Hình thể trong hội họa sơn dầu Việt Nam giai đoạn 1986 – 2006
Hình thể là một trong những yếu tố tạo hình trong hội họa, nổi bật và dễ dàng nhận thấy. Hình thể giúp người xem định hình được nội dung trong một tác phẩm, từ đó hiểu được ý nghĩa của tác phẩm đó. Những yếu tố hình thể kết hợp với các yếu tố tạo hình khác sẽ tạo nên hiệu quả về tạo hình tổng thể cho một bức tranh. Ở giai đoạn trước, yếu tố hình thể được chú trọng và thể hiện rõ ràng, đến giai đoạn 1986 - 2006, hình thể trong tranh đã có sự thay đổi. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó ở các tác phẩm sau đây: Đầu tiên là các tác phẩm trước giai đoạn 1986 - 2006, hình thể chủ yếu mang tính hiện thực, lệ thực, phản ánh khách quan có chủ ý về hiện thực. Tác phẩm Thiếu nữ của họa sỹ Mai Trung Thứ (1934, sơn dầu, 80x52cm), được hiện lên khúc chiết và rõ ràng dáng vẻ của một thiếu nữ đang ngồi trên phản. Hình ảnh cô gái hiện lên chân thực, sống động, yếu tố hình mang đậm tính tả chân. Hay như tác phẩm Việt Bắc của họa sỹ Lưu Văn Sìn (1936, sơn dầu, 75x75cm), họa sỹ đã khái quát cho chúng ta thấy một góc khung cảnh Việt Bắc vào một buổi trưa hè thông qua màu sắc và hình thái của những mảng bóng in đậm trên nền đất. Nhân vật chính hiện lên trong cái nắng đổ gay gắt thông qua những mảng hình đứng bóng. Cách tạo hình của tác giả rõ ràng, mang đến cho người xem một cái nhìn hiện thực về khung cảnh mà tác giả lưu lại trong tác phẩm. Hay như tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung, Công nhân cơ khí (sơn dầu, 1962, 67x92cm), hình thể trong tranh của họa sỹ là một chuyển động linh hoạt.
Mai Trung Thứ, Thiếu nữ, 1934, sơn dầu, 80x52cm
Nói đến việc diễn tả chuyển động của các hoạt động trong tranh thì rất khó, nhưng khi xem tranh của ông, ta có cảm giác như những con người đang làm việc liên tục. Đó chính là cách nắm bắt khoảnh khắc và việc cô đọng hình thể trong tranh. Hình ấn tượng nhất là người đang cầm búa vung lên chuẩn bị nện xuống, ta có thể cảm nhận được sức nện của búa sẽ là rất mạnh. Họa sỹ đã thành công trong việc xây dựng hình tượng này. Nhân vật đối diện cũng đang trong tư thế chuẩn bị vung búa lên, tạo thành các động tác liên hoàn, công việc hối hả. Tác phẩm Ngày mùa (1954, sơn dầu, 70x94cm). Họa sỹ Dương Bích Liên đã sử dụng hình mảng trong tác phẩm được tác giả cô đọng và giản lược một cách khúc triết, rõ ràng. Những mảng lúa được quy hoạch vào diện lớn, đẩy lên cao tít tranh, tạo cảm giác không gian trong tranh và nhấn mạnh vào chủ đề chính của tác phẩm đó là một mùa vàng bội thu. Không giống thời kì trên, giai đoạn 1986 - 2006 với nhiều biến chuyển mạnh mẽ về tạo hình. Về mặt hình thể cũng đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Hình thể trong tác phẩm được biểu hiện không còn mang yếu tố lệ thực mà chuyển dần sang hình giản thể, bóp méo hay phóng đại, một số tác phẩm còn không hiện rõ hình, hoặc bị triệt tiêu hình... Điều đó thể hiện trong các tác phẩm sau: Tác phẩm Gia đình (1996, sơn dầu, 70x70cm), họa sỹ Hà Trí Hiếu đã thể hiện một cách súc tích, cô đọng nhất hình ảnh của ba con người trong một gia đình. Ta có thể nhận thấy ngay người bên trái là người bố, bên phải là mẹ và ở giữa là con. Các hình thể được chắt lọc và giản lược đến đơn giản hóa. Những mảng phẳng trên gam màu đơn giản đen, trắng, nâu gợi cho ta cảm giác có gì đó giản dị, rất đỗi thân quen. Với cách tạo hình nhân vật khúc triết kết hợp với màu sắc đơn giản, tác phẩm là sự đổi mới có kết hợp truyền thống và hiện đại. Cái truyền thống là trong cách sử dụng mảng phẳng của hội họa phương Đông, nội dung rất dân dã, cái hiện đại là yếu tố tạo hình mới mẻ.
