Đề tài bát bửu trong trang trí kiến trúc thời Nguyễn ở Huế
Triều Nguyễn (1802-1945) là triều đại cuối cùng của chế độ Phong kiến Việt Nam, đã để lại một quần thể di tích bề thế, phản ánh khá rõ diện mạo của nghệ thuật của thời đại. Nghệ thuật trang trí trở thành một thành tố quan trọng, một thuộc tính thẩm mỹ mang phong cách độc đáo của mỹ thuật cung đình thời Nguyễn, trong đó bát bửu là một trong những bộ đề tài phản ánh rõ tư tưởng thẩm mỹ nghệ thuật, quan niệm và biểu tượng của cả một thời đại sâu sắc.
Các hình tượng bát bửu chạm gỗ trên một hệ thống cổ ngỗng điện Thái Hòa
Khái niệm về đề tài bát bửu
Đề tài bát bửu xuất hiện từ lâu trong mỹ thuật cổ của dân tộc, theo Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế thì bát bửu là tám thứ quý của tiên. Các nhà nghiên cứu chưa thống nhất về việc xuất hiện bát bửu từ thời nào. Một số tác giả khẳng định bát bửu có từ thời Lý – Trần, với một vài hình ảnh như đôi sừng tê, hoa sen và phổ biến từ thời Hậu Lê. Đến thời Nguyễn, bát bửu đã thành bộ đề tài và không còn trang trí lẻ tẻ nhưng các thời kỳ trước. Trong Lược sử Mỹ thuật Việt Nam, tác giả Nguyễn Phi Hoanh viết về đặc điểm của bát bửu trong mỹ thuật cổ dân tộc là: “Người xưa không nhất trí về tám vật này; trong những tác phẩm trang trí thường có khác nhau về một vài chi tiết”.
Tác giả Đinh Hồng Hải trong Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam viết: “… bát bửu là một mô-típ trang trí bắt nguồn từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam trong quá trình giao lưu văn hóa”. Tác giả Nguyễn Hữu Thông viết: “Bát bửu hiểu nôm na là tám món quý. Trong nghệ thuật trang trí chúng thường kết thành từng bộ. Đây là một kiểu thức phổ biến, được thể hiện từ rất nhiều chất liệu khác nhau, cũng như được trình bày một cách đa dạng và phong phú trong trang trí Huế.
Thực tế cho thấy các biểu tượng bát bửu trong trang trí thời Nguyễn có sự đan xen của tam giáo trong hình ảnh vật biểu trưng theo bộ như ở tại Thái Bình lâu, cung Thiên Định, cung An Định, cổng Hiển Nhân với nhiều bộ bát bửu khác nhau đan xen. Tuy nhiên có thể nhận ra các bộ đề tài bát bửu theo các tôn giáo sau:
* Bát bửu Nho giáo: Là một thành tố của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nho giáo có một ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt đời sống tinh thần của người Việt. Bát bửu Nho giáo được các nhà nghiên cứu thống kê từ nhiều nguồn và thực tế trang trí. Theo Macel Bernanosse trong Nghệ thuật trang trí Bắc Kỳ, đã viết về bát bửu: “Ý nghĩa của nó dần lan rộng đến tất cả những gì thuộc về sáng suốt, hạnh phúc trên đời” và Macel Bernanosse ghi tên bát bửu bao gồm cặp cánh chuồn (cánh buồm) tượng trưng cho học hành đỗ đạt cao, hai cây bút, sách, kiếm, bầu rượu (bầu thái cực), lẵng hoa, lục huyền (đã rút ra khỏi bao được ½), kim khánh, cái quạt. Riêng Dumoutier có thêm quả bầu (vốn có trong bát quả) và hương án bày sách. Tác giả Cadiere trong L’ Art à Hue (1919) thêm ô trám, tù và, đồng tiền, cái quạt, cây như ý, pho sách, sừng tê giác, khánh đá, bút nghiên. Một số tác giả khác thống kê thêm một số vật khác được coi là bát bửu như cuốn thư, gương soi, túi thơ, phương thắng, viên ngọc (ngọc rồng), lá ngải, sanh tiền, đỉnh ba chân… Nói chung có pha trộn vật quý từ bát bửu Phật giáo và Đạo giáo trong các bộ bát bửu Nho giáo.
