Mạch sống mới của Vũ Hồng Nguyên

mach song moi 1
VŨ HỒNG NGUYÊN - Mạch sống No.29. 2011. Sơn mài. 81x120cm

May mắn làm sao, kỳ nghỉ đông năm nay, những người mê tranh xa quê bay nửa vòng trái đất về thăm thủ đô, lại đúng vào dịp hoạ sĩ Vũ Hồng Nguyên bày cuộc triển lãm cá nhân mang tên “Mạch sống” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Phải lâu lắm rồi, tôi mới được xem một triển lãm tranh sơn mài thật thích mắt đến thế. Mới ngập ngừng thôi trước cửa phòng triển lãm, lướt mắt một vòng quanh không gian trưng bày chỉnh chu chan hoà bầu ánh sáng dịu dàng ấm áp, khách phương xa dường như đã cảm nhận được một hương vị ngọt ngào của những tác phẩm đậm đà hồn quê đương trân trọng và tha thiết chờ người đến chiêm ngưỡng và chuyện trò.

Lững thững từng bước một, vừa chậm rãi ngắm tranh, trong đầu tôi cứ nổi dần lên một ‘dấu hỏi’: có điều gì trong mỗi bức tranh ở đây có sức cuốn hút, để người xem phải thật chăm chú, ghé lại gần, lùi ra xa, nghiêng sang bên, rồi đôi khi liều mạng chạm thử ngón tay lên mặt tranh... Hình như tất cả các tác phẩm ở đây có chung mạch nối hữu cơ, phối hợp với nhau nhịp nhàng, tới mức khiến cho mạch cảm xúc của người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và rồi bị chinh phục từ lúc nào đó không hay.

mach song moi 2
Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên trò chuyện với tác giả trong triển lãm "Mạch sống" tại Bảo tàng MTVN

mach song moi 3
VŨ HỒNG NGUYÊN - Chi tiết bức Mạch sống No. 68. 2015

Với linh cảm riêng, điều đầu tiên tôi có thể nhận được nguyên do mà những bức tranh trong triển lãm không gây cảm giác nhàm chán, đấy có lẽ là dù số lượng tranh trưng bày khá nhiều, mỗi bức tranh vẫn có những nét đặc sắc riêng, có những phẩm tính riêng khiến người xem thú vị. Thêm nữa là, nhờ hoạ sĩ đã vận dụng hợp lý nhiều thủ pháp tạo ‘chất' bề mặt (texture), hầu như các mảng màu đều có độ xốp và chiều sâu cuốn hút. Các sắc độ đậm nhạt được xử lý tốt, và phối màu điêu luyện. Bề mặt tranh được mài với độ phẳng cao mà lại không bị bóng lộn như đồ mỹ nghệ, vì vậy, những đặc tính tạo hình quý của chất liệu vàng, son, cánh gián, được phát huy vừa độ mà không bị lố, bị phô, và chính vì thế, các hình thể và bố cục trong tranh dù rất trừu tượng những vẫn giàu tính tạo hình và sức biểu cảm.

Một trong những ấn tượng mạnh nhất ở triển lãm này là hoạ sĩ đã có những thủ pháp kỹ thuật sơn và mài độc đáo, sáng tạo. Quan sát kỹ, có thể nhận ra người vẽ có những kiểu vẽ, lối vẽ để độ loang chảy của sơn thật tự nhiên, đồng thời bám sát được những hiệu ứng ngẫu nhiên trong quá trình sơn và mài để chọn được điểm dừng hiệu quả nhất bằng một trực giác cảm quan trời cho. Xem thật gần, thật kỹ nữa thì ta lại có thể phát hiện thêm một điều là họa sĩ đã luôn sử dụng rất nhiều lớp vàng quỳ, bạc lá, và phủ rất nhiều lớp sơn xen kẽ với những lần mài; và ở mỗi công đoạn sơn - phủ - mài - toát, hoạ sĩ đều làm chủ hoàn toàn được chất liệu, hoàn toàn ‘điều khiển được chúng’ để phục vụ cho những ý tưởng thẩm mỹ của mình. Ngắm xa thì thích mắt về bố cục và hoà sắc chung, song khi nhìn gần thì lại có được những nét hấp dẫn của độ tinh tế và nét duyên dáng trong mỗi chi tiết, ấy cũng có thể là một ưu điểm nữa của các bức tranh sơn mài trưng bày trong triển lãm này.

mach song moi 4
VŨ HỒNG NGUYÊN - Mạch sống No. 72. 2016. Sơn mài. 120x120cm

mach song moi 5
VŨ HỒNG NGUYÊN - Chi tiết bức Mạch sống No.72

Được trao đổi trực tiếp với hoạ sĩ ngay tại không gian bảo tàng - cũng là một cơ duyên của khách phương xa - mới biết anh là người kỹ tính, nếu không nói là khó tính. Nhiều tranh anh làm mất hàng tháng trời, có cái đến hàng năm, khi chưa ưng ý thì lại mài phá đi, sơn đè lên, mài tiếp, vẽ lại... cứ thế cho đến kỳ thấy ổn thì mới dừng. Sự kỹ càng đến nơi đến chốn trong cách tân lối vẽ, lối pha màu, sự thích thú tìm tòi các công thức pha chế màu bột (picment) với dung môi... với tất cả niềm đam mê chất liệu cũng đã đem lại hiệu quả thẩm mỹ và tính sáng tạo; những điểm mạnh của thể loại tranh vốn dĩ rất kén người vẽ này đã được duy trì và phát huy ngay trong mỗi công đoạn, để rồi gộp lại mới được kết quả tổng hoà cuối cùng “ra tấm ra món”. Theo hoạ sĩ, trong quá trình vừa học hỏi, nghiên cứu, vừa sáng tác, kéo dài gần 10 năm trời để có được lượng tranh trưng bày trong triển lãm này, anh “lúc nào cũng khắt khe với chính mình trong từng khâu, làm sao kết hợp được những đặc tính truyền thống của chất liệu đòi hỏi sự nghiêm cẩn với bút pháp trừu tượng hiện đại phóng khoáng, để đạt tới hiệu quả biểu hiện cao nhất”.

