Pantone – “Sắc điển” trong Thiết kế

Màu sắc là một thành phần quan trọng trong cuộc sống và trong nhiều ngành nghề, màu sắc còn là một yếu tố sống còn quyết định đến chất lượng và ứng dụng của sản phẩm. Thiết kế đồ họa và in ấn không phải là một ngoại lệ. Vậy đâu là giải pháp cho những vấn đề như lệch màu, sai màu? Pantone chính là đáp án cho những nhà sản xuất và nhà thiết kế.

Pantone là gì?

Ngày nay, từ “Pantone” có thể dùng để chỉ rất nhiều chủ thể khác nhau, điển hình như công ty Pantone, hệ màu Pantone, quy chuẩn màu Pantone, v.v… Tuy nhiên, cái tên Pantone thực sự xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1962, khi Lawrence Herbert mua lại M & J Levine Advertising – một công ty in ấn quảng cáo lúc bấy giờ. Sau khi mua lại và đổi tên, Herbert đã thay đổi toàn bộ hướng đi của công ty và phát triển một hệ thống tiêu chuẩn màu đầu tiên cho phép nhận diện, giao tiếp màu sắc một cách trùng khớp, chính xác nhằm giải quyết tình trạng diễn giải sai lệch trong cộng đồng nghệ thuật đồ họa.

Vào tháng 10/2007, Pantone đã được tập đoàn X-Rite mua lại, đồng thời có tên chính thức được sử dụng cho tới bây giờ là Pantone Inc. Pantone Ince tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ trong khám phá, quản lý và biểu hiện màu sắc. Sản phẩm chủ chốt của Công ty này chính là Pantone Matching System (PMS) – “từ điển” tiêu chuẩn màu lấy tiền đề là hệ thống tiêu chuẩn ban đầu của Herbert. Vậy PMS là gì và được sử dụng ra sao?

Pantone Matching System - Ngôn ngữ chuẩn mực của màu sắc

The Pantone Colour Matching System (PMS) được định nghĩa là hệ thống tái tạo màu tiêu chuẩn. Giống như một cuốn từ điển, PMS quản lý các màu và sắc theo tên gọi và mã số riêng. Nhờ vậy, người dùng có thể tra cứu và đảm bảo tạo ra hiệu ứng màu trùng khớp cho sản phẩm. Trước khi PMS ra đời, mỗi công ty in thường có một bộ màu của riêng mình, gây ra sự khó khăn cho các designer và khách hàng trong việc lựa chọn và sử dụng màu sắc. Ngày nay, PMS đã dược ngầm công nhận như một ngôn ngữ chuẩn mực và chính thức trong giao tiếp bằng màu sắc, bất kể đó là với các nhà thiết kế, các nhà sản xuất, phân phối hay người tiêu dùng.

Thành phần làm nên hệ thống PMS là màu Pantone – các màu đã được nghiên cứu, tiêu chuẩn hóa với các thông số kỹ thuật trong pha chế, được đánh mã số cụ thể. Giới in ấn thường gọi màu là Pantone là màu pha, hay màu thứ 5. Bởi lẽ, màu Pantone đã được tiêu chuẩn hóa với đặc điểm kỹ thuật rõ ràng, có thể coi như màu pha sẵn, khác hoàn toàn với “màu thường” – các màu tạo ra từ việc pha trộn từ 4 màu cơ bản trong in ấn bao gồm: Cyan (xanh lơ), Magenta (hồng cánh sen), Yellow (vàng), Black (đen).

Về mặt hình thức, PMS thường được thể hiện ở hai dạng. Một là dạng sách từ điển đóng gáy chuyên dùng cho ngành thiết kế thời trang và thiết kế nội thất với tên gọi Pantone Fashion, Home+Interiors Color System. Loại thứ hai là dạng sách xòe hình cánh quạt dành cho thiết kế đồ họa và in ấn với tên gọi Pantone Plus Series. Pantone Plus Series được chia ra thành nhiều bộ nhỏ hơn với những mã tra cứu màu mực in trên các chất liệu khác nhau. Bộ quy chuẩn Formula Guide chứa 1867 màu in trên giấy tráng bóng (coated) và giấy không tráng (uncoated). Bộ Pantone Color Bridge Guides giúp nhà thiết kế so sánh và tìm ra màu pha từ 4 màu cơ bản giống nhất với màu Pantone yêu cầu.

