Sự biểu cảm của màu sắc trong thiết kế thương hiệu
Màu sắc còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống con người, không những vậy nó còn là đề tài gây nhiều tranh cãi cho những nhà thiết kế mỹ thuật từ trước đến nay. Cuộc sống của chúng ta luôn có sự tác động của màu sắc từ màu da, trang phục, đồ dùng, đến thương hiệu, biểu tượng văn hóa của một nước. Một điều mà dường như ai cũng đồng tình đó là màu sắc có sự ảnh hưởng nhất định đến tình cảm, suy nghĩ của mỗi con người. Màu sắc đẹp khi được sự phối hợp hài hòa trong một bố cục nhất định. Vì vậy sự biểu cảm của ngôn ngữ màu sắc là rất lớn. Qua người họa sỹ thiết kế, ngôn ngữ của màu sắc càng trở nên phong phú, sinh động, gây ấn tượng hơn bao giờ hết, sự biến diện của ngôn ngữ màu sắc càng trở nên linh hoạt, kỳ ảo hơn. Cuộc sống chứa đựng trong nó biết bao màu sắc, với những biểu hiện có tính quy luật của màu sắc, con người đã thể hiện được những ý tưởng chủ quan của mình. Cùng những hiểu biết về màu sắc trong cuộc sống như quan niệm, thói quen tâm lý, tín ngưỡng sẽ giúp người họa sỹ thiết kế đạt được thành công trong thiết kế sản phẩm của mình phục vụ cuộc sống.
+ Thông thường người ta cho rằng, màu sắc đẹp sẽ hấp dẫn, phong cách mạnh mẽ, trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách riêng là yêu cầu được đặt ra cho biểu tượng kinh doanh. Vì vậy trong lĩnh vực biểu tượng thương hiệu của doanh nghiệp, biểu tượng màu luôn luôn giành được sự thắng lợi cũng như thu hút được sức hấp dẫn hơn biểu tượng đơn màu một bậc. Điều này chính là vì màu sắc trong các biểu tượng thương hiệu kinh doanh của doanh nghiệp có những tác dụng đặc thù sau đây:
+ Thương hiệu đa màu có sức hấp dẫn hơn rất nhiều so với biểu tượng đơn màu. Nghiên cứu từ góc độ khoa học thị giác cho thấy màu sắc đa màu có sự kích thích thần kinh thị giác hơn các màu như đen, trắng và xám, qua đó mà những biểu tượng màu có sức hấp dẫn hơn rất nhiều. Các màu sắc đó làm cho con người nhìn vào sẽ thấy tinh thần phấn chấn và tăng cường ấn tượng của người tiêu dùng đối với biểu tượng đó.
+ Màu sắc của biểu tượng có tác dụng tượng trưng cho sản phẩm, cho thương hiệu, thể hiện ngôn ngữ vô hình độc đáo của các loại sản phẩm khác nhau người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy hay nảy sinh ra những cảm giác thân thiết. Tác dụng này biểu hiện đặc biệt rõ nét ở các siêu thị cao cấp, như các giá hàng của nhóm màu ấm thì dùng để các loại mặt hàng thực phẩm, giá hàng thuộc các nhóm màu lạnh thì thường để các loại hàng sạch sẽ, tinh khiết, còn giá hàng thuộc các nhóm màu kem, màu tĩnh thì để các mặt hàng mỹ phẩm. Khuynh hướng màu sắc của những loại sản phẩm này thể hiện ở biểu tượng thương hiệu, nhãn mác, cách đóng gói tiêu thụ của chính bản thân sản phẩm. Vì thế cho nên, thông thường khi người ta nhìn thấy chữ "M" màu vàng thì lập tức sẽ liên tưởng ngay đến nhà hàng McDonald's.
