Nghệ thuật trang trí tiền giấy Việt Nam
Tóm tắt: Trang trí tiền giấy là một nghệ thuật đặc thù thuộc lĩnh vực đồ họa ứng dụng. Trang trí tiền giấy Việt Nam có những nét độc đáo riêng, mang đậm bản sắc văn hóa và phản ánh thẩm mỹ thời đại rõ nét qua mỗi bộ tiền đã được phát hành. Bài viết tập trung làm rõ các khía cạnh của nghệ thuật trang trí tiền giấy Việt Nam từ sau khi nước nhà được độc lập cho đến nay nhằm khẳng định những giá trị riêng biệt của tiền giấy Việt Nam xét từ góc độ mỹ thuật.
Nghệ thuật trang trí được sử dụng rộng rãi và nằm trong nhiều loại hình nghệ thuật thị giác khác nhau. Người ta có thể thấy trang trí trong kiến trúc, điêu khắc, hội họa, đồ họa, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, sân khấu... Khi trang trí xuất hiện trên các hiện vật thì nó không là thành phần cơ bản để cấu tạo nên vật đó, mà góp phần làm đẹp hơn, nâng cao ý nghĩa cho sản phẩm. Trên bề mặt của sản phẩm cần trang trí, người họa sĩ luôn tìm cách làm đẹp bề mặt với các hoa văn, họa tiết, đường nét, màu sắc sao cho tăng giá trị về cảm nhận thẩm mỹ của sản phẩm đó, hài hòa với hình dáng, chất liệu của sản phẩm. Vì thế nghệ thuật trang trí luôn gắn với vật cần trang trí và mục đích trang trí. Ngôn ngữ của trang trí là dùng màu sắc, họa tiết, đường nét rõ ràng, dễ nhận biết và gây cảm giác dễ chịu. Thông thường, người ta ít khi sử dụng các đường nét phức tạp, màu sắc ảm đạm để đưa lại cảm nhận trang trí cho tác phẩm. Chủ yếu thì “Trang trí là nghệ thuật làm đẹp, phục vụ cho đời sống vật chất tinh thần của con người. Nhờ những yếu tố trang trí, vật dụng vừa có giá trị thẩm mỹ vừa nâng cao giá trị sử dụng. Vì vậy, trang trí nằm trong nghệ thuật ứng dụng (arts appliqués). Đời sống con người có nhiều lĩnh vực: ăn mặc, ở, lao động, học tập, nghỉ ngơi, giải trí... nên nghệ thuật trang trí có nhiều chuyên ngành khác nhau để đáp ứng các nhu cầu ấy”. Trang trí được gắn kèm cùng khái niệm ứng dụng với chức năng là “tô điểm” nhưng hoa văn học cũng nhấn mạnh rằng, trong trang trí “tính biểu trưng đóng vai trò rất mạnh”. Mặc dù ngôn ngữ trang trí rất ước lệ và mang tính biểu tượng, nhưng nó vẫn mang dấu ấn độc đáo của tính dân tộc”. Do đó, nghệ thuật trang trí ở khắp nơi trên thế giới đều có các thuộc tính: thẩm mỹ, biểu trưng, dân tộc. Tính thẩm mỹ thể hiện tầng bề mặt của chức năng trang trí, tính biểu trưng thể hiện tầng sâu trong chức năng của trang trí và tính dân tộc thể hiện gốc tích của trang trí, xét cả mặt tiếp cận mỹ thuật lẫn tiếp cận văn hóa. Các thuộc tính này được hình thành trên ngôn ngữ nghệ thuật thị giác như hình vẽ, màu sắc, đường nét, mảng...và trên ngôn ngữ đặc thù trang trí là kiểu mẫu (họa tiết), hoa văn, mô-típ/dạng thức trang trí, bố cục.
Mặt trước của tiền giấy mệnh giá 50 đồng năm 1946.
Ảnh: Hồ Trọng Minh
Mặt sau của tiền giấy mệnh giá 50 đồng năm 1946.
