Tranh lược sử hội họa (Nhân vật và Chân dung) – Phần 1

Giới thiệu:

“Thời đại mới, kỹ thuật mới – đó là một sự thực đơn giản trong đời sống bình thường” Phê bình gia J.K Huysmans (Pháp/1848-1907) nhận định như thế khi ông thấy xuất hiện trường phái hội họa Ấn tượng, nổi bật vào năm 1879. Tuy nhiên phải trải qua hơn trăm năm cả quần chúng lẫn giới hội họa Pháp mới nhận ra sự thật đơn giản đó. Chướng ngại vật là những quy ước nghệ thuật truyền thống Pháp bắt gốc từ thời Phục Hưng Ý (thế kỷ 15). Cơ sở phát huy truyền thống đó là các Hàn lâm viện Mỹ thuật.

* Khởi điểm của các Hàn lâm viện Mỹ thuật

Chính nhờ sự đề cao tri thức khoa học của Leonardo da Vinci, Michelangelo, địa vị xã hội của nghệ sĩ từ thời Phục Hưng được nâng cao hẳn lên. Trước kia họa sĩ chỉ giữ vai trò văn nô hay văn công, một loại thợ thủ công. Người ta có thể khen chê anh thợ vẽ “khéo tay” chứ chưa bao giờ kính phục tri thức khoa học của họ.

Anh “thợ vẽ” không được trọng vọng như một nghệ sĩ, văn nhân, toán học gia! Phải chờ đến thế kỷ 16, khi anh vào viện Hàn lâm Mỹ thuật, được học khoa Nhân thể học (anatomy) như một bác sỹ thuộc lòng mọi khớp xương, bắp thịt… và học môn hình học không gian ba chiều đúng quy luật toán hình, anh thợ vẽ mới được nâng lên thành “Sĩ”, tức là họa sĩ.

Học viện nổi tiếng của Pháp, viện Hàn lâm Mỹ thuật Hoàng Gia (Royal Academy) thành lập vào thập niên 40 của thế kỷ 17 (1640). Môn hình học (dessin) được coi như là một môn khoa học cơ bản của hội họa, bởi vì hình họa đòi hỏi họa sĩ phải hiểu hình học không gian, có khả năng trừu tượng hóa, biến không gian hai chiều thành ba chiều và ngược lại. Ở thế kỷ 17, không giỏi hình họa thì không thể gọi là Họa sĩ, không thể sánh vai với Nhạc sĩ, Văn sĩ. Ngược lại giỏi hình họa tức là giỏi hình học, có khả năng trừu tượng hóa, khái niệm hóa, nắm được chìa khóa khai mở mọi quy luật thần kỳ của khoa học. Leonardo da Vinci vừa là họa sĩ, kiến trúc sư, vừa là một khoa học gia vĩ đại.

Điều đó đúng sự thật khách quan không có chi đáng phàn nàn nếu… họa sĩ hàn lâm sau thời Phưng hưng không coi thường cái khác, như màu sắc. Đầu óc duy lý “cận thị” của giới Mỹ thuật Pháp thế kỷ 17 chưa nhận biết được rằng màu sắc hay ánh sáng là một lĩnh vực vô cùng quan trọng của vật lý học tương lai. Hai thế kỷ sau, màu sắc chính là nguyên tố phát triển độc nhất vô nhị trong hội họa thế giới: cuộc cách mạng của họa phái Ấn tượng!

Độc giả có thể thấy khó hiểu tại sao những người nổi tiếng “đỉnh cao trí tuệ” như người Pháp phải mất hơn 200 năm mới nhận biết tầm quan trọng của ánh sáng!

Viện Hàn lâm Hoàng gia có thái độ “bảo hoàng hơn vua”! Chính họ là “thủ phạm” trong việc kìm kẹp các họa sĩ, bịt mắt họ, không cho họ cơ hội phát huy tác dụng của màu sắc rực rỡ, của ánh sáng trong họa phẩm.

