Những cuộc "hôn phối" kỳ diệu trong mỹ thuật
Trong nhiều môn nghệ thuật, phụ nữ và hoa luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ sáng tạo, nhưng có lẽ chỉ duy nhất với nghệ thuật hội hoạ thì người phụ nữ và hoa không những thường xuyên là chủ đề chính trong vô số tác phẩm mà còn làm nên những tên tuổi học sĩ lẫy lừng thế giới.
Có thể ý kiến này sẽ bị phản bác vì sự thật là nhờ tài năng lớn của hoạ sĩ mà vẻ đẹp của hoa hay phụ nữ đã trở nên thiên thu bất tử. Nhưng dù có theo hướng nhận định nào thì cả hoa, người phụ nữ và học sĩ đã là một gắn bó định mệnh làm cho mỹ thuật nhân loại rực rỡ vô tận.
Trong phạm vi bài viết này, người viết xin chỉ đề cập đến hoa trong hội hoạ và cũng chỉ xin được nói tới một số nhà danh hoạ tiêu biểu đã nổi tiếng với các bức tranh hoa như Van Gogh, Marc Chagall, Diego Rivera và O'Keeffe - những hoạ sĩ đã tạo ra các tác phẩm hội họa hiện đại về hoa lừng lẫy cả về giá trị nghệ thuật lẫn số lượng vào hạng nhất thế giới trong thế kỷ XX.
Thực vậy, cho tới hôm nay, bức Irises (hoa Diên Vĩ) được Van Gogh vẽ tại Saint - Rémy tháng 05/1889 bằng sơn dầu trên vải bố, khổ 71x93cm, đã được Ryoei Sato, một tỷ phú người Nhật mua trong cuộc bán đấu giá của Sotheby's tại New York năm 1987 với giá 53.900 000 USD là một trong 10 bức tranh cao giá nhất thế giới và riêng bức này cũng là bức cao giá nhất trong toàn bộ các tác phẩm hội hoạ vẽ về hoa trên thị trường nghệ thuật thế giới.
Bức Irises (hoa Diên Vĩ)
Hoa là một trong những mảng tranh quan trọng nhất của Van Gogh - người hoạ sĩ có một tâm hồn đam mê và cô độc đến nghiệt ngã, người hoạ sĩ đã tự cắt đứt tai mình, tự đặt lòng bàn tay trên ngọn lửa và đã tự kết thúc đời mình (1890) vì tuyệt vọng ngay trên vùng đất của những cánh đồng lúa mì vàng rực, hừng hực ánh nắng mặt trời và muôn hoa đua sắc vùng Arles và Auvers-sur-Oise, nước Pháp.
Chân dung tự họa của Van Gogh
Không chỉ có Irises, Sunflower (hoa Hướng Dương), Carnation (hoa Cẩm Chướng), Aster (hoa Cúc Tây), Lilac (Tử Đinh Hương) và cả Poppies (hoa Anh Túc). Van Gogh vẽ rất nhiều tranh về các loài hoa nhưng với tranh vẽ về hoa Hướng Dương, Van Gogh đã làm cho cả thế giới phải thực sự say đắm nghệ thuật của ông.
Van Gogh đặc biệt yêu và vẽ nhiều về hoa Hướng Dương, và một trong những bức tranh Sunflowers ấy đã được Sotheby's bán đấu giá tại Luân Đôn năm 1987 cho một người mua giấu tên với kỷ lục thời ấy.
Một trong những bức họa hoa hướng dương của Van Gogh
Và hình thức bức "Chiếc bình với 14 bông hoa Hướng Dương" được vẽ vào tháng giêng năm 1889 với kích cỡ 100.5x76.5cm này thuộc quyền sở hữu của một công ty bảo hiểm ở Tokyo có tên: Yasuda Fire & Marine Insurance Comphay.
Lilac (Tử Đinh Hương)
Poppies (hoa Anh Túc).
