Yếu tố trang trí trong tranh (Phần 1)

Tóm tắt: Một trong những yếu tố được các họa sĩ sử dụng nhiều trong sáng tác hội họa, đồ họa là yếu tố trang trí. Sự xuất hiện trên bề mặt tranh yếu tố này đã đem lại hiệu quả tạo hình và hấp dẫn thị giác. Tuy nhiên, cho đến nay chưa nhiều nghiên cứu tập trung làm rõ yếu tố trang trí trong tranh được thể hiện như thế nào và nó giúp gì cho người vẽ trong quá trình sáng tạo. Nội dung bài viết xác định khái niệm yếu tố trang trí trong tranh và nghiên cứu những cách biểu hiện yếu tố trang trí trong tranh.

Trong sáng tác hội họa, đồ họa nhiều họa sĩ đã sử dụng, khai thác hợp lý, hiệu quả các yếu tố trang trí để tăng sức hấp dẫn và hiệu quả tạo hình cho tác phẩm. Sự pha trộn giữa hội họa hay đồ họa với trang trí được các họa sĩ và người thưởng thức ví như một món ăn ngon được điểm thêm gia vị tinh tế bởi bàn tay người đầu bếp giỏi. Song, có quan điểm cho rằng hội họa, dồ họa, trang trí là ba loại hình nghệ thuật khác nhau, mỗi loại có một đặc trưng riêng, không thể để chúng trở nên lẫn lộn và mất đi đặc trưng cơ bản của mỗi loại. Sự khác nhau về quan điểm đối với yếu tố trang trí trong tranh tập trung bởi cách tiếp cận khác nhau về hình thái học nghệ thuật. Những ý kiến khác nhau về yếu tố trang trí trong tranh cần được nghiên cứu để có cơ sở tham chiếu khi sáng tạo, đánh giá tác phẩm nghệ thuật.

Khái niệm yếu tố trang trí trong tranh:

Để xác định khái niệm “Yếu tố trang trí trong tranh”, ta cũng cần làm rõ khái niệm “yếu tố”, “trang trí”. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa yếu tố là “1. bộ phận cấu thành một sự vật, sự việc, hiện tượng. 2. Như nhân tố”. Theo định nghĩa này, yếu tố được hiểu là chi tiết, thành phần cấu tạo nên một sự vật, hiện tượng. Nói cách khác, yếu tố là một thành phần của một toàn thể. Yếu tố có thể hiểu là điều kiện để tạo nên một sự vật, hiện tượng bởi yếu tố còn được giải thích là nhân tố, yếu tố cần thiết gây ra, tạo ra. Trong nghệ thuật hội họa, đồ họa, tác phẩm được hợp thành bởi nhiều yếu tố như chất liệu tạo ra tác phẩm, kỹ thuật thể hiện, tâm trạng của chủ thể sáng tạo và sự phối hợp các đường nét, hình khối, màu sắc, sắc độ… Đây là những yếu tố cơ bản trong tác phẩm và chất lượng nghệ thuật của tác phẩm được tạo nên từ việc sử dụng và kết hợp hài hòa giữa các yếu tố.

Trang trí, cũng theo Từ điển tiếng Việt là “bố trí các vật thể có hình khối, đường nét, màu sắc khác nhau sao cho tạo ra một sự hài hòa, làm đẹp mắt một không gian nào đó”. Trang trí, ta có thể hiểu là trang điểm, trang sức, bài trí, trình bày giúp cho cuộc sống thêm sinh động, dễ chịu, hào hứng và nâng cao thẩm mỹ của con người. Mục đích của trang trí là làm đẹp. Đó có thể là làm đẹp một không gian môi trường, một mặt phẳng hay một đồ vật nào đó… Tuy cùng sử dụng màu sắc, đường nét, hình khối làm phương tiện thể hiện như hội họa và đồ họa nhưng mục đích của trang trí là làm đẹp, còn mục đích đầu tiên của hội họa, đồ họa lại nhằm biểu hiện, diễn đạt, mô tả, tái hiện, biểu cảm…

Như vậy, xét trên góc độ tạo hình của nghệ thuật hội họa, đồ họa, yếu tố trang trí trong tranh được hiểu là dùng để chỉ đặc điểm hay phẩm chất của  tranh khiến người ta liên tưởng đến nghệ thuật trang trí. Nó được thể hiện dưới nhiều hình thức như: khai thác họa tiết, cách điệu hình thể và giản lược hay cường điệu màu sắc… Trên cơ sở khái niệm này, nội dung bài viết nghiên cứu, phân tích các cách thể hiện yếu tố trang trí trong tranh và những điều rút ra từ việc nghiên cứu.

