Những tác động của truyện tranh đến độc giả

Tóm tắt: Truyện tranh là câu chuyện được trình bày dưới dạng một chuỗi các hình ảnh kết hợp với các khung ghi lời thoại, suy nghĩ của nhân vật và từ tượng thanh, được sắp xếp tuần tự nhằm chuyển tải nội dung cốt truyện đến người đọc. Thưởng thức và đọc truyện tranh là một trải nghiệm khác biệt so với tiểu thuyết và truyện ngắn… Sự kết hợp giữa hình vẽ với ngôn từ đã khiến truyện tranh trở thành một thể loại có vị trí cả trong cả văn học và mỹ thuật. Bài viết này phân tích và nghiên cứu về những tác động của truyện tranh đến độc giả, đó là: tác động về thẩm mỹ, tác động về giáo dục và tác động về giải trí.

Sự phát triển của truyện tranh đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến truyện tranh như vai trò, vị trí của truyện tranh trong đời sống xã hội, sự ảnh hưởng, cũng như hiệu quả của việc đọc truyện tranh đối với độc giả. Trong khi một số quan niệm truyện tranh hạn chế khả năng liên tưởng của độc giả do sự tập trung vào thể hiện hình ảnh kết hợp với ngôn từ rút gọn, thì với những người khác truyện tranh lại được xem là thể loại độc đáo bởi sự kết nối sống động giữa hình ảnh, lời thoại và từ tượng thanh. Bài viết phân tích và nghiên cứu về những tác động của truyện tranh, đó là: tác động thẩm mỹ, tác động giáo dục và tác động giải trí. Việc nghiên cứu làm rõ những tác động của truyện tranh đến độc giả có ý nghĩa quan trọng góp phần vào công việc nghiên cứu và sáng tác truyện tranh ở Việt Nam.

Tác động thẩm mỹ của truyện tranh

Truyện tranh được gọi là nghệ thuật thứ chín ở các nước nói tiếng Pháp và nhà phê bình người Mỹ Gilbert Seldes đánh giá cao truyện tranh cùng với nhạc jazz, điện ảnh, truyền hình về tính chân thực, sự hài hước và châm biếm. Những nghiên cứu về truyện tranh của Töpffer (Thụy Sĩ), RC Harvey (Mỹ), Will Eisner (Mỹ), David Carier (Mỹ), Alain Rey (Pháp), Jan Baetens (Bỉ) và David Kunzle (Anh)… đã xóa bỏ những hoài nghi về tính nghệ thuật của truyện tranh và góp phần khẳng định, xác định vị trí của truyện tranh trong lịch sử nghệ thuật.

Xét về cấu trúc, truyện tranh là sự kết hợp giữa hình vẽ và ngôn từ (Lời thoại, suy nghĩ của nhân vật và từ tượng thanh).

tac dong cua truyen tranh 1
Roy Lichteinstein. M-Maybe. 152x152cm. Museum Ludwig.

Trong một số trường hợp, có những trang truyện có thể chỉ có từ tượng thanh, hay lời thoại hoặc cũng có thể không bao gồm lời thoại của nhân vật mà chỉ bằng nét, màu sắc và hình vẽ để mô tả hoạt động, biểu đạt trạng thái cảm xúc của nhân vật, hoặc gợi tả về thời tiết như trời mưa, gió, bão… Truyện tranh ra đời từ sự kết hợp giữa văn học và hội họa, chính vì vậy định nghĩa và xác định vị trí của truyện tranh trong lịch sử nghệ thuật đã thách thức các học giả, những nhà nghiên cứu và phê bình do không thể dựa vào những tiêu chí và định nghĩa vốn có về nghệ thuật. Là sự kết hợp giữa hai yếu tố thời gian (ngôn từ) và không gian (hình vẽ), truyện tranh có thể xem như sự kết hợp giữa văn học và hội họa. Chính vì vậy, cả văn học và mỹ thuật đều nghiên cứu, đánh giá truyện tranh.

tac dong cua truyen tranh 2

Takashi Murami.
And Then, And Then And Then And Then And Then (Black).
1994. Aryclic trên toan.
Nguồn ảnh: Contemporary Asian Art.
Melissa Chiu và Benjamin Genocchio.

Một bên, xem xét truyện tranh từ góc độ nghệ thuật và ngôn từ và một bên xem xét truyện tranh từ góc độ nghệ thuật tạo hình. Song, suy cho cùng thì truyện tranh là một chỉnh thể cần được tìm hiểu từ cả hai góc độ trên.

