Khuôn mặt bạn bè dưới nét cọ của Phạm Viết Hồng Lam
PHẠM VIẾT HỒNG LAM
Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung -
nghệ sĩ bậc thầy của làng quê
2014. Bột màu. 80x100cm
Năm 2016, Phạm Viết Hồng Lam đã tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tròn 40 năm (1906-2016); và gần như trọn cả sự nghiệp làm thầy tại Trường Sư phạm Nhạc Họa Trung ương. Bước sang cái tuổi xưa nay hiếm bằng một triển lãm cá nhân "Tranh chân dung các thế hệ đồng nghiệp" một hình thức kỷ niệm sinh nhật thiết thực đúng với nghề nghiệp còn làm đẹp thêm cho đời, thật đáng trân trọng.
PHẠM VIẾT HỒNG LAM
Họa sĩ Hoàng Tích Chù -
tiên giới. 2015. Bột màu. 80x100cm
Khó thay tiêu chí thẩm định tranh chân dung phải "giống cho đời nay, đẹp cho đời sau" hiểu cho thấu đáo chẳng đơn giản chút nào. Bởi lẽ nghệ thuật luôn như một quan niệm:
- Nhà thơ lớn Tô Đông Pha khi bàn về hội họa thường đại ý cho rằng:
"Bàn về họa chỉ khen vẽ giống chỉ là đồ con nít vẽ nhăng"
- Danh họa Tề Bạch Thạch lại nói có lý:
"Giống quá là mỵ dân, không giống là lừa dân"
- Còn nhà thơ lớn Bạch Cư Dị lại khẳng định:
"Trong hội họa không có một kỹ xảo nào thông thường cả, mà kỹ xảo đó là phải vẽ giống"
PHẠM VIẾT HỒNG LAM
Họa sĩ Tô Ngọc Vân -
thời nhận đường. 2015. Bột màu. 80x100cm
Quả thật với thể loại tranh chân dung, điều tiên quyết không thể không vẽ giống, luôn đòi hỏi cao bản lĩnh về hình, "hình là 3/4 tác phẩm". Có điều phải "giống cho đời nay", phải vươn tới khắc họa cho được tâm hồn, tình cảm, tính cách của từng nhân vật. Phải trở thành một mẫu người của dân tộc và thời đại mới có thể "đẹp cho đời sau".
Về sức lao động, 60 tác phẩm chân dung trong một triển lãm cá nhân của Phạm Viết Hồng Lam, chứng tỏ tâm huyết và sự dày công của tác giả, dễ nhận thấy nhất là 55/60 tác phẩm có cùng một khuôn khổ 80x100, còn lại đôi ba tác phẩm có khuôn khổ nhỏ hơn.
Nhìn chung vẽ theo một khuôn khổ 80x100 và một chất liệu bột màu trong một triển lãm cá nhân dễ đơn điệu nếu không đủ bản lĩnh "yểm" các "âm binh" chúng sẽ nổi loạn...
PHẠM VIẾT HỒNG LAM
Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam -
thiên nhiên tươi đẹp 2016. Bột màu. 80x100cm
Dày công hơn, Phạm Viết Hồng Lam đã tìm cho mỗi bức chân dung một cái tên từ vốn sống chắt lọc được từ những va đập trực tiếp với tác giả tác phẩm, khó thay! được hiểu như một chủ đề của tác phẩm như: Phạm Viết Song là "Ông đồ dạy vẽ"; Tạ Thúc Bình là "Câu chuyện ngày xưa"; Tô Ngọc Vân là "Thời nhận đường"; Nguyễn Tư Nghiêm là "Bậc thầy về cổ vật Việt Nam"; Trần Văn Cẩn là "Tình trong như đã"; Nguyễn Tiến Chung là "Nghệ sĩ bậc thầy của làng quê"; Nguyễn Sáng là "Người tận hiến cho nghệ thuật cách mạng"; Phạm Viết Hồng Lam là "Thiên nhiên tươi đẹp"; Tạ Phương Thảo là "Mẹ của đứa trẻ"... Theo tôi đều đúng với tính cách, sở trường, sở thích của từng nhân vật. Thường tranh chân dung nhân vật tự thân đã có một cái tên rồi hoặc không được đặt tên.
Thú vị hơn hầu như các tác phẩm chân dung đều biết khai thác các tác phẩm tiêu biểu đại diện cho phong cách nghệ thuật của từng họa sĩ, nhà điêu khắc... Chẳng phải phong cách nghệ thuật chính là cuộc đời của mỗi một nghệ sĩ với vốn sống, vốn hiểu biết, vốn nghệ thuật từ một miền đất hứa đó sao? Phải hiểu cho được phong cách nghệ thuật của từng tác giả mới hội đủ khả năng khắc họa chân dung tốt hơn. Quả thật xem các tác phẩm chúng ta dễ đọc được tác giả hơn nhất là với công chúng yêu mỹ thuật rộng rãi: chân dung Trần Văn Cẩn với hai tác phẩm tiêu biểu Nữ dân quân vùng biển, Gội đầu; Chân dung Tô Ngọc Vân với tác phẩm Đốt đuốc đi học; Chân dung Dương Bích Liên là tác phẩm Hào; Chân dung Nguyễn Đỗ Cung là tác phẩm Tan ca mời chị em đi học; Chân dung Nguyễn Sáng là tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ; Chân dung Phan Kế An là tác phẩm đồ họa Bác Hồ; Chân dung Bùi Xuân Phái là Phố cổ Hà Nội... Tất cả tất cả đã tạo nên một phong cách nghệ thuật sáng tác tranh chân dung mang tên Phạm Viết Hồng Lam.
PHẠM VIẾT HỒNG LAM
Họa sĩ Trần Trung Tín -
định mệnh hội họa. 2014. Bột màu. 80x100cm
Trong sáng tạo nghệ thuật tự vượt được chính mình là tự khó. Song không thể không tự vượt chính mình, không thể không làm mới nghệ thuật của mình. Đó là quy luật muôn đời của nghệ thuật. Thường các họa sĩ thay đổi về chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa... mỗi một chất liệu đều có một vẻ đẹp đặc thù luôn đòi hỏi tinh thông một kỹ thuật riêng. Hay thay đổi về loại hình sáng tác: hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỗi một loại hình mỹ thuật đều có một ngôn ngữ đặc thù.
Sự thay đổi về chất liệu kỹ thuật tạo hình dù muốn hay không cũng mở rộng được quan niệm sáng tác. Các ngôn ngữ loại hình đã thực sự bổ xung cho nhau, các chất liệu kỹ thuật đã thực sự làm phong phú hình thức tạo hình theo một phong cách nghệ thuật riêng của từng tác giả.
- Lê Quốc Bảo -