Đặc điểm nghệ thuật của tiền giấy Việt Nam
1. Tiền giấy trong lịch sử:
Các nhà nghiên cứu cho rằng “tiền tệ là phạm trù kinh tế, đồng thời cũng là phạm trù lịch sử”. Tính đến đầu thập kỷ này, trên thế giới có khoảng 167 loại tiền của hơn 180 nước và vùng lãnh thổ khác nhau.
Riêng về tiền giấy, tờ tiền đầu tiên trên thế giới được phát hiện ở Trung Quốc, thời nhà Minh, khoảng năm 1380. Đây là tờ giấy rộng 222mm, dài 333mm, được khắc gỗ in nổi văn tự ghi giá trị tiền tương đương 1.000 đồng xu. Tại châu Âu, năm 1661, xuất hiện đồng tiền giấy đầu tiên do Ngân hàng Thụy Điển phát hành với mệnh giá 100 Daler. Vào TK XVII, tiền giấy được phát hành tại Anh. Ở Pháp, nhà tài chính nổi tiếng người Scotland John Law đã được vua Pháp cho phát hành tại Paris những đồng tiền giấy từ năm 1718.
Tại Việt Nam, lịch sử đã ghi lại việc phát hành tiền giấy thời nhà Hồ với tiền Thông bảo hội sao. Chính thức thì những đồng tiền giấy này được phát hành năm 1396, dưới thời nhà Trần do Nhập nội hành khiển tả ty Vương Nhữ Chu thực hiện, dưới chỉ đạo của Hồ Quý Ly, lúc đó đang giữ chức Nhập nội phụ chính, Thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương. Gần 400 năm sau, dưới sự xâm chiếm của Pháp, Ngân hàng Đông Dương phát hành những đồng tiền giấy trên lãnh thổ Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn tiền giấy của nhiều thể chế trên lãnh thổ Việt Nam. Từ cuối năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa bắt đầu triển khai thiết kế và in ấn hệ thống tiền đầu tiên của nhà nước. Cùng phát hành với tiền giấy Việt Nam, trong giai đoạn 1954 - 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cũng phát hành tiền giấy ở phía nam vĩ tuyến 17, hoặc Ngân hàng Đông Dương cũng phát hành một số đồng từ 1945 - 1954 dưới tên gọi Viện Phát hành.
2. Ngôn ngữ đặc trưng nghệ thuật tiền giấy Việt Nam:
Ở góc nhìn nghệ thuật, tiền giấy Việt Nam có yếu tố cơ bản mà các loại hình nghệ thuật khác đều có như tác phẩm, tác giả, tính thẩm mỹ, công chúng… Tiền giấy Việt Nam được coi như tác phẩm mỹ thuật của ngành thiết kế đồ họa. Ngôn ngữ đặc sắc của nghệ thuật tiền giấy là cách thể hiện bằng nét. Bên cạnh đó, ba yếu tố cơ bản tạo dựng nên hình thức tờ tiền là nghệ thuật trang trí, hình ảnh chủ đề và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghệ thuật sử dụng nét:
Cách thể hiện đặc trưng nhất của đồ họa tiền giấy là sử dụng nét. Các nét trong tiền giấy thường mảnh và rất trau chuốt chứ không hề thô ráp, biến đổi như trong khắc gỗ, cao su hay trong cách khắc kim loại hiện nay.
Tất cả mọi chi tiết trên tiền giấy đều được cấu tạo bởi nét. Ngay cả các điểm, chấm nhỏ trên chân dung, khi phóng đại lên đều nhận ra đó là các nét đứt. Những mảng lớn ở hoa văn hay chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được thể hiện bằng nét dài uyển chuyển, đều đặn. Trong in offset, các tầng thứ đậm nhạt được thể hiện bằng mật độ các điểm in. Yếu tố công nghệ cũng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của trang trí, các chi tiết được khắc hoặc in offset ướt bao giờ cũng trong và mềm mại hơn được in bằng công nghệ in offset khô.