Bởi hàn lâm Pháp quan niệm rằng hình họa đen – trắng biểu hiện tâm linh, tri thức trừu tượng, trong khi màu sắc khêu gợi cảm tính thấp hèn trong đời thường. Lý thuyết gia về thẩm mỹ, từ thời đại cổ điển của họa sĩ Nicolas Poussin (1594-1665) cho đến Claude (1600-1982) đã tiêu tốn biết bao năm tháng tranh luận quanh chủ đề “Tâm trí và Cảm giác”. Hình như cuộc tranh luận này có tính cạnh tranh chính trị, vì các họa sĩ Hàn lâm của Pháp muốn đả phá sự nghiệp của Peter Paul Rubens, danh họa màu sắc người gốc ngoại quốc (Flanders)!

Theo quan điểm hội họa Hàn lâm Pháp – nhân danh chủ nghĩa Nhân bản cổ động và giáo dục các họa sĩ vẽ nhân hình, không chỉ sao chép hình người, mà hơn nữa, phải lý tưởng hóa con người theo tiêu chuẩn thần tượng Hy Lạp và La Mã.

Dù trong đời thường, lãnh tụ của anh mũi hếch, mắc ốc nhồi, mồm vẩu nhưng khi vẽ, anh phải biến hắn ta thành một người hùng đẹp trai như thần Apollo, vợ hắn ta phải cân đối như thần Vệ nữ (Venus).

Vẽ người, do đó là một đề tài “cao thượng” trong khi tranh tĩnh vật, hoa quả, chim muông, thú vật và phong cảnh đồng quê bị coi là đề tài… hạng bét! Những đề tài không phản ánh trí tuệ, không lý tưởng hóa, không nâng cao tâm hồn!

nhan vat va chan dung 1

Xem hình minh họa, ta sẽ hiểu ngay: họa sĩ Aryscheffer, một trong ba sinh viên cùng với Delacroix và Gericault được giải thưởng hình họa của họa thất Guerin (1774-1883). Bức họa ghi năm 1807 khi Scheffer mới 12 tuổi – chứng tỏ rằng họa sinh thời cổ điển được huấn luyện môn hình học từ thuở khai tâm. Vẽ người là một cách học theo chủ nghĩa Nhân bản từ thời Phục Hưng. Bản vẽ người là khoa Nhân hình học (Anatomy), bộ môn cơ bản của Hội họa hàn lâm (Academy) do đó những bức hình họa vẽ người cũng được gọi là những bản “Academies”.

Hội họa cổ điển tuy có cảnh tượng thiên nhiên, nhưng đó là hậu cảnh, cái phông làm nền cho các tranh lịch sử danh nhân, điển tích thần thoại, anh hùng ca v.v… rút ra từ sự tích Hy Lạp, La Mã hoặc Thánh kinh. Theo quan điểm tự do, dân chủ từ thời cách mạng Pháp (1789) họa sĩ cổ điển phần đông là loại văn nô, thợ vẽ chuyên phục vụ thị hiếu của giới cầm quyền mà thôi. Nói về mặt kỹ thuật, họ bị ép buộc sao chép tác phẩm thời cổ, nô lệ quá khứ. Họa sĩ Pháp không biết đến “thị trường tự do” mặc dù từ khi có Salon Carré trong bảo tàng viện Louvre, họ đã có salon (phòng triển lãm) nhưng chỉ có một salon độc nhất, nơi họ có thể bán tranh cho những người quyền thế, dư tiền bạc. Cho đến thế kỷ XIX, sự thể đó vẫn còn tồn tại y như thế.

nhan vat va chan dung 2

Họa sĩ Jean Léon Gérôme (1824-1904) với bức nô lệ Hy Lạp (1869) là ví dụ về định mảng sáng, tối và sắc trung độ, gọi là bản “ébauche” vẽ sơn dầu trên khung vải theo hướng cổ truyền. Nét mặt người mẫu ở đây đã đạt tới độ hoàn hảo, cũng như đã định xong mảng sáng, tối và sắc trung độ giai đoạn “ébanche”. Sắc độ sơn màu dần tô xuống cẩn thận và hòa quyện cho đến khi không còn nhận ra dấu vết của cọ - để tạo nét tương phản với hậu cảnh và tô một lớp màu trong suốt trong giai đoạn đầu. Hình cho ta thấy nét cọ cứng, to bản nổi trên nền bột của sơn lót. Ta còn thấy có vết bút kẻ bằng thước trong nội thất, được phác lươc đầy đủ.