Sự thuần thục trong kỹ thuật sơn mài của anh cũng thể hiện ở khả năng làm chủ bút pháp, để các nét bút hay các mảng màu không bị cứng, bị sượng. Nhìn thoáng qua, dường như hoạ sĩ vẽ theo bản năng, bởi tính biểu cảm luôn áp đảo những ý niệm về hình, về chủ đề, song khi ngắm kỹ thì mới thấy trong tranh sơn mài của anh đúng là một lối vẽ rất duy lý. Đặc biệt, dù dùng bút pháp trừu tượng thì các hình thể trong các tác phẩm của anh luôn ám ảnh trời đất, mây trời, sông nước... những cấu trúc mô phỏng sinh thái, thiên nhiên... và do đó mà trí tưởng tượng của người xem trước mỗi tác phẩm được bay bổng trong những liên tưởng thú vị tới hình hài vạn vật phong phú, đa dạng, đa chiều.

Rõ ràng, đúng như bậc thầy hội hoạ trừu tượng Kandinsky từng nói, dù là ở hình thức nghệ thuật nào, chất liệu nào, điều quan trọng là người nghệ sĩ phải bộc lộ được những rung động của nội tâm thông qua tác phẩm có tính thẩm mỹ cao, bằng không, có dùng hàng ngàn trang giấy, hàng giờ ‘tán dương’ cũng chẳng mê hoặc được ai cả.

mach song moi 6
VŨ HỒNG NGUYÊN - Mạch sống No. 62. 2016. Sơn mài. 100x100cm

mach song moi 7
VŨ HỒNG NGUYÊN - Mạch sống No. 55. 2015. Sơn mài. 61x61cm

Trong triển lãm này, tôi đặc biệt thích bộ tranh ba bức "Mạch sống No. 75". Với hoà sắc ấm, dịu như ngả sang gam màu của những thứ sa khoáng thâm trầm, bí ẩn, mỗi tấm sơn mài ở đây đã là một tác phẩm hoàn chỉnh, nhưng từng bố cục riêng của mỗi tấm lại được thể hiện mang tính liên hoàn, nên khi phối hợp lại, chúng tạo nên một bức tranh trừu tượng hoành tráng có độ hấp dẫn lớn của một đại cảnh phiêu diêu, hùng vĩ.

Năm 1948, trong một thuyết trình về ‘sơn mài’ tại hội nghị văn hoá toàn quốc, Tô Ngọc Vân có nói rằng “không những sơn mài đã là một ngành hội hoạ... sơn mài sẽ còn là một ngành hội hoạ đủ năng lực cách mạng hội hoạ thế giới hiện nay đang mắc nghẽn trong một đường cụt không có lối thoát.” Thực sự là nếu nói lúc đó hội hoạ thế giới không có lối thoát, thì thật cảm tính và có phần bi quan, bởi vì có thể hồi đó thông tin với thế giới bên ngoài đến chúng ta rất hạn chế, nhưng ý kiến rằng sơn mài có thể làm được điều gì mới cho hội hoạ thế giới thì tôi đã tin - nhất là sau khi xem xong triển lãm hội hoạ rất đương đại này của Vũ Hồng Nguyên - rằng danh hoạ Tô Ngọc Vân có cơ sở, chứ không hề bốc đồng hay chủ quan ‘khinh địch’.

Nán thêm ít phút trên ghế nghỉ của bảo tàng trước lúc chia tay hoạ sĩ và phòng tranh tuyệt đẹp của anh, người mê tranh sơn mài đã thêm một niềm đinh ninh rằng hội hoạ trừu tượng Phương Tây ra đời cách đây cả trăm năm sẽ vẫn dồi dào sức sống trong một loại hình biểu cảm đậm đà phẩm chất Việt - đó là nghệ thuật HỘI HOẠ SƠN MÀI. Hơn nữa, thật đáng mừng là qua triển lãm này, người xem cũng có thêm sự tin tưởng vào một tương lai của dòng tranh trừu tượng hiện đại dựa trên chất liệu đậm tính cổ truyền. 

mach song moi 8
Du khách ngắm bộ tranh tam bình "Mạch sống No. 75". 2016. 175x75x3

Kết hợp được năng lực thẩm mỹ giàu tính duy lý mà không đánh mất cảm xúc, phòng tranh “Mạch sống” của Vũ Hồng Nguyên không chỉ là một cột mốc mới trên chặng đường nghệ thuật của riêng anh, mà có lẽ nó cũng tiếp thêm luồng sinh khí mới cho ‘mạch sống’ của hội hoạ sơn mài đương đại Việt Nam.

Xin cám ơn người họa sĩ tài năng đã tặng công chúng một triển lãm thật sang trọng, truyền cảm và ấm tình quê hương trong tiết xuân về. Hẹn một ngày không xa được gặp lại hội hoạ sơn mài của Vũ Hồng Nguyên trong những không gian nghệ thuật quốc tế hoành tráng hơn, để những người con xa xứ được tự hào và mến yêu hơn truyền thống văn hiến nước nhà.

- Andrea Tran -

0976984729