MANGA HOKUSAI - Cội nguồn của truyện tranh Nhật Bản

Như chúng ta đã biết: người Nhật từng tạo ra nhiều điều thần kỳ ở tầm thế giới của kỷ nguyên cận – hiện đại, khiến toàn cầu phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên trong lĩnh vực mỹ thuật thì chúng ta ít để ý hơn, kể cả các họa sỹ Việt Nam. Phần lớn giới họa sỹ ta khâm phục bước ngoặt dẫn tới nghệ thuật hiện đại châu Âu kể từ chủ nghĩa Ấn tượng trở đi. Đa số coi Chủ nghĩa Ấn tượng như một phát minh thuần túy Pháp mà không biết rằng họa sỹ người Anh J.M.W. Turner đã vẽ như vậy trước đó khá lâu. Cũng ít ai để ý rằng chính các họa sỹ Nhật Bản, thông qua các tranh khắc gỗ của họ đã tác động mạnh tới cảm hứng và kỹ thuật của các họa sỹ Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Bằng chứng thì không thiếu: Van Gogh từng chép tranh khắc gỗ Nhật thành tranh sơn dầu, Gauguin vẽ tranh tán gái trong khung chữ nhật nhưng hình ảnh cô gái lại khuôn trong hình tròn ngay giữa tranh, Monet thì vẽ tranh theo bộ hàng loạt cảnh các đống cỏ khô và nhất là bộ tranh vẽ cửa Nhà thờ Rouen ở tất cả các thời điểm trong ngày… Tương tự như vậy là kiểu tranh truyện Nhật Bản được gọ là manga. Chỉ mới xâm nhập nước ta từ cuối thế kỷ XX mà ngày nay hầu hết các học viên đang học vẽ tranh truyện hay phim hoạt hình đều tập vẽ theo kiểu manga.

manga hokusai 1
Trang sách vẽ cá của Utagawa Kuniyoshi, chịu ảnh hưởng của Manga Hokusai.

manga hokusai 2
Manga hiện đại với nhân vật chính là Hokusai.
Ông đang vẽ rồng và con gái ông để rơi tàn thuốc vào tranh.

Hokusai lẫy lừng tranh khắc gỗ Nhật Bản và vươn tới đỉnh cao thế giới
Với người Việt ta, tranh khắc gỗ là một kiểu thức nghệ thuật quen thuộc bởi đã nhiều thế kỷ nay dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống khắc gỗ và in tranh lên giấy. Với các nơi khác cũng vậy, hầu như nước nào cũng có tranh khắc gỗ từ thời trung đại, nếu không phải là nghệ thuật dân gian thì ít nhất cũng là khắc ván in kinh của các tôn giáo từ thời chưa có máy in. Có vẻ phổ cập như vậy nhưng điểm qua các nền dồ họa của nhiều nước thì lại rất hiếm tác giả vươn lên tầm thế giới. Dường như chỉ có người Nhật làm điều này, ngay từ đầu thế kỷ XIX, với bộ ba họa sỹ lừng danh: Hokusai, Utamaro, Hiroshighe. Với giới họa sỹ đồ họa trên thế giới hiện nay, có ai mà lại không biết tới bức tranh Cơn sóng thần (The Great Wave) với tên gốc Kanagawa oki namiura (Under a Wave of Kanagawa)? Có lẽ đó đúng là bức tranh khắc gỗ ở đỉnh cao nhất của nghệ thuật đồ họa tạo hình! Bức tranh này rút từ bộ tranh 36 cảnh núi Phú Sĩ lừng danh của họa sỹ Hokusai (1760-1849). Tranh đã hình tượng hóa thành công ngọn sóng thần đồ sộ đang cuộn trào, xòe ra muôn ngàn móng vuốt sắp đổ vồ xuống, nhấn chìm mọi thuyền bè… Ấy thế mà dưới chân sóng ta lại thấy các thủy thủ Nhật đang cúi rạp, kiên cường chèo lái thuyền của họ, mỏng manh như chiếc lá… Bức tranh hiện đã trở thành một trong các biểu tượng của nước Nhật. Tác giả của tranh là họa sỹ Hokusai xứng đáng ngự trị trên đỉnh cao của đồ họa tạo hình thế giới! Từng có thời tranh khắc gỗ Nhật trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các họa sỹ Ấn tượng và Hậu Ấn tượng Pháp. Chủ soái của trường phái Ấn tượng Pháp, họa sỹ Monet từng dán kín cả một bức tường toàn tranh khắc gỗ Nhật trong phòng ăn! (hiện vẫn giữ nguyên tại xưởng họa – Bảo tàng Monet tại Giverny, Pháp).

