Hội họa phương Tây – Nhìn lại một chặng đường

Từ những bức họa hang động ở hang Altamira (Tây Ban Nha), hang Lascaux, Chauvet (Pháp), những người nghệ sĩ Nguyên Thủy nhận thức và thể hiện thế giới của họ trên mặt phẳng. Những hình vẽ trên hang khá sơ lược và khái quát, người nghệ sĩ Nguyên Thủy chưa có ý thức về bố cục, hình khối, không gian… tuy nhiên nó lại phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống xung quanh. Giả thiết những tác phẩm này có nguồn gốc xuất hiện từ nhu cầu cuộc sống do lao động, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng ma thuật hay để giải trí. Đến tận thế kỷ thứ XIV dường như nhân loại vẫn nhận thức và thể hiện những bức họa trên mặt phẳng hai chiều. Không gian ba chiều được các họa sĩ triệt tiêu màu và khối chỉ còn lại không gian hai chiều: như hoa văn khắc chìm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ Việt Nam đến những bức họa về đạo Cơ đốc. Tư duy đồ họa sơ khai lại thể hiện được đúng bản chất sự vật và hình dáng của nó trên mặt phẳng (người đánh trống, giã gạo…). Thế giới trong tranh của các họa sỹ Tây Phương lúc này là thế giới của tôn giáo, không gian của tranh là không gian của Thiên Chúa, thần linh. Những nhân vật đối tượng như được họa sĩ vẽ riêng lẻ rồi dán vào cùng một mặt phẳng, thường tuân theo một số quy tắc như: to nhỏ theo chức tước, vẽ đông người chỉ việc chồng tầng đầu người lên nhau, nhân vật trong tranh luôn ngơ ngác buồn rầu do mỹ học Trung Cổ phủ định cái đẹp trần thế, dành quyền tối thượng cho cái đẹp thiên đường, phủ định vẻ đẹp thân xác của con người, nhưng lại phát hiện ra và đi sâu vào vẻ đẹp tâm linh. Cả ngàn năm, hội họa phương Tây là những tác phẩm phục vụ Tôn giáo diễn tả những hình tượng mang tính chất ước lệ, tượng trưng, khô cứng, giáo điều, để đến Giotto người viết nên trang sử mới cho hội họa phương Tây.

hoi hoa phuong tay 1
Hall of the Bulls, at Lascaux, France, ca. 15,000-13,000 BCE

Trong rất nhiều cuốn sách, các học giả chia giai đoạn trong hội họa phương Tây lấy mốc là "trước Giotto" và "sau Giotto". Giotto là một họa sĩ giai đoạn cuối Trung Cổ, người đã đặt nét bút đầu tiên đánh dấu sự bắt đầu của hội họa phương Tây thời kỳ Phục Hưng. Và cũng đến "sau Giotto" người ta mới coi hội họa chính thức ra đời, chính vì vậy nên Giotto còn được coi là "ông Tổ của hội họa phương Tây" bằng những đóng góp của mình vào hội họa Phục Hưng giai đoạn sớm.

hoi hoa phuong tay 2
Bữa tiệc cuối cùng, 1495-1497, sơn dầu và tempera.

Mỹ thuật Phục Hưng là nền mỹ thuật hướng tới cái đẹp và sự hoàn hảo, mỹ thuật được sinh ra ở thời đại của "những người khổng lồ" (Great man). Với những nhãn quang mới của Gallilei, Copernicus của Vasco da Gama hay Colombo; nghệ sĩ Phục Hưng là những con người lấy mình làm trung tâm, họ nhìn ra xung quanh thấy bốn đường chân trời thẳng. Không gian ba chiều trong tranh Phục Hưng hình thành với đường chân trời phân cách không gian trời và đất, tụ điểm nằm ở đường chân trời. Nâng cao đường chân trời ưu tiên tả mặt đất, hạ thấp đường chân trời ưu tiên tả bầu trời. Hội họa đến thời kỳ này được coi như một bộ môn khoa học bao gồm: khoa học về giải phẫu, màu sắc, luật xa gần. Sang thế kỷ XVII, hội họa Baroque phá vỡ bố cục đơn tuyến ba chiều của Phục Hưng mà phát triển bố cục đa hướng, đường nét biến đổi đa chiều, không gian được ở rộng hẳn ra. Hội họa Baroque tạo sự kịch tính huy hoàng, ánh sáng tương phản rực rỡ với những thân hình xoay chuyển (Có thể ví nghệ thuật Baroque như một bộ phim hành động). Cũng vào thế kỷ XVII, nước Pháp phát triển về mọi mặt đặc biệt là văn hóa văn nghệ và Pháp là trung tâm của nghệ thuật Cổ điển, nghệ thuật Cổ điển lấy tinh thần sùng bái cổ đại làm mẫu mực, tư tưởng hoài cổ là linh hồn trong tranh.