Nguyễn Đỗ Cung, Công nhân cơ khí, 1962, sơn dầu, 67x92cm.
Lưu Văn Sìn, Việt Bắc, 1936, sơn dầu, 75x75cm.
Cũng với cách tạo hình giản lược và bóp méo, tác phẩm Cô gái và con bò của họa sỹ Trần Quang Huy (1996, sơn dầu, 95x130cm), mang đến cho ta cái nhìn mới lạ về hình. Trong tranh, một mảng hình lớn chiếm gần hết diện tích là hình con bò được tác giả bóp méo và cách điệu, giản thể. Nhân vật cô gái đứng lơ lửng, với cái đầu to, không nhìn rõ mặt mũi, nếu nói về tỉ lệ thì nhân vật này không đúng. Hình tượng con bò dễ nhận ra với cái đầu và cặp sừng. Sự phi lý trong tác phẩm để lại cho người xem một ấn tượng về cách tạo hình mới lạ. Trong tác phẩm Phong cảnh cũng của họa sỹ Trần Quang Huy (1996, sơn dầu, 95x130cm), hình trong tranh không chỉ bóp méo hình mà còn được giản lược. Yếu tố màu sắc và mảng miếng được kết hợp nhuần nhuyễn, tạo nên sự hài hòa, mới lạ cho tác phẩm. Ở đây, hình ảnh của cổng làng được tác giả gợi tả, đằng sau đó là những mái nhà lấp ló, ẩn hiện trong màn sương mờ. Một mảng hình chạy ngang tranh như đường chân trời, hay là một con sông chảy qua khu làng. Việc sử dụng yếu tố gợi tả đã tạo một thành công trong tác phẩm, cho người xem một cảm giác hư ảo và nhiều suy tưởng.
Lê Anh Vân, Bù nhìn IX, 2002, sơn dầu, 80x110cm.
Với tác phẩm Bù nhìn IX (2002, sơn dầu, 80x110cm) của họa sỹ Lê Anh Vân yếu tố đường nét, hình mảng trong tranh họa sỹ mang hơi hướng Lập thể. Hình tượng bù nhìn trong tác phẩm của họa sỹ hiện lên ngộ nghĩnh thông qua cách tạo hình của tác giả. Chỉ bằng những hình học đơn giản vuông, tròn, tam giác,... những đường nét sù sì của chất liệu sơn dầu, họa sỹ mang đến cho người xem cảm giác thú vị. Cái đầu của bù nhìn hình tròn trọc lốc với cái miệng rộng ngoác như đang kêu thất thanh. Đôi mắt trố với đường ngang vắt qua mặt như bộ ria mép. Chân tay như những cái que khẳng khiu khùa khoạng trong không khí. Có chú chim non nho nhỏ, bay bên trái bức tranh, tạo nên cái gì đó rất thật, mộc mạc, dân dã. Tác phẩm, có độ rung cảm về sự đơn giản, gần gũi, mộc mạc, nhưng không kém phần vui tươi. Yếu tố hình thể cũng một phần ảnh hưởng bởi yếu tố màu sắc, trong tác phẩm Tiếng rao đêm (2003, sơn dầu, 70x150cm) của họa sỹ Lê Thị Dung , hình thể trong tranh như hòa quyện vào màu sắc trong âm hưởng tiếng rao trong đêm. Hình thể trong tác phẩm như nêu bật được nội dung mà tác giả muốn truyền tải, đó là tiếng rao trong đêm của những người bán hàng rong. Nhìn vào tác phẩm ta thấy sự nhập nhoạng của buổi đêm, hình tượng người bán hàng rong ẩn hiện, có cảm giác như nghe thấy tiếng rao lúc gần lúc xa. Sự thành công trong