Nguyên tắc “Chiaroscuro” trong vẽ tranh
“
"Hội họa chỉ là hiệu ứng gây bởi ánh sáng và bóng tối, tức chiaroscuro.”
- Leonardo da Vinci –
Kỹ thuật chiaroscuro (phát âm: ki-a-rô-xkU-rô, trong đó chiaro là sáng, oscuro hay scuro là tối, tiếng Ý) là kỹ thuật nền tảng giúp tạo ra trên một bề mặt hai chiều ảo giác nổi về hình khối do ánh sáng phản xạ trên người, vật, nhằm mô phỏng các hiệu ứng mắt người nhìn thấy trong không gian thực ba chiều.
Kỹ thuật này đã xuất hiện trong hội hoạ Hellenistic thời Hy Lạp cổ đại, khoảng t.k. IV tr CN, khi các hoạ sĩ dùng chuyển sắc độ và gạch bóng để thể hiện hiệu quả ánh sáng, bóng tối, hình khối và tạo ảo giác viễn cận, khác hẳn lối vẽ hình bẹt tối trên nền sáng hoặc sáng trên nền tối trên các đồ gốm trước đó.
Bích hoạ Hy Lạp cổ đại cuối t.k. IV đầu t.k. III tr. CN
vẽ người gác tại mộ Agios Athanassios ở Thessaloniki
Từ đầu T.K. XV Cennino Cennini đã nói về kỹ thuật chiaroscuro trong cuốn Il libro dell’arte (Sách về nghệ thuật). Chương IX của cuốn sách này có tựa đề “Làm thế nào sắp xếp hay thu xếp cho phù hợp với ánh sáng để tạo chiaroscuro và làm hình trông nổi như phù điêu” trong đó ông khuyên người học vẽ, trong mọi tình huống của ánh sáng, nên chọn cách chiếu sáng tốt nhất và vẽ bức tranh theo ánh sáng đó bởi lẽ “thiếu nó, bức tranh của bạn trông sẽ không nổi, vụng về và ít giá trị”.
Giotto, Cái hôn của Judas (1303 - 1306), bích hoạ tại
nhà nguyện Arena ở Padua. Giotto không dùng chiaroscuro mà
thay đổi độ bão hòa của màu để tả sáng tối.
Vào thời Trung Cổ việc tạo hình được tiến hành hoặc bằng cách tăng giảm độ bão hòa của màu cục bộ không dùng chiaroscuro, hoặc chuyển sang màu khác để thể hiện ánh sáng hoặc bóng tối. Kỹ thuật chuyển màu này có tên là cangiante (từ động từ cangiare trong tiếng Ý có nghĩa là thay đổi). Trong kỹ thuật này hoạ sĩ dùng màu sáng hơn (như vàng đất, vàng chanh) để vẽ chỗ sáng, và các màu có sắc tối như đỏ, nâu, tím, v.v. để vẽ bóng tối, thay vì màu xám hay đen.
Michelangelo dùng kỹ thuật cangiante khi
vẽ bích hoạ Sistine (1508 - 1512)
Đến thời Phục Hưng, Leon Alberti coi việc biểu diễn ánh sáng như một trong ba yếu tố làm nên bức tranh. Hai yếu tố kia là đường nét và bố cục. Như vậy, từ thời Phục Hưng các hoạ sĩ đã hiểu việc thể hiện sự tiếp nhận ánh sáng, và họ dùng màu sắc để mô phỏng hiệu quả của ánh sáng.
Leonardo da Vinci đã dành cả cuốn V trong trước tác “Luận về hội hoạ” để bàn về ánh sáng và bóng tối. Ông coi đó là phần quan trọng nhất làm nên một bức tranh đẹp. Thậm chí cả khi bàn về màu ông vẫn nhấn mạnh: “Đen và trắng vốn không được coi là màu, mà một thứ là thiếu ánh sáng, thứ kia chính là bản thân ánh sáng. Nhưng tôi vẫn không thôi nhắc tới chúng, vì không gì có ích và cần thiết hơn chúng trong hội hoạ; bởi lẽ hội hoạ chỉ là hiệu ứng gây bởi ánh sáng và bóng tối, tức chiaroscuro. Sau trắng và đen là lam và vàng, rồi lục và hung, hay umber, và rồi tím và đỏ. Tám màu đó là tất cả những gì Tự Nhiên sinh ra.” Leonardo đã khởi xướng một kỹ thuật chiaroscuro đặc biệt có tên sfumato, tạo ra sự chuyển đổi tinh tế từ sáng sang tối, không có ranh giới rõ rệt, xóa đi các đường viền.
Chân dung Mona Lisa do Leonardo da Vinci vẽ năm 1503 - 1506,
và có thể đã tiếp tục tới khoảng năm 1517, là minh hoạ điển hình
cho kỹ thuật sfumato.
Rất gần với sfumato là kỹ thuật unione (hợp nhất) do Raphael phát triển. Unione chỉ khác sfumato ở chỗ gia giảm cường độ màu sắc thay vì chuyển độ sáng tối. Kỹ thuật unione khiến hoà sắc bức tranh rực rỡ hơn hòa sắc trong kỹ thuật sfumato.
