Rồng trong Mỹ thuật Việt Nam

...Từ giao long đến con rồng hiện đại, mô hình đã nhiều lần biến chuyển, nhưng không nhất thiết phải theo một lịch trình liên tục, đơn tuyến, vì thường xuyên chịu ảnh hưởng thời cuộc, ngoại lai, có lúc bị áp đặt, có khi vì giai cấp thống trị sao chép. Tuy nhiên, dù không lý luận đơn giản, chúng ta cũng có thể kết luận mô hình rồng phản ánh nhiều nét lớn trong lịch sử dân tộc...

Rồng là linh vật truyền thuyết của nhiều dân tộc trên thế giới. Mỗi địa phương, mỗi thời điểm, nó mang chức năng và hình dạng khác nhau.

Bài này chỉ giới hạn trong hình dạng con Rồng qua lịch sử mỹ thuật Việt Nam, dĩ nhiên là thỉnh thoảng cũng phải đề cập đến nguồn gốc của nó cho rõ nghĩa. Để bạn đọc dễ bề theo dõi, chúng tôi tạm phân biệt bốn giai đoạn trong tiến trình tạo hình con Rồng :

- Rồng Văn Lang, từ vùng sông Hồng đến Thanh Hóa, trước Tây lịch

- Rồng Giao Chỉ, từ thời Bắc thuộc đến thế kỷ X, chịu áp lực văn hóa Hán tộc.

- Rồng Đại Việt, thời Lý Trần (TK X – XIV)

- Rồng thời Lê Nguyễn, (từ TK XVI) dần dần bị ảnh hưởng Trung Quốc.

Miêu tả như vậy, là theo dòng lịch sử. Nhưng lịch sử nghệ thuật không nhất thiết phải liên tục, phải duy lý, trải qua bốn ngàn năm ghềnh thác. Có thể hình dạng con Rồng ta thấy ngày nay không can hệ gì đến những hoa văn trên đồ đồng của tổ tiên ta thời Đông Sơn, cho dù có đôi đường nét chung. Liên hệ có khi chỉ là thành kiến : chúng ta tự cho là con Rồng cháu Tiên, vậy con Rồng của chúng ta ngày nay phải là hậu duệ của con Rồng Lạc Long Quân. Cái tình là như vậy. Cái lý muốn như vậy. Nhưng lịch sử mỹ thuật chưa chắc đã liên tục.

Bài này cung cấp hình tượng Rồng qua những giai đoạn, nhưng không dám khẳng định con rồng này là tiến trình của con rồng kia. Nghệ nhân thời Lê, và ngày nay, vẽ con rồng, chưa chắc gì đã biết đến con Rồng thời Lý – đặc biệt Việt Nam – đừng nói gì đến con Rồng Văn Lang. Chúng ta không nên vì tự hào dân tộc mà suy luận sơ đẳng.

Khái niệm Rồng có thể xuất hiện từ thời rất xa xưa, dĩ nhiên không phải dưới danh xưng “Rồng”. Tổ tiên ta gọi “con ấy” là con gì thì không ai biết. Sử sách có nói đến con thuồng luồng, con giao long : người Văn Lang thời đó “xuống nước đánh cá thường bị giống giao long làm hại nên có tục xâm mình theo dạng thủy quái để tránh tai họa giao long”, theo Lĩnh Nam Chích Quái, truyện họ Hồng Bàng. “Dạng thủy quái” ra sao, chúng ta không rõ, nó có phải là tiền thân con Rồng hay không, cũng chỉ là suy đoán. Có thuyết nói : chữ “thuồng luồng” phát sinh ra chữ “long” rồi biến âm thành chữ “rồng”. Nhưng theo cố giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, thì ngược lại, từ “rồng” có trước, vào thời Hán, chữ “thuồng luồng” xuất hiện về sau, vào thời Đường. Theo ông, thời tiền sử, người Việt gọi rồng bằng cái tên gì khác, như là rắn hay cá sấu 1. Hai chữ giao-long có nghĩa là “cá sấu - rồng”. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy cho biết, trong tiếng Mường còn chữ “con khú – con rôông” để chỉ con cá sấu, con rồng, và còn câu tục ngữ “con khú làm chồng, con rồng làm nhân ngãi

