Đường định hướng trong bố cục (Phần 1)

Mọi sinh vật đều cần có một bộ xương để các bộ phận khác gắn vào: con người có một cột sống, loài cá có một khung xương, loài cây có một cái thân. Cũng như vậy, một bố cục giống như một cơ thể sống và có các khớp, thật khó lòng mà không cần tới một sống lưng. Đó sẽ chính là nhiệm vụ của các đường định hướng. Cũng sẽ làm sườn cho bố cục, tất cả sẽ hướng ánh mắt khán giả theo một lộ trình đã được họa sĩ suy ngẫm trước.

Vả lại, khớp nối bố cục xung quanh một số đường định hướng sẽ cần thiết hơn là để chủ đề bị sắp xếp bởi rất nhiều yếu tố rời rạc, gây ra ấn tượng lộn xộn.

Nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn các “đường định hướng” với các “đường nhấn mạnh”. “Đường nhấn mạnh” là những đường lớn tự nhiên của hình ảnh: đường chéo,  các trục ngang và dọc,  các đường ngang hay dọc được xác định bởi sự phân chia hình ảnh theo quy tắc chia ba.  Những đường ảo này tồn tại sẵn ở phác thảo của bố cục hoặc tại khuôn hình và do vậy chúng thay đổi theo bố cục.

Trong khi đó thuật ngữ “đường định hướng” được áp dụng với các đường tạo ra đặc trưng của chủ đề:  các đường thẳng,  cong,  đứt đoạn…  Tuy vậy,  trong một số trường hợp,  các đường này được dựng lên trên các “đường nhấn mạnh” ảo của hình ảnh và ít nhiều chúng có lẫn vào nhau.

Trên thực tế,  việc lựa chọn sắp xếp các đường định hướng lớn mà được coi như là bộ khung xương của bố cục (hay một khuôn hình đẹp của nhiếp ảnh..vvv..) sẽ có hai cách xử lý rất khác nhau theo cách xử lý chủ đề.

+ Chủ đề (một phong cảnh chẳng hạn) có một số đường định hướng tự nhiên và đặc trưng. Ví dụ phong cảnh này có địa thế bằng phẳng tạo ra một đường định hướng ngang, tòa nhà này cho gợi ý về một đường thẳng đứng..v.v…  Bị phụ thuộc vào các đường này,  người họa sĩ sẽ chỉ cố gắng làm nổi bật chúng bằng một khuôn hình thích hợp,  trong khi tìm kiếm một góc nhìn mà từ đó sẽ thấy được hiệu quả đẹp nhất do các đường này tạo ra

+ Khi mà chủ đề được cấu tạo bởi các yếu tố động, có thể di chuyển (các đồ vật của một tranh tĩnh vật, các nhân vật sống tạo nên một cảnh sinh hoạt..v.v…) họa sĩ vẫn sẽ là người chủ duy nhất để lựa chọn.

* CÁC ĐƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG:

duong dinh huong 01

A - Sự lựa chọn những đường định hướng, trước hết phải tính đến ấn tượng chủ yếu mà nó gây ra khi xem tranh. Một số đường định hướng nằm ngang và song song sẽ làm cho mắt thoải mái, đỡ mệt. Chúng sẽ tạo ra một ấn tượng bình lặng,  yên tĩnh,  thanh thản,  quang đãng (ví dụ bức tranh “Cảnh đêm” của Delacroix).

duong dinh huong 02

E. Delacroix (1798-1863) – “Cảnh đêm”

B và C. Tuy nhiên, thường thì người ta sẽ dùng kiểu đối lập hai (B) hoặc ba (C) đường định hướng, những đường này sẽ làm nổi bật giá trị tương hỗ lẫn nhau và làm sinh động bố cục. Sự đối lập đặc biệt ăn ý của một đường xiên nghiêng và một đường ngang (B) sẽ là một lựa chọn thường có vẻ chừng mực, riêng biệt của các họa sĩ phong cách hoặc các nhà nhiếp ảnh.

Trong mọi trường hợp xin hãy lưu ý rằng việc tổ chức bố cục xung quanh một vài đường định hướng không nhất thiết hàm ý là tuyến đường của chúng phải được nhìn thấy rõ và đều đặn trên suốt chiều dài của chúng. Thường thì đây là những đường ngầm, lẩn bên trong bố cục, những đường dây đơn giản liên kết nhiều điểm nhấn mạnh trên một con đường có tính lý thuyết; nhưng tất nhiên phải là các khoảng cách tiếp nối gần để ánh mắt có thể theo được những uốn khúc của chúng.

* Giá trị biểu đạt của các đường định hướng lớn:

Mỗi một đường định hướng có một khả năng gợi hình ảnh khác nhau. Cần phải hiểu rõ để nắm bắt được vấn đề này.

Các đường định hướng ngang (miền đồng bằng rộng lớn trơ trụi, biển lặng ..vv..) ánh mắt sẽ trượt trên chiều dài của chúng mà không bị vướng víu gì,  tạo nên một ấn tượng yên tĩnh, thư giãn, hòa bình, thanh thản, nghỉ ngơi hoặc trời quang mây tạnh. Tuy nhiên, nó sẽ dễ dàng tạo ra cảm giác nhàm chán nếu không có một đường dọc nào làm đứt đoạn một đường ngang dài.