Giáo dục đào tạo hội họa cổ điển:

Trước thế kỷ XIX, việc giáo dục và đào tạo họa sĩ bị đóng khung trong một hệ thống khép kín, tuyệt đối gạt bỏ mọi biến chuyển, nhu cầu mới của thời đại.

Dưới sự thống trị độc quyền của Nã Pháp Luân đệ I, Hàn lâm viện nghệ thuật (Academie) được đặt tên là trường Mỹ thuật (Ecole des Beaux Arts). Phải là “viện sĩ” đã đắc cử vào viện hàn lâm hay ông Hàn mới được cấp thẻ viện sĩ vĩnh cửu. Họ còn là quân sư cho triều đình về mặt văn hóa, văn học nghệ thuật và giáo dục. Muốn được nhận làm sinh viên Mỹ thuật thì phải kinh qua quá trình học tập dự bị trước khi dự cuộc thi tuyển gay go.

Các viện sĩ còn đóng vai trò canh gác cửa văn hóa cho chế độ, làm giám khảo quyết định việc thu nhận và quản lý sinh viên, đặt giải thưởng, huy chương và cả việc chấp thuận hoặc từ khước các họa sĩ xin tham dự triển lãm thường niên của nhà nước. No hay đói, quang vinh hay tủi nhục của họa sĩ đều do tay viện sĩ nhà nước ban phát cả. Đó là một trong những nguyên nhân cản trở mọi đổi mới trong hội họa Pháp.

Điều hành việc Giáo dục Đào tạo

Cũng chính các viện sĩ mở họa thất (Atelier/Studio) để “luyện thi” cho các sinh viên dự bị thi vào viện Mỹ thuật nhà nước… Họ kiêm nhiệm cả việc “phụ đạo” cho các sinh viên cao đẳng.

Giáo trình

Theo bách khoa từ điển của D.Diderot (1713-1784) ứng viên mỹ thuật phải qua một hệ thống đào tạo khắt khe, từ thấp đến cao trước khi dự tuyển vào viện Mỹ thuật.

1. Trước tiên là học lớp sao chép hình họa từ ác bản hình khắc (engravings) hoặc hình họa của bậc thầy. Sinh viên tập vẽ đường viền quanh hình thể, rồi đánh bóng bằng nét đan như mạng lưới (hatching). Giai đoạn này được gọi là “giai đoạn chép mẫu phẳng” (From the Flat), rồi sinh viên chỉ tập chép lại những nét đã trừu tượng hóa hình vật ba chiều vào hình vẽ hai chiều trên trang giấy phẳng.

2. Kế tiếp là tập vẽ theo mẫu phù điêu chìm (low relief). Tuy theo mẫu điêu khắc, nhưng vẫn được coi như một loại hình họa phẳng được khắc sâu vào tường. Tuy nhiên, hình khắc vốn có bóng tối khiến sinh viên phải tập đánh Bóng ở mức độ thô sơ nhất của kỹ thuật Vờn bóng Ý (Chiaroscuro), đây là bước quan trọng của phẩn chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa tôn nghiêm của hội họa Hàn lâm. Không qua khỏi nó, “chiaroscuro”, thì giấc mơ trở thành viện sĩ sẽ tan ngay ra mây khói.

Vật liệu vẽ chỉ có bút chì, que than (fusain/Charcoal)!

Vẽ theo mẫu tượng, họa sinh phải bắt đầu với một vật trong không gian ba chiều. Trong khi giấy vẽ chỉ có hai chiều ngang, dọc. Vấn đề là làm sao tạo tác ra hình vật gây ảo giác chiều sâu trên trang giấy phẳng.

