Tính dân tộc trong thiết kế sản phẩm Mỹ thuật ứng dụng

Tóm tắt: Từ khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng tăng nhanh về số lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã kiểu dáng. Song, vấn đề bản sắc dân tộc ít được chú ý trong quá trình thiết kế sản phẩm. Yếu tố văn hóa dân tộc bị coi nhẹ hơn, thậm chí bị xóa mờ bởi yếu tố thương mại. Bài viết bàn luận về vấn đề cần thiết phải đầu tư vào khía cạnh văn hóa, phát triển tính dân tộc trong thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa đang chi phối mạnh mẽ xã hội và nghệ thuật nước ta. Trong đó tác giả đi đến xác định hình dáng, chất liệu, màu sắc, hình ảnh và họa tiết trang trí của sản phẩm không chỉ là phương tiện tạo hình mà còn là phương tiện phản ánh tính dân tộc hay chuyển tải thông điệp văn hóa của nơi xuất xứ sản phẩm.

Giá trị thẩm mỹ của một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng nằm chính ở sự sáng tạo và thực tiễn. Sự sáng tạo chính là cái riêng, cái cá tính và là cái độc đáo của mỗi họa sĩ thiết kế. Bên cạnh đó, tinh thần thẩm mỹ dân tộc của sản phẩm được thiết kế luôn là giá trị lớn và đòi hỏi sự chú ý của họa sĩ thiết kế trong quá trình sáng tạo. Tìm ra cái độc đáo, cái mới, cái sáng tạo trong thiết kế sản phẩm là nhiệm vụ tất yếu của mỗi nhà thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng và xã hội. Nhưng cái độc đáo và sáng tạo phải gắn liền với truyền thống và bản sắc văn hóa địa phương, nơi xuất xứ của sản phẩm, thì mới đem lại giá trị lớn hơn cho mỗi thiết kế. Điều này là cần thiết đối với mỗi nền mỹ thuật ứng dụng và nó đặc biệt quan trọng đối với mỹ thuật ứng dụng Việt Nam nói riêng trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Nó cần thiết bởi mỹ thuật ứng dụng nước ta còn non trẻ và cần có bản sắc riêng trong sự cạnh tranh với các sản phẩm thiết kế của các nước có ngành mỹ thuật ứng dụng phát triển sớm hơn đang xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.

Tính dân tộc và văn hóa bản địa thuộc về cả phạm trù tinh thần và vật chất. Đây là một khái niệm trừu tượng sinh ra từ cảm nhận, liên tưởng và tư duy của con người. Trong mỹ thuật ứng dụng, tính dân tộc không chỉ là hình thức chủ nghĩa nằm ở bề ngoài của sản phẩm mà ta có thể nhìn trực tiếp được, mà nó còn tồn tại trong thế giới vô hình ẩn sau mỗi thiết kế. Ở đó tính dân tộc được phản ánh chính là tinh thần văn hóa của một dân tộc và quốc gia, do nhân dân đã sáng tạo, chắt chiu, tích tụ và truyền từ đời này sang đời khác cho đến ngày nay. Vì vậy, đối với sản phẩm mỹ thuật ứng dụng tính dân tộc không chỉ có giá trị về thẩm mỹ và văn hóa, mà còn đem lại hiệu quả cao về kinh tế.

Ngày nay, trong một thế giới phẳng, thời đại bùng nổ thông tin và hội nhập kinh tế quốc tế, mỗi chúng ta đều có chung nỗi băn khoăn, lo lắng về hiểm họa bị mất gốc, lai căng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Do vậy, vấn đề bản sắc dân tộc trong thiết kế các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng ở thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đang là một vấn đề rất được quan tâm.

Từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, sự phát triển sản phẩm mỹ thuật ứng dụng rất mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về chủng loại và mẫu mã kiểu dáng. Tuy nhiên, vấn đề bản sắc và tính dân tộc ít được quan tâm trong thiết kế sản phẩm ứng dụng. Yếu tố văn hóa dân tộc và thẩm mỹ nhiều khi bị xem nhẹ và thậm chí bị lấn át bởi các yếu tố thương mại và kinh tế. Nếu như trong kinh doanh và thương mại các nhà doanh nghiệp cũng như các nhà thiết kế chỉ quan tâm đến lợi nhuận, hiệu quả kinh tế, khi đó đồng tiền sẽ trở thành vật cản, chế ngự sự phát triển xã hội, văn hóa của quốc gia và dân tộc. Thực tế ở nước ta trong thời gian qua cho thấy rất khó để phân biệt và nhận diện tính dân tộc của sản phẩm mỹ thuật ứng dụng nằm ở đâu. Thực tế ấy đang tạo ra nhiều thách thức và cho các họa sỹ thiết kế trở thành vấn đề cần giải quyết cấp thiết của ngành mỹ thuật ứng dụng. Việc giải quyết vấn đề tính dân tộc có tác động căn bản trong quá trình tư duy, sáng tạo và thiết kế sản phẩm để phát triển nền mỹ thuật ứng dụng và thương mại nước nhà.