Hokusai – Khởi nguồn của tranh truyện Nhật và là thủy tổ của làn sóng truyện tranh Manga tràn đi khắp thế giới hiện nay

manga hokusai 3
Sóng lớn ở Kanagawa, tranh khắc gỗ của Hokusai

Thật ra Manga đã được hình thành trước Hokusai nhưng chìm trong âm thầm. Chỉ đến khi Hokusai cho in và xuất bản 15 tập Hokusai Manga từ 1814 và bán chạy đến nỗi chúng được tái bản liên tục hơn 60 năm sau cho đến tận 1878. Đó là các tập sách in 4000 hình vẽ được khắc và in trong khoảng 800 trang truyện. Chẳng những thế, các sách Hokusai Manga còn vang danh sang tận phương Tây và được dịch, in cũng như tái bản nhiều với cái tên Random Schetches (Những bức ký họa) bởi chất lượng nghệ thuật cao cũng như lượng thông tin dồi dào mang tới cho người phương Tây. Kể từ đó Manga ngày càng phát triển, tới mức thống trị toàn bộ nghệ thuật vẽ truyện tranh của Nhật và ngày nay lại lan đi khắp thế giới. Vậy Manga của Hokusai có gì mà hay thế? Hóa ra đó là một từ điển bách khoa bằng hình vẽ muôn mặt đời sống, nhân vật, núi non, cây cối, nhà cửa, cầu cống, cỏ hoa, gia súc, gia cầm, cá tôm v.v… của đất nước Nhật, được khắc in và xuất bản ra khắp cõi Nhật Bản và thế giới. Được mệnh danh là Họa cuồng, Hokusai mải miết vẽ không ngừng nghỉ suốt đời và ghi chép hầu như mọi loài thực – động vật trên đất và dưới nước của Nhật Bản. Nét vẽ của ông sinh động, táo bạo, đầy cá tính sáng tạo, sau đó lại được các đệ tử khắc kỹ và in đẹp để trở thành mẫu mực của dòng tranh truyện Nhật sau này.

Ngay từ đầu thế kỷ XIX, Nhật Bản đã có chủ nghĩa Hiện thực trong mỹ thuật. Với thể loại tranh khắc gỗ, họ đã đủ khả năng miêu tả mọi sự vật, hiện tượng… không những theo hiện thực mắt nhìn mà còn có thể phản ánh cả tâm tưởng của họ nữa. Ở buổi khởi đầu ấy, tranh truyện manga cũng khắc gỗ và in tay lên giấy hàng loạt, sau đó đóng sách với gáy sách khâu tay bằng chỉ. 15 tập của Hokusai Manga đã lập tức trở thành cẩm nang tuyệt vời của các họa sỹ Nhật Bản suốt từ thời ông còn sống cho đến tận ngày hôm nay. 200 năm đã trôi qua, hình tượng ông vẫn sừng sững, sách của ông vẫn là mẫu mực. Bất chấp sự phát triển ồ ạt của các phương tiện thông tin đại chúng với vô số kênh nghe – nhìn ồn ào, tranh truyện manga vẫn hút hồn mọi loại độc giả Nhật và đang lan tỏa với tốc độ chóng mặt đi khắp thế giới.

manga hokusai 4
Hokusai Manga tập 7 (1817), Cảnh núi và hồ
Tác giả đi trước thời đại khi vẽ đường thẳng

Những nét đặc biệt đáng chú ý của truyện tranh Manga

Để biểu thị câu nói hay hình tượng liên tưởng, các họa sỹ truyện tranh Nhật đã sáng tạo ra hình “bong bóng”, viết chữ vào đó hay vẽ hình liên tưởng xa xôi nào đó.