Đó là kỹ thuật tạo ảo giác về chiều sâu trong không gian. Nó chính là phương diện mới của “chiaroscuro”, phải nắm vững quy luật sáng tối, đâu là nguồn sáng chiếu vào tượng và đâu là bóng tối. Giữa sáng và tối là gì – đó là vấn đề mà mỗi họa sinh phải nắm bắt cho chắc thì mới có chút hy vọng tiến tới.

nhan vat va chan dung 3

nhan vat va chan dung 4

Các loại bút điển hình trong thế kỷ 19 (trong catalogue của một hãng Pháp) cọ hình cái quạt, dùng phết màu ướt trên các mảng sáng tối trên họa tiết. Hầu hết, các cây viết về kỹ thuật họa đều chỉ tính cách hòa trộn màu để dãi. Cacs họa sĩ phải tận dụng tài khéo dùng sắc độ để tô màu trên da thịt. Từ số (2) đến số (9) là cọ lông heo mịn, bó tròn hay thắt dẹp bằng lông dài để dễ vận dụng. Đầu bút tròn hay dẹt, để có thể vẽ các loại hình dạng trong tự nhiên như nét tóc uốn lượn.

* Vẽ người mẫu:

Một giai đoạn “đáng sợ”! Bởi vì có những họa sinh đã thành thực khai rằng: “run rẩy” khi được ngồi vẽ trước người mẫu khỏa thân đẹp… như thần vệ nữ!

Mặc dù đã từng vẽ tượng vệ nữ, nhưng đó là vệ nữ thạch cao, vẻ đẹp trắng như thạch cao tuy có run (như “run thần tử thấy long nhan”), nhưng đó là cái run thần thánh, siêu nhiên, cao thượng. Ở đây, tuy không thấp hèn, nhưng đây là người mẫu hiện thực, cách xa đời thường chỉ đường tơ kẽ tóc.

Khi bắt tay vào việc vẽ, họa sinh chỉ có bút chì hoặc mẫu than nhưng phải nỗ lực chuyển hóa toàn thân “vệ nữ” hồng hào kia thành mầu than trên giấy trắng.

Ngoài ra, “phải tuân thủ theo đường lối” Hàn lâm: phải lý tưởng hóa người mẫu trên bức hình họa, mẫu đẹp lý tưởng là thần vệ nữ - nếu bạn thấy người mẫu có một nốt ruồi hay một vết sẹo đâu đó, bạn đừng vẽ thẹo hay nốt ruồi, hãy quên chúng đi, coi như không thấy gì hết, chỉ vì một lý do đơn giản: các viện sĩ sẽ gạt bạn ra khỏi danh sách thí sinh nếu bạn muốn vẽ hiện thực, mất quan điểm “lý tưởng hóa”. Thần vệ nữ không bao giờ có thẹo hay nốt ruồi!

Khi nào luyện được nhuần nhuyễn cái tập quán tự bịt mắt mình, hạ quyết tâm tự lừa dối mình và “đánh bóng thực tại” bằng kỹ thuật vờn bóng Ý (chiaroscuro) và “đánh bóng” cái vẻ đẹp Vệ nữ - bạn sẽ được hồ hởi đón chào vào viện Mỹ thuật Nhà nước, kể từ thời Napoleon đệ II. Mục tiêu vinh quang nhất của Họa sinh thời đó là: Giải Khôi Nguyên La Mã (Grand Rome Prize).

Đó lại là một nguyên do ghê gớm nữa khiến các khuynh hướng nghệ thuật hiện thực phải kinh qua gian khổ hơn trăm năm lịch sử. Hội họa Ấn tượng là một nạn nhân thê thảm nhất. Phong cảnh họa cũng vì thế không có cơ hội phát triển.

Để tránh ghê sợ khi đối diện với thực tế khỏa thân, các thầy cổ điển đã chuẩn bị cẩn thận cho các ứng viên hàn lâm những bước tiệm tiến tới giai đoạn vẽ người mẫu:

Trước khi được vẽ toàn thân hay khỏa thân, họa sinh chỉ được vẽ đầu người… trong tranh – nghĩa là được vào bảo tàng viện Louvre sao chép một khuôn mặt nào đó trong tác phẩm cổ điển.