Ảnh: Hồ Trọng Minh
Năm 2002, trong Kỷ yếu hội thảo Đồ họa ứng dụng, ông Vũ Đình Nhâm, lúc đó là Trưởng ban nghiên cứu Mỹ thuật Ứng dụng của Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đã đề cập tới tiền giấy như một sản phẩm đồ họa ứng dụng [6, tr.8]. Cách thể hiện đặc trưng nhất của đồ họa tiền giấy là sử dụng nét để trang trí. Nếu trong các sản phẩm đồ họa khác như khắc gỗ, khắc kim loại, người ta có thể tìm thấy cách thể hiện mảng miếng cùng các phương pháp giải quyết chất cảm bề mặt thì trong tiền giấy chỉ có một phương tiện thể hiện là nét. Các nét trong tiền giấy thường mảnh và rất trau chuốt, ổn định về nhịp điệu chứ không hề thô mộc hay biến đổi liên tục như trong tranh khắc gỗ, khắc cao su, khắc kim loại. Ngay cả các điểm, chấm nhỏ trên chân dung, khi được nhìn dưới kính phóng đại thì đều được nhận ra đó là các nét đứt. Trong đồ họa tiền giấy, không có khái niệm mật độ “tờ-ram”, các độ đậm nhạt này được thể hiện bởi độ to nhỏ và dãn cách của nét. Đối với công nghệ in lõm (intaglio) thì ngoài hai yếu tố trên, độ đậm nhạt còn phụ thuộc vào độ nông sâu của nét khắc.
Mặt trước tiền giấy mệnh giá 100 đồng năm1946.
Ảnh: Hồ Trọng Minh
Việc sử dụng nét để tạo hình cũng dẫn tới sự đặc sắc trong việc tạo màu sắc trang trí. Nếu các màu trang trí được in ốpxét thông thường thì chúng được pha theo tỷ lệ phần trăm hạt tờ-ram trên phần tử in. Ví dụ: màu cam được tạo bởi màu vàng và đỏ thì trong in tiền giấy, màu cam đó được in bằng màu pha sẵn theo tỷ lệ của bảng màu Pantone, hoặc được tạo bởi tổ hợp các nét màu vàng và nét màu đỏ được đặt song song hoặc đan chéo nhau, trong đó nét vàng to gấp đôi nét đỏ. Cách thể hiện bằng nét và cách phối màu này không chỉ tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của tiền giấy mà còn đóng vai trò là chi tiết chống làm giả quan trọng.Trong nghệ thuật tiền giấy, người ta thường sử dụng: các hoa văn dân tộc, nhằm thể hiện rõ tính biểu tượng của văn hóa dân tộc. Hoa văn lưới nhằm thể hiện rõ đặc trưng ngôn ngữ đồ họa của tiền giấy. Trang trí trên tiền giấy Việt Nam thể hiện rất rõ các yếu tố kế thừa từ di sản mỹ thuật truyền thống dân tộc, trong đó các hoa văn và họa tiết được khai thác khá nhiều.Phần Hoa văn dân tộc trong trang trí tiền giấy thường được sử dụng, họa tiết trang trí của các thời Trần, Lê, Nguyễn như hoa văn hoa lá, sen, hoa dây, chữ triện và linh thú (Rồng, Phượng) thường lấy từ thời Lê, Nguyễn. Các hoa văn trang trí truyền thống của Bắc bộ và Huế thường được sử dụng với tần xuất cao hơn, tiếp đến là các hoa văn kỷ hà, rồi đến các hoa văn trang trí của người Chăm, Khơ me hoặc các dân tộc ở Tây Nguyên. Các họa tiết, hoa văn trang trí được họa sỹ kết hợp với nhau theo các ý tưởng riêng biệt nhằm tạo thành một đơn vị lớn hơn là tổ hợp trang trí, có tính đặc trưng của sản phẩm. Nói tới môtíp trang trí thường là nói tới mảng trang trí với cách tiếp cận văn hóa nhằm thể hiện ý nghĩa, đặc điểm ngôn ngữ cần truyền tải. Trong thiết kế tiền giấy Việt Nam, người ta thường sử dụng các môtip có sẵn trong mỹ thuật truyền thống kết hợp với các hoa văn lưới, các cụm trang trí mang tính chống giả để tạo thành mô tip trang trí.Cách sử dụng hoa văn dân tộc trong trang trí tiền giấy cũng có sự phát triển, thay đổi theo từng thời kỳ. Hệ thống tiền giấy 1946, các hoa văn chủ yếu được lấy nguyên mẫu từ các chi tiết trang trí cung đình thời Nguyễn, thường là mẫu song long hoặc song long chầu nguyệt, rồng mây đại hội, phượng xòe cánh, hoa văn hình chữ triện.
