Nghệ thuật Trang trí Bìa sách chữ Quốc ngữ
giai đoạn 1882 – 1954 ở Việt Nam

Tóm tắt: Trang trí bìa sách là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam, gắn liền với sự phát triển của công nghệ và chất liệu in ấn. Bài viết trình bày khái quát những đặc điểm nghệ thuật qua quá trình chuyển đổi về kỹ thuật in ấn, cách trình bày nội dung cũng như thẩm mỹ trong trang trí minh họa bìa sách chữ quốc ngữ giai đoạn 1882 - 1954. Sự chuyển đổi về nghệ thuật trang trí bìa sách Việt Nam giai đoạn 1882 - 1954 cũng đồng thời ghi nhận bước phát triển, hoàn thiện chữ Quốc ngữ trong văn hóa dân tộc.

nghe thuat tt 1

Trên  thế  giới  khi nói về nghệ thuật trình bày sách, các  nhà  chuyên môn tùy theo trường hợp cụ thể mà dùng các thuật ngữ book design (thiết kế sách), book cover design (thiết kế bìa sách). Ở Việt Nam, hiện nay cụm từ thiết kế minh họa sách (bìa  sách) hay được sử dụng để chỉ công việc này. Theo cách hiểu được đa số chấp nhận thì trường hợp dùng từ design (thiết kế) hay được gắn liền với các công cụ trợ giúp như máy tính, công  nghệ phần  mềm. Còn ở Việt Nam việc thiết kế, trình bày các đối tượng tạo hình trên bìa sách thường được gọi là trang trí bìa sách, bởi trước kia công việc này thường gắn liền với các thao tác thủ công hoặc bán thủ công. Để đảm bảo chính xác trong cách diễn đạt, khi nói về nghệ thuật trình bày bìa ấn phẩm xuất bản từ năm 1954 trở về trước ở Việt Nam, chúng  tôi sử  dụng  thuật  ngữ Trang trí bìa sách. Còn khi nói về lĩnh vực ngành nghề, thuật ngữ thiết kế (bìa) sách hay thiết kế minh họa (bìa) sách sẽ được sử dụng cho phù hợp với cách gọi chung phổ biến hiện nay. Thiết kế bìa sách là một phần quan trọng thuộc ngành Thiết kế đồ họa. Qua khảo cứu, cho thấy tư liệu viết về mảng đề tài này khá khiêm tốn, có chăng là những ghi chép tản mạn, không đầy đủ trong những công trình nghiên cứu của một vài học giả đi trước, viết về một vấn đề, sự kiện  nào  đó  rồi  nhắc  tới  như một thông tin phụ có liên quan mà thôi. Với mục đích tiếp cận, khơi mở một mảng nghiên cứu còn  ít  được quan  tâm,  trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi mạnh dạn tìm hiểu về trang trí minh  họa  bìa  sách  chữ  Quốc ngữ  giai  đoạn  1882  -  1954 ở Việt Nam. Chữ Quốc  ngữ mà  chúng  ta hiện đang sử dụng là chữ ghi âm tiếng Việt dựa trên ký tự La tinh. Đây là loại chữ được các giáo sĩ Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa, Francisco  de  Pina, Alexandre de Rhodes, Christop Borri...  cộng  tác  với  nhiều người  Việt  như  Gesico  Văn Tín,  Bento  Thiện... tạo  ra vào  khoảng  những  năm  1620 -  1659  để  nhằm  mục  đích  dễ dàng truyền bá đạo Ki tô. Suốt hai  thế  kỷ,  từ  năm  1651  đến năm 1861, do triều đình phong kiến  nhà Nguyễn  thi  hành chính sách cấm đạo, bị nghi kỵ là văn tự của người ngoại quốc và giới trí thức Nho học bỏ qua, chữ viết này chìm vào vòng bí mật, chỉ phát triển trong nội bộ các  xứ  đạo  và  nhà  thờ Thiên Chúa giáo. Cùng thời gian, chữ Quốc ngữ dần được hoàn thiện và khi xuất hiện lần đầu trên tờ Gia Định báo vào năm 1865 thì các  ký  tự  cũng  như  hệ  thống ngữ pháp của nó đã tiến gần sát với chữ viết chúng ta sử dụng ngày nay.