rong 1

1. Giao long khắc trên thạp đồng Đào Thịnh

Nói chung, nhiều sử gia cho rằng giao long trong sử cũ là cá sấu, bách hại đời sống nông dân và ngư dân cả vùng Đông Nam Á, bằng cớ là mãi đến đời Trần, Nguyễn Thuyên còn phải làm văn tế cá sấu (1282). Mặt khác các vua nhà Trần có truyền thống thích hình rồng vào đùi, cho đến đời Trần Anh Tông (1299) mới bỏ. Sử sách còn chép rõ chuyện này.

Hình ảnh sấu-rồng, giao long sớm nhất còn lưu dấu đến ngày nay, có lẽ là hoa văn khắc chạm trên thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái) khoảng một nghìn năm trước Tây Lịch : hình một cặp cá sấu đối diện liên kết với nhau (hình 1).

Đây là thời kỳ các bộ tộc Lạc Việt Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bắt đầu định cư chắc chắn và liên kết với nhau thành nước Văn Lang vùng châu thổ sông Hồng và trung du lân cận dưới triều đại Hùng Vương. Các bộ tộc Âu Lạc Việt đã bắt đầu xây dựng huyền thoại về nguồn gốc, sùng bái vật tổ (totem, Rồng Chim) sau này sẽ trở thành truyền thuyết (chim) Lạc (rồng) Long Quân. Dĩ nhiên là tên Lạc Long Quân sẽ xuất hiện về sau, có lẽ vào giữa thời Bắc Thuộc dưới ảnh hưởng của Đạo giáo,”quân” là chức sắc cao cấp trong tín ngưỡng Đạo giáo. Nhưng huyền thoại thì có trước. (Lạc còn có nghĩa là ruộng Lạc).

Gần gần với niên đại cặp giao long trên thạp đồng Đào Thịnh, Yên Bái, thì ở Trung Quốc trên thạp đồng An Dương đời Thương đã xuất hiện hình rồng hoàn toàn khác, vóc dáng khác, đầu có sừng giống sừng cừu. Từ đó ta có thể nghĩ đến tính cách độc lập của “con rồng bản địa” của Văn Lang.

Rồi con giao long của sông Hồng dần dần được cách điệu hóa. Trên lưỡi giáo tại Núi Voi thế kỷ thứ VI trước T L, hình giao long thon dài, đứng trên bốn chân, sống lưng và có đuôi có xương mọc thẳng đứng (hình 2).

rong 2

2. Lưỡi giáo núi Voi, tk VI trước TL

Theo học giả Bezacier: “con giao long (sấu) này sẽ được cách điệu để thành hình rồng về sau, thường gặp trong nghệ thuật Hoa, Việt”. Trên một mũi lao Đông Sơn, thế kỷ VI trước TL, giao long có bốn chân, bờm hất ngược, đuôi cong (hình 3).

Có thuyết nói rằng hoa văn này đã chuyển sang Trung Quốc thời Chiến quốc và ảnh hưởng đến con rồng Hán tộc về sau. Như con giao long trên một tấm giáp đồng tìm thấy ở Ninh Bình (hình 4) hay trên một lưỡi rìu Đông Sơn (hình 5), vẫn còn đầu cá sấu, nhưng đuôi đã dài ra và cuộn tròn như đuôi rắn, cùng với hoa văn thời Hán.

rong 3

3. Lưỡi giáo Đông Sơn, tk V truoc TL

rong 4

4. Giao long đấu lưng trên mảng áo giáp đồng Ninh Bình, tk 4  trước TL

rong 5

5. Đôi giao long trên lưỡi rìu Đông Sơn, tk III trước TL

Theo sử gia Lê Thành Khôi hình rồng của Việt Nam cũng như Trung Quốc nguyên thủy là hình cá sấu, ngày nay vẫn còn tồn tại ở các nền văn hóa Đại dương châu 3. Sấu và chim là vật tổ của nhiều dân tộc Đông Nam Á trong đó có các bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt liên minh thành nước Văn Lang và Âu Lạc. Huyền thoại Rồng Tiên, từ hình ảnh sấu- chim, hay truyền thuyết Lạc Long – Âu Cơ có lẽ do đó mà sản sinh ?

