Huyết họa

1 – Khác với hạt màu (pigment), có khả năng tán xạ ánh sáng, phẩm nhuộm chỉ hấp thụ ánh sáng. Phân tử hấp thụ một bước sóng ánh sáng nhất định khiến điện tử nhận năng lượng, bị kích thích nhảy từ trạng thái cơ bản lên một mức năng lượng cao hơn gọi là trạng thái kích thích. Nhờ đó mà ta nhìn thấy màu phẩm nhuộm. Tuy nhiên, vì bị kích thích nên phân tử trở nên dễ phản ứng và không bền vững, có thể bị phá vỡ, gây ra hiện tượng mất màu.

Màu sắc trong các hợp chất hữu cơ như phẩm nhuộm (máu là một loại phẩm nhuộm) được tạo ra nhờ một nhóm có tên là chromophore. Những nhóm này liên kết với nhau thành phân tử qua các liên kết đơn hoặc đôi, ví dụ liên kết azo (cặp nitrogen N=N) trong phẩm nhuộm azo. Liên kết azo rất dễ bị tia cực tím phá hủy. Đó là một quá trình tự nhiên, khó tránh khỏi, khiến tất cả các phẩm nhuộm đều bạc màu nhanh, kể cả loại bền nhất.

2 – Con người đã dùng máu, nước tiểu, tủy xương, mỡ động vật, nước trái cây, lòng trứng v.v. để trộn màu vẽ từ hàng chục ngàn năm trước. Ví dụ: các hình vẽ từ thời Đồ đá cũ trong hang ở Rocamadour (Pháp) cách đây 20 – 30 ngàn năm, trong hang Lascaux (Pháp) cách đây chừng 17 – 20 ngàn năm.

huyet hoa 1

Ở Anh người ta đã dùng máu bò để nhuộm da, nhuộm sợi dệt thảm, và làm màu từ t.k. XVII. Từ đó mà từ “oxblood” (máu bò đực) ra đời trong tiếng Anh.

3 – Trang của hãng Kremer Pigments cung cấp một công thức pha máu bò làm màu vẽ như sau:

10 lít máu bò
3 lít huyết thanh máu bò
1/40 lít dầu đinh hương (clove oil)
2.6 kg vôi đã tôi
0.5 kg oxyde sắt tự nhiên (đất sét đỏ limonite)
0.3 lít nước vôi
10 ml chất khử bọt (defoamer)

trộn với nhau, sau đó trộn với 0.5 lít dầu lanh.

4 – Trong hội họa Việt Nam, họa sĩ và nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919 – 2012) đã từng trích máu tay mình để vẽ trên lụa bức tranh “Bác Hồ và thiếu nhi Trung, Nam, Bắc” (1947) và đề bên dưới “Thay mặt cho nghệ sĩ Nam Bộ con xin kính dâng Cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm sáng tạo trong những phút say sưa nhất của đời con và cũng là tác phẩm mà chính Cha đã tạo nên.

Bức tranh đó đã xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau hơn 10 năm, nên đến khoảng năm 1960 vụ Mỹ thuật đã đề nghị họa sĩ kiêm nhà phê bình mỹ thuật Trần Thức chép lại bức tranh.

Tất nhiên đây là một bức tranh máu nhưng người phục chế không thể dùng máu mình mà vẽ được bởi máu ra thì nó đông ngay, hơn nữa còn phải tính cả độ đậm nhạt của nét vẽ nên tôi buộc phải dùng màu nước mà màu chủ đạo là nâu sẫm, còn lụa của ông ấy (họa sĩ Diệp Minh Châu) theo thời gian nó đã phai đi và không được sáng như lụa mới thì tôi cũng phải nhuộm thế nào cho nó đúng màu thời gian,” – ông Trần Thức nhớ lại.

