Lịch sử kỹ thuật vẽ sơn dầu (Phần 1)

lich su ky thuat son dau 1

Nền văn minh cổ xưa nhất ở vùng Địa Trung Hải, bao gồm La Mã, Hy Lạp và Ai cập (t.k. 6 TCN – t.k. 4) đã biết trộn các hạt màu tìm thấy trong thiên nhiên với sáp ong (encaustic) để vẽ. Từ cuối thời La Mã cổ đại (t.k. 4) cho đến đầu thời Phục Hưng (thế kỷ 15), kỹ thuật cổ đó dần dần được thay thế bằng sơn dầu và tempera (màu trộn lòng đỏ trứng gà). Lúc đầu, ở Hy Lạp và Ý người ta dùng dầu olive, có nhược điểm là rất lâu khô.

1) Kết quả nghiên cứu gần đây nhất cho thấy sơn dầu đã được dùng để vẽ từ thế kỷ 5 – 7 tại Tây Afghanistan (12 trong số 50 hang tại Bamiyan). Các nhà khoa học từ 3 trung tâm nghiên cứu của Nhật, Pháp và Mỹ đã dùng các phương pháp khác nhau để phân tích hàng trăm mẫu thử. Họ phát hiện ra rằng những bức họa trên tường hang ở Bamiyan được vẽ bằng màu, trong đó có vermillion (sulfide thủy ngân) và lapis lazuli (gần Bamyian có mỏ lapis lazuli), trộn với dầu hạt thuốc phiện và dầu walnut (hạt cây óc chó), với một kỹ thuật vẽ nhiều lớp, có cả láng màu, tương tự như kỹ thuật vẽ sơn dầu của thời Trung Cổ sau này. Từ đó, có vẻ như kỹ thuật vẽ sơn dầu đã được lan truyền sang phương Tây theo con đường tơ lụa.

lich su ky thuat son dau 2

2) Tu sĩ Theophilus (~ 1070 – 1125) là người công bố cuốn sách đầu tiên đề cập tới kỹ thuật vẽ sơn dầu nhan đề “Schedula diversarum artium” (Latin, Danh mục các nghệ thuật khác nhau) hoặc “De diversibus artibus” (Latin, về các nghệ thuật khác nhau) (khoảng 1125). Cuốn sách viết bằng tiếng Latin, gồm 3 tập. Tập 1 viết về cách chế tạo và sử dụng họa phẩm như sơn dầu, mực, kỹ thuật hội họa. Tập 2 viết về chế tạo kính màu và kỹ thuật vẽ trên kính. Tập 3 viết về kỹ thuật kim hoàn, và cách chế tạo đàn đại phong cầm. Đó là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử đề cập tới sơn dầu. Trong thế kỷ 19 và 20 cuốn sách đã được dịch ra 9 thứ tiếng (Anh, Pháp, Ba Lan, Hung, Đức, Ý, Nhật, Rumania, và Nga).

3) Cennino Cennini (khoảng 1370 – 1440) (người Ý) viết cuốn “Il libro del’arte” (Cẩm nang nghệ thuật) (khoảng 1437). Sách gồm 6 chương, 128 mục, giải thích chi tiết về các hạt màu, bút lông, bảng gỗ, vải dán trên bảng gỗ, nghệ thuật bích hó, các thủ thuật, vẽ lót, vẽ phủ bằng tempera trứng, kỹ thuật vẽ sơn dầu, đặc biệt, trong chương 4 mục 91 và 92, ông mô tả khá kỹ cách chế tạo dầu lanh đun trên lửa và dùng nắng mặt trời. Ông cũng mô tả cách nghiền ultramarine với dầu lanh, sáp ong, và nhựa mastic.