Khi nước Âu Lạc thời An Dương Vương (257-208 trước TL) bị nhà Hán thôn tính, nhất là sau khi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại (0040-0043) thì nền văn minh Đông Sơn cũng tàn phai và xã hội lạc hầu, lạc tướng bị phân hóa. Con rồng bản địa, con giao long của văn hóa sông Hồng cũng đứt đoạn, dù cho, về sau, nó còn xuất hiện như ở Lạch Trường, trên một đĩa đèn có cán hình đầu rồng,đã cải tiến, thế kỷ thứ III sau Tây lịch (hình 6).

rong 6

6. Đĩa đèn, đồng, tk III

Dưới thời Bắc thuộc, con rồng Giao Chỉ có bốn chân, đuôi cong, thân hình thon dài mềm mại, còn giữ hình dạng đầu cá sấu ở giai đoạn đầu như trên một viên gạch nung thế kỷ 1 sau Tây lịch, tìm thấy ở một ngôi mộ vùng Lim (hình 7).

Nhưng sau đó, hình rồng sẽ thay đổi : đầu cá sấu biến dạng, nhường chỗ cho đầu một con vật tưởng tượng, kết hợp nhiều nét động vật khác nhau, đặc biệt có vẩy và có cánh, có râu hàm và lông chân, giống con rồng Trung Quốc (hình 8).

rong 7

 7. Gạch nung, Giao Chỉ, tk I

rong 8

8. Gốm Giao Chỉ, tk III

Sau khi đất nước tự chủ, Ngô Quyền phá quân Nam Hán (938) con rồng Đại Việt thoát ly ra khỏi ảnh hưởng phương Bắc : rồng thời Ngô, trên mảnh gạch nung ở Cổ Loa, thân ngắn, không có cánh, đã báo hiệu những nét rồng Đại Việt thời kỳ sau (hình 9).

Phải đợi đến triều Lý (1010-1225) hình rồng dạng rắn mới phát triển dưới vóc dáng rồng-rắn đặc biệt Việt Nam trong nhiều ý nghĩa : rồng là biểu tượng của vương quyền “thiên tử”, theo gương vua Hán Cao Tổ. Rồng còn tượng trưng cho các vua nhà Lý, là hình tượng của chủ quyền dân tộc “dòng giống rồng tiên”, ước vọng phồn thịnh, mưa thuận gió hòa v.v... Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La (1010) đặt tên quốc đô là Thăng Long, là chọn một cái tên giàu ý nghĩa; chuyện “rồng vàng bay lên” để đón vua e chỉ là truyền thuyết. Hai chữ Thăng Long chắc đã được Lý Thái Tổ và quốc sư Vạn Hạnh chuẩn bị từ trước, chẳng cần đợi rồng bay. (Thuyền vua đỗ dưới chân thành vào tháng 7 mưa ngâu, trông lên trời mây ắt thấy rồng : tổ tiên ta tuyên truyền chính trị rất giỏi).

rong 9

9. Gạch nung, thời Ngô, tk X

Con Rồng triều Lý là một sáng tạo dân tộc, khác với rồng Trung Quốc : thân hình thon dài như thân rắn uốn lượn trên một nhịp dần dần nhỏ lại về phía đuôi nhọn, chân là chân chim móng vuốt nhọn sắc. Đầu có mào hình chữ S, như mào chim hay rắn thần trong truyền thuyết, không có sừng như rồng Tàu, nhưng có vòi, ban ơn mưa móc, uốn mình trong ngọn lửa; cái vòi có lẽ do ảnh hưởng phương Nam, con rồng makara Chàm-Ấn. Miệng há rộng, răng sắc đớp ngọc minh châu, nguyên là quả cầu tượng trưng cho mặt trời và sấm sét. Râu, bờm, lông móng oai dũng kết hợp thành những đường nét nhịp nhàng, hài hòa như một đất trời gợn sóng (hình 10, và bản vẽ lại của Trần Tuy).

