Hội họa sơn dầu của các bậc thầy cổ điển
Là người yêu thích mỹ thuật, chắc bạn muốn biết nội dung đề tài bức tranh, như họa sĩ vẽ cái gì, muốn nói cái gì, ám chỉ cái gì, lịch sử ra đời của bức tranh, lịch sử câu chuyện trong bức tranh v.v. Bạn có thể cảm nhận được một phần cái đẹp của bức tranh, đại loại như nếp vải vẽ như thật, râu cụ già như thật. Nhưng chưa chắc bạn phân biệt được những sợi râu “như thật” đó khác những sợi râu trong các tranh chép của các thợ vẽ đường Đồng Khởi ở chỗ nào.
Nếu bạn là họa sĩ, thậm chí là họa sĩ vẽ sơn dầu đi chăng nữa, chưa chắc bạn đã nằm trong số những người phân biệt được tranh sơn dầu với tranh được vẽ bằng sơn dầu.
Vấn đề là ở chỗ việc bạn dùng sơn dầu vẽ lên canvas chưa đủ bảo đảm bức tranh bạn vẽ ra là “tranh sơn dầu”.
Hội họa sơn dầu có một loạt phẩm chất khiến nó được coi là nữ hoàng của tất cả các chất liệu khác. Những phẩm chất đó được bộc lộ nhờ kỹ thuật vẽ sơn dầu. Vẻ đẹp của tranh sơn dầu chủ yếu nằm trong vẻ đẹp của chất liệu được thể hiện qua kỹ thuật của các bậc thầy. Đó chính là nguyên nhân vì sao những bức sơn dầu của Van Eyck đã khiến toàn châu Âu sửng sốt, từ bỏ tempera và fresco để chuyển hẳn sang sơn dầu.
Những phẩm chất nổi bật nhất của hội họa sơn dầu là vừa trong, vừa sâu, lại vừa có thể đạt độ bão hòa màu sắc rất cao. Độ chuyển sắc của sơn dầu dường như vô tận. Lớp sơn còn có thể chuyển từ mỏng như màu nước tới dày như phù điêu. Trong khi nhiều chất liệu hội họa khác bạc màu, bong nứt thảm hại, những bức sơn dầu của Van Eyck đã trường tồn tới 6 thế kỷ nhưng màu vẫn rực rỡ, trong suốt.
Các bậc thầy cổ điển đạt được các phẩm chất đó nhờ kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp. Kỹ thuật này cho phép dùng hòa sắc quang học do ánh sáng khúc xạ và tán xạ trên các lớp màu trong, được vẽ chồng lên nhau. Các màu nguyên trong kỹ thuật này hầu như không bị vấy bẩn do pha trộn hóa học trên palette, tỏa sáng trong veo như những tiếng đàn không bị các tiếng ho hay chuông điện thọai di động từ khán phòng làm bẩn. Những bóng tối được vẽ bằng các lớp màu mỏng, trong, lạnh (nhiệt độ màu cao hơn) đặt cạnh những chỗ sáng được vẽ bằng các lớp màu đục, dày, ấm hơn (nhiệt độ màu thấp hơn) khiến bức tranh sơn dầu thực chất không còn là một mặt phẳng mà là một không gian ba chiều, cả về ảo giác lẫn về mặt vật lý.
Vì thế trước khi bỏ thời gian và tiền bạc đi xem tranh của các bậc thầy cổ điển tại các bảo tàng trứ danh Âu – Mỹ, bạn hãy bỏ công nghiên cứu kỹ thuật vẽ sơn dầu của họ. Cho dù bạn không phải là họa sĩ, hay bạn là họa sĩ vẽ chất liệu khác, thậm chí là họa sĩ vẽ sơn dầu nhưng không vẽ theo kỹ thuật cổ điển, điều đó cũng sẽ giúp bạn rất nhiều để đi sâu vào cái đẹp của hội họa sơn dầu.
Khi đó, có thể bạn sẽ thấy rằng bức “Cô gái trước gương” của Titian, được treo trên tường bên phải người xem bức “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci tại Louvre, còn đẹp hơn “Mona Lisa”.
Và cũng có thể bạn sẽ hiểu vì sao, khi được hỏi “Nếu toàn nhân loại phải biến mất trong vòng một giờ và ông có quyền cứu một bức tranh duy nhất, không phải do ông vẽ, thì ông sẽ chọn bức nào?”, Salvador Dalí đã không ngần ngại trả lời: “Bức ‘Họa sĩ trong xưởng vẽ’ của Vermeer, tại Vienna.”
Titian
Người đàn bà trước gương (kh. 1515)
sơn dầu trên canvas, 96 x 76 cm
Louvre, Paris
Johannes Vermeer
Nghệ thuật hội họa (Họa sĩ trong xưởng vẽ) (1665 – 1668)
sơn dầu, 130 x 110 cm
Kunsthistorisches Museum, Vienna
- Nguyễn Đình Đăng -
>>> Lịch sử nguồn gốc tranh sơn dầu
>>> Kỹ thuật cơ bản vẽ tranh sơn dầu