* Vẽ chân dung:

Vẽ đầu người cũng chính là lúc họa sinh được phép vẽ màu. Đây cũng là một điểm son đầy ý nghĩa trong tiến trình giáo dục cổ điển: họa sinh chỉ được vẽ màu khi đã thấm nhuần tinh thần truyền thống, nghĩa là đã nắm chắc nguyên tắc “chiaroscuro” và phương pháp thể hiện, biết dựng hình lý tưởng hóa mọi sự theo tiêu chuẩn La Hy.

* Vẽ khỏa thân:

Bước đầu, họa sinh định hình đối tượng trên khung vẽ hay gỗ bằng những nét sơn mỏng, định mảng sáng tối và sắc trung độ giữa sáng tối. Đây gọi là giai đoạn “Ébauche”.

Lớp màu đầu tiên phải rất mỏng, dùng loại sơn ít màu cho chóng khô – thuận tiện cho những bước kế tiếp. Nếu lớp sơn dầu sau đè lên nền chưa khô, theo kinh nghiệm, tranh sẽ bị rạn nứt, sớm hư hại.

Bảng màu phải được chuẩn bị cẩn thận, màu chỉ được giới hạn trong một số màu như đất, xanh-phổ, đen và trắng (earch colours + Prussion blue + black + white). Thế kỷ XIX, họa sĩ cổ điển bỏ bớt màu đất, dùng màu than sắc thẫm như nhựa đường (bitumen) để tạo những mảng tối trông rất huyền ảo, nhưng tiếc thay hóa chất của nó lại khiến nhiều tranh bị hư hại. Phác họa bằng chì than (fusain) không cẩn thận cũng làm cho màu sơn hóa bẩn, và dĩ nhiên làm xấu cả bức họa.

Sau đó, có thể thêm màu nâu ấm pha xăng và trộn với các màu đất nào đó có độ trong, gọi là “Sauce”. Giai đoạn này thường dùng cọ lông mềm.

Phải tránh bớt chi tiết, chỉ nhằm tạo tác dụng sáng tối mà thôi.

* Khắc họa:

Kế đến, phải học một kỹ thuật cổ điển để cho hình họa nổi bật lên như một loại điêu khắc trên mặt phẳng. Nghĩa là, tạo ảo giác về chiều sâu, khiến hình vật trông như vật có thật trong không gian ba chiều. Mảng sáng của vật được tô sơn dày hơn bằng cọ cứng hơn. Cuối cùng, để lại vài nét sơn trông có vẻ ngẫu hứng thần tình. Nhưng nên nhớ: Hình người trong tranh phải giống pho tượng sống.

Thời gian vẽ khỏa thân phải vẽ nhanh bắt kịp quy định chương trình cho cả sinh viên và người mẫu. Trong viện còn lưu lại nhiều bức khỏa thân đang vẽ dở dang, chứng tỏ nhiều họa sinh đã bỏ cuộc, không kịp tốc độ.

* Cuộc đời họa sinh:

Sinh viên thường học trường Mỹ thuật vào cỡ tuổi từ 15 đến 18, học ít nhất là 5 năm trở lên. Học từ sáng sớm, mùa hè có khi học từ 7 giờ sáng cho tới trưa hoặc 1 giờ chiều. Giáo sư chỉ ghé qua họa thất mỗi tuần một vài lần thôi, với mục đích hướng dẫn, phê bình và cho sinh viên đề tài thực tập kế tiếp.

Buổi chiều, bắt buộc họa sinh “phải đi thực tế” kiểu cổ điển – tức là đi vẽ copy các danh tác trong bảo tàng viện Louvre. Khâu này cực kỳ quan trọng, vì nó nhằm đào tạo các họa sĩ nắm vững kỹ thuật truyền thống, nắm vững bố cục và phương thức lý tưởng hóa theo tiêu chuẩn và đạo đức học La Hy.

Mùa hè, đi vẽ phong cảnh để lấy tài liệu dựng cảnh cho những bức họa chân dung trong tương lai. Đây cũng là một cách đào tạo khả năng quan sát rất bổ ích cho giai đoạn trở về bố cục tranh ở họa thất.