Mặt trước tiền giấy mệnh giá 5 đồng năm1959.
Ảnh: Hồ Trọng Minh
Hệ thống tiền giấy 1951, do được thiết kế và in tại Trung Quốc, nên ít sử dụng các hoa văn dân tộc mà tập trung vào các hoa văn lưới. Hệ thống tiền giấy 1958 là bộ tiền ứng dụng nhiều hoa văn dân tộc với các kiểu thức phong phú, hài hòa giữa hoa văn hoa lá và hoa văn lưới. Trong hệ thống tiền giấy này, hoa văn dân tộc được ứng dụng rất sáng tạo và đẹp đẽ. Từng mảng hoa văn dày đặc được thể hiện như các mảng chạm khắc đình làng châu thổ Bắc bộ. Điểm đặc trưng nhất trong trang trí của bộ tiền 1958 là tạo ra các cung tròn ở khu vực trung tâm. Ngoại trừ mẫu 1 hào và 5 hào có khung trang trí xung quanh hình chữ nhật, các mệnh giá còn lại như 2 hào, 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng đều có cung trang trí vòm ròn, gợi cảm nhận như cửa võng trong các đình, chùa truyền thống
Mặt sau tiền giấy mệnh giá 5 đồng năm1959.
Ảnh: Hồ Trọng Minh
Nếu hệ thống tiền giấy 1958 có sự hài hòa trong việc sử dụng hoa văn dân tộc làm trang trí, thì ở hệ thống tiền giấy 1978 các hoa văn trở nên to hơn, các mảng hoa văn thường gắn kết với nhau khá phức tạp và dày đặc. Các mảng nối khá to và gây cảm giác nặng nề, uốn lượn quá mức. Những tờ tiền mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng đều có các mảng trang trí hoa văn dân tộc nặng nề và tương đối rối mắt. Hệ thống tiền giấy 1985 được coi là bộ tiền nhiều mệnh giá nhất, có nhiều mẫu được thiết kế nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu cung cấp tiền tệ trong giai đoạn lạm phát cao. Các mô típ trang trí rất đơn giản, thường chỉ sử dụng một họa tiết như hoa sen hoa cúc, dây hoa lá Sau đó chuyển vào mảng bố cục hoặc đặt ở các góc để tạo thành cụm trang trí. Các họa tiết được lấy ngay từ các mẫu bản rập hoa văn và được gia tăng thêm các độ đậm hoặc lấy hình để lồng các hoa văn lưới vào bên trong. Trong khi tất cả các mẫu đều thể hiện hoa văn hoa lá thì mẫu 2 đồng lại sử dụng hoa văn chim phượng được lấy nguyên mẫu từ hình chim phượng trong chạm khắc ở đình Đình Bảng (Bắc Ninh). Việc sử dụng hình tượng chim phượng cùng với các hoa văn hoa lá không rõ phong cách đã khiếntờ tiền bị lẻ loi, lạc bộ.
