Tầm quan trọng của kỹ thuật vẽ sơn dầu
Sẽ là một sai lầm khi nói rằng sơn dầu là “chất liệu của nền dân chủ” để rồi “ai cũng biết vẽ mà không nhất thiết thành họa sĩ”. Đúng, không ai cấm bạn dùng bút lông hay dao vẽ bôi màu sơn dầu lên canvas (của bạn). Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn biết vẽ sơn dầu. Cũng vậy, dùng ngón tay gõ, thậm chí cùi tay nện lên phím đàn piano để phát thành tiếng, thậm chí thành một giai điệu nào đó không có nghĩa là bạn biết chơi đàn, và cái thứ âm thanh phát ra đó không phải bao giờ cũng là âm nhạc.
Có lẽ chúng ta không nên quên rằng, trong lịch sử - theo Aristotle (384-322 TCN) - từ “nghệ thuật” (ars tiếng Latin, τέχνη [tekhne] tiếng Hy Lạp) vốn được dùng để chỉ những hoạt động của con người dựa trên các quy tắc và kiến thức. Thực sự, trong thời Cổ đại (t.k. 6 TCN – t.k. 4) và Trung cổ ( t.k. 5 – t.k. 15) người ta chia nghệ thuật làm 7 ngành nghệ thuật tự do: Trivium (tam khoa): Văn phạm, Hùng biện, Logic, và Quadrivium (tứ khoa): Số học, Hình học, Thiên văn và Âm nhạc (lúc đó là môn duy nhất của mỹ thuật). Hội họa và điêu khắc lúc đó chỉ được coi là nghề thủ công. Dần dần các họa sĩ và nhà điêu khắc xuất chúng được ngưỡng mộ như những người rất giỏi quy tắc và kỹ thuật để có thể định hình hỗn mang, tạo nên sản phẩm có giá trị thẩm mỹ từ sự hỗn loạn. Tới khoảng năm 1500 các nhà nhân văn Phục hưng tại Ý đã thành công trong cuộc đấu tranh đưa hội họa, điêu khắc và kiến trúc thành các môn của nghệ thuật tự do.
Dùng sơn để vẽ như thế nào là điều rất quan trọng đối với họa sĩ, liên quan đến việc tạo ra một hiện thực bằng tranh. Điều này có thể sánh ngang kỹ thuật chạy ngón tay, dùng cổ tay, cơ thể để làm phát ra âm thanh đối với một nghệ sĩ piano, hay toán học và kỹ thuật lập chương trình đối với nhà vật lý lý thuyết, bởi thiếu nó mọi cảm xúc, trực cảm của nghệ sĩ hay nhà khoa học sẽ chỉ dừng ở mức nghiệp dư, èo uột, không mấy giá trị. Tính tự do trong biểu hiện chỉ trở thành nghệ thuật chừng nào cảm xúc được chế ngự bởi kiến thức, lý trí và kinh nghiệm.
Chẳng những các họa sĩ mà các nhà lý luận phê bình mỹ thuật, hay tất cả những ai viết về hội họa như các nhà báo cũng cần biết về kỹ thuật vẽ sơn dầu, cho dù ở mức phi thực hành. Lí do thật đơn giản: Nếu không hiểu kỹ thuật vẽ sơn dầu thì không thể khen đúng hoặc chê đúng một bức tranh sơn dầu cũng như tác giả của nó được. Người ta thường cho rằng các đại danh họa bao giờ cũng hay về mọi phương diện trong nghề. Đó là một sự nhầm lẫn. Các thiên tài cũng từng mắc lỗi. Thí dụ điển hình là Leonardo da Vinci:
Bức “Bữa tối cuối cùng” (II Cenacolo hay l’Ultima Cena), hỏng ngay sau khi vẽ xong, vì đại danh họa Phục Hưng… không hiểu kỹ thuật vẽ tranh bích họa. Ông đã dùng tempera (màu trộn lòng đỏ trứng gà) vẽ bức “Cenacolo” lên tường đá được phủ bằng gesso, mastic và hắc ín, khiến tác phẩm bị hỏng rất nhanh.
Sau thất bại này, ông rút kinh nghiệm. Lần này ông dùng sơn dầu vẽ bức “Trận đánh ở Anghiari” lên tường. Ông đã thử nghiệm vẽ lớp lót bằng encaustic – màu trộn với sáp ong - mà ông đọc được trong bách khoa toàn thư “Lịch sử tự nhiên” của Pliny (viết năm 77). Theo kỹ thuật này, lớp lót sáp ong phải được hơ nóng để màu phủ phía trên có thể dễ dàng hòa với nhau. Leonardo đã cho đặt một lò than gần bức tường, song sức nóng làm sáp ong chảy ra, rớt xuống sàn cùng với màu. Thất vọng, ông bỏ dở bức bích họa. Leonardo dường như đã bỏ qua cảnh báo của Pliny rằng encaustic là thứ không dùng để vẽ lên nền ẩm (tường) được trong khi đó trời lại mưa to trong ngày đầu tiên khi Leonardo vẽ màu lên lớp lót. Vì vậy, sinh viên hội họa cần quên cái “mác” thiên tài đi, mà cần hiểu cặn kẽ các vấn đề cụ thể có tính chất thực hành trong nghề.
- Nguyễn Đình Đăng -
>>> Kỹ thuật vẽ cơ bản sơn dầu