Đối với sinh viên, mùa hè thoải mái, vui tươi hơn, tự do hơn, bớt phần áp lực truyền thống sao sao, chép chép theo mẫu tranh tượng La Hy. Họ quên bẵng đi hoặc không biết một sự thực là họ bị nhồi sọ quá kỹ về phong cách cổ điển, dù có được mùa nô giỡn giữa thiên nhiên, họ vẫn chỉ là những con sáo nhảy nhót… trong lồng. Giả như được thả ra, có khi sáo lại tự động quay trở về lồng. Tuy nhiên, đến thế kỷ XIX, đã có những “con sáo” làm cách mạng, tìm cách xổ lồng bay xa. Đó là họa sĩ tiên phong có tinh thần hiện thực, lãng mạn mở đường cho trào lưu Ấn tượng sau này. Một số sử gia cho rằng chương trình vẽ mùa hè của trường Mỹ thuật đã vô tình hé mở một cánh cổng cho một số họa sĩ “phản động” giữa thế kỷ XIX.

nhan vat va chan dung 5

Delacroix vẽ bức “Cái chết của Sardanaplus (1827) là một ví dụ về bản phác thảo nhỏ sơn dầu với đầy đủ bố cục và màu sắc để chuyển sang bức họa thực sự khổ lớn. Các chi tiết chính xác sẽ được nghiên cứu kỹ hơn ngoài thực tế.

Thẩm quyền Hàn lâm bị chất vấn

Từ thế kỷ XVII đến 1863, chương trình đào tạo của viện Mỹ thuật Pháp tuy có cải biên nhưng phải cho đến thế kỷ XIX mới đụng vấn đề cải tổ. Nhân vật truyền thống Hàn lâm gây phản ứng đầu tiên là Jacques Louis David. Ông là lãnh tụ của khuynh hướng phục hồi truyền thống. Từ thập niên 1790, chủ trương “vẽ như khắc họa” của David ngày càng khe khắt, gây sức ép nặng nề đến độ nảy sinh phong trào phản kháng chống trường nghệ thuật Nhà nước. Đó là thời điểm cuộc cách mạng Pháp năm 1789.

“Cái chết của Sardana-palus” của Delacroix (1827) là một ví dụ về bản phác thảo nhỏ bằng sơn dầu với đầy đủ bố cục và màu sắc để chuyển sang bức họa thực sự, khổ lớn. Các chi tiết chính xác sẽ được họa sĩ nghiên cứu kỹ hơn khi quan sát tạo vật thiên nhiên và nhân tạo.

Giới tiểu tư sản bắt đầu đóng vai trò lãnh đạo và khuynh hướng thẩm mỹ cũng như thái độ cách mạng của nó có những điểm trái ngược, không tương thích với chủ trương đường lối cũ của viện Mỹ thuật Nhà nước. Năm 1816, viện Mỹ thuật đã đưa ra giải Khôi Nguyên La Mã, bốn năm một kỳ thi, về đề tài lịch sử, một loạt phong cảnh làm nền cho họa phẩm minh họa điển tích lịch sử, thần thoại và tôn giáo. Giải này đụng sự chống đối, bất hợp tác của văn nghệ sĩ Hiện thực và Lãng mạn, phải dẹp bỏ vào năm 1863 khi giới họa sĩ trẻ nuôi dưỡng mầm mống Ấn tượng trong nôi nghệ thuật Paris.