Trong tiền giấy, nét tham gia vào tất cả các hình vẽ, hoa văn, họa tiết. Nét được dùng để định hình hoa văn, họa tiết, chân dung, tạo mảng tả đậm nhạt. Nét vừa mang giá trị định hình vừa gợi cảm nhận về không gian và trạng thái của hình tượng. Với chân dung, nét dùng tả khối, tả chất và thể hiện thần thái. Nếu dùng quá nhiều nét cong theo bề mặt khối để tả sức căng của khối thì cảm nhận của chân dung bị căng cứng, nếu dùng nét thẳng để tả mảng đậm thì chân dung thiếu thần khí.
Ngoài các mục tiêu về nghệ thuật, cách dùng nét trong tiền giấy là một yếu tố rất khó thực hiện, khiến tờ tiền vừa thú vị khi quan sát, vừa khó làm lại.
Nghệ thuật trang trí:
Mỹ thuật truyền thống để lại cho chúng ta một kho tàng đồ sộ di sản của nghệ thuật trang trí. Tác giả Trần Lâm Biền cho rằng, “trong mỹ thuật cổ truyền, nếu không phải kiến trúc, không phải tượng tròn… thì hầu như phần còn lại xếp vào trang trí” (1). Có thể nói, người Việt ưa thích trang trí, dùng trang trí để truyền tải ý tưởng nội dung. Ngôn ngữ của trang trí là dùng màu sắc, họa tiết, đường nét rõ ràng, dễ nhận biết và gây cảm giác dễ chịu về thị giác. Người ta ít khi sử dụng các đường nét phức tạp, màu sắc ảm đạm vào các tác phẩm trang trí.
Tinh thần trang trí này cũng được áp dụng trong nghệ thuật tiền giấy do người Việt thiết kế. Những đồng tiền có mệnh giá càng lớn thì càng được tập trung trang trí kỹ lưỡng, từ môtip tới cách dùng màu sắc, đường nét. Ngay cả trong một tờ tiền, hình thức trang trí cũng tập trung chủ yếu ở mặt trước, trong đó nhấn mạnh khu vực trung tâm, các khu vực xung quanh được giảm dần.
Điểm đặc trưng nhất là các hoa văn dân tộc được ứng dụng trong tất cả các mẫu tiền. Các hoa văn này có thể là đề tài tứ linh với sự xuất hiện chủ yếu của hình tượng rồng, phượng; hoa văn hoa lá với cấu trúc dải hoa dây và hình hoa sen, hoa cúc, đặc biệt có hoa văn bông lúa được thể hiện theo phong cách tả thực cách điệu; hoa văn hình học với hình ngôi sao hoặc các cấu trúc hình vuông, lục giác.
Bộ tiền polymer là bộ có sự biến đổi nhiều nhất trong cách dùng hoa văn dân tộc. Không còn xuất hiện những mảng hoa văn dân tộc lớn được thiết kế cho màu khung như các hình tượng tiền giấy trước đó. Các hoa văn dân tộc chỉ được tồn tại trong các diện tích khá nhỏ (mẫu 200.000đ và 500.000đ), lẫn vào nền màu nhạt (mẫu 10.000đ, 500.000đ). Xu hướng cải biên hoa văn dân tộc được diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các mẫu. Mẫu 50.000đ có sự cải biên hoa văn nhiều nhất và có phần kém thành công trong việc thể hiện hoa sen ở mặt trước và hình chim phượng ở mặt sau. Sở dĩ có sự cách tân, cải biên hoa văn dân tộc đôi khi quá mức như vậy là do xu thế ứng dụng máy tính rất phổ cập trong thiết kế của giai đoạn này. Người họa sĩ có thể trích ra một chi tiết mà mình thích, sau đó dùng máy tính tạo thành các tổ hợp trang trí tùy biến, như xếp vòng tròn, lật, nhân bản, ghép với hình khác… một cách rất dễ dàng. Việc ứng dụng hoa văn dân tộc một cách nghiêm cẩn chỉ còn lại ở một số chi tiết. Tại mẫu 500.000đ, hình ảnh đầu rồng thời Lý được ứng dụng trong chi tiết in mực biến màu OVI ở mặt trước, chi tiết chạm gỗ ở chùa Thái Lạc được ứng dụng làm diềm trang trí màu nhạt của mặt sau.