Tuy ở giai đoạn này đã có sự hỗ trợ của các mẫu hoa văn lưới hiện đại, nhưng việc thiết kế quá nhanh cũng đã dẫn tới các biểu hiện sơ sài về mặt ý tưởng và cách thể hiện trang trí trong hệ thống tiền giấy 1985. Đến cuối bộ tiền 1985, các mẫu thiết kế với mệnh giá lớn có phần trau chuốt hơn nhưng vẫn giữ phong cách thiết kế với mô tip hoa văn đơn giản, đồng thời có sự cách điệu và cải biên các hoa văn dân tộc trong trang trí. Xu hướngcải biên hoa văn dân tộc được thể hiện nhiều nhất trong mẫu 1000đ, 2000đ, 5000đ, 50000đ được phát hành sau 1988.Bộ tiền polymer là bộ có sự biến đổi nhiều nhất trong cách dùng hoa văn dân tộc. Tại bộ này, không còn xuất hiện những mảnghoa văn dân tộc lớn được thiết kế cho màu khung như ở các mẫu tiền giấy trước đó. Các hoa văn dân tộc chỉ được tồn tại trong các diện tích khá nhỏ (như mệnh giá 200.000đ và 500.000đ), lẫn vào nền màu nhạt (mẫu 10.000đ, 500.000đ)
Mặt trước tiền Polymer mệnh giá 500.000.
Ảnh: Hồ Trọng Minh
Xu hướng cải biên hoa văn dân tộc được diễn ra mạnh mẽ và ở hầu hết các mẫu. Mẫu 50.000đ là mẫu có sự cải biên hoa văn nhiều nhất và có phần kém thành công trong việc thể hiện hoa sen ở mặt trước và hình chim phượng ở mặt sau. Sở dĩ có sự cách tân, cải biên hoa văn dân tộc như vậy là do xu thế ứng dụng máy tính rất phổ cập trong thiết kế của giai đoạn này. Người họa sĩ có thể trích ra một chi tiết mà mình thích, sau đó dùng máy tính tạo thành các tổ hợp trang trí tùy biến như xếp vòng tròn, lật, nhân bản, ghép với hình khác... một cách dễ dàng. Việc ứng dụng hoa văn dân tộc một cách nghiêm cẩn chỉ còn lại ở một số chi tiết. Tại mẫu 500.000đ, người ta phát hiện được chi tiết hình chim phượng thời Lý được ứng dụng trong chi tiết in mực biến màu OVI ở mặt trước và chi tiết chạm gỗ ở chùa Thái Lạc ở diềm trang trí màu nhạt trên mặt sau. Ngoài việc ứng dụng hoa văn dân tộc trong trang trí, các họa sĩ còn tạo ra các họa tiết mới bằng cách biến đổi, cách điệu một vật hoặc một chi tiết hoa văn mang tính tượng trưng chuyển thành họa tiết mang ngôn ngữ đặc thù củatiền giấy. Phân tích mẫu thiết kế mặt sau tiền polymer mệnh giá 500.000 để thấy rõ thêm điều này. Bản thân tác giả khi nhận nhiệm vụ thiết kế mặt sau với ý tưởng về quê Bác đã thực hiện việc nghiên cứu thực địa. Vì vậy, từ ý tưởng tên gọi làng Sen, người thiết kế đã xây dựng hình ảnh hoa sen thành hoa văn trang trí chủ đạo. Nó thể hiện ở dải hoa sen ứng dụng từ hoa văn khạm khắc trang trí chùa Thái Lạc, hoa sen in chìm, cửa sổ trong suốt hình hoa sen. Về dạng thức trang trí, thiết kế hình thức tờ tiền giấy là trang trí một hình chữ nhật với đăng đối/đối xứng qua trục trung tâm. Trang trí trên tiền giấy Việt Nam, thường được quy vào các dạng hình học nhất định. Dạng trang trí theo khuôn hình chữ nhật: là hình thức trang trí được giới hạn 4 phía với 2 cạnh đối xứng bằng nhau. Thường sử dụng phương pháp đối xứng/đăng đối qua tâm hoặc qua trục trung tâm, có thể kết hợp trang trí đường diềm. Đây là cách trang trí phổ biến trong