Các đường định hướng dọc (tòa kiến trúc, cây cối, người đứng thấy cả chân ở tiền sảnh..v.v..) rất kích thích mắt, rất tự nhiên tạo ra cảm giác về quyền lực, sức mạnh, cao thượng, thậm chí kiêu kỳ.

Các đường chéo ở giữa đường thẳng và đường ngang, đó là các đường năng động tuyệt vời, có hiệu lực, gây cảm giác chuyển động, hoạt động linh hoạt. Dựa vào thói quen đọc của người phương tây, từ trái sang phải, người ta phân biệt ra đường chéo đi xuống và đường chéo đi lên (hoặc tiến lên) mà các giá trị biểu đạt của chúng rất khác nhau.

Đường chéo đi xuống (bắt đầu từ góc trên bên trái xuống góc dưới bên phải của tranh) là đường năng động nhất bởi vì ánh mắt trượt dễ dàng từ trái qua phải theo chiều dài của độ nghiêng tự nhiên. Nó nhấn mạnh ý tưởng về sự chuyển động hay năng động của chủ đề, đặc biệt khi được thể hiện bằng cách tự di chuyển từ trái qua phải.

Nhưng cũng như vậy, trong một vài trường hợp, nó cũng có thể khẳng định thêm ý tưởng về sự đổ ngã (thất bại) hoặc chuyển động đi xuống.

Việc lựa chọn đường chéo đi xuống như là một khung xương cho một bố cục tuy vậy cũng có một nguy hiểm. Khi trượt một cách tự nhiên và dễ dàng trên độ dốc của đường chéo, ánh mắt sẽ có xu hướng tiếp tục con đường của nó vượt ra cả ngoài khung hình ảnh. Như vậy, ta cũng thường xuyên phải chú ý để chặn ánh mắt dừng lại bằng yếu tố dọc nào đó hoặc xiên nghiêng, được đặt một cách cân nhắc về bên dưới của đường chéo.

* NHỮNG ĐƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG:

duong dinh huong 03

Van Gogh (1853-1890) – “Khu vườn của những người trồng rau”

duong dinh huong 04

Trong bức tranh của Van Gogh, lối diễn xuất bằng những đường nghiêng gần như nằm ngang đã kín đáo làm cho sinh động phía bên dưới của bố cục.

duong dinh huong 05

G. Courbet (1819 – 1877) – “Vách đá ở Etretat lúc đẹp trời”

duong dinh huong 6

Đường chéo đi lên (bắt đầu từ góc dưới bên trái lên góc trên bên phải của tranh) có hiệu lực hơn vì ánh mắc phải khó nhọc tương đối để leo lên độ dốc của đường chéo. Một bố cục dựa trên đường chéo này do đó sẽ dễ dàng gợi nên ý tưởng về sự thăng thiên, sự đi lên, sự cố gắng năng động hay sự vươn lên hăng hái, sự kêu gọi hay cố gắng hướng về một mục đích ít nhiều đã xác định.

Những đường xiên thì khác với các đường chéo ở chỗ tạo ra sự không yên ổn, không cân bằng hay sự khuấy động (sóng, mưa, cánh đồng lúa mì xáo động trong gió, cây cối ngã nghiêng trong bão..v.v..)  ngay cả sự buồn rầu hay ưu phiền, theo đó mà chúng sẽ nghiêng nhiều hay ít và bừa bộn nhiều hay ít.

Các đường cong, khúc khuỷu (hay ngoằn ngoèo) thì đặc biệt dễ chịu cho ánh mắt khi nó không quá điều đặn. Nó tạo ra một sự cảm thụ về độ hài hòa, mềm dịu,  sự thoải mái, thậm chí nhục cảm. Đường cong hình chữ S,  đặc biệt là sự kết hợp tuyệt vời của một đường cong và một đường cong ngược,  được xem là “đường của sắc đẹp” bởi hoạ sĩ Anh Hogarth, là một trong những đường mà người ta thường xuyên thấy trong các tác phẩm nghệ thuật của tất cả các thời đại.

Các đường đứt quãng bởi vì chúng được định hướng không đều đặn (những con sóng của mặt biển động..v.v…) sẽ tấn công ánh mắt và tạo ra cảm giác về sự bất ổn, lộn xộn và hỗn loạn.

Các đường vòng hoặc có xu hướng ngã về các vòng tròn liên quan tới các đường cong và các đường khúc khuỷu có vẻ dịu dàng mềm mại. Nhưng chúng cũng có thể gợi nên sự hòa hợp, kết nối, đoàn kết, gợi ra một ý tưởng của sự bảo vệ tình cảm trìu mến. Hãy tưởng tượng đến việc bố trí vòng quanh tạo nên cánh tay của người mẹ đang ẵm con làm ví dụ.

>>> Đường định hướng trong bố cục (Phần 2)

>>> Hòa khí không gian - Hình đa hướng

0976984729