Một bức khác chỉ với 12 bông hoa cũng được vẽ trong cùng thời gian có kích cỡ 92x72.5cm, hiện thuộc bỏ tàng mỹ thuật Philadelphia - Hoa Kỳ. Một bức nữa ông vẽ 14 bông hoa cũng cùng thời gian có kích cỡ 95x73cm hiện đang được lưu giữ tại thành phố Amsterdam - Hà Lan, quê hương của Van Gogh.
Riêng tại thành phố Munich - Cộng Hoà Liên Bang Đức đang giữ bức "Chiếc bình với 12 bông hoa Hướng Dương" được ông vẽ vào tháng 8/1888 và một bức khác có 14 bông hoa với kích cỡ 93x73cm hiện đang được Phòng triển lãm tranh Quốc gia Luân Đôn (London National Gallery) lưu giữ.
Chắc chắn, Van Gogh không chỉ vẽ có chừng đó bức về loài hoa biểu tượng của lòng trung thành, nhiệt huyết và cống hiến này, một loài hoa mà ông đã tìm thấy mình trong cả sự bừng nở và tàn úa của nó.
Cùng số phận với nhiều bức tranh khác của Van Gogh, nhiều bức Sunflowers khác đã bị thiêu huỷ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II.
Khác với phong cách dữ dội và nghiệt ngã trong hội họa của Van Gogh, Marc Chagall - họa sĩ Nga gốc Do Thái lại coi việc vẽ hoa như vẽ một cơn mơ đẹp, không chỉ định mà mơ hồ, bay bổng.
Họa sĩ Marc Chagall
Cho dù có khi rất rõ là loài Tử Đinh Hương, một loài hoa biểu tượng cho những điều tốt lành nhất nhưng có khi hoa lại như một chiếc nôi tình lộng lẫy sắc mầu đong đưa đôi uyên ương tràn ngập hạnh phúc, có chỗ hoa như đôi cánh đưa 2 người yêu nhau bay lên cõi thiên đàng.
Marc Chagall không vẽ hoa riêng như một tĩnh vật, tranh ông là một bài thơ ngợi ca tình yêu tuyệt vời, là một nhã ca thánh thiện vô cùng, nên hoa luôn là tín hiệu của hạnh phúc, tình yêu nồng nàn, hiến dâng và say đắm.
Marc Chagall là người Do Thái, sinh ra ở Nga vào năm 1887, định cư ở Paris năm 1911 và nhanh chóng thành danh tại đây. Marc Chagall mất năm 1985 tại Saint-Paul de Vence, nước Pháp.
Hoa trong tranh của Marc Chagall luôn là tín hiệu của hạnh phúc, tình yêu nồng nàn, hiến dâng và say đắm
Là một người sùng đạo và yêu kinh thánh, do vậy, trong bất kỳ một tác phẩm nào của ông cũng đều chứa chan tình yêu đời, yêu người, yêu làng quê, yêu người nhà quê vắt sữa, yêu người chơi vĩ cầm, yêu con gà, con dê, con ngựa, và tất nhiên không thể thiếu hoa trong phần lớn tranh của Chagall.
Nếu như hoa trong tranh của Marc Chagall mang vẻ đẹp huyền thoại, bay bổng, mộng mơ - một phong cách hội hoạ siêu thực trữ tình chỉ có ở Marc Chagall, thì ngược lại, hoa của Georgia O'Keeffe lại là... một thế giới đẹp biểu trưng cho người đàn bà!
Họa sĩ Georgia O'Keeffe
Georgia O'Keeffe, nữ danh hoạ hiện đại có tầm vóc thế giới, sinh ra ở bang Wisconsin năm 1887 và mất năm 1986 tại bang New Mexico, Hoa Kỳ. Bà là người hoạ sĩ tiên phong cho phong trào suốt đời chỉ vẽ hoa - điều mà cả lịch sử mỹ thuật thế giới cho đến bây giờ cũng chỉ có một người như vậy, và bà cũng chỉ vẽ về duy nhất một loại hoa với cái nhìn cận cảnh: hoa Phong Lan.