Hình ảnh chủ đề trên tiền giấy Việt Nam:
Danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích lịch sử và con người Việt Nam trong lao động, chiến đấu là những chủ đề thường được thể hiện trên tiền giấy Việt Nam. Các địa danh tiêu biểu được thể hiện như vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An, Hà Nội, Sài Gòn cho tới các vùng biển ở Cà Mau. Trong các địa danh đó, Hà Nội là địa danh được thể hiện trong tiền giấy Việt Nam với nhiều hình ảnh phong cảnh và di tích. Có thể kể đến cột cờ Hà Nội, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, Khuê Văn Các - Văn Miếu. Riêng cột cờ Hà Nội là trường hợp khá đặc biệt vì được sử dụng trong 6 mẫu tiền giấy Việt Nam. Trên tờ bạc 1đồng của bộ tiền năm 1959, hình ảnh cột cờ Hà Nội được đưa vào như một biểu tượng cho tinh thần độc lập, tự cường và niềm tự hào dân tộc. Cột cờ Hà Nội thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất của mặt trước, bố cục đối xứng với đường trung tâm là thân của cột cờ chia đôi bề mặt ra làm hai phần. Trên các tờ tiền giấy trong hệ thống tiền năm 1985, có hiện tượng đặc biệt là việc xuất hiện liên tiếp hình tượng cột cờ Hà Nội ở 5 mệnh giá (5 hào, 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng). So với hình ảnh kỳ đài Huế (được thể hiện trên tiền giấy ngân hàng Đông Dương), cột cờ Hà Nội được thể hiện trang trọng hơn, với phong cách thể hiện trang trí có tả không gian ước lệ và mang đậm yếu tố biểu tượng. Ngoài hình tượng Cột cờ Hà Nội được thể hiện mang tính biểu tượng, các di tích khác của Hà Nội như Khuê Văn Các, cầu Thê Húc, chùa Một Cột đều có phong cách thể hiện tả thực, tuy nét vẽ chưa tinh tế, còn khá đơn giản thô phác.
Tờ bạc mệnh giá 500 nghìn. Ảnh Huy Nam
Bên cạnh các hình ảnh về quê hương, hình ảnh con người Việt Nam với các chủ đề chiến đấu và lao động cũng được các họa sĩ ưa thích thể hiện. Hình ảnh người chiến sĩ luôn là trọng tâm trong chủ đề của tiền giấy Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Hình tượng chiến sĩ được thể hiện với hình ảnh anh vệ quốc đoàn mặc áo trấn thủ, tay cầm súng trên nền cờ và bản đồ tổ quốc, bên cạnh là anh nông dân vác cuốc tay cầm quả bí to, nhóm phụ nữ đang dạy học cho nhau (mẫu 100 đồng đỏ, phát hành năm 1947); hình ảnh chiến sĩ và công nhân (mẫu 10 đồng, phát hành năm 1949); hình ảnh chiến sĩ và anh nông dân trên nền đồng ruộng (mẫu 2 hào, phát hành năm 1949) hoặc hình ảnh chiến sĩ đầu đội mũ calô, quần xắn cao, tay cầm súng, lưng đeo lựu đạn, đứng bảo vệ các chị em gánh lúa về làng (mẫu 200 đồng bảo vệ mùa màng), hoặc bộ đội bắn chìm tàu Pháp trên sông Lô và reo hò chiến thắng (mẫu 500 đồng chiến thắng sông Lô).