Vào thế kỷ Ánh Sáng (thế kỷ XVIII), thế kỷ của các tư tưởng tiến bộ, nâng cao chuẩn mực đạo đức và tri thức khoa học, nghệ thuật cũng hình thành các khuynh hướng khác nhau. Nghệ thuật Rococo nảy sinh từ Baroque nhưng lại đối lập với Baroque. Rococo không trang trọng và lộng lẫy như Baroque, không đứng đắn nghiêm nghị như Tân Cổ điển và dường như lại thiếu tính đạo đức của cả hai. Rococo là hoa lá, đùa cợt, gợi tình, phù phiếm, vừa bị yêu chiều lại vừa bị ghét bỏ và là một phần không thẻ thiếu của hội họa Pháp. Nghệ thuật Tân Cổ điển ra đời với tuyên ngôn: trở về cổ đại và vẽ tranh lịch sử, Baroque và Rococo với những đường cong chỉ thích hợp với giai cấp quý tộc cũ mà không thích hợp với giai cấp tư sản mới. Những bức tranh Tân Cổ điển như một sân khấu kịch giáo dục về những giá trị đạo đức cao thượng, công lý, danh dự… để khơi dậy nghĩa vụ công dân với thời đại. Nghệ thuật Lãng mạn đối lập và không tôn sùng những quy tắc về hình họa, lý luận chuẩn mực như Tân Cổ điển nữa, đó là những tác phẩm đề cao tình cảm sự rung động, đề xuất sự giải phóng tự do để rồi đến nghệ thuật Hiện thực quay lại với thực tại và phản ánh sắc nét thời đại.

hoi hoa phuong tay 3
Ấn tượng mặt trời mọc, Claude Monet, sơn dầu

Tuy nhiên hội họa "Cổ điển" từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX vẫn chỉ là các bố cục tập trung, đăng đối, duy nhất tính với thời gian và không gian. Và các họa sĩ là những người song hành và vẽ sao cho thật nhất với thiên nhiên, họ vẽ với những tông màu u trầm, buồn giấu đi những nét cọ và thân phận, cá tính của họa sĩ. Nghệ thuật Ấn Tượng cuối thế kỷ XIX được coi là bước đi cuối cùng của chủ nghĩa tự nhiên trong nghệ thuật, đề tài của các họa sĩ là ánh sáng, là không gian là làn mây bóng nước, họ đã làm nên cuộc cách mạng trong hội họa với những nét bút thoải mái, phóng khoáng. Các họa sĩ Tân Ấn Tượng thu ngắn vệt bút sinh ra trường phải điểm họa.

Những năm đầu thế kỷ XX, hội họa hiện đại đã ra đời với một loạt ý tưởng và quan niệm mới mẻ về mặt thẩm mỹ: màu sắc, nét vẽ (Van Gogh, Gauguin, Cézanne); Họa sĩ Cézanne quy đối tượng về những hình khối cơ bản, đưa đối tượng lên phía trước, và chú trọng nhiều đến bố cục và nhịp điệu của tác phẩm. Họa sĩ Van Gogh cũng đã đem đến những ý tưởng mới mẻ về nét vẽ, nhịp điệu và màu sắc. Điều đáng chú ý, là ông đã một người một ngựa, đi theo con đường sáng tạo riêng của mình và đã khẳng định được một cá tỉnh rõ rệt. Gauguin cũng đưa ra những ý tưởng độc đáo về tính chất bí ẩn của màu sắc, và nhất là tính độc lập của màu sắc trên tác phẩm so với màu sắc thật của đối tượng.

Ba họa sĩ, ba cá tính của nghệ thuật Hậu Ấn Tượng đã làm thay đổi hẳn diện mạo nghệ thuật lúc bấy giờ và để tiếp đó là sự bừng nở của những trào lưu nghệ thuật đầu thế kỷ XX. Dã thú (1905) với những cá tính sắc màu tưng bừng, tương phản mạnh mẽ. Tranh của các họa sĩ Dã thú đều bắt nguồn từ hiện thực, nhưng hiện thực ấy mang tính đơn giản và ước lệ hóa cao độ, mang cái nhìn hoàn toàn chủ quan của người họa sĩ có thể là cái nhìn hồn nhiên ngây thơ như trẻ nhỏ cũng có thể rút ngắn chiều sâu không gian. Hội họa lúc này hoàn toàn là cái tôi của họa sĩ.