nghe thuat tt 2

Nhận thấy sự tiện lợi của chữ Quốc ngữ, chính quyền  thực dân  Pháp  đã  buộc  người Việt ở Nam Kỳ phải dùng văn tự này thay cho chữ Hán trước khi áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Trong nghị định “về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu  tự  Latin” (6 -  4  -  1878) do  thống  đốc  Nam  kỳ  Louis Charles  Georges  Jules  Lafont (1824 - 1908) ký, có ghi rõ: Kể từ mồng một Tháng Giêng năm  1882,  tất  cả  văn  kiện chánh  thức, nghị  định,  quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị... sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ quốc  ngữ  sẽ  không  được  bổ nhậm  và thăng  thưởng  trong ngạch phủ, huện và tổng...  Sự  xuất  hiện  của  chữ Quốc ngữ đã tác động mạnh mẽ đến xã  hội  Việt  Nam  trên  nhiều phương  diện.  Từ  chỗ  là  loại chữ viết dùng trong nội bộ một tôn giáo, nó đã được dùng như chữ viết của một nền văn hóa Kỹ thuật in do người phương Tây mang đến cùng việc hình thành  các  xưởng ấn loát  hiện đại đã lấn lướt hoàn toàn lối in mộc bản thủ công kiểu truyền thống, tác động và  làm  thay đổi sâu sắc diện mạo của nghề in  nước  ta  cũng  như  các  lĩnh vực liên quan. Thời điểm này đánh dấu một khởi đầu mới: Sự ra đời của nghệ thuật trang trí minh họa bìa sách chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Do chữ Hán và chữ Quốc ngữ khác nhau cơ bản về cấu tạo, một  bên  thuộc  thể  loại  tượng hình, một bên là ký tự ghi âm. Vì vậy, việc chuyển từ Hán tự sang chữ Quốc ngữ đã làm thay đổi tâm lý và kinh nghiệm cảm thụ thị giác về chữ trong xã hội. Trước đây, ở những bìa sách Hán Nôm người ta có thói quen nhìn chữ và các thông tin khác theo  chiều  dọc  từ  trên  xuống dưới, còn bây giờ lại xem theo lối  phiên  ngang  từ  trái  sang phải. Cách đọc và sắp xếp ký tự mới đã thay đổi hoàn toàn tư duy trong nghệ thuật trình bày bìa sách, từ bố cục chính dựa theo trục dọc chuyển sang lấy trục ngang làm chủ đạo. Ngoài ra, việc cảm nhận vẻ đẹp của thư  pháp  từ  các  nét  móc,  sổ, ngoặc,  hất,  chấm...  được  tạo bởi  vệt  bút  lông  đến  nay  đã được thay thế bằng các giá trị thẩm  mỹ  mới.  Người  ta  phải làm  quen  với  những  chữ  cái rời rạc sắp cạnh nhau cùng hệ thống dấu mũ, ngữ pháp hoàn toàn lạ lẫm được in bằng công nghệ typo. Vào buổi giao thời, có những bìa sách được trình bày bằng cả hai văn tự. Phần chữ Hán được in khắc gỗ, phần chữ Quốc ngữ được in bằng kỹ thuật in typo. Chỉ nhìn bìa thôi cũng đã cảm nhận được những biến  động  phức  tạp,  những giằng co cũ mới trong đời sống văn  hóa  xã  hội Việt  Nam  lúc bấy giờ.

nghe thuat tt 3
Bìa sách Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca.
Kết hợp chữ Hán và chữ Quốc ngữ.