Nét vẽ thẳng tưng chỉ mới xuất hiện ở thời hiện đại, có lẽ chịu ảnh hưởng từ phương Tây chứ rất hiếm ở thế kỷ XIX. Thế mà Hokusai đã vẽ một số hình manga với các đường nét thẳng tưng!

Cảm thấy dung lượng của một trang sách nếu chỉ vẽ duy nhất một tranh là phí phạm và lạc hậu, ngay từ sinh thời, Hokusai đã thử phân chia một trang thành các ô hình nhỏ hơn, tập trung vẽ các biểu hiện và chi tiết cần nhấn mạnh hơn – chính điều này phát triển vượt trội trong tranh truyện đương đại vì mô tả được hơi thở gấp gáp và sự đa dạng, đa chiều của cuộc sống đương đại.

Xưa tranh truyện tách rời: tranh trong khung hình, lời bên ngoài. Nhưng người Nhật vốn có thói quen viết chữ dọc trong khuôn hình của tranh (ảnh hưởng từ Trung Quốc cổ) nên đã đem cách viết chữ như vậy vào tranh truyện. Manga hiện đại đã không thể tách rời tranh và chữ, chỉ có điều chữ phải rất cô đọng trong hình (liếc mắt phải hiểu ngay).

Xưa mắt người trong manga được vẽ rất nhỏ, gần như ti hí. Nay mắt được vẽ rất to trong manga hiện đại. Tuy nhiên không hẳn như vậy: các samurai từ xưa đã luôn được vẽ mắt to.

Bậc thầy Hokusai “hot” đến nỗi kể từ khi ông bắt đầu sáng tác manga, ông thu nạp được đến 200 học trò (cần phải giải thích ở đây rằng thời ấy, học trò nghĩa là ngày đệm đến ăn ở và phụ giúp mài mực, khắc, in, phơi tranh, gấp giấy, khâu sách, nấu ăn… ngay trong xưởng sản xuất tranh của thầy).

Tranh truyện Việt Nam học được gì ở Manga Hokusai?

manga hokusai 5
Trích Manga Hokusai tập 6 (1817) - Vẽ động tác chiến đấu

manga hokusai 6
Torii Kiyonaga, Kintaro xem tranh truyện
Người Nhật tìm ra cách tả lời nói hoặc ý nghĩ bằng cách vẽ kiểu bong bóng

Ở Việt Nam, theo các em thì kiểu vẽ manga dễ nhất, đẹp nhất, trẻ trung nhất, mơ mộng nhất… trong khi tập vẽ tranh truyện kiểu Tây thì lạnh lùng hơn, khoa học hơn, đòi hỏi người tập vẽ phải giỏi hình họa hơn nên khó hơn…

Có một điều người Việt ít để ý nhưng với người Nhật là quan trọng: do những bất trắc của thời sự quốc tế, khoảng chục năm trở lại đây người Nhật dần dần mất thị trường Trung Quốc. Vì thế bắt buộc họ phải tìm cách xâm nhập thị trường khác. Thế giới tưởng như bao la nhưng với manga, game Nhật hay hoạt hình Nhật thì không hẳn: trong các câu chuyện của họ có cốt lõi nào đó của Khổng-Mạnh hay Phật giáo đại thừa mà khu vực này chỉ có ở Á Đông thôi. Chính xác hơn thì đó là Nhật Bản, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam. Thị trường Trung Quốc đã mất, thị trường Nhật và Hàn thì nhân công quá đắt, Bắc Triều Tiên thì đóng cửa, chỉ còn có Việt Nam. Nhân công tưởng đâu cũng có nhưng ở đây người ta cần nhân công mà khi ông chủ đưa ra các cốt truyện thì thấy rất gần gũi và dễ hiểu nên dễ thi công.

- Đức Hòa -

>>> Truyện tranh tiếp cận từ ký hiệu học (Phần 1)

>>> Truyện tranh tiếp cận từ ký hiệu học (Phần 2)

0976984729