+ Màu sắc của biểu tượng thương hiệu còn là phương pháp cạnh tranh của các nhà kinh doanh, các doanh nghiệp. Theo điều tra, các loại màu sắc đều có ảnh hưởng khác nhau đến cảm giác, sự quan tâm chú ý, tư duy và cá tính của con người, màu sắc lòe loẹt rắc rối cũng chính là cơ sở của những nhận thức khác nhau về biểu tượng, là một trong những thủ đoạn cạnh tranh có hiệu quả của những doanh nghiệp, nhà kinh doanh khi phát triển thị trường. Có thể nói, bất kỳ sản phẩm nào, đặc biệt là các sản phẩm mới, nếu được "trang hoàng" bằng những màu sắc độc đáo, lạ mắt sẽ "đón bắt" được ngay cái nhìn đầu tiên của khách hàng. Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần phải ứng dụng và khai thác những lý thuyết mà tâm lý học màu sắc mang lại một cách triệt để. Điều này có thể giúp tạo nên sự vững chắc của thương hiệu ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Cho đến ngày nay khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì mỹ thuật công nghiệp nói chung và đồ họa nói riêng ngày càng cần thiết hơn bao giờ hết, và quan trọng hơn hết nó lan tỏa vào nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác. Trong quá trình xây dựng ý tưởng để tạo ra sản phẩm với bối cảnh và điều kiện khách quan dần đã hình thành và được kích thích bởi nhiều yếu tố tạo hình trong nghệ thuật từ đó nảy sinh sự sáng tạo của từng người. Bởi giữa chúng ta ai cũng mong muốn được nhìn thấy cái đẹp và đặc biệt tạo ra nó để góp phần làm đẹp đời sống tinh thần kích thích sự vận động trí tuệ và làm tăng tư duy thị giác, trong đó màu sắc là một phần không thể thiếu, nó luôn giữ một vai trò quan trọng trong sáng tác đồ họa. Nghiên cứu về màu sắc trong thiết kế thương hiệu nó giúp bản thân người thiết kế nắm bắt được sự thay đổi của thời gian và không gian, thể hiện được cảm xúc, sự vận động của vật thể gần gũi với đời sống của con người và xây dựng nên cái hồn cho từng sản phẩm, nhãn hiệu.
Chúng ta sống trong không gian sắc màu. Nhưng để phân biệt và mô tả về màu sắc lại đòi hỏi một khả năng, một năng lực nhất định. Bản thân thế giới sắc màu dung chứa bao huyền bí dẫn dụ ta vào con đường của những mách bảo và ám chỉ. Nhân loại phải mất chặng đường hàng thế kỷ để phân biệt và gọi tên được các màu. Theo Từ điển bách khoa của nước Anh, năm 1493 mới xuất hiện những từ chỉ màu sắc dựa theo cây cỏ, như màu cỏ, màu rêu, năm 1497 mới có những từ chỉ các vật trong giới vô sinh như màu lửa, màu than, màu khói… và mãi đến năm 1778, mới có các màu của đồ vật do con người làm ra, như màu mực, màu vỏ chai. Thời hiện đại, thời kỳ của xã hội công nghiệp, vốn từ màu sắc bổ sung thêm những từ như màu xanh côban, màu đỏ đun.
Chính vì điều đó để phục vụ thị hiếu thẩm mỹ cho cả một xã hội đòi hỏi sự tinh tế khi sử dụng màu sắc. Con người không thể tồn tại khi sử dụng màu sắc. Con người không thể tồn tại khi không có màu sắc, chúng ta biết màu sắc rất quan trọng đối với một công ty – và nó cũng quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Màu sắc được sử dụng để nhấn mạnh những thuộc tính thương hiệu cá nhân, gợi lên cảm xúc và xây dựng tất cả các kết nối quan trọng với những người có liên quan đến thương hiệu. Theo Sue Brettell, công ty Id Creative Solutions, một công ty chuyên thiết kế logo ở London cho biết: "Màu sắc là quyết định sống còn trong quá trình thiết kế và là ưu tiên của tôi khi xây dựng đặc điểm nhận dạng thương hiệu cá nhân. Công việc của người thiết kế là hướng dẫn khách hàng lựa chọn màu sắc để thể hiện rõ thương hiệu cá nhân của họ nhằm thu hút khách hàng mục tiêu". Có thể khẳng định rằng hầu hết các thiết kế nhận diện thương hiệu đều phải sử dụng màu sắc. Vì vậy việc ứng dụng màu sắc trong thiết kế thương hiệu là sự hài hòa và hiệu quả trong sáng tạo góp phần sản xuất ra các mẫu mã, các sản phẩm đẹp phục vụ đời sống con người. Đó chính là mục đích để phát triển một định hướng thẩm mỹ hiện đại không chỉ cho các nhà chuyên môn, mà mục đích cuối cùng là phục vụ cho việc phát triển và đa dạng hóa khiếu thẩm mỹ đời sống của công chúng. Nói cách khác, thương hiệu có thể tạo được sự nhận biết rộng về màu sắc chỉ đơn giản bằng cách quản lý việc sử dụng màu sắc sao cho hiệu quả.
- ThS. Nguyễn Hoàng Việt -
>>> Nguồn gốc và phát triển của thương hiệu
>>> Bài tập bộ nhận diện thương hiệu