Hình vẽ mặt cắt chính diện nhà bia lăng Thiệu Trị
với các hoa văn bát bửu. Trang trí gờ mái
Cái ống điếu – vật lạ ở lăng Khải Định
Cây Như Ý tại lăng Khải Định
Quạt đắp nổi tại lăng Khải Định
* Bát bửu Phật giáo: Trong Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tác giả Đinh Hồng Hải nêu ra một nhận định: “Có thể nhận thấy ở các quốc gia láng giềng độc tôn Phật giáo như Thái Lan, Lào, Campuchia không có bát bửu trong trang trí. Do đó, chúng ta có thể coi biểu tượng này là một nét đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam…” và vì vậy mà: … “biểu tượng bát bửu trong nghệ thuật tạo hình có tác dụng như một trung gian chuyển tiếp các tư tưởng của Phật giáo đến với người dân”.
Thư bút đắp nổi tại lăng Khải Định
Tam sơn – lăng Khải Định
Hoa văn bát bửu trên tượng quan võ lăng Khải Định
Trên cơ sở xem xét bát bửu ở các chùa Việt, các nhà nghiên cứu nêu ra một số vật quý như sau trong bát bửu Phật giáo: hoa văn chữ Vạn, bảo bình, hoa sen, ốc tù và, cái lọng, hồ lô, lá đề, độc lưu bốn chân, bánh xe luôn hồi và một số vật khác như lá sen, nút huyền bí, cái táng, đôi cá… Nghiên cứu về bát bửu Phật giáo không chỉ làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử hình thành, triết lý sâu xa của đạo Phật mà còn hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa các dân tộc trong khu vực. Đồng thời cũng có thể thông qua việc khảo sát, bát bửu truy tìm nguồn gốc, ý nghĩa của các hoa văn trang trí, các biểu tượng được sử dụng trên các công trình kiến trúc như chùa, tháp hay cách thức thiết trí thờ tự ở các điện, đường.
* Bát bửu Đạo giáo: Đạo giáo có sự ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống tinh thần người Việt vì nó có những ước vọng phù hợp với tín ngưỡng dân gian. Bát bửu trong Đạo giáo có rất nhiều kiểu thức, vật quý khác nhau và cũng có nhiều vật quý có trong bát bửu Nho giáo và Phật giáo. Trước hết là các vật quý gắn liền với bát tiên gồm cái quạt của Chung Ly Quyền, cái nậm thần (bầu rượu) của Lý Thiết Quài, bộ sanh tiền của Tào Quốc Cựu, cái lẵng hoa của Lam Thái Hòa, ống sáo trúc và cặp roi của Hàn Tương Tử và bông sen của tiên bà duy nhất trong bát tiên là Hà Tiên Cô. Ngoài ra còn có những thống kê khác với bát bửu Đạo giáo bao gồm thêm các vật quý như nấm linh chi, quạt ba tiêu, thanh kiếm, phất trần, gậy trúc, bầu rượu, đàn tỳ bà, cái tiêu (sáo thổi dọc), dép cỏ, túi thiêng, trống cá (ngư cổ), cây thuốc… Có thể nhận thấy bát bửu Đạo giáo đã : “… hòa lẫn vào Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian…”.
Hình tượng các vật quý luôn được trang trí kết hợp với dải lụa thanh nhã, mềm mại hay với các biến thể hoa lá cách điệu hóa, hoa dây… Sự uốn lượn của các dải băng làm cho cái động và tĩnh trong trang trí thêm sinh động: “Hình tượng tám vật quý thường được trình bày kết hợp với những dải băng điều, hoặc hoa lá hay cụm mây. Kiểu phối trí tạo nên sự liên kết mềm mại nhưng chặt chẽ cho bố cục tạo hình”. Người xưa gọi kiểu thức bát bửu gắn kết dải băng cách điệu là “bàn triền”, theo từ Hán – Việt chữ “bàn” có nhiều nghĩa nhưng nghĩa được sử dụng là “vui vẻ”. còn “triền” có nghĩa là toàn vẹn, đầy đủ (vì vậy có khi đọc là “tuyền” hay “toàn”). “Mẫu thức hoa, dây, lá, kết hợp với bát bửu được gọi là “triền chi” mang biểu tượng cho sự phát triển thường xuyên, lâu dài”.