4) Trong cuốn “Cuộc đời các hoạ sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư xuất sắc nhất” (Le vite de piu eccelenti pittori, scultori e architetori), Giorgio Vasari (1511 – 1574) cho rằng kỹ thuật sơn dầu mà chúng ta dùng để vẽ đến ngày nay đã được Jan Van Eyck (1395 – 1441) (hay John of Bruges) (phát âm: [yan van aik]) sáng tạo ra vào khoảng 1410. Điều này đã gây ra một sự ngộ nhận rằng Jan Van Eyck là người “phát minh” ra sơn dầu. Thực ra, thành tựu thật sự của riêng Van Eyck là ở chỗ ông đã chế tạo ra được một chất varnish (vernis) dựa trên dầu tạo màng (chủ yếu là lanh) dùng làm chất kết dính các hạt màu. Bí mật của ông đơn giản như sau: Ông đã trộn màu với hạt thủy tinh, than xương, và dầu lanh rồi đun sôi lâu cho đến khi được một hợp chất đặc sánh. Dầu lanh làm màu khô nhanh hơn nhiều. Van Eyck chỉ công bố bí mật này vào năm 1440 ít lâu trước khi ông chết.

lich su ky thuat son dau 3

Minh họa nổi tiếng nhất cho kỹ thuật của Van Eyck (kỹ thuật Flemish hay Flamand) là bức tranh “Giovanni Arfnolfini và vợ”. Van Eyck vẫn dùng các hạt màu khoáng chất như các họa sĩ Ý, song dầu lanh đã khiến các hạt màu trở nên rực rỡ hơn, màu trông trong hơn vì các hạt màu được treo lơ lửng trong lớp dầu lanh, tạo nên hiệu quả quang học, và thiết lập một tiêu chuẩn trong hội họa mà cho đến tận ngày nay chưa có một chất liệu vẽ nào khác có thể vượt qua được.

Sau Van Eyck, kỹ thuật chế tạo sơn dầu đã được liên tục phát triển:

- Antonello da Messina (1430 – 1479) pha oxide chì vào sơn dầu để làm khô nhanh hơn. Thực chất đó là dầu hạt óc chó (walnut) đun với oxide chì.

lich su ky thuat son dau 4

- Leonardo da Vinci (1452-1519) thêm 5 – 10 % sáp ong vào dầu lanh rồi đun ở 100°C để tránh màu quá tối. Giorgione (1477 – 1510), Titian (1488 – 1576), Tintoretto (1518 – 1594) cải tiến chút ít công thức của Leonardo.

- Vào thế kỷ 17, Rubens (1577 – 1640) dùng dầu hạt óc chó (walnut) đun với oxide chì và một số keo mastic hoà tan trong dầu thông để nghiền màu.

- Năm 1720 Jean-Baptiste-Siméon Chardin (1699–1779) đặt Charles Laclef - cụ tổ của gia đình Lefranc, lúc đó là nhà buôn các hạt màu - làm sơn dầu cho mình. Công nghệ sản xuất sơn dầu cho hội họa ra đời. Đó là hãng Lefranc & Bourgeois ngày nay.

- Năm 1841 John Goeffe Rand – họa sĩ Mỹ - đăng ký bằng sáng chế ra tube bằng chì để chứa sơn dầu. Năm 1842 Winsor & Newton (1832) sản xuất các tube sơn dầu đầu tiên có nắp đậy để bán cho họa sĩ.

