Tranh khắc kim loại

tranh kim loai 1a

Tóm tắt: Tranh khắc kim loại là hình thức tranh in lõm với rất nhiều kỹ thuật và chất liệu thể hiện khác nhau. Các kỹ thuật chế bản và in tranh khắc kim loại được sáng tạo, phát triển ở Châu Âu từ thế kỷ 16 và đã được phổ biến ở nhiều nước. Ở Việt Nam, tranh khắc kim loại được biết đến rất muộn, phải tới năm 1980 thể loại tranh in này mới chính thức được phổ biến ở nước ta thông qua chương trình đào tạo của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM. Đến nay, tranh khắc kim loại đã góp phần quan trọng cho sự phát triển mỹ thuật Việt Nam.

1. Về tên gọi và thể loại

Tên gọi các thể loại tranh, tượng, phù điêu thường dựa trên cơ sở chất liệu và kỹ thuật, phương pháp thể hiện tác phẩm. "Tranh sơn dầu" là tên gọi loại tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu. "Tranh sơn mài" chỉ các tác phẩm hội họa được thể hiện bằng sơn ta với phương pháp ủ - mài. "Tranh lụa" là loại tranh được vẽ trên vải lụa tơ tằm hay các loại lụa khác. Tranh khắc gỗ, tranh khắc kẽm, tranh khắc thạch cao, tranh khắc cao su là những loại tranh được in từ bản khắc làm từ các chất liệu gỗ, kẽm, thạch cao và cao su, v.v…

Tranh khắc kim loại là hình thức nghệ thuật độc đáo nằm trong thể loại tranh in với rất nhiều kỹ thuật và chất liệu thể hiện khác nhau. Tranh khắc kim loại thường được in bằng phương pháp in lõm và đóng vai trò là thành phần chính của tranh in lõm. Tranh in lõm là một trong 5 phương pháp in: in nổi, in lõm, in phẳng, in xuyên và in độc bản. Tranh in nổi (relief print) bao gồm tranh khắc gỗ, khắc cao su, khắc thạch cao, khắc nhựa tổng hợp và đôi khi cả khắc kim loại, v.v… Tên gọi này dựa vào nguyên tắc in hình từ bản khắc, mà theo đó các phần tử in nằm nổi cao hơn phần không cần in. Tranh in phẳng (planorgaphic print) bao gồm tranh in đá và các biến thể của nó trên kẽm, giấy… mà thường được gắn với từ "litho", tranh in từ máy vi tính (C-print), trong đó các phần tử được in và không được in cùng nằm trên một mặt phằng. Tranh in xuyên (stencil print) chỉ các tác phẩm đồ họa được in bằng kỹ thuật in lưới, trổ màng… Tranh in lõm (intaglio print) được thể hiện bằng phương pháp in lõm, nghĩa là các phần tử in (chứa mực in (nằm lõm sâu hơn phần không in. Tranh in lõm bao hàm các loại tranh được in từ bản khắc kim loại, khắc mica, collagraph, carborundum, phim cảm quang – những kỹ thuật, chất liệu đã ít nhiều được thực hành tại Việt Nam và từ bản khắc gỗ, khắc bìa giấy, khắc trên phim nhựa – những chất liệu, kỹ thuật chưa được các họa sỹ nước ta khai thác. Trong phương pháp in lõm có một số kỹ thuật đặc thù mà các phương pháp khác không có. Đó là kỹ thuật bôi màu và lau mực in, kỹ thuật ủ ẩm giấy in và kỹ thuật in. Tranh in lõm chỉ thực hiện được với điều kiện giấy in phải ẩm, mềm và in dưới độ nén mạnh của máy in trục lăn.