Nhà in Phát Toàn Sài Gòn (1909)

Những cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên được in và xuất bản ở nước ta đều do người Pháp chỉ đạo phát hành nên hình thức bìa những ấn phẩm này đều ảnh hưởng của thiết  kế  phương  Tây. Đi sâu vào nghiên cứu, phân tích các bìa sách giai đoạn 1882 - 1954, có thể nhận thấy bìa chỉ giống về mặt hình thức bố cục, còn chữ, dấu, minh họa trong một số trường hợp đã được các họa sĩ Việt Nam chủ động sáng tạo làm cho nghệ thuật chữ và hình ảnh trên bìa sách đa dạng phong phú chứ không bị rập theo khuôn mẫu như thời kỳ sử dụng Hán tự trước đây.

nghe thuat tt 4
Hình ảnh bìa Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du.
Nhà in Ngày nay ấn hành (1942)

Do  nhiều  nguyên  nhân  khách quan lẫn chủ quan của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, nên dù đã tiếp cận được với kỹ thuật  in  mới  hiện  đại  từ  khá sớm  nhưng  “ngành  xuất  bản” của ta vẫn không thể thay thế hoàn toàn, triệt để lối in khắc mộc bản thủ công truyền thống. Chính vì thế trong khoảng thời gian từ 1882 - 1954 ở Việt Nam, đã sử dụng song song kỹ thuật “in khắc gỗ xen kẽ in typo”.  Cách  kết  hợp  trong  in ấn  này  phải  nói  là bất đắc dĩ trong hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng về cảm nhận, nó lại tạo nên vẻ khác biệt “nửa công nghiệp, nửa thủ công” cho ấn phẩm so với các giai đoạn khác. Chính  vì  kết  hợp  hai  kiểu  in “cũ,  mới”,  nên  nghệ  thuật trang trí minh họa trên bìa ấn phẩm  giai  đoạn  1882  -  1954 khá phong phú và đa dạng về thể loại, không theo một khuôn mẫu nhất định nào, nhưng nhìn chung về kỹ thuật có thể chia làm ba nhóm chính:

Nhóm thứ nhất,  bìa được in bằng kỹ thuật in mộc bản.

Nhóm thứ hai, bìa kết hợp kỹ thuật in mộc bản và in typo.

Nhóm thứ ba, bìa sách chỉ sử dụng kỹ thuật in typo.

Ở nhóm một, sau khi các họa sĩ hoàn thành việc vẽ minh họa và mẫu chữ, bìa sẽ được mang đi khắc, in bản gỗ ở các phường thợ hoặc các cơ sở vẫn duy trì kỹ thuật in truyền thống rồi hợp quyển với các trang sách được in  bằng  kỹ  thuật  Typo.  Loại bìa này có nhược điểm là chất lượng in quá kém, lem nhem và không rõ nét đối với những chữkích thước nhỏ như địa chỉ, nhà xuất  bản...  Để  khắc phục,  về sau những thông tin trên được in bằng chữ đúc chì có sẵn, còn tên sách thì vẫn dùng phương pháp  cũ  là  khắc  gỗ. Do  các kiểu chữ in hoa đúc sẵn dùng để  in  tên  sách còn  hiếm,  nên các họa sĩ có thể tự do sáng tác kiểu  chữ  mà  mình  thích.  Với đặc điểm như  thế, nghệ thuật chữ trên bìa sách (in khắc gỗ) của thời kỳ này chủ yếu hướng tới sự đơn giản. Các kiểu chữ phần  lớn  là  do  các  họa  sĩ  tựnghĩ ra. Đã có nhiều họa sĩ nổi tiếng  tốt  nghiệp  Trường  Cao đẳng  Mỹ  thuật Đông Dương tham gia vẽ minh  họa sách. Điển hình là cuốn Tập văn họa kỷ  niệm  Nguyễn  Du  do  Hội Quảng Trị (Huế) xuất bản năm 1942, in tại nhà in Ngày nay, địa chỉ 80 phố Quán Thánh, Hà Nội.  Trong  cuốn  sách,  minh họa  bìa  và  tiêu  đề là  do  họa sĩ  Nguyễn  Đỗ  Cung  vẽ  cùng với  11  họa  bản  khác  của  các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tường Lân, Tô NgọcVân, Trần Văn Cẩn, Phạm  Hậu,  Lê  Văn  Đệ,  Tôn Thất  Đào,  Nguyễn  Văn  Tỵ, Lưu Văn Sìn. Những tờ minh họa và bìa sách nói trên được in mộc bản riêng tại Hàn Thuyên Ấn quán, địa chỉ 53 phố Tiên-Tsin (Hàng Gà), Hà Nội. Vấn đề hay gặp phải của những bìa in khắc gỗ là sự thống nhất trong  phong  cách  chữ  và  vị trí  bỏ  dấu,  mũ,  râu...  Vì  vậy trên  nhiều ấn  phẩm  ta  thấy chữ còn chưa hợp lý và thuận mắt. Nguyên nhân do thời kỳ này chữ Quốc ngữ đang ở giai đoạn  tìm  tòi,  chưa  định  hình những quy chuẩn thẩm mỹ về kiểu dáng như hiện nay. Ngoài ra sự hạn chế về phương thức kỹ thuật thể hiện cũng là một vấn  đề  khiến  cho  chất  lượng bản in bị mờ, không sắc nét... Tuy nhiên, khách quan mà nói nhiều bìa sách đã đạt được độ thẩm  mỹ  cao,  kiểu  dáng  chữ trông lạ, cá tính; Chữ và hình minh họa hợp lý, hài hòa trong tổng thể bố cục bìa.