Các bộ Bát bửu tam giáo đã tạo nên những hòa điệu tâm linh, triết lý, phản ánh tư tưởng nghệ thuật của thời đại. Tác giả Trần Đại Vinh khẳng định: “Phật, Đạo, Nho đã chi phối tín ngưỡng dân gian Huế từ căn đế, lan tỏa vào mọi ngóc ngách trong tâm thức người dân Huế…”
Những ý nghĩa sâu xa và gắn liền với mong ước về cuộc sống viên mãn, hanh phúc của bát bửu đã làm cho hình tượng bát bửu luôn có mặt trong ý niệm tinh thần của các triều đại phong kiến ở Việt Nam. Đồng thời bát bửu cũng có ảnh hưởng sâu rộng, có chỗ đứng bền vững trong tâm thức dân gian và tạo ra vô số biến thể độc đáo trong nhu cầu tâm linh 0 thẩm mỹ của người dân Việt, đặc biệt là nở rộ vào thời Nguyễn. Đó là quá trình mà Trần Văn Tốt trong Nhập môn nghệ thuật cổ Việt Nam đã đánh giá: “…nghệ thuật Việt Nam đã dần dần đi sâu vào một tính cách riêng của nó. Trong một số sản phẩm, ở đó nó hoàn toàn cởi bỏ những tiêu chuẩn cổ điển, nó chính là sự biểu hiện một sáng tạo tự phát và một cảm xúc rung động”.
Việt hóa hình tượng bát bửu
Lịch sử nghệ thuật của dân tộc cho thấy, mỹ thuật Việt Nam không thu mình để tự vệ một cách bị động và bảo thủ, vì vậy nó không bị cô lập, tách biệt. Không những mỹ thuật cổ Việt Nam không từ chối mà ngược lại có khả năng thu nạp và dung hòa cái hay, cái đẹp từ bên ngoài. Đối với bát bửu cũng vậy, sự Việt hóa các kiểu thức, hình thể và hòa thêm những ý nghĩa nhân văn, tâm linh mới là một thành công của người nghệ nhân Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước. Đó là: “Khuynh hướng Việt hóa nhằm giữ và phát huy những tinh hoa văn hóa cổ truyền đã được đính tính và định hình… sắp xếp lại trên nền tảng Việt”. Trang trí bát bửu góp phần tăng cảm giác bay bổng, nhẹ nhàng cho công trình. PGS.TS Trần Lâm Biền nhận định trong Một con đường tiếp cận lịch sử. “Dù có nhiều ảnh hưởng Trung Hoa… nhưng với những cái hay, đẹp, tốt đã được Việt hóa, các kiến trúc cung đình Nguyễn trở nên gần gũi, ấm cúng”. Trong vô số những biểu hiện tạo hình của kết cấu, cấu kiện kiến trúc cung đình thời Nguyễn nổi lên hàng đầu là tính tạo hình trang trí bát bửu trên các gờ mái ô hộc cung điện và các cổng, cửa hậu, cửa hông của các công trình trong kiến trúc thời Nguyễn. Kiến trúc thời Nguyễn có những sự đổi thay về kết cấu vật liệu và tính biểu hiện, bộ mái đã có sự chuyển nhịp từ tính tạo hình mái thẳng của cấu trúc kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” với một độ dốc cân bằng tầm mắt và trong đường nét thẳng tồn tại một vẻ đẹp khúc chiết, chặt chẽ, mạnh mẽ của các linh vật trong Tứ linh đan xen bát bửu. Trong kết cấu như vậy những trang trí bát bửu ở gờ mái đã làm thanh nhã cho cấu trúc tạo hình bờ mái của công trình quan trọng này. Tùy theo vị trí cụ thể của công trình mà trang trí bát bửu luôn gắn kết, tạo nên nhịp tạo hình sinh động cho công trình. Nghệ thuật trang trí bát bửu tại Thái Bình Lâu cũng tương tự như vậy, với hàng loạt điểm nhấn trang trí bát bửu đã phản ánh, biểu hiện được một trong những diện mạo, giá trị nghệ thuật của kiến trúc cung đình thời Nguyễn, tạo ra nét riêng của phong cách mỹ thuật thời kỳ này.