Các yếu tố để nhận diện một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng là: hình dáng, chất liệu, màu sắc, hình ảnh, họa tiết trang trí. Trong quá trình thiết kế sản phẩm, những yếu tố đó là phương tiện tạo hình, còn khi hoàn thiện chúng là những yếu tố thể hiện hay phản ánh tính chất thẩm mỹ, thông điệp văn hóa mà nhà thiết kế muốn đưa ra, trong đó vấn đề bản sắc luôn được quan tâm chú ý song song với vấn đề thời đại. Để nhận diện tính dân tộc, bản sắc văn hóa trong sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, chúng ta cần xem xét ở những khía cạnh hình dáng, chất liệu, màu sắc và hình ảnh, họa tiết trang trí.

tinh dan tọc 1

Hình dáng: Hình dáng là cấu trúc và chu vi bên ngoài của một sản phẩm. Hình dáng đóng vai trò quan trọng đối với một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, vì những khối hình tác động trực tiếp tới người sử dụng thông qua giác quan thị giác. Do vậy, hình dáng có sự lôi cuốn rất mạnh mẽ với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hình dáng chưa phải là yếu tố quyết định sự trọn vẹn và chất lượng của một sản phẩm thiết kế. Nếu một sản phẩm có hình dáng được thiết kế đẹp nhưng tính công năng thấp thì sản phẩm đó khó có thể đáp ứng yêu cầu thực tế ứng dụng, thậm chí trở nên vô dụng. Để có tính công năng cao đòi hỏi sản phẩm phải được thiết kế phù hợp yếu tố nhân học của người sử dụng. Nghĩa là khi thiết kế cần tính đến tầm vóc, thói quen sử dụng của nhóm người hay xã hội sẽ sử dụng sản phẩm. Khía cạnh này của sản phẩm cũng phần nào biểu hiện tính dân tộc và văn hóa của nó.

Hình dáng bên ngoài của sản phẩm thiết kế được xác định bởi chức năng ứng dụng của nó. Đặc biệt, yếu tố hình dáng của sản phẩm mỹ thuật ứng dụng cần đạt tính thẩm mỹ, tính dân tộc, tính thời đại và tính xã hội. Nhìn chung, thiết kế một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đòi hỏi phải giải quyết thỏa mãn những tính chất cơ bản này. Đây là những thuộc tính cần phải có đối với một sản phẩm thiết kế Việt trong bối cảnh ngành mỹ thuật ứng dụng của chúng ta cần khẳng định vị trí của mình trước thời cuộc. Những thuộc tính đó có mối quan hệ gắn bó, thống nhất và hài hòa với nhau, không thể và không nên coi nhẹ một thuộc tính nào. Tuy nhiên, đối với nước ta, một quốc gia có nền thủ công mỹ nghệ phong phú và giàu truyền thống, thì tính dân tộc lại cần chú trọng đặc biệt hơn. Tính dân tộc trong kiểu dáng không phải là sự nhắc lại đơn thuần một hình dáng trong quá khứ, mà nó cần đạt được sự hài hòa về tỷ lệ và thể hiện đúng đắn quan niệm thẩm mỹ dân tộc.