rong 10

10. Rồng nhà Lý, tk XI

Tư tưởng chính trị, triết học, tôn giáo là của triều thần nhà Lý, nhưng hình rồng là sáng tạo của nghệ sĩ dân gian. Ngày nay chúng ta tự hào và ngạc nhiên tự hỏi : sao vào thời trung cổ cách đây cả ngàn năm dân tộc ta đã có nền nghệ thuật tạo hình phong phú và tinh tế như thế ? Con rồng thời Lý là bản sắc dân tộc, đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam. Hay nói như Thái Bá Vân, “đến mỹ thuật Lý thì thẩm mỹ Việt Nam ở cái đỉnh mẫu mực của mọi vòng sáng tạo”4. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cũng đã nhiều lần, từ 1944 về sau, ngợi ca con rồng này5.

Triều Trần (1225-1400) phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm từ phía nam phía bắc. Cuộc chiến đấu gian lao và kiên cường đã tạo một khí thế cho con rồng nhà Trần : nó vạm vỡ hơn, mập mạp hơn và tự nhiên là phải bớt phần hào hoa, mềm mại (hình 11).

Nhưng dần dần Khổng giáo chiếm ưu thế trên một nền phong kiến mỗi ngày một chuyên chế, về cuối đời Trần con rồng Việt, phần nào đó, đã bắt đầu chịu thêm ảnh hưởng rồng Trung Quốc.

Cho đến đầu thời Lê (1428-1527), con rồng dù vẫn còn giữ đôi nét truyền thống, chuyển dần sang những đường nét phong kiến phương bắc : nó là biểu tượng thiên tử, bay lượn trên trời mây, bộ dáng oai vệ, hung hãn phun ra lửa, mửa ra khói. Đầu mọc thêm sừng như con rồng nhà Minh. Rồng phong kiến toàn thịnh dưới một triều đại phong kiến toàn thịnh : thời Lê Thánh Tông (hình 12).

rong 11

  11. Rồng khắc gỗ, thời Trần

rong 12

12. Rồng khắc bia Lê Thánh Tông

Nhà Mạc ngắn ngủi (1527-1592) đã để lại một nghệ thuật tạo hình đáng kể : con rồng nhà Mạc bớt vẻ uy nghi dù vẫn phương phi. Hình rồng uyển chuyển, nét vẽ lưu loát như phục hồi nghệ thuật Việt Nam, dựa trên bố cục toàn bộ, không ưu đãi những thành phần chính, phụ.

Khi nhà Lê trung hưng (1592-1788) các vua chúa phục hồi lại hình rồng vương giả trong nghệ thuật cung đình (hình 16). Nhưng xã hội đã đổi thay, đô thị phát triển, hàng hóa luân lưu, ảnh hưởng nước ngoài... đã tạo ra nếp sống khác; và phát triển văn học dân gian, truyện tiếu lâm, truyện nôm và nghệ thuật dân gian, với con rồng dân gian còn thấy trong điêu khắc gỗ : con rồng gia súc sống chung với gà lợn (hình 14), rồng ôm con cuộn mình trong rơm ổ, rồng đùa nghịch với trẻ con (hình 15), rồng làm phương tiện vận chuyển cho dân gian (Nguyễn Đỗ Cung, và Thái Bá Vân, sđd).

rong 13

13. Rồng nhà Mạc

rong 14

14. Rồng bị chó đuổi, khắc gỗ chùa Cói, thời Lê mạt, tk XVII

rong 15

15. Trẻ em đùa Rồng, khắc gỗ, tk XVII

Rồng vui, tếu của dân gian đối lập với Rồng của triều đình, dù là thời Tây Sơn (hình 17) hay thời Nguyễn Gia Miêu (hình 18). Đến thế kỷ XIX, nhà Nguyễn giành độc quyền hình rồng cho biểu tượng vua chúa, và lại đúc khuôn theo mẫu hình Rồng Trung Quốc.