Tư tưởng cách mạng Pháp đề cao tự do cá nhân, và dĩ nhiên là tính cá biệt độc đáo trong nghệ thuật. Nhưng ngược lại, trường cổ điển về mặt biểu hiện đã sử dụng những kỹ thuật xóa mờ nét cá biệt của nghệ sĩ.

nhan vat va chan dung 6

Tác phẩm Cái chết của Sardanapalus (1828) do Delacroix thực hiện được gợi hứng từ bài thơ của thi hào Anh Byron (1821) và dịch sang Pháp văn (1825), tuy nhà thơ Byron không mô tả quang cảnh nào giống như họa phẩm của Delacroix. Thời đó họa sĩ vẽ bức này để triển lãm ở salon năm 1828. Họa phẩm này là một kiệt tác theo khuynh hướng Lãng mạn của ông. Các chi tiết tự nhiên được chuẩn bị bằng phấn màu thật là tế nhị và sau cùng đều quy về tông màu ấm, tạo ra lực truyền cảm mạnh mẽ.

nhan vat va chan dung 7

Bức họa khảo bé nhỏ này vẽ trên giấy croquis của Delacroix cho thấy họa sĩ đang loay hoay với các nhân vật của ông để sau này dựng nó thành các nhân vật cỡ lớn thế nào. Từ đây ta mới thấy họa sĩ vận dụng từ khảo họa cho tới tác phẩm thực sự. Họa sĩ phải trải qua các giai đoạn khá công phu, nghiêm túc kiểu cổ điển La Hy. Nghệ thuật Ấn tượng từ thập niên 1870 đã trở thành tuyên ngôn cách mạng của nghệ thuật, đưa nghệ thuật vào tốc độ vận hành của ánh sáng, tạo ra toàn những tác phẩm biểu hiện tốc độ, những bản tốc họa phản ánh đời sống nồng nàn của con người giữa thiên nhiên và xã hội, không còn những lý tưởng hư cấu, giả tạo như tranh cổ điển.

Cùng chủ trương sao chép nô lệ quá khứ, trường Mỹ thuật còn bắt họa sinh học các kỹ thuật xoa bóng nhẵn nhụi (chiarosucro) và khi bức tranh hoàn tất thì mọi dấu tích cảu bút, nét phác độc đáo của mỗi họa sĩ… đã mất tích từ lâu rồi!

Kể từ Delacroix, họa sĩ đầu đàn của phái lãng mạn, cảm xúc là một yếu tố hàng đầu của nghệ thuật. Họa phẩm phải biểu hiện cảm xúc độc đáo và mãnh liệt.

Xem bức họa “Cái chết của Sardanapalus” (1827), ta thấy kỹ thuật sơn dầu của Delacroix biểu hiện cảm xúc lãng mạn như thế nào. Nếu xét theo quan điểm trường cổ điển, bức họa này chỉ là “một phác họa thô thiển” một “esquisse tồi”! Tuy nhiên, lịch sử Mỹ thuật đời sau cho thấy rằng, từ Delacroix, nghệ thuật của hành tinh này không còn chỗ nào dành cho những bức họa gọi là “hoàn chỉnh”.

Tính độc đáo (Originality) được phái cổ điển định nghĩa như là dấu ấn thiên tài, một cái gì “vĩ đại” mà quần chúng không bao giờ dám mơ tưởng. Ngược lại, theo tinh thần dân chủ từ Cách mạng Pháp (1789) qua thời hậu Cách mạng, “độc đáo” là bản sắc, là cá tính bẩm sinh của mọi người và mỗi người trong chúng ta. Nghệ thuật biểu hiện cá tính độc đáo, mỗi người làm chủ bàn tay, cọ vẽ và màu sắc của riêng mình, của chính mình.

Trong thực hành, phái cổ điển đánh giá bức họa vào cái khâu “hoàn chỉnh” tức là nặng phần trình diễn vào giờ chót. Ngược lại, thế hệ từ Cách mạng Pháp qua thời Ấn tượng lại trưng bày những nét tốc họa có vẻ thô sơ nhưng nó biểu hiện bản tính chất phác, ngay từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”!

Cái phác họa không kịp cho tính toán, không cho phép lý trí máy động, được giới họa sĩ trẻ tôn trọng bởi tính hiện thực, tính phi chủ nghĩa, phí lý trí, phi lý tưởng hư cấu – nó biểu hiện cái thực “yên sĩ phi lý thuần” (inspiration). Ấn tượng đầu tiên là cái thực, tuyệt đẹp!

>>> Tranh khắc gỗ Việt Nam

>>> Tranh lụa Việt Nam

0976984729