phát bởi quan niệm, họ tin rằng ngôn từ có một sức mạnh đặc biệt và những ai có biệt tài về nó sẽ có uy tín nhất định trong xã hội.
+ Họa tiết hoa lá. Kiểu họa tiết phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên người Arab đã khoác lên chúng một màu sắc riêng, xuất phát từ điều kiện sống. Họ chủ yếu xuất thân từ những cư dân du mục, quen thuộc với những chuyến hành hương, lang thang khắp sa mạc. Nhờ vậy, họ có đủ thời gian để quan sát các sinh thể của tự nhiên. Từ đó, chắt lọc chúng để vẽ lên những họa tiết độc đáo.
Phần vách tường và trần mái của Thánh đường Sheikh Lotfollah, Iran (1619)
được phân tách bởi họa tiết chữ Arab nối dài.
Các nhà tiểu họa không ngừng vận dụng các phương pháp cách điệu đa dạng, sao cho, các họa tiết này phải kết hợp hài hòa với các đối tượng đi liền với chúng. Gắn với các ký tự Arab thanh mảnh, hay trong kiến trúc – các cột trụ cao, độ sâu của mái vòm, họa tiết hoa lá được thể hiện nhịp nhàng, uốn lượn, mang hình thể của dây leo. Đối với các mảng hình rồng, họa tiết hoa lá được phổ ra với một kích thước lớn hơn nhằm tạo nên sự cứng cáp, vững vàng. Dù bằng phương pháp cách điệu nào, nghệ thuật trang trí Arab vẫn giữ lại bản chất của hoa lá; giữ lại hơi thở hiền hòa, gần gũi của thiên nhiên. Họ xem đó là cách thể hiện sự tôn trọng về cội nguồn.
+ Họa tiết hình học. Ngày nay, họa tiết này được nhắc đến như những kiểu thức thiên về hiện đại. Tuy nhiên, từ thời Trung cổ, người Arab đã biết vận dụng hình học vào trang trí – các kiểu thức kỷ hà (2). Về cơ bản, đây là dạng họa tiết cứng mạnh, thường dùng làm viền khung, tách mảng hình, che chở các họa tiết nhỏ, mềm mỏng. Với đặc trưng này, họa tiết kỷ hà không nặng tính cách điệu mà giữ nguyên bản chất của đường nét. Nó chủ yếu đề cao tính sắp đặt nhằm tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ. Sự đan xen giữa họa tiết kỷ hà với họa tiết hoa lá cũng là đặc thù trong nghệ thuật trang trí Islam, nó phản ánh tư duy thẩm mỹ của người Arab – đảm bảo sự cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, coi trọng nguyên lý hài hòa.
Họa tiết kỷ hà Islam bên trong Cung điện Calat Alhambra, Tây Ban Nha (1300).
Ngoài phương diện mỹ học, họa tiết hình học Arab cũng phản ánh tư duy về mặt toán học. Những nghiên cứu từ các nhà khoa học Mỹ cho thấy rằng, qua việc tìm hiểu về Arabasque thời Trung cổ, họ ghi nhận chúng đã phản ánh cho một loại toán học tinh vi đến mức ngày nay chúng ta mới giải thích được; đó là sự biểu hiện của các đa giác đối xứng nhằm tạo ra các họa tiết có thể kéo dài vô định của Hình học tựa tinh thể.
Cũng nên lưu ý rằng, Họa tiết về con người hiếm khi xuất hiện trong nghệ thuật Islam. Điều này bắt nguồn từ đức tin con người vào Islam giáo, họ cho rằng Allah chỉ có một, không có ai tương đương với Ngài, Ngài là vô hình, không có thân thể. Do đó, Islam giáo phủ nhận hình ảnh con người, con người không được tôn vinh trong thế giới nghệ thuật. Chỉ có một số trường hợp đặc biệt, hình ảnh con người mới được hiện diện, đó là các hình ảnh minh họa, chủ yếu thuộc về lĩnh vực Sinh học, Y học, Đồ họa, Minh họa (các bìa sách về đề tài tình yêu)…
Ngày nay, Arabasque vẫn được ứng dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta dễ dàng bắt gặp sự hiện hiện của chúng trong các vật dụng hằng ngày như: khảm cầu nguyện, bình hoa, khăn, gạch lót, mái vòm,… Đặc biệt, nghệ thuật đồ họa và kiến trúc hiện đại cũng khai thác các yếu tố này và sáng tạo thêm nhiều kiểu thức mới, phù hợp với tiến trình cách tân nghệ thuật.