Thẩm mỹ truyện tranh được xác định thông qua các yếu tố tạo hình của tác phẩm: từ việc bố cục nhân vật và nhóm nhân vật, cho đến sắp xếp khung lời thoại, vị trí của từ tượng thanh với các kích thước khác nhau, xử lý nét vẽ, hòa sắc, đậm nhạt và chất cảm… để tạo nên các hiệu quả ấn tượng về thị giác và vẻ đẹp của ngôn từ trong diễn đạt cảm xúc, trạng thái của nhân vật. Đặc điểm của truyện tranh là các hình ảnh và ngôn từ được sắp xếp trong một trình tự có chú ý, nhằm mục đích truyền đạt thông tin, hoặc chuyển tải thông điệp, tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ trong quá trình đọc truyện tranh.

Mc Cloud, Robert Harvey cùng nhiều học giả đã xem xét mối quan hệ đặc biệt giữa văn bản và hình ảnh trong truyện tranh, cả hai cùng đóng góp ở mức độ như nhau trong việc thể hiện nội dung cốt truyện. Nói cách khác, hình ảnh và ngôn từ trong truyện tranh có sự phụ thuộc lẫn nhau để làm nổi bật thông điệp người nghệ sĩ muốn truyền tải đến độc giả. Do tính chất đặc biệt như vậy nên trong thưởng thức truyện tranh chú trọng cả hai hoạt động “xem” và “đọc”. Điều này đã làm nên sự độc đáo đặc trưng của riêng truyện tranh, phân biệt truyện tranh với các thể loại khác. Nếu như trong tranh minh họa, đúng như ý nghĩa của thuật ngữ “minh họa” là người họa sĩ phải hiểu được tinh thần của tác phẩm văn học rồi mới tìm hình thức thể hiện sao cho phù hợp, là sự minh họa, thì trong truyện tranh ngôn từ và hình ảnh cùng đồng hành để biểu đạt nội dung truyện. Tranh minh họa đòi hỏi sự trung thành của hình ảnh đối với văn bản, trong khi đó ngôn từ trong truyện tranh không có vị trí ưu tiên như vậy mà cùng với các tranh vẽ song song tồn tại. Kết hợp khả năng của hai loại hình nghệ thuật văn học và hội họa, do đó truyện tranh là hình thức nghệ thuật có giá trị. Chính vì đặc trưng riêng biệt như vậy, nên khi hình ảnh cũng như ngôn từ được xây dựng chắt lọc, có giá trị nghệ thuật thì sẽ tạo được hiệu quả thẩm mỹ và sẽ tác động tích cực đến độc giả. Trong trường hợp hình ảnh hoặc ngôn từ không đẹp thì sẽ tạo hiệu quả ngược lại. Nói cách khác, sự phối hợp ăn ý giữa họa sĩ và nhà văn sẽ tạo nên hiệu quả thẩm mỹ về thị giác và ngôn từ. Hiệu quả này sẽ đánh thức nơi người đọc những rung động và xúc cảm thẩm mỹ.

Về hình thức, truyện tranh có thể ví như điện ảnh tĩnh, trong đó có sự chuyển động của các hình ảnh do người họa sĩ truyện tranh sáng tạo nên. Storyboard của phim giống như truyện tranh, khi các lớp cảnh liên tục xuất hiện để gợi nên sự chuyển động không ngừng, mang tính liên tục giữa các hình ảnh và trang truyện. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều truyện tranh đã trở thành chất liệu, nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim của Holywood. Sự chuyển tiếp liên tục các hình ảnh tạo nên sức cuốn hút của truyện tranh so với tranh minh họa. Một bên mang tính chuyển động, một bên mang tính tĩnh tại. Một bên hình ảnh có vai trò chủ đạo trong kể lại câu truyện, một bên là sự minh họa cho văn bản.

tac dong cua truyen tranh 3
Nyoman Masriadi. Sorry Hero,
Saya Lupa (Sorry Hero, Forgot).
2008. Arcylic trên toan.
Nguồn ảnh: Contemporary Asian Art. Melissa Chiu
và Benjamin Genocchio.