Đây quả thực là một ý niệm táo bạo về thẩm mỹ tính dục và nữ quyền được ẩn dụ dưới hình ảnh đặc thù của loài hoa Phong Lan. Với hoa Phong Lan, nhất là loài Cattleya, những ai từng say ngắm giống hoa này, những ai đã từng nuôi trồng nó, chắc chắn sẽ dễ dàng nhận ra những gợi cảm đầy tính dục có liên quan tới cơ năng sinh dục của người phụ nữ chỉ có ở hoa Phong Lan.
Những gợi cảm đầy tính dục có liên quan tới cơ năng sinh dục của người phụ nữ được thể hiện trong tranh hoa Phong Lan của Georgia O'Keeffe
Ở đây, O'Keeffe không dừng lại ở cảm xúc đó, bà đẩy lên một ý niệm cao hơn, vượt ra khỏi vẻ đẹp thể lý, để gửi đi một thông điệp vào những năm 30 của thế kỷ XX về quyền phụ nữ bằng thứ ngôn ngữ sang trọng nhất - ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình.
Con đường sáng tạo của Georgia O'Keeffe chỉ toàn là hoa và hoa đã mang lại cho bà cảm hứng sáng tạo những giá trị thẩm mỹ bất hủ cho nhân loại. Với nữ danh hoạ O'Keeffe, hoa thực sự đã làm bùng nổ một thiên tài.
Một khuôn mặt hội hoạ hiện đại lớn khác với những tác phẩm về hoa cực kỳ ấn tượng đến từ Mexico là Diego Rivera. Hoa của Diego là hoa Loa Kèn trắng, một biểu tượng của dân tộc Mexico, loại hoa gắn liền với đời sống vất vả, khốn khổ của giai cấp cần lao Mexico.
Chân dung tự họa của Diego Rivera
Diego Rivera ra đời năm 1886 tại Guanajuato, Mexico. Ông học vẽ từ năm 1896 tại Học viện San Carlos thuộc Maxico. Ông là chồng của nữ hoạ sĩ danh tiếng người Mexico - Frida Kahlo.
Diego là họ sĩ có quan điểm cộng sản đệ tứ quốc tế nên các tác phẩm hội họa của ông hầu hết mang đậm tinh thần đấu tranh giai cấp, cả trong tranh vẽ người và tranh tĩnh vật. Ông từng có nhiều lần sang Paris để triển lãm và kết thân với giới văn nghệ sĩ lớn của Pháp nên hội hoạ của Diego rất gần gũi với phong cách của Henri Rousseau (nhà danh hoạ người Pháp theo trường phái Naif (Hồn Nhiên).
Diego Rivera và vợ - họa sĩ Frida Kahlo
Diego không chỉ nổi tiếng ở Mexico mà ông còn tung hoành ngang dọc nước Mỹ với những cuộc triển lãm và nhiều công trình tranh tường rất được ngưỡng mộ vào những thập niên 40 - 50 của thế kỷ XX. Diego Rivera mất năm 1957 vì bệnh tim, kết thúc một sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật vĩ đại ít có hoạ sĩ nào mang dòng máu Mỹ - La Tinh có được cho đến ngày nay.
Rõ ràng, mỗi loài hoa, với vẻ đẹp của nó đã như một quyền lực làm bùng nổ tài năng của những ai "đã trót" bị nó quyến rũ, trong đó tính cách của họa sĩ và hoa đã gặp nhau, cùng tác hợp thành một cuộc hôn phối diệu kỳ.
Có thể nói: hoa Hướng Dương và Van Gogh, hoa Tử Đinh Hương và Marc Chagall, Phong Lan và O'Keeffe, Hoa Loa Kèn trắng và Diego Rivera là những cuộc hôn phối kỳ diệu hàng đầu trong lịch sử mỹ thuật thế giới.
- Trịnh Cung -