2. Bố cục trong nghệ thuật trang trí Islam
Tùy vào từng lĩnh vực như: Kiến trúc; Sân khấu; Nhiếp ảnh; Văn bản học,… sẽ có cách định nghĩa khác nhau về bố cục. Riêng nghệ thuật trang trí, bố cục được hiểu là sự sắp xếp, tổ chức các đối tượng, sao cho các đối tượng đó được định vị hợp lý trên một phạm vi cho trước nhằm thể hiện ngụ ý thẩm mỹ. Hoặc nói cách khác theo Edward Henry Weston: “Bố cục là cách thể hiện mạnh mẽ nhất của sự nhìn”, tức coi trọng sự tương phản của bố cục thị giác.
Nguyên tắc về bố cục đã được người Arab đặt ra từ sớm. Thế nên, trang trí học thuật sau này đã lấy đó làm nền tảng. Ngày nay, ba dạng bố cục cơ bản nhất vẫn được ứng dụng phổ biến, bao gồm: Bố cục hàng lối, Bố cục đối xứng và Bố cục tự do.
+ Bố cục hàng lối. Là sự sắp đặt các họa tiết (đối tượng) theo một trục (có thể là trục tung hay trục hoành) hoặc mở ra trên cả hai trục, sao cho các họa triết nối tiếp nhau. Bố cục này không có tâm điểm, các đối tượng bên trong nó lặp đi lặp lại, tạo cho thị giác cám giác vô hạn theo một hướng nhìn. Nghệ nhân Islam thường ứng dụng loại bố cục này trên các vật dụng có chiều dài như khăn, gạch ốp, cột trụ của các công trình kiến trúc Islam,…
Các phân chia bố cục hàng lối mang đến cảm năng khác biệt. Kết hợp với các họa tiết chữ hoặc hoa lá, chúng thường được sắp xếp theo kiểu cuộn xoáy, nối tiếp nhau, tạo thành những hình ảnh trải dài, lôi cuốn kỳ ảo, có chiều sâu. Mặt khác, người ta có thể phân chia bề mặt trang trí thành các ô nhỏ (đơn vị) có giới hạn, từ đó đưa họa tiết vào từng mảng hình. Bằng cách này, họ giảm đi sự tiếp nối, liền mạch của thị giác. Tại các đền thờ, bố cục hàng lối được vận dụng nhằm chuyển tải ý niệm cho sự vận động không ngừng của thế giới Islam dưới quyền năng vô hạn của Thương đế.
+ Bố cục đối xứng. Là loại bố cục phổ biến nhất trong nghệ thuật Islam; là sự sắp xếp các đối tượng trang trí trên cùng một trục, được ngăn cách bởi một tâm xác định (li tâm hoặc hướng tâm). Nó được chia thành hai dạng: Đối xứng tuyệt đối hoặc Đối xứng tương đối. Tuy nhiên, đối xứng tuyệt đối được ứng dụng nhiều hơn. Bởi lẽ nó cân xứng nghiêm ngặt, tránh cảm giác mất cân bằng.
Vẻ đẹp tuyệt mỹ của mái vòm Thánh đường Sheikh Lotfollah, Iran (1619).
Quy tắc đối xứng tuyệt đối thường sắp xếp họa tiết đối đăng đối qua tâm hình tròn. Tâm điểm biểu đạt cho ý nghĩa Thượng đế là duy nhất. Từ tâm điểm, các họa tiết sẽ được lan tỏa, triển hạn đến vô cùng. Qua đó, người Arab thể hiện lòng tôn sùng Thượng đế, xem Ngài là cội nguồn, là nơi hội tụ mọi sức mạnh. Sức mạnh ấy không có bắt đầu cũng không có kết thúc, gợi nên sự trường tồn, vô tận.