Sự phát triển của kỹ thuật sơn dầu gắn liền với sự tiến triển của hội họa phương Tây. Thông thường sự phát triển này, được trình bày theo trình tự thời gian, đi từ Phục Hưng, Mannerism, Baroque, Cổ điển, Tân Cổ điển, đến Lãng mạn, Ấn tượng, Hậu Ấn tượng, Hiện đại, Hậu Hiện đại. Cuốn sách của Brian Thomas “Vision and tecniques in European painting” (Longmans, Green & Co., London, 1952) đã xem xét sự phát triển của kỹ thuật sơn dầu trên 4 phương diện: đường nét, tạo hình, sắc độ, và màu. Tôi nhắc tới cuốn sách đó là vì khi tôi chuẩn bị bài nói chuyện này, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã than phiền với tôi về một số bài viết về kỹ thuật sơn dầu đăng trên Tạp chí Mỹ thuật gần đây. Trong đó có một bản dịch tiếng Việt (số 191, tháng 11/2008, tr. 10 – 13) từ bản gốc tiếng Anh tóm tắt cách trình bày của Brian Thomas, lấy được từ internet (https://www.oil-paintingtechniques.com/history-of-oil-painting.html). Bản dịch đó, tiếc thay, mắc rất nhiều lỗi thông thường, cả về tiếng Anh lẫn tiếng Việt, chưa nói đến các thuật ngữ chuyên môn. Ngoài ra chính bản gốc cũng mắc một số lỗi về lịch sử hội họa khi nhận định về nhiều danh họa. Vì thế, tôi muốn nhân đây lưu ý các bạn trẻ rằng đừng dễ dàng tin vào bất cứ cái gì nếu không có chứng minh, và cách tốt nhất là tự mình kiểm chứng bằng nghiên cứu, tư duy của chính mình.

Không thể bóc tách sự tiến triển riêng biệt của đường nét, hình khốí sắc độ, và màu. Song, có thể nói, kỹ thuật vẽ lót và nhiều lớp của các họa sĩ xứ Flemish đã được phát triển rất phong phú. Nhờ đó thế giới trong tranh đã trở nên ngày càng giống thực và nhân bản hơn. Dưới đây tôi chỉ nêu các đại diện tiêu biểu nhất cho việc minh họa sự phát triển của kỹ thuật sơn dầu. Đa số tranh mà tôi chọn tôi đã nhìn thấy bản gốc.

lich su ky thuat son dau 5

Jan Van Eyck (kỹ thuật Flamand): (sẽ nói kỹ ở phần IV-1):

- vẽ lên bảng gỗ lót gesso

- dùng tempera để tạo khối và lên sáng tối đơn sắc

- láng nhiều lớp sơn dầu mỏng.

lich su ky thuat son dau 6

Giovanni Bellini (1430 – 1516) và Andrea Mantegna (1431-1506) đều từng là học trò của Jacopo Bellini – cha của Giovanni. Song, trong khi Mantegna có cách tiếp cận mang nặng tính điêu khắc, với đường chân trời thấp, và dùng luật viễn cận tuyến tính để tạo ra ảo giác về không gian với phong cảnh khô lạnh như kim loại, thì Bellini đã dùng màu để mô tả khí quyển trong tranh, làm mềm các đường viền đi, tạo nên sự thay đổi lớn trong hội họa Venetian, ảnh hưởng sâu sắc tới 2 học trò là Giorgione và Titian (Xem kỹ thuật Venetian ở phần IV-2).

lich su ky thuat son dau 8

Leonardo da Vinci áp dụng kỹ thuật sfumato trong hình họa mà ông học được từ Andrea del Verocchio vào sơn dầu để làm biến mất đường nét, tạo nên ảo giác về chiều sâu. (Tiếng Ý: sfumare = biến mất, có liên quan đến fumo = khói). Verocchio đã dạy Leonardo rằng: “Hãy vẽ sao cho chỗ sáng và tối hòa vào nhau mà không cần gạch hoặc vờn, sao cho trông như khói vậy”. Ông chú trọng việc tìm hiểu cấu trúc hình, nhịp điệu trong tự nhiên, dùng sáng tối áp đảo màu.

lich su ky thuat son dau 500

Titian đã kết hợp tài tình của màu sắc cục bộ (local color) với sáng tối (chiaroscuro) tạo nên sự hài hòa giữa cái đẹp (beauty) (thể hiện qua màu sắc) và sự hùng vĩ, bí ẩn (sublimity and mystery) (thể hiện qua sáng tối). Joshua Reynolds coi trường phái Venetian là trường phái lộng lẫy nhất về vẻ tao nhã.

lich su ky thuat son dau 9

lich su ky thuat son dau 10

- Nguyễn Đình Đăng -

>>> Tầm quan trọng của kỹ thuật vẽ sơn dầu

0976984729