Trong lĩnh vực thiết kế đồ họa nói riêng, mối quan tâm của hầu hết các graphic designer sẽ nằm ở màu sắc hiển thị trên các chất liệu in ấn, đặc biệt là chất liệu giấy. Chắc hẳn bạn đã gặp hoặc từng nghe về không ít trường hợp màu hiển thị trên màn hình và màu khi in ra giấy couche khác nhau, thậm chí còn khác cả màu in ra trên giấy lụa, dù tất cả đều sử dụng chung một mã màu. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này chính là bởi mỗi chất liệu giấy sẽ có độ dày và độ bám mực khác nhau. Để khắc phục tình trạng này, Pantone đã cho ra đời những bộ chuẩn mực màu sắc hiển thị trên các chất liệu khác nhau. Trong hệ thống PMS, mỗi màu Pantone hầu hết được ký hiệu bởi ba thành phần: tên gọi, mã số thể hiện sắc độ và ký tự thể hiện chất liệu giấy in (C-coated, U-uncoated, M-matte). Trước khi bắt tay vào thiết kế, các designer sẽ cần trao đổi và thống nhất với khách hàng về chất liệu và những màu sẽ được sử dụng. Sau đó, designer sẽ cần làm việc với nhà in để đảm bảo màu của thành phẩm đúng như trên bản thiết kế.

pantone 1

Nguồn cảm hứng từ màu Pantone

Trong hơn 50 năm phát triển, Pantone đã trở thành một công cụ không thể thiếu đối với những nhà thiết kế làm việc trong lĩnh vực đồ họa – in ấn, thời trang và nội thất. Chỉ riêng trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, cụ thể là thiết kế nhận diện thương hiệu, Pantone đã được sử dụng phổ biến như một phương tiện chính thức để quy định màu thương hiệu. Hơn thế nữa, màu Pantone còn được pháp luật một số nước công nhận để thể hiện màu của quốc kỳ. Vào tháng 1/2003, Quốc hội Scotland đã chính thực ban hành quyết định mô tả quốc kỳ của đất nước này là màu xanh ngọc với mã Pantone 300. Các quốc gia khác như Canada và Hàn Quốc, hay các tổ chức trên thế giới như FIFA, cũng đã chọn những mã màu Pantone cụ thể để sử dụng cho lá cờ của mình.

Không chỉ có vai trò quan trọng trong hoạt động giao tiếp màu sắc, Pantone còn có tầm ảnh hưởng to lớn đối với không chỉ riêng ba ngành thiết kế này mà còn với rất nhiều ngành thiết kế khác. Điển hình có thể kể đến hệ thống hướng dẫn màu sắc với tông màu da người (được Pantone phát triển như một dự án nghệ thuật chống nạn phân biệt chủng tộc và màu da), tiêu chuẩn màu cho phần mắt, hay thậm chí là tiêu chuẩn màu sô-cô-la. Pantone đã vượt ra khỏi khuôn khổ một hệ thống quy chiếu đơn thuần, một công cụ tái lập màu sắc với công thức chi tiết, “cá tính hóa” từng màu sắc để trở thành một thương hiệu toàn cầu đầy uy tín về ngôn ngữ màu sắc. Do đó không khó hiểu khi ta có thể bắt gặp những sản phẩm với kiểu dáng và màu sắc đậm chất Pantone.

Mỗi năm, hàng loạt ngành công nghiệp thiết kế lại bị hút về và xoay quanh màu sắc của năm Color of the Year – một kết luận của Viện màu Pantone (Pantone Color Institute). Có trụ sở tại New York, Mỹ, Viện màu Pantone tập hợp những chuyên gia hàng đầu trong các ngành thiết kế, hoạt động để nghiên cứu về màu sắc, sự ảnh hưởng của màu sắc đến tâm lý con người để từ đó đưa ra những kết luận giúp việc sử dụng màu sắc có hiệu quả cao. Ngay sau khi Màu của năm được công bố, cảm hứng từ màu sắc này đã nhanh chóng lan tỏa trên rất nhiều lĩnh vực cuộc sống, tràn ngập các thiết kế từ trên các sàn diễn thời trang, các bộ sưu tập, cho đến các món đồ nội thất, đồ làm đẹp như phấn, son trang điểm, sơn móng tay, v.v… Không chỉ riêng năm 2017, màu của mỗi năm đều có độ phủ sóng rộng rãi, làm nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều hoạt động, sản phẩm và vật mẫu độc đáo.

pantone 2

pantone 3

pantone 4

pantone 5

>>> Cách để làm chủ thiết kế trong logo

>>> Quá trình thay đổi nhận thức và màu sắc của nhân loại

0976984729