Con rồng nhà Nguyễn không độc đáo, nhưng gần gũi trong thời gian, nên quen thuộc với chúng ta nhất. Các nhà lý luận mỹ thuật có khi chê tính cách cầu kỳ, phức tạp của nó, nhưng con “rồng Huế” là thành phần văn hóa thân thuộc trong tâm cảnh chúng ta ngày nay.

rong 16

16. Rồng phun lửa, bia Văn Miếu thời Lê Mạt, tk XVIII

rong 17

17. đồng tiền Cảnh Thịnh, tk XVIII

rong 18

18. Rồng bay, vẽ trên cửa sơn son thếp vàng tại Huế, thời Nguyễn, tk XIX

Họa sĩ Vĩnh Phối, gần đây đã có lời miêu tả nồng hậu : “nghệ nhân Huế đã vận dụng biến hóa tài tình thành rồng Huế, thường có sừng mọc ở vị trí tai, khác rồng Trung Quốc và rồng Lý Trần. Vảy bao phủ toàn thân, một tứ bờm có ngạnh. Bờm và đuôi soắn tròn biến thành những ngọn giáo đã xuất hiện thời Lê, chân có móng sắc. Những con rồng trang trí thời Nguyễn có tình cách oai vệ, khí thế sinh động và toát lên uy quyền nhà Nguyễn”.

Mô hình trang trí khá phổ biến tại Huế, trong kiến trúc, điêu khắc ở cung đình hay các nhà quyền quý, dưới dạng con giao bốn móng, hay con cù, gần với cá sấu. Chỉ có con rồng năm móng là biểu tượng dành riêng cho bậc đế vương. Trong một thuyết trình ngày 30-9-1914 tại Huế, P.Albrecht có mô tả chính xác mô típ rồng trong nghệ thuật trang trí Huế

Sử sách ghi rõ là tổ tiên ta, từ thời Văn Lang đã có tục xâm hình thủy quái trên thân thể để tránh tai nạn cá sấu. Có lẽ từ đó đã nảy ra truyền thuyết Rồng Tiên. Hoặc là huyền thoại có trước. Nhưng nhất định là có tương quan. Hình thủy quái ấy ra sao thì ta không biết, không chắc gì đã giống con giao long trên các di tích thời Đông Sơn.

Mô hình giao long sẽ biến đổi thành con rồng thời Lý, đặc sắc của dân tộc truyền sang đời Trần. Đến đời Lê thì con rồng cung đình bị ảnh hưởng Trung Quốc trong khi con rồng dân gian lại phát triển theo phong cách riêng. Vào triều Nguyễn mô hình rồng bị triều đình chiếm hữu và, nói chung, chịu ảnh hưởng Trung Quốc. Ngày nay, nó chỉ còn là một đề tài trang trí, như trên bát đĩa thông dụng, và mất dần ý nghĩa tín ngưỡng hay xã hội.

Từ giao long đến con rồng hiện đại, mô hình đã nhiều lần biến chuyển, nhưng không nhất thiết phải theo một lịch trình liên tục, đơn tuyến, vì thường xuyên chịu ảnh hưởng thời cuộc, ngoại lai, có lúc bị áp đặt, có khi vì giai cấp thống trị sao chép. Tuy nhiên, dù không lý luận đơn giản, chúng ta cũng có thể kết luận mô hình rồng phản ánh nhiều nét lớn trong lịch sử dân tộc.

Một đề tài lớn lao và lý thú, là biểu tượng con rồng Việt Nam trong toàn cảnh Đông Nam Á, và xa hơn nữa trong huyền thoại và truyền thuyết thế giới. Một đề tài như thế sẽ đối chiếu nhiều ngành khoa học khác nhau và nhất định mang lại nhiều kiến thức mới mẻ và lý thú.

- Đặng Tiến -

>>> Họa tiết con rồng trong mỹ thuật cổ Việt Nam

0976984729