Cái phất trần trên một trang trí gốm tráng men
tại bình phong Tử Cấm Thành
Trang trí bát bửu ở tượng đá thời Nguyễn
tại điện Long An
Qua trang trí bát bửu trong mỹ thuật cung đình thời Nguyễn cho thấy trang trí bát bửu góp phần quan trọng trong việc thể hiện quan niệm nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ của triều đại. Mỗi hình ảnh trang trí bát bửu đều chịu sự chi phối của không gian kiến trúc nói chung và không gian tồn tại tác phẩm nói riêng. Trong các tác phẩm đó tất yếu phản ánh tư tưởng triết lý nhân sinh vũ trụ của thời đại và quy chiếu những tư tưởng nghệ thuật thẩm mỹ mang màu sắc Nho giáo của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Có những trường hợp trang trí bát bửu chiếm vị trí chủ đạo trong trang trí nề họa, phù điêu đắp nổi khảm sứ khác nhau như bình phong lăng Kiên Thái Vương, bình phong lăng Thánh Cung, Tiên Cung và cổng bửu thành lăng Lệ Thiên Anh, bửu thành lăng Tự Đức, lăng Từ Cung… Trang trí bát bửu kết hợp với kiểu thức phụng như phụng hàm thơ, phụng ngậm dải lụa và cổ vật, phụng hồi với đồng tiền, song phụng vờn mây… biểu hiện cho vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ cung đình, là hình ảnh tượng trưng cho các bà hoàng, hình ảnh của những cành vàng lá ngọc trong hoàng cung. Mặt khác phụng được xem như: “… loài chim trong sạch, thanh khiết… xứng đáng “sánh vai” với rồng trong tứ linh”. Chính vì vậy trong không gian chung các trang trí bát bửu dày đặc trên các bờ mái, ô hộc đã đáp ứng và biểu hiện rõ nét đặc trưng công trình dành cho các bà hoàng cao quý trong chốn cung đình. Đó là một trong những giá trị biểu hiện quý giá của nghệ thuật trang trí bát bửu trong mỹ thuật thời Nguyễn. Từ thực tiễn nhu cầu sáng tạo, trang trí bát bửu cũng như các đề tài tạo hình trang trí khác luôn nảy sinh những yêu cầu mới về kỹ thuật chất liệu trong sự gắn kết với kinh nghiệm truyền thống, thủ pháp trang trí để gây ấn tượng và hiệu quả thị giác. Khi trang trí bát bửu kết hợp với những hình trang trí rồng, phụng, mây, lửa, hoa lá hóa rồng… lên kiến trúc, hay tượng trang trí bát bửu đắp nề vữa, nghệ nhân phải hình dung ra các hiệu quả và yêu cầu thẩm mỹ, biểu hiện không gian của công trình kiến trúc và đặt để bát bửu vào đúng vị trí thích hợp và ý nghĩa của chúng. Điều này thể hiện khá rõ ở các trụ giả cổng tam quan cung Trường Sanh, trang trí đề tài bát bửu trên các trụ cột giả đã làm thay đổi cảm quan của khối với sự hài hòa, trang nhã nhưng phải tuân thủ sự quy định về kết cấu kiến trúc. Dù yêu cầu đề tài bát bửu trang trí tạo hình có đòi hỏi phải thật chi tiết, đặc thù thì cũng phải đảm bảo bằng được cốt cách và chức năng không gian kiến trúc.
Trang trí bát bửu trên kệ tam sơn tại Lăng Khải Định
Khác với cụm tạo hình trang trí bát bửu ở cung Diên Thọ, trang trí tại cổng Chương Đức nơi dành cho các bà trong cung vào ra Đại Nội, lại có những tính chất và sự biểu cảm tạo hình trang trí bát bửu khác lạ. Tại đây âm hưởng, màu sắc và đường nét của tạo hình trang trí bát bửu đã biểu hiện cho một không gian khác mang tính tượng trưng nhiều hơn là tính biểu hiện cụ thể, với những hình ảnh bát bửu rất đa dạng ở đề tài, kiểu thức nhưng lại rất gần gũi và tao nhã qua trang trí dày đặc ô hộc bát bửu. Trong không gian đó trang trí bát bửu đã đóng vai trò quyết định trong việc khẳng định tính chất, chức năng, vị thế của công trình trong quần thể kiến trúc Đại Nội. Tại điện Voi Ré, cổng tam quan với hoa văn bát bửu ở gờ mái, cổng đã được thể hiện một cách vừa phải chứ không quá dày đặc, tỉ mỉ như ở cung An Định. Sự đan xen nhiều chất liệu khác nhau như nề họa, đắp nề vữa phối hợp với các khoảng trống nền đã làm cho các hình tượng trong tạo hình trang trí bát bửu tại điện Voi Ré trở nên rõ nét, chắc khỏe và sâu thẳm màu thời gian.
Trang trí bát bửu đã dường như có mặt khắp nơi trong các công trình kiến trúc cung đình và dân gian ở Huế, và tồn tại, phát triển với những thăng trầm, đột biến suốt mấy thế kỷ qua. Với ý thức sáng tạo của mình và với đặc trưng của chất liệu vốn rất phổ biến, quen thuộc trong dân gian, các nghệ nhân đã rất chủ động trong việc tạo dựng cải biến, chuyển hóa các thuộc tính bát bửu ngoại lai để phù hợp với thẩm mỹ và hình thức trang trí kiến trúc cung đình. Họ đã góp phần giữ lại những thuộc tính ưu việt của bát bửu đã hình thành lâu đời ở Trung Hoa.
- Phan Thanh Bình -
>>> Nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn
>>> Nghệ thuật kiến trúc thời Lý