Nhóm thứ hai, là nhóm kết hợp cả  hai  kỹ  thuật  in.  Phần  tên sách sử dụng các kiểu chữ đúc chì có sẵn được in bằng công nghệ Typo. Phần minh họa thìin mộc bản. Trong thời kỳ này, do số lượng kiểu chữ in không nhiều nên chữ trên bìa chủ yếu chỉ  đề  truyền  tải thông  tin  là chính.  Vì  thế,  tính  biểu  cảm qua kiểu dáng chữ của bìa đôi lúc không ăn nhập gì với phần minh  họa  và  nội  dung  ở  bên trong. Nhiều khi bộ chữ nhập không đáp ứng được yêu cầu về ký tự như thiếu nét gạch ngang, thiếu dấu... nên các nhà in phải tự làm và bổ sung thêm chi tiết. Đôi  lúc  để  tránh  nhàm  chán, các họa sĩ cũng tự sáng tác một vài chữ cái (thường là chữ đầu tiên của tên sách), phần còn lại thì để nguyên kiểu chữ gốc.

nghe thuat tt 5
Bìa sách Đường xa chi mấy. Nxb Nguyễn Đình Vượng, Sài Gòn (1960)

Do khó khăn trong việc tiếp cận hình ảnh của nhóm  sách này, nên chúng tôi đành  phải lấy cuốn Đường xa chi mấy xuất  bản  năm  1958  (sau mốc thời gian nghiên cứu 1954 bốn năm) làm ví dụ. Quan sát trên bìa ấn phẩm, có thể thấy chữ LAN - DÌNH (LAN - ĐÌNH) là chữ in nhưng nhà xuất bản do chưa chế tác được dấu gạch ngang của chữ Đ nên đành phải dùng chữ D nguyên gốc trong bộ chữ nhập từ nước  ngoài.

nghe thuat tt 6
Bìa sách Hội Phủ Giầy. Nhà in Mỹ Thắng (1942)