Thẩm mỹ truyện tranh trở thành cảm hứng trong sáng tác nghệ thuật hậu hiện đại. Từ những năm 1960, Roy Lichtenstein, nghệ sĩ người Mỹ chịu ảnh hưởng từ quảng cáo và truyện tranh. Whaam! Cô gái chết đuối là hai trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông. Whaam! được trình bày theo hình thức của truyện tranh, từ việc nhấn mạnh hiệu quả thị giác gợi liên tưởng về âm thanh qua kích thước và trình bày từ tượng thanh Wham! cho đến cách kết hợp khung ghi lời thoại, hoàn toàn là phong cách của truyện tranh.

tac dong cua truyen tranh 5
Yoshitomo Nara. Untittle. 
2009. Chì màu và sáp màu trên giấy.
Nguồn ảnh: Contemporary Asian Art. Melissa Chiu 
và Benjamin Genocchio.

Nghệ thuật của Roy Lichtenstein, cũng như của Andy Wahol là sự chiếm đoạt những hình ảnh phổ biến để nâng lên thành nghệ thuật. Tác phẩm Ohhh… Alright… (1964) của Roy Lichtenstein mô tả một người phụ nữ đang nói chuyện điện thoại và lời thoại của nhân vật được đặt cho tên tranh. Tương tự Wham!, bức tranh khai thác truyện tranh, lĩnh vực vốn được xem không phải là nghệ thuật cao. Sử dụng các hình ảnh phổ biến trong truyện và kỹ thuật vẽ những chấm Ben-day, phổ biến trong các sản phẩm in ấn, với khoảng cách xen kẽ đều đặn, Roy Lichtenstein đã tạo nên phong cách riêng, độc đáo. Thẩm mỹ truyện tranh còn thấy trong sáng tác của các nghệ sĩ Nhật Bản đương đại. Năm 2007, nghệ sĩ Takashi Murakami đã đặt ra thuật ngữ Superflat để chỉ phong cách nghệ thuật dựa trên Anime và Manga, kết hợp độ phẳng của các thiết kế đồ họa thương mại và những nhân vật hoạt hình, hay truyện tranh, mang yếu tố văn hóa pop. Murakami tuyên bố về yếu tố Superflat như một thuộc tính của nghệ thuật thị giác Nhật Bản, đó là sự kết hợp giữa văn hóa cao và bình dân, nghệ thuật đường phố, truyện tranh, hội họa với thiết kế đồ họa… để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

tac dong cua truyen tranh 6
Mr. Tokyo Ferry. 2004-5. Nhựa.
Nguồn ảnh: Contemporary Asian Art. Melissa Chiu và Benjamin Genocchio

tac dong cua truyen tranh 7
Yoshitomo Nara.
Pynomaniac Day and Pyromaniac Dead of Night (diptych). 
1999. Arcylic trên toan.
Nguồn ảnh: C
ontemporary Asian Art.
Melissa Chiu
và Benjamin Genocchio.

Tác động giáo dục

Tính giáo dục của truyện tranh là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu tranh luận. Trong khi một số người quan niệm truyện tranh là thể loại rẻ tiền, ít tính văn học và hội họa, thì những người khác lại thấy truyện tranh có giá trị khi xem xét từ góc độ ký hiệu học cũng như khả năng biểu đạt nội dung bằng hình ảnh, do đấy là phương tiện hữu ích trong giáo dục. Thực tế cho thấy, sự kết hợp giữa hình ảnh và ngôn từ trong truyện tranh mở ra cơ hội khám phá và kích thích trí tưởng tượng của người đọc. “Từ ngữ” và “hình ảnh? đều có khả năng chuyển tải những vấn đề của đời sống xã hội. Do đấy, truyện tranh không hề bị giới hạn trong việc truyền đạt tình cảm, tư tưởng. Thậm chí, với lợi thế sử dụng các hình ảnh, truyện tranh có thể chuyển tải các đề tài một cách sinh động và trực quan đến với người đọc.

Năm 1983, Howard Gardner đưa ra lý thuyết Multies Intelligences (Đa trí tuệ), theo đó người ta có nhiều cách khác nhau để học tập và tiếp thu kiến thức. Gardner tin rằng những người khác nhau có cách khác nhau để suy nghĩ và học tập, trên cơ sở đó ông đã đưa ra tám loại khác nhau của trí tuệ, đó là: ngôn ngữ, logic, thể chất, không gian, giao tiếp, nội tâm, âm nhạc, tự nhiên. Với lý thuyết của Gardner, dễ nhận thấy là trường học truyền thống nhấn mạnh vào ngôn ngữ và toán học. Kết quả là những học sinh có khả năng về âm nhạc, tự nhiên hay không gian, thể chất… bị xem là kém thông minh bởi sự đề cao ngôn ngữ và toán học. Mặc dầu có những tranh cãi về lý thuyết của Gardner, song thực tế cho thấy nhiều nhà giáo dục học đã đề cao và áp dụng lý thuyết của ông trong việc giải quyết những tồn tại của trường học, trong đó có việc sử dụng truyện tranh như một phương tiện hỗ trợ hiệu quả. Xét về hiệu quả, truyện tranh thu hút người đọc bởi các hình ảnh trực quan, mở rộng tâm trí và kích thích tìm hiểu các thể loại khác nhau thông qua sự kết hợp độc đáo của văn bản và hình ảnh trong truyền tải câu chuyện. Một số nghiên cứu đã chỉ ra việc áp dụng lý thuyết Đa trí tuệ của Gardner và việc sử dụng truyện tranh có thể cung cấp cho học sinh cơ hội khám phá và thành công trong trường học.

