Tượng chân dung dạng khối cấu trúc hình học
Khi còn là một cậu bé học lớp 11, bắt đầu bước vào lớp học vẽ bài đầu tiên tôi được học là tượng chân dung dạng khối cấu trúc hình học (vẫn thường gọi là tượng phát mảng). Có lẽ đối với những người đã từng một lần học vẽ mỹ thuật hay điêu khắc thì đây là bài học thật lạ và thú vị. Không biết các bạn có cảm nghĩ thế không, nhưng với tôi là như vậy. Khi đó điều lạ trong suy nghĩa của tôi là “tại sao cái hình đầu người đàn ông này nó lại kỳ quặc với những nhát cắt rất phẳng, khô khan như vậy, chẳng thấy đẹp chỗ nào?”, tất nhiên tôi không dám đem cái thắc mắc đó ra hỏi thầy giáo. Lúc đó bên cạnh cái thắc mặc nhẹ đó là sự háo hức được cầm bút chì, học cách đo, dọi, vẽ… kết quả là buổi học đó tôi vẽ được cái tượng chân dung dạng khối cấu trúc hình học khá tốt. Điều đó đã khích lệ tinh thần cho tôi rất nhiều trong việc học vẽ. Sau này khi đi sâu vào lĩnh vực mỹ thuật và điêu khắc tôi mới hiểu vì sao bài học ngành nghệ thuật và các tác phẩm điêu khắc phải hàm chứa cái chân thực, cái đẹp, nhân văn…
Tuy nhiên ít ai biết rằng để tạo ra những vẻ đẹp đó thì người nghệ sỹ điêu khắc ngoài những thẩm mỹ, dung cảm để tạo ra tác phẩm có tính biểu cảm, họ còn phải nắm chắc các yếu tố có tính chất hình học, tỷ lệ, mà đôi khi được hiểu là rất khô khan, cứng nhắc. Trong bài viết này tôi muốn đưa đến những người bắt đầu học điêu khắc hay mỹ thuật một thông điệp rằng “trước khi tạo ra được những hình khối mềm mại, biểu cảm kia thì người làm điêu khắc đã phải học cách nhìn khái quát đối với sự vật thì mới có thể tái tạo và sáng tạo tác phẩm điêu khắc một cách sinh động như vậy”.
Vậy “cách nhìn khái quát” là gì? Thực chất việc làm một bức tượng chân dung không phải là việc sao chép lại hình của người mẫu mà ta nhìn thấy. Mà bản chất là ta cần “đọc” được hình khối của người mẫu sau đó tái tạo lại hình khối đó trên vật liệu điêu khắc như đất sét, gỗ hay đá… Nhà điêu khắc khi quan sát mẫu phải xác định hình đó là khối gì, vuông, cầu hay trụ… hướng của nó thế nào, liên kết với nhau theo tỷ lệ, cấu trúc ra sao?. Điều này nghe có vẻ khô khan và chẳng liên quan gì tới những hình khối điêu khắc uyển chuyển mượt mà. Nhưng đó là sự thật, bên trong những hình khối uyển chuyển mượt mà đó phải là một hình khối có lý tính vững chắc với các kết cấu chặt chẽ, khoa học.
Theo hình học cơ bản, khái niệm đường tròn là một đa giác N cạnh. Như vậy, khi N = 4 thì đường tròn sẽ là hình vuông, hay khối cầu sẽ là khối lập phương. Tại sao ta lại đưa hình khối cầu về dạng N = 4 vì nó tương ứng với các chiều hướng trong không gian, trước – sau, phải – trái, trên – dưới và đồng thời nó có thể chứa đựng các dạng hình dù là phức tạp nhất.
Bước đầu các nhà điêu khắc sẽ quy định chân dung trong một chiếc hộp dạng chữ nhật với các chiều cao, ngang và sâu hoàn tạo có thể khẳng định. Với cách nhìn này có thể xác định được trước – sau, phải – trái, nắp – đáy. Khi đã hoạch định được các chiều hướng thì việc kiểm soát hình khối có thể dễ dàng hơn rất nhiều.