Vì thế mà tên tác giả không chính  xác! Trong khi đó với phông (font) chữ ở dưới chữ Đ (Đường) đã được làm thêm dấu gạch  ngang.  Nhược  điểm  của việc tự chế thêm dấu vào khuôn chữ có sẵn là đôi khi giữa các chữ và dấu không ăn nhập lắm về  phong  cách. Việc  này  kéo dài đến cả mấy chục năm sau. Họa sĩ Nguyễn Viết Châu, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về chữ vào những năm 70 của thế kỷ trước cũng đã xác nhận: “Chữ in trước đây được nhập từ ngoài vào, các loại chữlớn đó là của các bộ chữ La-tinh nên thiếu dấu khi dùng ta phải thêm vào”. Thậm chí vào thời điểm ấy ông còn mơ ước: “Tương lai khi ta có nhà đúc chữ Quốc ngữ thì nhất định các chữ Ư và Ơ đều đúc sẵn”. Cuối cùng là nhóm bìa được ấn bản bằng kỹ thuật in Typo. Qua khảo sát, hầu hết nhóm bìa này không có minh họa mà chỉ dùng toàn  chữ.  Những  chữ  này  rất ngay ngắn, rõ ràng và sắc xảo với cả những chi tiết nhỏ. Được như vậy là do các nhà xuất bản sử  dụng  những  con  chữ  chì đúc sẵn chuyên để in tên sách. Tuy nhiên có một nhược điểm rất dễ nhận thấy ở kiểu bìa này là những bộ chữ được làm sẵn không đa dạng về kích thước. Vì thế lúc áp dụng trên bìa sách rất  khó chủ động về bố  cục. Đôi khi nó làm bố cục bị dư, tạo ra các khoảng trống ngoài ý muốn. Để khắc phục, một số nhà xuất bản đã chủ động đưa thêm thông tin lên bìa nhằm lấp bớt  những  khoảng  trống  này. Kết quả mang lại về thẩm mỹ thì  chưa  thấy  nhưng  hậu  quả rõ nhất là bộ mặt ấn phẩm nhìn không đẹp, khô khan thiếu cảm xúc do sử dụng quá nhiều kiểu chữ. Ngoài  ra  cũng  cần  nói  đến phong  cách  minh  họa  khá  đa dạng và phong phú trên bìa của sách  giai  đoạn  1882  -  1954. Nếu  trước  kia  trên  bìa  sách Hán Nôm, các hình mây, rồng, hoa văn, họa tiết cổ là chủ đạo thì giai đoạn này đã xuất hiện các hình ảnh của đời sống hiện đại như thiếu nữ, phong cảnh, nhà cửa, ô tô, vật dụng... với lối tạo hình của hội họa phương Tây. Nguyên nhân của sự thay đổi như trên là do một số bìa ấn phẩm đã được các họa sỹ ở Trường Mỹ thuật Đông Dương và  những  người  có  nghề  trực tiếp  tham  gia  minh  họa.  Với các kiến thức học được ở trong trường, họ đã thổi một làn gió mới vào phong cách tạo hìncũng như chủ đề hình ảnh trên bìa sách. Nghệ thuật trang trí bìa sách giai đoạn 1882 - 1954 là dấu ấn rõ ràng của sự thay đổi về kỹ thuật in, từ in khắc mộc bản truyền thống chuyển sang in bằng chữ đúc chì. Trong lúc giao thời đã xuất hiện các ấn phẩm được in kết hợp. Ở giai đoạn này, chữ và minh họa trên bìa sách nước ta rẽ hẳn sang hướng gần với thiết kế hiện đại của phương Tây. Có thể nói đây là bước ngoặt quan trọng của nghệ thuật trang trí bìa sách Việt Nam. Mốc dấu này đã đưa ngành xuất bản nước ta thoát khỏi cái bóng của “nghề sách” Trung Hoa. Nếu trước đây hình thức trang trí bìa của Trung Hoa được coi là khuôn vàng thước ngọc, thì bây giờ với chữ Quốc ngữ các họa sỹ đã có được cảm hứng mới, tư duy mới để tìm tòi, thể hiện và sáng tạo. Giai đoạn 1882 - 1954 là giai đoạn lịch sử Việt Nam có nhiều biến động làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống văn hóa xã hội trong đó có lĩnh vực trang trí minh họa sách. Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế và lạc hậu các họa sỹ Việt Nam cũng đã tự tìm cho mình một con đường phù hợp và khẳng định được nét riêng. Nhìn nhận một cách khách quan thì đây chính là giai đoạn bản lề góp phần định hình phong cách thiết kế minh họa bìa sách chữ Quốc ngữ của Việt Nam, tạo tiền đề cho sự phát triển và thành công trong những giai đoạn tiếp theo của lĩnh vực này.

- Bùi Quang Tiến -

0976984729