tiền giấy nói chung và tiền giấy Việt Nam nói riêng. Hầu hết tiền Việt Nam đều có cấu trúc (tính từ ngoài vào tâm) là lề trắng của giấy, đường diềm trên dưới hoặc xung quanh là màu đậm, ở góc có các cụm hoa văn kết hợp với cụm số. Giữa tờ bạc là cụm trang trí trung tâm gồm phần nền nhiều màu và cụm số hoặc quốc huy, bên cạnh là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền trang trí màu. Hệ thống tiền giấy polymer là hệ thống duy nhất không sử dụng lề trắng của giấy mà dùng nền trang trí tràn kín tờ tiền. Dạng trang trí theo khuôn hình tròn: là khuôn hình trang trí được giới hạn bởi đường cong khép kín, mà các điểm trên đường cong cách đều tâm. Thường sử dụng phương pháp trang trí đối xứng/đăng đối tuyệt đối. Trong trang trí tiền giấy, người ta sử dụng trang trí theo dạng hình tròn để tạo nên cụm trang trí trung tâm. Dạng trang trí hình tròn còn được kết hợp trang trí đường diềm để tạo thành các cụm số. Với phương pháp tạo hình đặc trưng của tiền giấy là nét liền, mảnh và đặt song song cùng nhau hoặc hướng tâm để tạo thành cụm trang trí có tính chống giả cao. Motip trang trí theo hình tròn là một trong các dạng được sử dụng nhiều nhất trong nghệ thuật trang trí tiền giấy. Dạng trang trí đường diềm: là dạng trang trí theo bố cục được giới hạn bởi 2 nét ở hướng đối diện và mở rộng không giới hạn về 2 hướng còn lại. Trong tiền giấy Việt Nam, dạng trang trí theo đường diềm được ưa chuộng để thiết kế khung trang trí xung quanh với màu đậm, tạo thế cân bằng chắc chắn cho bố cục. Trừ bộ tiền năm 1951, các bộ tiền khác đều có đường diềm được tạo bởi hoa văn dân tộc kết hợp với hoa văn lưới, đôi khi còn bố trí xen kẽ các chữ nhỏ tạo nên tổ hợp trang trí phong phú về hình thức và có giá trị trong chống làm giả. Dạng trang trí vải hoa: là hình thức trang trí nhân bản một chi tiết mà không giới hạn về 4 hướng. Có thể sử dụng phương pháp môđun để thực hiện. Hệ thống tiền trước năm 1978, các phần nền được thiết kế bởi những nét thẳng hoặc sóng để tạo thành phần nền. Từ năm 1978 về sau, người ta càng chú tâm vào thiết kế phần nền với các thủ pháp tạo hoa văn, tạo mảng trang trí vừa làm đẹp vừa chống giả. Với chức năng làm nền, phần này thường có diện tích lớn nhất và là màu nhạt. Hệ thống tiền giấy polymer của Việt Nam có phần màu nền với các họa tiết được sắp xếp theo phương pháp trang trí vải hoa phủ kín toàn bộ bề mặt tờ tiền. Việc ứng dụng vốn cổ dân tộc trong trang trí tiền giấy sao cho phù hợp với ngôn ngữ đồ họa tiền giấy đặt ra vấn đề vừa bảo tồn văn hóa vừa có tính đặc thù. Thông qua nghiên cứu các hệ thống tiền giấy Việt Nam từ năm 1945 tới nay, chúng ta thấy được sự thay đổi trong thị hiếu, nhận thức thẩm mỹ của họa sĩ cũng như tác động của phương tiện công nghệ tới thiết kế tiền giấy qua các thời kỳ. Với phương pháp thể hiện bằng nét của tiền giấy, các dạng thức hoa văn, họa tiết phải được bảo đảm được tính thẩm mỹ và phù hợp với công nghệ in ấn.
- Hồ Trọng Minh -
>>> Đặc điểm của nghệ thuật tiền giấy Việt Nam