Việc sử dụng truyện tranh trong giáo dục dựa trên quan niệm của việc tạo ra sự tham gia và động lực cho người học. Ở Mỹ, hiệu quả của truyện tranh như là phương tiện và phát triển học tập hiệu quả đã là chủ đề của cuộc tranh luận vào những năm 1930. Trẻ em Mỹ chìm ngập trong văn hóa Pop, trong khi một số nhà giáo dục bỏ qua thực tế này thì nhiều người khác lại nghiên cứu để tìm cách giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Đưa truyện tranh vào trường học tạo nên tác dụng tích cực về việc kết nối cuộc sống bên trong và ngoài trường học. Nhờ đó, giáo viên có thể giúp học sinh tìm hiểu về các giá trị truyền thống và hiện đại, cũng như giới thiệu văn hóa pop một cách dễ dàng hơn. Thế kỷ 20, truyện tranh là một phần quan trọng của văn hóa Mỹ, thậm chí lan tỏa ảnh hưởng sang nhiều lĩnh vực như thời trang hay điện ảnh. Dự án The Comic Book là sáng kiến văn hóa nổi tiếng được thành lập vào năm 2001 bởi Michael Bitz. Với mục đích tăng cường khả năng nhận thức và học tập, các trẻ em tham gia dự án cùng nhau lập kế hoạch, thiết kế, sáng tác và xuất bản truyện tranh. Chương trình bắt đầu với các học sinh của một lớp học ở New York và ngay sau đó đã nhanh chóng mở rộng trên toàn thành phố. Tiếp theo, dự án mở rộng trên nhiều thành phố của nước Mỹ về những vấn đề xã hội đương đại khác nhau. Đơn cử như ở Hawaii, học sinh sáng tác các truyện tranh về mối nguy hiểm của sự ô nhiễm đối với các hòn đảo thì tại Tucson các trẻ em tị nạn lại tạo ra những truyện tranh từ trải nghiệm đau thương của họ, hoặc ở Washington các học sinh bản địa sáng tác các truyện tranh về chủ đề lạm dụng ma túy và rượu… Dự án The Comic Book cung cấp cho học sinh cơ hội trở thành người sáng tạo chứ không đơn thuần là nhận thông tin. Ngoài ra, cũng có thể kể đến các dự án khác như chương trình Comic Book Initiative do bang Maryland ở Mỹ đưa ra trong đó sử dụng truyện tranh như công cụ tài liệu đồ họa hỗ trợ giảng dạy học sinh trong các trường tiểu học, trung học…

Một trong những đặc điểm độc đáo của truyện tranh là các trang truyện, nó có thể dài, ngắn tùy thuộc vào mục tiêu của người họa sĩ. Nhưng đó cũng là nơi người đọc có thể hình dung những gì đang xảy ra giữa các trang. Trong khi thưởng thức truyện tranh, người đọc được tham gia vô thức vào quá trình sáng tạo cùng với các hình vẽ để làm cho dòng chảy câu chuyện không bị đứt đoạn mà mang tính liên tục. Bằng cách này, độc giả trở thành đồng tác giả của câu chuyện, mỗi người sẽ tưởng tượng quá trình chuyển đổi giữa các trang một cách khác nhau tùy theo vốn kiến thức và kinh nghiệm thị giác của mình. Thông qua hình ảnh và các ký hiệu trong truyện tranh, mỗi người đọc sẽ xử lý chúng bằng kỹ năng phân tích và giải mã những thông tin để xác định nội dung tiếp theo của trang truyện. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng không phải tất cả truyện tranh đều tốt. Việc sử dụng truyện tranh trong giáo dục cần được lựa chọn và có sự nghiên cứu về nội dung phù hợp với lứa tuổi cũng như hình ảnh thẩm mỹ mới có thể tạo nên hiệu quả tích cực đối với người học.