Trong các chất liệu chế bản tranh in lõm, kim loại được dùng phổ biến và cũng đem lại nhiều khả năng kỹ thuật hơn so với các chất liệu như nhựa, mica, gỗ ván ép… Cho đến nay, giới nghiên cứu và sáng tác tranh in đều thống nhất đánh giá rằng, kỹ thuật thể hiện tranh khắc kim loại phong phú nhất so với các kỹ thuật, chất liệu khác. Chế bản khắc kim loại có nhiều kỹ thuật và được chia làm hai nhóm phương pháp: phương pháp khắc và phương pháp ăn mòn bằng hóa chất. Trong phương pháp khắc có các kỹ thuật khắc nét và mezzotint (khắc nạo). Trong phương pháp ăn mòn có kỹ thuật tạo nét (trên sáp cứng, trên sáp mềm), các kỹ thuật tạo mảng đậm nhạt (aquatint, ăn mòn hở, bật màng chắn, bôi thấm axit…). Sự phong phú của các kỹ thuật chế bản đã tạo ra một biên độ rất rộng những hiệu quả thị giác của tranh khắc kim loại. Các kỹ thuật chế bản tranh khắc kim loại trên được sáng tạo và phát triển dần ở Châu Âu, bắt đầu từ thế kỷ 16 với các tên tuổi như: Master Lá Bài, Master E.S, Martin Schongauer, Albrecht Durer, Daniel Hopfer… rồi đến Jacque Carllot, Rembrandt van Jin, Francisco Goya, Jean Baptist Le Prince… ở những thế kỷ tiếp theo. Thể loại tranh in này sau đó được phổ biến và lan tỏa khắp thế giới, trở thành phương tiện thực hành nghệ thuật ưa chuộng của rất nhiều họa sỹ tranh in. Ở Việt Nam, kỹ thuật chế bản và phương pháp thể hiện tranh khắc kim loại được biết đến rất muộn.

tranh kim loai 1
Lê Lam. Học tập, 1964, kỹ thuật chế bản: ăn mòn nét, aquatint, 21x29cm
St Bảo tang MT VN

tranh kim loai 2
Bản in kim loại lưu tại chùa Bà Đá, đầu TK 20

2. Tư liệu và phỏng đoán

Qua một số tư liệu, kỹ thuật khắc bản in kim loại với đại diện chính là khắc đồng và khắc kẽm đã được nhắc tới và xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Bản khắc kẽm lưu tại chùa Bà Đá là khuôn in sách Phật Giáo, theo chúng tôi, nó được in theo phương pháp in nổi cùng với khuôn in chữ rời. Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định do người Pháp thành lập năm 1913 (sau đó đổi thành Trường Mỹ thuật Trang trí, tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) đã đưa bộ môn in ấn vào chương trình đào tạo ngay từ đầu. Trong ban in ấn có hai môn dạy chính là in đá và khắc đồng. Hai môn học này có mục đích dạy nghề in cho học viên, trong đó có tranh in minh họa, tranh phiên bản và các loại sản phẩm in ấn ứng dụng bằng kỹ thuật khắc đồng, in đá. Trong chương trình đào tạo ban đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương có môn khắc gỗ và khắc kim loại thuộc ngành Hội họa. Qua đó, ta phỏng đoán rằng, các sinh viên đầu tiên của hai trường này có thể đã được tiếp xúc với tranh in kim loại một cách trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có tài liệu nào nhắc đến nhiều hơn hay phản ánh cụ thể về việc đó. Cũng chưa hề có thông tin nào về việc có triển khai thực tế  hay không môn học khắc kim loại đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Theo thạc sỹ Nguyễn Thị Xuân Hạnh, giảng viên khoa Đồ họa, Trường ĐHMT TP. HCM, vào đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam cũng xuất hiện những tranh khắc kim loại do người Pháp thể hiện như: "Vùng ngoại ô Sài Gòn" (Envison de Saigon) của M. Leonard và "Bến tàu trên đất thuộc địa Pháp ở Hà Nội" (La Rade de la Concession Francaise a Hanoi) – không rõ tác giả. Còn như tìm hiểu của chúng tôi, cả hai tranh này đều nằm trong cuốn "Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp", một tuyển tập tranh khắc về phong cảnh, đời sống Việt Nam cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20, do Nguyễn Khắc Cần và Nguyễn Ngọc Diệp sưu tầm, biên soạn và được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc phát hành năm 1997 nhân Hội nghị Francophonie tại Hà Nội.