Người ta có thể dễ dàng xác định được hướng nghiêng của trục mặt ở mặt bên, các tỷ lệ giữa chiều cao và chiều ngang của mặt, đâu là đỉnh cao nhất và thấp nhất của sọ hay vị trí của đường chuyển diện từ mặt bên ra mặt sau là ở đâu… Đến đây ta thấy các yếu tố về tỷ lệ trong việc nghiên cứu tượng chân dung là rất quan trọng. Khi sự khái quát ở mức độ khối hộp, tỷ lệ chỉ là chiều cao so với chiều ngang của mặt hay chiều ngang của mặt bên so với chiều cao. Nhưng đi sâu hơn chút nữa ta sẽ thấy tỷ lệ gắn với các điểm quan trọng trong việc hoạch định hình khối.
Tỷ lệ luôn gắn liền với các yếu tố tạo hình, một nhà điêu khắc hay một họa sỹ kinh nghiệm luôn hiểu rõ và kiểm soát tốt các tỷ lệ trong tác phẩm của mình. Mọi người đều thấy một thực tế rằng chúng ta có thể nhận ra người thân của mình trong đám đông khi đứng từ khoảng cách rất xa, mặc dù ta không thể nhìn rõ mặt. Người ta luôn làm được điều này nhưng không hề hiểu rằng não họ đang thực hiện các kinh nghiệm về tỷ lệ và phom dáng.
Đầu tượng phát mảng trong vẽ hình họa và điêu khắc
Đầu tượng phát mảng trong vẽ hình họa
Tỷ lệ là một phần quan trọng trong phom dáng, ví dụ một người gầy thì tỷ lệ giữa chiều cao và chiều ngang của họ sẽ là khoảng 9/2, trong khi một người béo sẽ khoảng 6/2. Hay một người vai rộng, hông hẹp nom sẽ khác một người vai với hông bằng nhau. Hoặc một người đầu to nom sẽ có cảm giác thấp hơn một người đầu nhỏ…
Thực tế trong nghiên cứu chân dung việc phân định được tỷ lệ các diện, các bộ phận trên đầu người như mắt, mũi, mồm, tai… sao cho chính xác, hợp lý với người mới học vẽ là một việc không hề dễ dàng. Việc nghiên cứu tượng chân dung dạng khối cấu trúc hình học sẽ giúp người học một số vấn đề sau: thứ nhất họ sẽ dễ dàng hơn trong việc phân chia diện vì ánh sáng tác động lên tượng chân dung dạng khối cấu trúc hình học có sự thay đổi rất mạnh, thứ hai họ sẽ dễ dàng phân định được các diện trên – dưới, trước – sau và hai bên và quan trọng nhất đó là họ học được cách tư duy khái quát hóa sự vật, cần phải đưa sự vật về 4 mặt cơ bản. Sau đó các tỷ lệ mới được ghi nhớ dần nhờ các công thức căn bản đã được các bậc thầy đúc rút.
Bên cạnh yếu tố tỷ lệ thì kiến thức về giải phẫu cấu trúc cơ thể cũng là một thành phần khoa học rất cần thiết đối với người làm điêu khắc và mỹ thuật. Trong một lớp có nhiều người cùng quan sát mẫu nhưng hiệu quả của bức tượng thì không hề giống nhau. Người quan sát với hiểu biết về giải phẫu tốt sẽ có bức tượng tốt hơn vì thực tế việc làm tượng là tái tạo lại các hình khối, cấu trúc chứ không phải là sao chép lại hình ảnh trước mắt.
- Nguyễn Thăng Long -
>>> Tượng chân dung - tranh sưu tầm
>>> Mỹ thuật phác họa đầu tượng thạch cao (Phần 1)
>>> Mỹ thuật phác họa đầu tượng thạch cao (Phần 2)