tác phẩm nằm ở việc tạo hình nhân vật, sự giản thể và mờ ảo của hình gợi cho người xem nhiều cảm xúc. Một tác phẩm sử dụng yếu tố gợi tả hình, đó là tác phẩm Trên đường phát triển (2004, sơn dầu, 200 x 186cm), tác giả Lê Thánh Thư cũng sử dụng yếu tố gợi tả hình để nêu bật nội dung. Những mảng hình dọc bức tranh như những cầu thang, hay là những giàn giáo đang dựng sẵn để tiếp tục thi công công trình ngày một lên cao. Yếu tố màu sắc không trú trọng qua việc sử dụng hai màu đên trắng, hình thể được cô đọng súc tích, cho người xem dễ hiểu, dễ nhận thấy và dễ có xúc cảm. Hay như tác phẩm Cấu trúc chất xám thời đại (1996, sơn dầu,135x97cm), tác giả Nguyễn Vĩnh Phối đã xây dựng một hình thể phức tạp như một bộ não hay một bảng vi mạch điện tử. Cả hai yếu tố đó đề nêu lên yếu tố của khối óc con người. Sự phức tạp đó không hỗn loạn mà hoàn toàn có hệ thống, nó tạo ra một bố cục nhất định và thống nhất với nhau qua các yếu tố khác như màu sắc, đường nét. Một sự khác biệt nữa trong yếu hình thể giai đoạn này đó là sự triệt tiêu hình, tức là không có hình.
Hà Trí Hiếu, Gia đình, 1996, sơn dầu, 70x70cm
Các tác phẩm tiêu biểu dễ nhận thấy như: tác phẩm Quê vàng (1996, sơn dầu, 80x100cm), họa sỹ Trần Quang Vinh sử dụng một màu chủ đạo trong tranh, đó là màu vàng. Yếu tố hình thể không còn rõ ràng mà chỉ là những vệt màu nhẹ cùng tông. Tác phẩm không cho ta cái nhìn cụ thể nội dung, mà như gợi cho ta một cảm xúc khác khi xem tranh, đó là sự suy tưởng, tưởng tượng. Mỗi người có một suy tưởng của riêng mình khi xem tác phẩm. Một tác phẩm nữa có yếu tố tạo hình tương tự như tác phẩm Quê vàng, đó là tác phẩm Hoa (1994, sơn dầu, 126x126cm) của họa sỹ Ca Lê Thắng. Hình thể trong tranh không rõ ràng, mà chỉ là những mảng màu gợi tả. Ta không thể nhận định rõ đây là loại hoa gì, có màu sắc chân thực như thế nào, tàn úa hay vẫn tươi nguyên, đang còn nụ hay đã nở rộ... Hoa ở trong tác phẩm này chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, đại diện, mang một sức gợi tả rất cao. Tác phẩm gợi cho người xem nhiều cảm xúc và sự mường tưởng bó hoa cho riêng mình. Qua một loạt các tác phẩm ta có thể thấy, yếu tố hình thể trong các tác phẩm hội họa sơn dầu Việt Nam giai đoạn 1986 - 2006 mang nhiều nét thay đổi so với giai đoạn trước. Hình thể không nhất thiết phải rõ ràng một cách cứng nhắc, mà thông qua cảm xúc cũng như nội dung , hình thể biến đổi để phù hợp hơn với ý tưởng mà tác giả muốn truyền đạt.
- Đỗ Hoàng Anh -
>>> Hình họa sơn dầu - sưu tầm
>>> Kỹ thuật vẽ cơ bản sơn dầu
>>> Cách vẽ tranh sơn dầu (Phần 1)
>>> Cách vẽ tranh sơn dầu (Phần 2)