Tác động giải trí

Bên cạnh tác động thẩm mỹ và giáo dục, truyện tranh mang đến niềm vui thích thỏa mãn nhu cầu giải trí cho người đọc. Hầu hết các truyện tranh trên toàn thế giới nổi bật là tính hài hước, phiêu lưu và tưởng tượng. Kể cả đối với những vấn đề tưởng như phức tạp, thì truyện tranh có cách riêng để truyền đạt một cách đơn giản, dễ hiểu thông qua các hình vẽ và ngôn từ ngắn gọn.

Tính chất hài hước, trào phúng đã khiến truyện tranh thu hút người đọc và tạo cơ hội cho họa sĩ tạo nên những nhân vật ngộ nghĩnh và độc đáo: Yellow Kid có cái đầu trọc lốc, Doraemon với hình dáng tròn xoe, Tintin có mái tóc bờm dựng uốn cong về phía sau, Superman mang dáng dấp lực sĩ… Nói cách khác, những truyện tranh thành công đều là những truyện có các nhân vật có cá tính đặc biệt được biểu hiện sinh động bằng hình ảnh. Để làm nổi bật những tính cách riêng của nhân vật, người họa sĩ trong nhiều trường hợp có thể cường điệu, phóng đại, sáng tạo sao cho phù hợp với ý tưởng nghệ thuật.

Ở nhiều quốc gia, đọc truyện tranh là một trong những thú tiêu khiển yêu thích, là một phần của đời sống văn hóa. Trình bày câu chuyện theo phong cách nghệ thuật của người vẽ, là sự kết hợp trực tiếp giữa hội họa và văn học, truyện tranh do đấy hấp dẫn cả trẻ em và người lớn tuổi. Nói ngắn gọn, truyện tranh truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng và tư duy trực quan vì vậy nhiều người đọc truyện tranh nhằm mục đích giải tỏa sự căng thẳng tinh thần để đạt tới sự thư giãn, thanh thản, để được thỏa mãn niềm vui thưởng thức và giải trí.

tac dong cua truyen tranh 8
The Smurfs and the Magic Flute by Peyo.
Papercutz. New York

Giải trí là tác động tích cực của truyện tranh đến độc giả, bởi niềm vui sướng khi đọc truyện tranh như một phương thức giải trí, góp phần tạo nên hứng thú, sự say mê và kích thích sáng tạo. Hầu hết trẻ em trên thế giới đều ham thích đọc truyện tranh và yêu những nhân vật trong các truyện tranh như Doraemon, Superman, Tintin, Milou… Yếu tố hài hước và giải trí của truyện tranh là điều không ai có thể phủ nhận. Yêu thích nhân vật này, ghét nhân vật kia, xúc động vui buồn cùng nhân vật đã đem đến cho độc giả những trải nghiệm thú vị. Điều đó lý giải nguyên nhân cơn sốt Doraemon hay Superman… của thiếu nhi trên toàn thế giới. Cùng lúc, độc giả thưởng thức nghệ thuật tạo hình qua các nét vẽ, hòa sắc, không gian, chất cảm và nghệ thuật văn học qua ngôn từ biểu hiện trong mỗi trang truyện tranh. Đem lại tiếng cười, niềm vui, sự sảng khoái, truyện tranh do đấy đã trở thành một trong những thể loại giải trí phổ biến trong đời sống văn hóa đương đại.

Lời kết: Bài viết trình bày về ba tác động chủ yếu của truyện tranh đến độc giả, đó là: tác động thẩm mỹ, tác động giáo dục và tác động giải trí. Việc phân chia chỉ mang ý nghĩa tương đối nhằm tìm hiểu những hiệu quả của truyện tranh. Trong thực tế, cả ba hiệu quả nói trên cùng lúc kết hợp và đan xen trong quá trình đọc truyện tranh và tác động đến độc giả. Vì vậy, trong sáng tác truyện tranh, người vẽ và nhà văn cần phải chú trọng cả ba nhân tố trên.

- Lê Văn Sửu -

>>> Truyện tranh tiếp cận từ ký hiệu học (Phần 1)

>>> Truyện tranh tiếp cận từ ký hiệu học (Phần 2)

>>> Vẽ truyện tranh phong cách Nhật Bản (Phần 1)

>>> Học vẽ - Truyện tranh hoạt hình

0976984729