hoi hoa phuong tay 4
Những người cô gái tắm, Cezanne, 1905

Nếu thời kỳ Phục Hưng đưa ra cho Leonardo da Vinci hay Raphael Santi tượng gỗ châu Phi chắc chắn các ông sẽ hoảng hốt lắc đầu, để đến tận đầu thế kỷ XX Picasso mới nhận ra được vẻ đẹp của những tác phẩm đó. Lấy cảm hứng từ những tượng gỗ châu Phi, năm 1907, tác phẩm "Những cô nàng ở quận Avignon" (Les Demoiselles d'Avignon) của Picasso ra đời, mở đường cho phong cách lập thể, với tham vọng thể hiện đối tượng không phải như mắt ta nhìn thấy từ một điểm nhìn, mà từ nhiều góc cạnh. Cách thể hiện từ nhiều điểm nhìn đã có từ rất sớm ở các nền nghệ thuật khác nhau trên thế giới như tác phẩm Khu vườn tranh bích họa của mỹ thuật Ai Cập cổ đại hay tác phẩm Đánh cờ trong điêu khắc Đình làng Việt Nam. Các họa sĩ Lập Thể muốn biết đằng sau, bên trong của sự vật như thế nào và họ muốn thể hiện điều đó trên tranh. Họ "đập vỡ" cấu trúc hình thể của sự vật, và như Picasso từng nói: tôi ném sự vật lên tranh để chúng tự dàn xếp với nhau. Ở trào lưu Lập Thể các tác phẩm vẫn có chủ đề, đối tượng sự vật chính, chỉ là cách nhìn cách sắp xếp của các họa sĩ. Họa sĩ Siêu thực khát vọng khám phá muôn vàn điều linh thiêng bí ẩn, những sự thật sâu kín trong tâm hồn mỗi người, họ vẽ thế giới chỉ tồn tại trong những giấc mơ thực hay không thực. Song, hội họa Trừu tượng mới là dòng hội họa phủ nhận triệt để nhất đối tượng sao chép, và nhất là nó phủ nhận tất cả những hình tượng tồn tại trong thế giới tự nhiên (Kandinsky, Mondrian, Malevitch… 1910). Có thể nói rằng, đây là một hình thức mới, một thách thức mới. Tác phẩm trừu tượng, theo đúng nghĩa của nó, phải chứng minh được rằng: Cái đẹp nghệ thuật do trí tưởng tượng của con người sáng tạo ra hoàn toàn độc lập với thế giới tự nhiên. Như vậy, hội họa từ vẽ những vật thể như thực, đến vẽ những vật thể hư cấu, bị bóp méo… từ hội họa Nguyên Thủy đến Phục Hưng, đến Lập Thể, Siêu Thực đã đi được chặng đường rất dài. Tuy nhiên đó vẫn là hội họa phản ánh đối tượng. Phải đến hội họa Trừu Tượng không còn đối tượng nữa chỉ còn cái tôi duy nhất của họa sĩ nhìn hoặc không nhìn thế giới. Hội họa Trừu Tượng không phải để hiểu mà để cảm nhận, có thể cảm nhận bằng nhiều cách khác nhau nhằm đạt tới sự toàn vẹn.

hoi hoa phuong tay 5
Một đêm đầy sao (a Starry Night). 1989, sơn dầu, 73 x 92 cm

Nghệ thuật hiện đại mới là nghệ thuật "đặt chân trần xuống đất" (A. Gide). Giờ đây nghệ thuật khám phá những bí ẩn bên trong con người đó là thế giới tâm linh, của cái chủ quan, của cái tưởng tượng và những giấc mơ, cái không nhất thiết, bất thường và bất quy luật. Hội họa hiện đại gắn với cái mới, khác với truyền thống, khác với cổ điển và đi vào chân trời mới lạ để khám phá bản chất con người nhưng không phủ định truyền thống, không coi thường cổ điển. Nghệ thuật thời nào cũng là phương tiện diễn đạt ý tưởng và cảm xúc bằng hình tượng. Con người luôn có bản năng hướng tới cái đẹp, nhu cầu đó thúc đẩy sự tiến hóa và sáng tạo trong nghệ thuật. Với tất cả khát khao vượt qua những gì đã định hình trước đó, nghệ thuật không ngừng tìm kiếm và sáng tạo đạt đến những thăng hoa mới trong xúc cảm nghệ sĩ và khán giả./.

hoi hoa phuong tay 6
Người đàn bà khóc, Picasso

hoi hoa phuong tay 7
Màu vàng, màu đỏ, màu xanh, Kandinsky

- ThS Trần Thị Thy Trà -

>>> Hội họa đen trắng (Phần 1)

>>> Mỹ thuật đương đại và truyền thống

0976984729