Những thông tin trên là dữ liệu rất ít ỏi và không cụ thể về sự có mặt hay đào tạo, thực hành tranh in lõm ở nước ta đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, những thông tin ấy cho chúng ta biết về một hình thức tranh in lõm có thể đã xuất hiện và rồi chìm sâu hay mất hẳn trong những thay đổi, xáo trộn liên tục của đất nước cho đến ngày hòa bình lập lại năm 1954.

tranh kim loai 3
Trịnh Kim Vinh. Chia tay ở Tây Bắc. 1973,
Kỹ thuật chế bản: ăn mòn nét, aquatint, 39,5x56cm

tranh kim loai 4
Lê Huy Tiếp, Trẻ mồ côi đọc thông báo hòa bình, 1973
Kỹ thuật chế bản: ăn mòn nét, aquatint, 20x15cm
St Bảo tàng nghệ thuật Singapore

tranh kim loai 5
Trần Việt Sơn, Phong cảnh Tây Nguyên, 1977
Kỹ thuật chế bản: bật màng chắn, aquatint, 10x12,3cm

tranh kim loai 6
Nguyễn Trang Toàn, Chuẩn bị sửa chữa tàu, 1981,
Kỹ thuật chế bản: khắc nét, 24x31cm
(bài học của sinh viên Khoa Đồ họa, ĐHMTVN)

3. Những họa sỹ Việt Nam đầu tiên sáng tác tranh khắc kim loại

Vào những năm cuối thập niên 1950 – đầu 1960 đã có một số người Việt Nam được cử đi du học về mỹ thuật ở Liên Xô cũ. Trong số đó có Đường Ngọc Cảnh, Lê Lam, Trần Việt Sơn, Trần Gia Bích. Xuân Hồng, Trần Thục Phi học chuyên ngành Đồ họa tại Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiev (nay là Viện Hàn lâm Mỹ thuật và Kiến trúc Ukraina). Riêng ba người đầu học chuyên khoa tranh in và họ đã trở thành thế hệ đầu tiên ở nước ta sáng tác tranh in chuyên nghiệp, trong đó có tranh khắc kim loại. Ba người sau đi theo chuyên khoa tranh cổ động và chỉ học cơ bản các kỹ thuật thể hiện tranh in trong hai năm học đầu. Người viết bài này đã được xem nhiều bản khắc kẽm và tranh in lõm của Đường Ngọc Cảnh và Lê Lam còn lưu giữa trong xưởng in của Khoa Đồ họa, Viện Hàn lâm Mỹ thuật và Kiến trúc Ukraina. Đó là những tranh in khổ vừa và nhỏ, được sáng tác theo bộ với chủ đề về đất nước và con người Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Những tranh này nằm trong khuôn khổ bài thực hành sáng tác chuyên khoa và được thể hiện chủ yếu bằng kỹ thuật "khắc nóng" (ăn mòn nét và aquatint) trên kẽm ở mức độ khá hoàn hảo. Tranh của Đường Ngọc Cảnh giầu chất biểu hiện mộc mạc. Ở những tranh miêu tả sinh hoạt đời thường của Lê Lam đượm chất trang trí, phảng phất tinh thần trang trí của tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản.