Qua việc quan sát, người ta phát hiện vài chi tiết nguệch ngoạc được để lại trong một tác phẩm trang trí nhưng không ảnh hưởng đến vẻ đẹp tổng thể của nó. Họ xem đấy không phải vết tích sơ suất trong khi chế tác nghệ thuật mà là ý đồ khéo léo tạo nên “khuyết điểm hoàn hoàn” để bày tỏ đức tin. Họ quan niệm, sự sáng tạo của con người không thể nào sánh ngang với Thượng đế, cũng không ai có thể tranh đoạt quyền năng đó với Ngài. Họ ý thức về sự sáng tạo, không được tự cao và không ngừng trau dồi.
+ Bố cục tự do. Khác với hai loại bố cục nêu trên, bố cục tự do là loại bố cục không theo một quy tắc nào. Đó là loại bố cục “tự nhiên” nhưng lại đòi hỏi cao tư duy của nghệ sĩ. Ở đây, tự do không có nghĩa là vô tình hay tự ý, mà đó là sự tính toán của thị giác sao cho mọi đối tượng trong tổng thể phải liên kết và cân bằng.
Trong nghệ thuật trang trí Arab, dạng bố cục này ít gặp hơn so với hai loại bố cục trên. Bởi lẽ nó đòi hỏi nghệ sĩ phát huy cá tính sáng tạo. Nhưng điều đó đi ngược lại lối sống khuôn phép vốn có của họ. Ngay cả những vật dụng thường ngày của họ cũng phải chế tác theo mẫu. Allah có phép tắc và Ngài ấy yêu thích “sự lặp lại”.
Có thể nói, người Arab sáng tạo trên nền tảng phép tắc. Tuy nhiên không thể phủ nhận, điều này đã góp phần đưa nghệ thuật trang trí của họ trở thành mẫu hình chuẩn mực. Ngày nay, nghệ thuật Islam hiện đại đã có hướng đi mới, nhưng bản thân nó vẫn không hề thoát ly khỏi nghệ thuật truyền thống. Đây là một ý hướng đáng khích lệ cho những ai đang dấn thân trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
3. Kết luận
Hiện nay, vấn đề bất ổn chính trị tại khu vực Trung Cận Đông là một trong những lý do dẫn đến các giá trị văn hóa của người Arab dường như bị lu mờ. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khách quan và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, ta có thể nhận thấy, nghệ thuật trang trí Islam đã đạt đến những thành tựu mẫu mực mà không phải ngẫu nhiên nền nghệ thuật nào cũng có được. Ở đó, những dấu ấn về dân tộc, tình yêu cái đẹp và lẽ sống đã được bày tỏ bằng niềm tin tuyệt đối vào Allah. Nếu có nói rằng, nghệ thuật trang trí Islam bị hạn chế về cảm hứng bởi các tín điều thì ngược lại, đó là điều kiện giúp nó có một không gian riêng đủ để khắc phục mình. Để rồi, trong khu vườn chung của nghệ thuật, nó hiện lên như một biểu tượng về kỳ công sáng tạo của con người; là một trong những thành tựu của văn minh lâu đời cần được khám phá sâu hơn nữa của nghệ thuật hôm nay.
Chú thích:
- Kufic: một phong cách thư pháp chữ Arab, được thể hiện dựa trên nền tảng hình học, chủ yếu là hình vuông. Với đặc điểm này, các con chữ kiểu Kufic mang tính cứng mạnh, đường nét mở rộng theo phương nằm ngang. Kufic được phát triển vào thế kỷ VII ở thành phố Kufa thuộc Iran. Đến khoảng thế kỷ XI, nó trở thành kiểu chữ phổ biến, được dùng để ghi chép kinh Koran.
- Kỷ hà: là những đường nét cơ bản của hình học. Trong trang trí, chúng được xem là một phương tiện tạo hình. Bản thân chúng vốn là vô nghĩa, nhưng khi được đưa vào bố cục, chúng thể hiện cho ý đồ của nghệ sĩ.
- Hoài Bảo -
>>> Vận dụng hình ảnh trong hội họa và hình trang trí
>>> Vẽ trang trí
>>> Hoa văn trang trí Đông Tây (Phần 1)