Bản sao của ông Trần Thức hiện được trưng bày tại BTMT Việt Nam, còn bản gốc thuộc sưu tập của Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

huyet hoa 2

Các họa sĩ đương đại vẽ bằng máu như Elito Circa (sinh 1970, Philippines), Vincent Castiglia (sinh 1982, USA), v.v. cũng có những lý do của họ. Ví dụ Elito Circa dùng chính tóc và máu của mình để vẽ và do đó đảm bảo được tính xác thực của tác phẩm, vì có thể kiểm tra nhờ DNA. Anh thuê y tá trích máu của anh từ ven vào ống nghiệm và cất trong tủ lạnh để dùng làm màu vẽ.

Jennifer Weigel (Mỹ) thậm chí còn dùng máu kinh nguyệt của chính mình để vẽ và gọi đó là “nghệ thuật hành kinh” (art of menstruation). Quan điểm của cô là để “nâng cao nhận thức xã hội, và phá tan thành kiến xã hội về vấn đề hành kinh của phụ nữ”. Cô tạo ra sản phẩm như sau:

Mỗi buổi sáng, trong khi đang hành kinh, tôi ép cửa mình lên giấy vẽ màu nước để tạo ra loạt tranh in này. Do bản chất không thể đoán trước của cách làm này mà mỗi bức tranh là một trải nghiệm độc nhất vô nhị, mặc dù chất liệu được dùng như nhau. Tuy vậy chúng vẫn có liên kết với nhau.” 

huyet hoa 3

huyet hoa 4

Trong phong trào vẽ bằng máu tháng, Jennifer Weigel hoàn toàn không đơn độc. Mới đây Jess Cummin, nữ sinh chuyên ngành hội hoạ và in trường Nghệ thuật và thiết kế Glasgow (Anh), cũng dùng chất lỏng này để vẽ tranh, 25 phút một bức, nhưng cứ khoảng 3 tuần cô mới có “màu” để vẽ một lần. Cô còn kêu gọi các nữ hoạ sĩ thử làm như cô để giải tỏa tâm lý.

Vì thế dùng máu để vẽ không có gì là mới mẻ như một chất liệu hay một khả năng trong hội hoạ. Về hiệu ứng thị giác, màu nâu tối của máu động vật bị oxy hóa tạo trên canvas hay giấy hoàn toàn có thể được tạo ra bằng màu sơn dầu truyền thống, mà lại bền hơn nhiều, bởi các hạt màu (pigment) khoáng chất, chứa oxide sắt đỏ, nâu tự nhiên trong sơn dầu, có độ chịu sáng rất cao, hàng thế kỷ.

Song rốt cuộc, lựa chọn vẽ cái gì, vẽ như thế nào và dùng chất liệu gì để vẽ vẫn là quyết định và quyền tự do quyết định của hoạ sĩ.

Cuối cùng mời các bạn xem kiệt tác của danh hoạ Phục Hưng Đức Matthias Grünewald (1470 – 1528). Ông không đua theo trào lưu Phục Hưng đang nổi lên thời đó, mà vẫn kiên trì vẽ theo phong cách thời Trung Cổ, kéo nó sang tận t.k. XVI. Tranh của ông bị thất lạc, bị đốt, bị cướp bóc trong chiến tranh, bị lãng quên tới 3 thế kỷ. Ông không dùng máu, cũng chẳng thấy xác động vật trong số tranh ít ỏi còn lại của ông. Ông dùng sơn dầu vẽ lên ván gỗ các đề tài kinh điển trong Kinh thánh mà không biết bao nhiêu hoạ sĩ trước ông, đương thời với ông, và cả sau ông từng vẽ. Nhưng hình tượng Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút trong tranh của ông biểu cảm một cách khủng khiếp, khác hẳn phong cách của Albrecht Dürer mà người đời từng nhầm lẫn gán cho ông, cũng như của tất cả các hoạ sĩ khác.

huyet hoa 5

huyet hoa 6

huyet hoa 7

- Nguyễn Đình Đăng -

0976984729