tinh dan toc 2

tinh dan toc 3

Chất liệu: Trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, chất liệu là yếu tố vật chất đóng vai trò cốt lõi trong việc thiết kế sản phẩm. Dựa vào công năng, môi trường sử dụng của sản phẩm để người thiết kế lựa chọn chất liệu sao cho phù hợp. Vì mỗi chất liệu có công nghệ và kỹ thuật riêng, nên đòi hỏi người thiết kế phải nắm vững đặc tính riêng của mỗi loại. Ngoài ra chất liệu không chỉ đảm bảo tính công năng mà còn là yếu tố thể hiện tính thẩm mỹ, và trong nhiều trường hợp nó chứa đứng tính dân tộc và vùng miền của sản phẩm thiết kế. Bởi lẽ, bản thân chất liệu tự nó đã mang tính địa phương và bản sắc vùng miền nơi xuất xứ của chúng. Những thuộc tính đó của chất liệu được thể hiện trong thiết kế sản phẩm gia dụng và trang trí, trang sức hay bao bì từ một số chất liệu truyền thống như: sơn mài, gỗ và đá quý, mây, tre, trúc, giấy… Ở mỗi quốc gia đều có những chất liệu truyền thống để có thể đưa vào thiết kế các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hiện đại. Bên cạnh đó mỗi vùng miền của từng quốc gia cũng đều có chất liệu riêng phù hợp với thị hiếu, văn hóa bản địa. Khi biết cách khai thác những chất liệu đó vào thiết kế hiện đại thì điều đó dống nghĩa với việc xác lập tính dân tộc cho mỗi sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đương đại. Những chất liệu truyền thống được các họa sỹ thiết kế sử dụng, sáng tạo và kết hợp với đặc tính văn hóa bản địa để tạo thành những sản phẩm ứng dụng phục vụ tốt nhất nhu cầu xã hội. Chúng có thể là bao bì trực tiếp, gián tiếp của các sản phẩm như đồ uống, đồ may mặc hay bàn, ghế, tủ và đồ trang sức…

tinh dan toc 4

Vũ Nhâm. Lọ hoa “Long Thành”, gốm màu,
cao 100cm, đường kính 25cm
Bình sen-huệ, gốm men rạn,
cao 45cm, đường kính 40cm

Màu sắc: Cũng như hình dáng và chất liệu, màu sắc là yếu tố quan trọng và gắn liền trực tiếp với hình dáng của sản phẩm. Màu sắc là một nhân tố quan trọng giúp nhận diện sản phẩm nhanh và trực tiếp hơn cả hình dáng và chất liệu. Màu sắc chứa đựng rất nhiều yếu tố khoa học ứng dụng, tính thẩm mỹ, tính xã hội, tâm lý và tính cộng đồng. Đặc biệt màu sắc giúp phân biệt tính dân tộc của một thiết kế trở nên rõ nét hơn. Bởi mỗi dân tộc, vùng văn hóa đều có cách cảm nhận và quan niệm riêng về màu sắc và ý nghĩa của chúng. Tính dân tộc của màu sắc trong thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện ở nhiều khía cạnh: màu sắc của bản thân sản phẩm (thời trang, trang phục, đồ dùng gia đình, thiết bị công nghiệp…), màu sắc trên bao bì và các họa tiết, hình ảnh trang trí… Để thực hiện những yếu tố riêng biệt nêu trên về màu sắc đòi hỏi người thiết kế không những phải hiểu biết về màu sắc một cách thẩm mỹ, khoa học, mà cần nắm rõ thị hiếu về màu sắc của người sử dụng, trong đó kiến thức về màu sắc gắn với quan niệm văn hóa bản địa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, tôn giáo đóng vai trò quan trọng. Vì đây là một trong những yếu tố thẩm mỹ nền tảng tạo nên hồn dân tộc trong mỗi sản phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Hình ảnh, họa tiết trang trí và chữ viết:

Hình ảnh và các họa tiết trang trí là các yếu tố tồn tại phổ biến trên đa số sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Các yếu tố đó là những tín hiệu thông tin giúp nhận diện sản phẩm thiết kế sâu hơn, cụ thể và chính xác hơn. Với người tiêu dùng, những tín hiệu trên sản phẩm cũng như trên bao bì nhiều khi trở thành thói quen thông qua cảm nhận thị giác. Vì vậy, cùng một loại sản phẩm, mỗi dân tộc đều có thiết kế riêng về nghệ thuật đồ họa tương ứng với hình ảnh và họa tiết trang trí, chữ viết mang tính cách, đặc điểm thẩm mỹ riêng. Những yếu tố trên không chỉ đóng vai trò thông tin nhận diện sản phẩm, mà còn chứa đựng những tín hiệu phản ánh tính dân tộc của nó. Ví dụ cùng trên một loại bao bì dành cho sản phẩm bánh gạo, thiết kế của Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam là hoàn toàn khác nhau về màu sắc, hình ảnh trang trí và bố cục chữ. Điều đó hản xuất phát từ quan niệm và thói quen tiếp nhận màu sắc, hình ảnh của mỗi dân tộc. Các nhà thiết kế thường dựa trên màu sắc của quốc kỳ hay quốc hoa hoặc những nét đặc thù riêng về cảnh sắc, thiên nhiên… của mỗi quốc gia để thiết kế, qua đó có thể đem lại tính dân tộc cho sản phẩm thiết kế.