Cùng với hình ảnh chiến sĩ, hình ảnh người nông dân được thể hiện ngay trên các tờ tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Có thể nhắc tới hình ảnh hai phụ nữ cấy lúa (mẫu 1 đồng, phát hành năm 1949), chị phụ nữ ôm bó lúa (mẫu 5 đồng, phát hành năm 1947), hai vợ chồng nông dân (mẫu 50 đồng, phát hành năm 1949). Cạnh đó, hình ảnh người nông dân được thể hiện trong khối đoàn kết toàn dân khi cùng xuất hiện với công nhân trong tờ 50 đồng, phát hành năm 1946 vẽ nông dân vác bừa, dắt trâu ra đồng (mẫu 50 đồng, vẽ hình anh công nhân đứng cùng gia đình nông dân), xuất hiện cùng bộ đội (mẫu 200 đồng, vẽ hình các chị em vui vẻ quảy lúa về làng bên cạnh có anh tự vệ đứng gác)…Đồng tiền tiêu biểu nhất luôn làm mọi người nhớ tới là đồng 100 đồng (con trâu xanh) do họa sĩ Nguyễn Huyến vẽ phần nội dung, Lương Văn Tuất, Đào Văn Trung vẽ phần trang trí và chữ số. Trong các mẫu này, hình tượng người nông dân Việt Nam thời kỳ đầu kháng chiến được tả với tính cách hiền hậu và chăm chỉ, gia đình nông dân hạnh phúc với hình ảnh em bé bụ bẫm và bó lúa tượng trưng cho ấm no. Ngoài ra, mẫu 100 đồng còn thể hiện hình ảnh các anh nông dân với các tư thế mạnh mẽ của lao động nặng, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Về tạo hình, dáng dấp người nông dân trong tiền giấy có nhiều nét giống như trong các tác phẩm hội họa Việt Nam, như Tát nước đồng chiêm của họa sĩ Trần Văn Cẩn (sơn mài, 1958), Bữa cơm ngày mùa thắng lợi của Nguyễn Phan Chánh (lụa, 1960), gần gũi thân quen. Nhìn hình tượng con trâu trên tiền giấy Việt Nam, ta liên tưởng đến các tác phẩm Ra đồng của Nguyễn Phan Chánh (lụa, 1937), Con trâu quả thực của Tô Ngọc Vân (lụa, 1954),Một buổi cày của Lưu Công Nhân (sơn dầu, 1960).
Anh công nhân là hình tượng được thể hiện trong bộ tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở tờ bạc 5 đồng, phát hành năm 1946, do họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ. Tiếp đó, hình tượng này xuất hiện khá nhiều, như với các mệnh giá 10 đồng, 20 đồng, 100 đồng và cũng lác đác xuất hiện trong tiền giấy Nam Bộ. Trong bộ tiền phát hành năm 1951, mẫu 100 đồng có hình tượng các anh công nhân trong nhà máy tiện chế tạo vũ khí. Hình tượng nữ công nhân nhà máy dệt Nam Định xuất hiện lần đầu trong mẫu tiền 5 đồng, tiếp đến là cảnh công nhân nhà máy tiện (bộ tiền phát hành vào miền Nam năm 1975). Đến hệ thống tiền năm 1985, hình tượng người công nhân xuất hiện trở lại với hình ảnh nữ công nhân trong nhà máy dệt Nam Định (mẫu 2.000 đồng, phát hành năm 1988), nữ công nhân nhà máy đóng hộp (mẫu 20.000 đồng, phát hành năm 1991)…
Tát nước đồng chiêm của họa sĩ Trần Văn Cẩn (sơn mài, 1958)
Bữa cơm ngày mùa thắng lợi của Nguyễn Phan Chánh (lụa, 1960)
Một buổi cày của Lưu Công Nhân (sơn dầu, 1960)
Hình tượng của người trí thức xuất hiện khá sớm trong tiền giấy Việt Nam. Tại bộ tiền phát hành năm 1946, có hình ảnh người phụ nữ thành thị dạy chữ cho người nông thôn trong mẫu 100 đồng, người tri thức trong khối công nông binh trí ở mẫu 50 đồng. Tại bộ tiền phát hành 1959, hình tượng người trí thức được xuất hiện trong mẫu 2 đồng, được thể hiện là nam giới mặc complet và thắt cà vạt đứng ngay sát chị nông dân trong khối công nông binh trí.