Những cách thể hiện yếu tố trang trí trong tranh:

Bức tranh muốn đi được vào lòng người thì phải vượt qua cửa ải đầu tiên, đó là con mắt. Sức hấp dẫn của tranh phụ thuộc vào chính hình thức của nó. Do đấy, nếu hội họa chỉ dừng lại ở yêu cầu mô tả, tái hiện, diễn đạt, biểu cảm… không thôi vẫn chưa đủ, mà nó còn phải quan tâm đến sự làm đẹp. Lọt qua đôi mắt thì coi như thành công, bởi từ đấy mà tiến vào lòng người cũng không xa. Nhưng làm sao để tăng được cái đẹp? để có sức hấp dẫn hơn? Để có thể truyền cảm mạnh mẽ hơn?... Các họa sĩ đã sử dụng nhiều yếu tố trong đó có yếu tố trang trí. Theo Henri Matisse: ‘Trang trí đối với tác phẩm hội họa là phẩm chất quý báu. Không có gì xấu khi nói rằng tranh của một họa sĩ có tính trang trí”. Trên thực tế, có khuynh hướng nghệ thuật quá chú trọng vào mặt mô tả mà không quan tâm đến việc gia tăng vẻ đẹp cho bức họa.

yeu to trang tri trong tranh p1-1

Katsushika Hokusai. Giai điệu sông ở tỉnh Shimosa trong bộ tranh Một nghìn hình ảnh về biển.
Nguồn ảnh: Ukiyoe. Phaidon Press. 2005.

Ngược lại, có khuynh hướng không phỏng chân một cách tuyệt đối mà vẫn có sức truyền cảm rất lớn. Các họa sĩ phương Tây đã sửng sốt khi được thấy những tranh khắc gỗ Nhật Bản trong thời đầu mở giao thương với Nhật vào cuối thế kỷ XIX. Ngay lập tức các tranh khắc đó đã thu hút họ bởi màu sắc và một hình thức hoàn toàn mới lạ. Người Nhật không chú trọng việc tạo ra cảm thức không gian hay độ sâu dựa vào luật phối cảnh như các họa sĩ châu Âu mà vẫn diễn tả được hiện thực và con người. Phải chăng nhờ phẩm chất trang trí mà chúng trở nên gợi cảm? Nếu làn nước biển cuộn sóng, cũng như những tảng đá sắc cạnh đòi hỏi các họa sĩ phương Tây một kỹ thuật diễn tả sâu về khối và chất, thì ở tranh của Hiroshige cũng tạo được cảm giác ấy bằng cách khái quát màu và hình. Như vậy, tuy các cách diễn đạt có khác nhau, một đằng thiên về gợi, một đằng nặng về tả, nhưng cả hai đều gây được ấn tượng mạnh mẽ như nhau. Sự thành công là ở sức diễn đạt chứ không phải lối vẽ. Hiện thực có thể diễn đạt bằng nhiều cách chứ không chỉ duy nhất một kiểu thức họa. Vận dụng những yếu tố trang trí, giúp người vẽ vừa diễn tả được theo tinh thần hội họa, đồ họa là biểu đạt, đồng thời vừa biểu thị được cái đẹp. Ta có thể rút ra những cách để thể hiện yếu tố trang trí trong tranh như sau:

Khai thác, sử dụng họa tiết:

Một trong những thành phần quan trọng trong trang trí là họa tiết. Dù là cỏ cây, hoa lá, chim muông, côn trùng hay con người khi đưa vào trang trí đều trở thành họa tiết được cách điệu và khái quát hóa. Từ cổ xưa cho đến ngày nay, các nghệ sĩ của mọi dân tộc khi trang trí những công trình kiến trúc to lớn, phức tạp như lâu đài, cung điện, nhà thờ, chùa, đình, cho đến những vật dụng hàng ngày như khăn trải bàn, thảm trải nhà, quần áo, bát đĩa, cốc chén, các đồ gốm sứ thông dụng khác… đều chú ý đến việc dùng các họa tiết trang trí  làm tăng vẻ hấp dẫn. Do đấy khi bắt gặp những họa tiết này ở trên tranh thường khiến ta liên tưởng đến nghệ thuật trang trí. Nhiều tác phẩm làm theo cách này đã đạt hiệu quả và được các họa sĩ vẽ những thể loại tranh khác nhau sử dụng. Lấy cái sẵn có, vốn bản thân nó là trang trí để đưa vào thì dường như hình thức tranh cũng trở nên hấp dẫn hơn.

yeu to trang tri trong tranh p1-2

Trong tranh của các họa sĩ phương Đông, yếu tố trang trí xuất hiện nhiều và trở thành đặc điểm chủ yếu. Những tranh sinh hoạt, tranh nhân vật của Trung Quốc như “Nữ sử châm đồ quyển” của Cố Khải Chi, “Lịch Đại đế vương tượng” của Diêm Lập Bản, “Tống tử thiên vương đồ quyển” của Ngô Đạo Tử, “Cung nữ” của Chu Phỏng, “Hàn hi tái dạ yến đồ” của Cố Hoành Trung…, hay tranh của Nhật Bản, Ấn Độ… thường được thể hiện theo cách đó. Khai thác họa tiết để tăng yếu tố trang trí của tranh, cũng là cách được các họa sĩ như Klim, Matisse ưa dùng và đem lại nhiều hiệu quả trong sáng tạo.

yeu to trang tri trong tranh p1-3

Những tác phẩm của Klim như “Ba thời kỳ”, “Chân dung thiếu phụ”, ông đã khai thác tính làm đẹp trên bề mặt, kết hợp cách diễn tả khối với những họa tiết trang trí, nhờ vậy tạo được cảm giác hư ảo, thơ mộng rất ấn tượng. Matisse lại tập trung nguồn hứng khởi dựng nên những bảng hòa sắc rực rỡ, đồng thời phủ đầy họa tiết lên các đồ vật trong những bức họa của mình. Lấy cảm hứng từ nghệ thuật trang trí thảm phương Đông, ở tranh “Bình phong kiểu Ma rốc”, Matisse quan tâm chủ yếu đến cấu trúc bố cục dựa vào mật độ họa tiết và sắp đặt vị trí các tấm thảm và bình phong. Sự thay đổi to nhỏ theo lối xen kẽ và lặp lại của họa tiết trên các đồ vật đem lại sự hấp dẫn về vẻ đẹp lộng lẫy và quyến rũ. Trong sự nghiệp sáng tạo của mình, Picasso đã không ít lần vẽ những tác phẩm mà trong đó họa tiết trang trí được thể hiện rất sinh động thông qua sự hiện diện của một số đồ vật hay vật dụng nào đó. Điều này thể hiện rõ trong tác phẩm “Chân dung Onga ngồi trong ghế bành”. Nhân vật được vờn khối cẩn thận theo phong cách cổ điển, nhưng tấm vải thêu hoa phủ lên ghế ngồi như căng trên tường theo kỹ thuật dán. Nền tranh vẽ đơn giản như mảng trung gian dung hòa hình thức tả khối ở nhân vật Onga với những họa tiết hoa lá uyển chuyển trên tấm vải. Chính nhờ mảng họa tiết trang trí này mà nhân vật trong tranh toát lên được vẻ đẹp sang trọng đáng kính. Không dừng lại ở việc vẽ những họa tiết trang trí, Picasso cũng như một số họa sĩ Lập thể khác còn đưa nguyên miếng vải hay giấy có in hoa để dán vào trong các tác phẩm Lập thể của mình. Ở Việt Nam, việc đưa vào tranh những chi tiết vốn nó là trang trí như trang phục các dân tộc, trang trí ở vì kèo, đầu đao của đình chùa hay lọng, kiệu… cũng được rất nhiều họa sĩ vẽ chất liệu sơn mài, lụa, hay sơn khắc khai thác và thể hiện.

yeu to trang tri trong tranh p1-4

yeu to trang tri trong tranh p1-5

- Lê Văn Sửu -

0976984729