Ngày nay, trong hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm hành hóa không chỉ đóng vai trò vật chất thương mại, mà còn chứa đựng tính dân tộc, truyền thống riêng nhằm góp phần tham gia giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Nhật Bản là quốc gia có nền công nghiệp và kinh tế rất phát triển. Song họ rất coi trọng bản sắc dân tộc trong mỗi sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, nhất là những sản phẩm xuất khẩu. Họ coi xuất khẩu hàng hóa đồng thời cũng là xuất khẩu văn hóa. Chính vì vậy vấn đề bản sắc dân tộc trong sáng tạo và thiết kế mẫu mã của mỗi sản phẩm hàng hóa rất được chú trọng. Tính dân tộc cần được thể hiện ở trong cấu trúc tạo hình sản phẩm, bao bì sản phẩm, màu sắc, hình ảnh, hoa văn, kiểu chữ và chất liệu… Tính dân tộc không phải là sự sao chép máy móc mà luôn mang tính kế thừa.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và hội nhập quốc tế. Hàng hóa xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước, góp phần quảng bá văn hóa Việt đến các quốc gia khác. Ngoài chất lượng và tính ứng dụng của sản phẩm, tính thẩm mỹ dân tộc là yếu tố sống còn đối với sự phát triển bền vững. Trong đời sống đương đại, người ta thường chỉ nghĩ đến sự hội nhập và lợi nhuận kinh tế của vật chất mà dễ quên đi những giá trị văn hóa bản địa cần có trên những sản phẩm ứng dụng. Đây là điều nguy hại cho mỗi quốc gia không chỉ trước mắt, mà còn lâu dài về sau. Sản phẩm mỹ thuật ứng dụng chỉ là vật chất thuần túy, có giá trị kinh tế và tồn tại nhất thời nếu bản thân nó thiếu yếu tố văn hóa dân tộc. Nhưng nếu sản phẩm vật chất ấy có chứa đựng tinh thần văn hóa bản địa nơi xuất xứ của nó thì sẽ có giá trị cả về kinh tế, văn hóa và giáo dục.

Các yếu tố hình khối, chất liệu, màu sắc và các họa tiết trang trí là những phương tiện tạo hình, truyền tải thông tin nhận diện và là hình thức làm đẹp cho mỗi đối tượng sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Chúng không chỉ là phương tiện tạo hình trong quá trình thiết kế, mà còn hàm chứa thông điệp văn hóa, bản sắc của mỗi dân tộc và đặc tính bản địa của từng vùng miền khác nhau. Những phương tiện và hình thức tạo hình trên là cơ sở nền tảng cho các họa sỹ mỹ thuật ứng dụng sáng tạo và thiết kế ra những sản phẩm vừa đẹp, vừa hữu dụng và mang giá trị văn hóa.

Nghệ thuật không có địa chỉ là nghệ thuật không có nguồn gốc. Với lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, cái nguồn gốc không chỉ là tính sáng tạo riêng của mỗi họa sỹ thiết kế, mà còn phải hài hòa trong các quan hệ khoa học – thẩm mỹ - văn hóa truyền thống, của cộng đồng dân tộc hay của quốc gia. Bởi vì, cái gốc của mỹ thuật ứng dụng chính là nghệ thuật thủ công, nên nó cần phát huy truyền thống dân tộc sâu sắc nằm ở mỗi sản phẩm thủ công. Do vậy, có thể thấy,l tính dân tộc và bản sắc trong thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng Việt Nam là yêu cầu thực tiễn, là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển và định hướng giáo dục, đào tạo, thiết kế, sản xuất và kinh doanh… trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế. Thực tiễn cho thấy việc giải quyết tốt sự liên kết chặt chẽ giữa các mối liên hệ xung quanh sự ra đời và tồn tại của một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng là một việc làm không đơn giản. Việc giải quyết mối quan hệ đó có tác động trực tiếp đến quá trình thiết kế và kinh doanh, đồng thời cũng là cách để đánh giá và kiểm định chất lượng của một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng.

- L.T -

0976984729