Nhìn tổng thể về hình ảnh con người trong tiền giấy Việt Nam, có thể thấy những tầng lớp người Việt Nam được thể hiện gắn liền với các giai đoạn lịch sử của dân tộc, đó là hình tượng người chiến sĩ, nông dân, công nhân và trí thức trong khối đoàn kết toàn dân.
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Trong các yếu tố cấu thành hình thức của tiền giấy, cùng với hoa văn họa tiết trang trí và hình ảnh chủ đề, chân dung các danh nhân lịch sử được in trên mặt trước của tờ tiền tạo thành đặc trưng thẩm mỹ tiền giấy. Trong tiền giấy Việt Nam, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là chân dung duy nhất được sử dụng.
Ở tiền Tài chính, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được thiết kế và in ấn trang trọng, chiếm vị trí trung tâm của mặt trước tờ tiền. Trong nhiều mẫu, chân dung Người được để trong khung hình oval, hình vuông hoặc trên nền hoa sen, thậm chí có khung được kết bằng các bó lúa. Các trang trí này nhằm tạo mảng hình trung tâm, có dáng tròn làm điểm nhấn chính và phù hợp với khung trang trí hình có hình chữ nhật ở xung quanh. Chân dung Người ở giai đoạn trước năm 1954 thường thể hiện trong khung trang trí hình oval với hình tượng bông lúa trĩu hạt như muốn nói tới vị lãnh tụ của nhân dân, đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào. Lúc này Việt Nam chưa có quốc huy nên các họa sĩ thiết kế thường sử dụng thêm hình ảnh bản đồ hoặc lá cờ Việt Nam. Các bộ tiền sau này thường thể hiện chân dung Người trên nền màu trang trí và ở tư thế nhìn thẳng. Đây cũng là điểm nhận biết rõ nét của tiền giấy Việt Nam khi mà các chân dung trên tiền giấy thế giới thường được thể hiện ở góc nghiêng ¾, riêng chân dung Người với tư thế nhìn thẳng, đem lại cảm giác thân thuộc mà trang trọng. Mặt khác, điều này cũng biểu hiện cái nhìn ưa thích sự cân đối trong tâm thức trang trí của họa sĩ Việt Nam. Nếu nhìn nhận cách thể hiện khung oval xung quanh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới con mắt của nhà nghiên cứu văn hóa và mỹ thuật truyền thống thì ta có sự liên tưởng tới cách thể hiện vầng hào quang ngàn cánh tay của tượng Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp.
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính biểu tượng nhiều hơn tả thực, tạo cảm nhận văn hóa là chủ đạo. Cách thể hiện ánh sáng, hình khối, đường nét thiên về gợi nhiều hơn tả. Cảm nhận chung là tính trang trọng, đàng hoàng và tĩnh tại, điềm tĩnh mà vui tươi. Điều này cho ta cảm nhận về tinh thần, phong cách thể hiện chân dung mang nhiều tính biểu tượng của văn hóa phương Đông. Chân dung Người được các thợ khắc giỏi nhất thực hiện, với các công nghệ, kỹ thuật tốt nhất trong giai đoạn đó.
Với những yếu tố đặc thù như được in ấn với số bản nhiều nhất, thiết kế công phu nhất, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất, có độ phổ biến rộng nhất và có lượng công chúng lớn nhất, tiền giấy có thể coi là sản phẩm đồ họa đặc biệt, tiêu biểu cho một quốc gia.
- Hồ Trọng Minh -