Màu sắc
Màu sắc: là cảm giác mang đến cho hệ thần kinh của người từ sự kết hợp tín hiệu của ba loại tế bào cảm thụ màu ở mắt người. Cảm giác này cũng bị ảnh hưởng "dài hạn" từ trí nhớ lưu lại quá trình học hỏi từ khi lớn lên trong xã hội, và "ngắn hạn" bởi các hiệu ứng ánh sáng của phông nền.
Màu sắc của một tia ánh sáng là cảm giác màu mà tia sáng đó gây nên ở mắt người. Màu sắc của các vật thể là màu sắc của ánh sáng xuất phát từ chúng.
MÀU: một trong những yếu tố ngôn ngữ nghệ thuật của hội họa. Họa sĩ dùng màu sắc phối hợp với đường nét để xây dựng các hình thể, tạo ra không gian nghệ thuật trong bức tranh theo ý đồ sáng tác của mình. Màu của hoạ sĩ là các chất màu lấy từ động vật, thực vật, khoáng sản hay nhựa tổng hợp (vinylic và acrylic); các chất màu này trộn với một chất kết dính (nước, keo, dầu...) để thành màu nước, màu bột, sơn dầu, sơn mài... và vẽ lên một nền đỡ (giá, gỗ, vữa, giấy, kính, vải...). Có 3 màu cơ bản hay màu gốc là lam, vàng và đỏ. Hai màu gốc trộn với nhau cùng liều lượng thì được một màu nhị nguyên: lam + đỏ cho tím. Màu gốc với màu nhị nguyên do hai màu gốc khác hợp thành, là những màu bổ túc: lam với da cam, vàng với tím, đỏ với lục. Các màu bổ túc đặt cạnh nhau thì tôn nhau lên, nhưng nếu trộn lẫn nhau thì màu thành xám xỉn. Màu còn cho cảm giác nóng hay lạnh. Màu nóng là những màu có chứa màu vàng. Mài lạnh chứa màu lam. Toàn bộ màu dùng trong một bức tranh hợp thành một gam màu hay sắc giai. Do tính chất, một bức tranh có thể có gam màu nóng hay gam màu lạnh. Gam màu nóng kéo lại gần, cho cảm giác động và vui. Gam màu lạnh đẩy ra xa, cho cảm giác yên tĩnh
BỘT MÀU: bột phấn các màu, chủ yếu là màu khoáng và oxit kim loại, luyện với chất kết dính (keo thực vật, động vật hay hoá chất), dùng để vẽ và trang trí từ thế kỉ 17. Bột màu có sức phủ cao, không trong như màu nước và khi khô mặt mờ, không bóng. So với màu keo (tempêra, acrylic, vinylic, vv.), bột màu kém chịu nước và kém chịu ma sát cơ học sau khi khô. Song do giá rẻ, mau khô và phủ rất đều trên diện tích lớn nên bột màu được dùng rộng rãi, đặc biệt trong ngành đồ hoạ và trang trí. Bột màu tinh chế có độ mịn cao, dùng được cả với bút phun, bút nhíp.
CHẤT MÀU: chất liệu có màu sắc được dùng trong việc vẽ tranh, tô tượng. Trong hội họa, màu sắc tuỳ thuộc vào chất màu do con người khám phá ra cùng với sự tiến bộ của khoa học và kĩ thuật. Trước đây, các chất màu có nguồn gốc động vật (than xương), hay thực vật (chàm, dành dành, nhựa cây sơn...) nhưng thường là khoáng chất (chu sa, vàng, bạc, vv.). Hiện nay, nhiều chất màu là sản phẩm tổng hợp từ hóa chất, bảng màu rất phong phú. Các chất màu được tán nhỏ thành bột càng mịn càng tốt, khi dùng thì nghiền với một chất trung gian khác để kết dính với nhau và bám chắc lên mặt phẳng dùng làm nền đỡ. Chất trung gian có thể là lòng đỏ trứng, keo thực vật hay động vật, dầu đay, xi, vv. Với mỗi chất trung gian khác nhau, có loại hoạ phẩm khác nhau: tempêra, goat, sơn dầu, sơn sáp, vv.
CHẤT CẦM MÀU: hợp chất hoá học giữ thuốc nhuộm trên sợi bằng hấp phụ khiến màu không phai được. Các muối của nhôm, đồng, sắt, crom... đều là chất cầm màu.
Tranh vẽ bằng sơn dầu. Chất liệu hội họa gồm bột màu nghiền nhuyễn với một loại dầu thực vật dễ khô kết (dầu lanh, dầu cù túc, vv.) thành chất màu dẻo quánh dễ xử lí khi còn ướt và không biến dạng khi khô kiệt, được dùng từ thế kỉ 15 nhờ sáng chế của các hoạ gia người Flamăng là V. Huber, J. Van Eyck, vv. Với đặc tính giữ ướt lâu và có thể đè chồng lớp màu nhạt lên lớp màu đậm, chất màu lại dễ pha trộn và dễ hoà quyện với nhau để hợp thành những hoà sắc giống với sự vật thực, tạo nên những hiệu quả sinh động, sơn dầu được xem là chất liệu tiện dụng nhất trong miêu tả và diễn đạt dù là tranh trực hoạ hay tranh vẽ dài ngày. Khi sơn còn ướt, người vẽ được hoàn toàn chủ động, có thể bôi mỏng, trát dày hay pha loãng, cũng có thể chồng chất nhiều lớp hoặc cạo xóa tùy theo yêu cầu kĩ thuật. Khi sơn khô kiệt, mọi hình thức trên mặt tranh đều được giữ nguyên như lúc sơn còn ướt... Vì vậy, TSD rất phong phú và đa dạng trong việc thể hiện tất cả các thể loại, đề tài.
TSD giữ vai trò gần như chủ đạo trong nền hội họa Châu Âu từ thế kỉ 15 trở lại đây và có mặt trong khắp các bảo tàng mĩ thuật thế giới, với rất nhiều kiệt tác bậc thầy. Sơn dầu du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỉ 20, đến nay đã có nhiều tiến bộ và thành tựu.
>>> Màu tương phản
>>> Ý nghĩa màu sắc trong thời trang