Ý Tưởng Sáng Tạo – Hình Thức Biểu Đạt
Của Các Họa Sĩ Và Designer

Ý tưởng thực chất là nội dung của một vấn đề được nêu ra cho một công việc cần thực hiện, nghiên cứu, thiết kế, sáng tác. Các thi sỹ sáng tác thơ phải có ý thơ, có tính tư tưởng, nhân văn... Những nội dung đó chính là ý tưởng, là linh hồn của bài thơ. Có như vậy, bài thơ mới có giá trị văn học sâu sắc. Các nhà văn cũng vậy, muốn viết truyện ngắn, tiểu thuyết,... đầu tiên phải có ý tưởng, ý tưởng được chứa đựng ngay ở cái tên và xuyên suốt toàn bộ nội dung của tác phẩm. Đến các nhạc sỹ, kiến trúc sư trình tự thực hiện để có được một tác phẩm hay, một công trình đẹp cũng đều phải có ý tưởng từ lúc sơ khai. Có như vậy, sản phẩm mới có chỗ đứng và sống mãi được trong xã hội.

Trong thiết kế và hội họa, ý tưởng cũng có vai trò rất quan trọng. Tài năng của một designer hay họa sĩ chính là chắt lọc ý tưởng từ những trải nghiệm trong thực tế cộng với tư duy sáng tạo. Cuối cùng là thể hiện ý tưởng của mình lên tác phẩm bằng cảm xúc và theo một hoặc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Vì vậy, trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong thiết kế, ý tưởng là sự khởi đầu, đồng thời cũng là cốt lõi thẩm mỹ của sự sáng tạo.

1. Đối với Họa sĩ:

Nếu bạn không có ý tưởng cho một bức tranh, tất cả những kỹ năng vẽ tranh sẽ trở nên vô dụng. Ý tưởng và nghệ thuật thể hiện tạo nên phong cách của tác phẩm. Một bức tranh thường được bắt đầu từ một ý tưởng hay cảm hứng nảy sinh. Đối với những hoạ sĩ đã thành thục về kỹ thuật, có thể vẽ những gì mình muốn, thì tìm ý tưởng là phần khó nhất trong quá trình sáng tạo một bức tranh bởi ý tưởng phải độc đáo, phải là của riêng mình. Hơn nữa, chỉ độc đáo thôi chưa đủ. Cái mới sẽ chóng chán nếu thiếu sự nhất quán giữa ý tưởng và hình thức.

Bạn không thể tìm ra ý tưởng cho một bức tranh nếu không có định hình sẵn về phong cách hay thể loại, chủ đề của bức tranh mà bạn hướng tới. Ngoài ra, để trở thành một họa sĩ có nhiều ý tưởng, bên cạnh yếu tố về sức tưởng tượng phong phú và trực giác nhạy cảm đối với những hiện tượng trong cuộc sống thông qua việc quan sát thực tế, thì người họa sĩ cũng cần biết học hỏi từ những bậc thầy đi trước, từ những tác phẩm đã có. Đó không phải là sao chép, mà từ việc học hỏi ấy, các họa sĩ tự rút ra bài học và vận dụng vào phong cách hội họa riêng của bản thân để tạo nên những tác phẩm của chính mình. Cái mới sẽ xuất phát từ chính nền tảng kiến thức hội họa được tích lũy cộng với trực giác cá nhân.

y tuong 1
La Gioconda.

Nghệ thuật không đơn thuần là sự thể hiện cảm xúc mà phải được định hình bởi ý tưởng và trí tuệ. Đó là các yếu tố đưa đến bố cục, sự hài hoà... trong hội hoạ. Và cũng là những điều khiến một người cần thời gian rèn luyện, học tập để có thể trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp.

y tuong 2
Tóc vàng.

2. Đối với Designer:

Designer có vai trò như một thông dịch viên chuyển ý tưởng bằng lời, thành một ý tưởng bằng hình ảnh, màu sắc và chữ nghĩa cô đọng nhất. Quan trọng là ý tưởng phải bám sát và thỏa mãn nội dung, mục đích nhu cầu sáng tạo, nhằm truyền tải thông tin đến người xem bằng những hình ảnh và tín hiệu dễ nhận diện, mang lợi ích ứng dụng, thẩm mỹ và kinh tế cho cộng đồng và phù hợp với xu thế phát triển thời đại. Ý tưởng từ khi hình thành đến hoàn thiện sản phẩm là quá trình chắt lọc, tìm tòi, phác thảo các phương án bố cục thiết kế, không chỉ ở phần tạo hình mà kể cả màu sắc, nội dung của câu chữ (Slogan) và kiểu chữ… Các yếu tố đó phải có tính nhất quán và liên kết chặt chẽ với nhau. Một áp phích (Poster) có sự lôi cuốn và ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội là áp phích có ý tưởng giàu tính sáng tạo, nội dung và hình thức cô đọng, tính thẩm mỹ cao. Ý tưởng và sự sáng tạo mang tính đồng bộ, hài hòa có tính tượng trưng và ẩn dụ sâu sắc, dễ nhận diện, gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ.

y tuong 3
Tác phẩm dưới dạng Typography. Nguồn vietdesigner.net

Designer phải có năng khiếu, sáng tạo và không ngừng học hỏi. Đây là điều không thể thiếu của designer chuyên nghiệp. Phần mềm có thể học nhưng khả năng hội họa thì khó học và vận dụng. Năng khiếu đóng vai trò quan trọng. Đó chính là sự nhạy cảm với màu sắc, đường nét, hình khối, tư duy biểu tượng, giàu cảm xúc, có vốn hiểu biết về văn hóa… Bạn phải là người luôn sáng tạo, luôn đi tìm sự mới mẻ, không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức/xu hướng mới/phong cách mới… Có vậy, tác phẩm của bạn làm ra mới hấp dẫn được nhiều người.

y tuong 4
Chợ Bến Thành- tranh Typography. Nguồn www.zidean.com

Để có được ý tưởng sáng tạo trong nghệ thuật thiết kế, đòi hỏi Designer ngoài kiến thức chuyên ngành sâu phải có kiến thức rộng của nhiều lĩnh vực như: Văn học, lịch sử, tâm lý, triết học, mỹ học, logic và xã hội học... Vì ý tưởng là sự khởi đầu cho mục tiêu sáng tạo, là nền tảng và sản phẩm của tư duy trong mọi lĩnh vực khoa học và đặc biệt trong nghệ thuật Thiết kế Mỹ thuật ứng dụng.

y tuong 5
Bản đồ Thế giới dưới dạng Typography. Nguồn: www.pinterest

Tóm lại:

Ý tưởng chính là sự khác biệt và định hình ban đầu về nội dung và hình thức cho một tác phẩm. Và sáng tạo nghệ thuật sẽ chuyển đổi ý tưởng thành phương tiện để khái quát về một giá trị, một ý nghĩa nào đó của tác phẩm. Tinh thần của tác phẩm ẩn sâu ở bên trong các yếu tố tạo hình và nó tiến gần hơn về phía tình cảm của khán giả. Kết quả là người xem thấy được cái cảm giác, dấu ấn của tác phẩm trước khi nhận ra thông tin hình ảnh về đối tượng. Rõ ràng ý tưởng sáng tạo về các đề tài đang ấp ủ khiến họa sĩ và designer không thể chỉ chú ý đến yếu tố tả thực. Họ còn phải cảm nhận, linh cảm cái điều mà hiện thực toát ra. Và đó chính là sự khởi đầu cho các tác phẩm hội họa và thiết kế.

0976984729