Ngoài những họa sỹ kể trên, vào giai đoạn 1970 – 1975, có thêm một số khác được học về bộ môn này ở nước ngoài như Trịnh Kim Vinh (ở Đức), Trần Hay, Nguyễn Hữu Ngọc, Lê Huy Tiếp (ở Mat-xcơ-va, Nga). Có thể nói, họ là những thế hệ họa sỹ Việt Nam đầu tiên tiếp cận và sáng tác tranh khắc kim loại. Tuy nhiên, những kiến thức nghề nghiệp, những kỹ năng, kinh nghiệm học được của họ không được phát huy ở Việt Nam ngay sau khi họ trở về mặc dù tranh của họ đã được giới thiệu tại một vài cuộc triển lãm. Theo họa sỹ Nguyễn Đức Hòa trong loạt bài "Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam – tư liệu và bình luận" đăng trên Đặc san Thông tin Khoa học "Nghiên cứu Mỹ thuật" của Trường ĐHMT Việt Nam và Viện Mỹ thuật, tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (MTTQ) năm 1976 có 4 tranh khắc kẽm. Họa sỹ Nguyễn Đức Hòa còn cho biết thêm, 3 trong 4 tranh đó là của họa sỹ Đường Ngọc Cảnh: "Cá Biển Đông" (1973, 40x41cm), "Cảng cá" (1976, 40x41cm), "Trái cây Nam Bộ" (1975, 40x40cm) và 1 tranh của Lê Huy Tiếp "Trẻ mồ côi" (1973, 22x30cm). Lê Huy Tiếp gửi bộ 4 tranh khắc kim loại nhưng chỉ 1 tranh trong số đó được bày và phải đổi tên gọi từ "Trẻ mồ côi đọc thông báo hòa bình" thành "Trẻ mồ côi". Những tranh khắc kim loại tại triển lãm này do các họa sỹ kể trên thực hiện trong thời gian học ở nước ngoài, vì ở Việt Nam khi đó không thể có điều kiện in tranh khắc kẽm. Nhưng như vậy thì ở đây có thể có sự nhầm lẫn nhất định về năm sáng tác các tranh của Đường Ngọc Cảnh – người chỉ có thể thực hiện chúng trong thời gian học đồ họa ở Kiev từ 1960 đến 1965. Sau khi về nước, Đường Ngọc Cảnh công tác tại Khoa Đồ họa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp và không sáng tác tranh khắc kim loại nữa, mà tiến hành thử nghiệm, sáng tác tranh khắc gỗ, khắc thạch cao. Rồi Trần Hay, Lê Huy Tiếp cũng về đó làm giảng viên. Việc các họa sỹ nói trên không thể phát huy sáng tác hay đưa tranh in lõm vào giảng dạy tại các trường mỹ thuật có nguyên nhân khách quan từ hoàn cảnh đất nước: chiến tranh, khó khăn kinh tế, thiếu chương trình đào tạo và họa phẩm, trang thiết bị phù hợp.

Lời kết: Có thể đoán rằng, các học viên (sau là thợ) khắc và in bản đồng ở Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định xưa đã từng biết và thể hiện các bản in và được in bằng phương pháp in lõm hay không. Tranh khắc kim loại chỉ được các họa sỹ Việt Nam bắt đầu tiếp cận và thực hành từ những năm 1960, khi họ còn đang du học ở nước ngoài. Về nước, phần nhiều trong số họ đều tham gia vào các mặt trận chống Mỹ ở Miền Nam, số ít ở lại Hà Nội, theo phỏng đoán, có thể cũng bày tranh ở một vài triển lãm nhỏ, nhưng đến nay chưa có tư liệu về việc này. Chỉ đến Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1976, tranh khắc kim loại Việt Nam mới được biết đến một cách chính thức và rộng rãi. Trong cuộc trưng bày này có 4 tranh khắc kẽm (của hai họa sỹ Đường Ngọc Cảnh và Lê Huy Tiếp như đã trình bày ở trên), trong tổng số 65 tranh khắc gỗ, 7 tranh in đá và 5 tranh in lưới. Kể từ khi Khoa Đồ họa được thành lập ở Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM (năm 1976) và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (năm 1977), chúng ta mới có nền tảng khoa học và thực tiễn để tranh khắc kim loại được phổ biến chính thức ở Việt Nam. Tuy nhiên việc triển khai đào tạo thể loại tranh in này chỉ được bắt đầu từ năm 1980, khi hai họa sỹ - giảng viên Trịnh Kim Vinh và Trần Việt Sơn trở về từ Đức sau khóa đào tạo nghiên cứu sinh thực hành về tranh in và hai trường bước đầu có đủ trang thiết bị cần thiết nhất cho chế bản và in ấn. Là một thể loại tranh in được du nhập từ Châu Âu, cho đến này, tranh khắc kim loại với vị trí đứng đầu trong thể loại tranh in lõm đã không còn xa lạ và đang góp phần làm phong phú cho nền mỹ thuật ở Việt Nam.

- Nguyễn Nghĩa Phương -

>>> Tranh khắc bản là gì

0976984729