Nữ làm vườn xinh đẹp hay Đức Mẹ với Chúa Hài Đồng và thánh Joan Tẩy Giả
(1507) của Raphael là một minh hoạ cho kỹ thuật unione
Chiaroscuro, cangiante, sfumato và unione là bốn kỹ thuật chính tắc của hội hoạ thời Phục Hưng. Thực chất cả bốn đều bắt nguồn từ chiaroscuro.
Từ đầu T.K. XVI các dessin en clair-obscur đã trở nên thịnh hành: hoạ sĩ vẽ lên giấy có màu nhạt hoặc sẫm với các phần sáng nhất được nhấn bằng màu sáng như trắng chì hoặc phấn trắng.
Albrecht Dürer, Đôi bàn tay đang cẩu nguyện (kh. 1508)
Sang thời Baroque, bắt đầu từ cuối T.K. XVI - đầu T.K. XVII, Caravaggio đã nâng chiaroscuro lên thành một phong cách có tên là tenebrism (tenebro trong tiếng Ý có nghĩa là tối, âm u, bí mật). Đặc trưng của tenebrism là phần sáng được đặt trực tiếp cạnh phần tối, tạo cho bố cục một sự tương phản rõ rệt, trong đó bóng tối là phần lấn át. Các bức tranh của Caravaggio biểu tả bi kịch của thế giới trần tục chìm trong bóng tối và ngu muội. Ánh sáng lóe lên trong màn đêm bao trùm đó báo hiệu sự xâm nhập siêu phàm từ thượng giới. Bằng tài nghệ vô song của mình, Caravaggio đã dùng tenebrism để tạo một ảo giác kinh ngạc về hình khối, độ sâu và ánh sáng trong không gian ba chiều.
Caravaggio, Thu phục thánh Matthew (1599 - 1600)
Phong cách của Caravaggio đã sinh ra một trào lưu mang tên ông, caravaggism, không chỉ ở Ý, mà còn lan sang Pháp, Tây Ban Nha. Nhiều hoạ sĩ Hà Lan sang Ý tu nghiệp cũng vẽ theo lối này, tạo ra cả một trường phái trên quê hương họ, có tên trường phái Utrecht. Nhiều hoạ sĩ Flamand như Rubens cũng từng sang Ý, chép tranh Caravaggio, và chịu ảnh hưởng từ caravaggism. Trong khi đó những hoạ sĩ Flamand không sang Ý, đã tạo ra những phong cách chiraroscuro của riêng họ, điển hình là Jordaens, Jan Lievens, Rembrandt và Vermeer. Chiaroscuro là kỹ thuật và phong cách chủ đạo của hội hoạ Baroque.
Rembrandt, Jeremiah than khóc Jerusalem bị tàn phá (kh. 1630)
Đến cuối thế kỷ XVII, trong cuộc tranh cãi giữa hai phe màu và hình do Philippe de Champaigne khởi xướng tại hoạ viện Paris, Roger de Piles, khi bênh vực Rubens, đại diện của phe màu sắc, đã đề cao clair-obscur (clair là sáng, obscur là tối trong tiếng Pháp) khiến nhiều người lầm tưởng ông là tác giả của thuật ngữ này.
Cuối t.k. XIX các hoạ sĩ Ấn tượng chủ trương loại bỏ tất cả các màu đất và màu đen khỏi bảng pha màu. Kết quả là họ chỉ còn cách giải quyết chiaroscuro dùng độ đậm nhạt (tonal value) của màu sắc. Một số hoạ sĩ t.k. XX như Franz Marc cũng áp dụng kỹ thuật cangiante, tuy nhiên chỉ đổi sang màu nguyên chất có cùng sắc màu nhưng đậm hơn.
Franz Marc, Những con ngựa lớn màu lam (1911)
Chiaroscuro được thực hiện trong phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp như thế nào?
Chiaroscuro là nền tảng của phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp, trong đó giai đoạn vẽ lót nhằm tạo ra một bức tranh chiaroscuro đơn sắc. Tất cả hiệu ứng sáng tối, không gian ba chiều, viễn cận đều được giải quyết về cơ bản trong giai đoạn này. Giai đoạn lên màu tạo hòa sắc quang học cho bức tranh. Chính vì thế vẽ lót là khâu cực kỳ quan trọng. Salvador Dalí từng nói không ngoa rằng “hòa sắc của một hoạ sĩ giỏi được dựa hoàn toàn trên cách sử dụng các sắc độ ấm và lạnh một cách nhịp nhàng và êm ái. Hãy hiểu rằng người ta biết ngay liệu bạn có phải một đại cao thủ hòa sắc hay không, và đó chính là cách chắc chắn nhất để biết, qua việc cho bạn vẽ một bức tranh chỉ với đen và trắng, trong một màu, được gọi là vẽ đơn sắc, hoặc camaïeu.”
Bức “Truyền tin” của Nguyễn Đình Đăng được vẽ lót bằng grisaille (đơn sắc)
trước khi phủ các lớp màu bán trong và trong, rồi láng lên.
- Nguyễn Đình Đăng -
>>> Học hỏi kỹ thuật trang điểm từ những tác phẩm hội họa
>>> Tầm quan trọng của kỹ thuật vẽ sơn dầu