Tranh ghép vải

tranh ghep vai 1

Tác phẩm của NGUYỄN THU HUYỀN

Tranh ghép vải là một thể loại tranh tương đối mới lạ và độc đáo ở Việt Nam. Khác với các dòng tranh đã từng xuất hiện trên thị trường, sự riêng biệt của tranh ghép vải nằm ở phong cách và chất liệu. Đó là sự kết hợp khéo léo từ những mảnh vải riêng rẽ để làm nên một tổng thể hài hòa mang đến những bất ngờ thú vị cho người xem.

Từ những mảnh vải vụn vô cùng nhỏ bé tưởng như không thể sử dụng được nhưng dưới bàn tay khéo léo của người hoạ sĩ chúng bỗng trở thành những tác phẩm tranh vô cùng nghệ thuật và sinh động. Cái khó ở đây là đòi hỏi ở người sáng tác sự cần mẫn và tài năng sắp xếp bố cục cũng như sử dụng chất liệu, màu sắc của vải một cách hợp lý. Không đơn giản chỉ là ghép những mảnh vải hoa văn nhiều màu rực rỡ lại với nhau là có thể thành một tác phẩm mà người ghép cần phải hội tụ mọi kỹ năng, kỹ xảo và con mắt nghệ thuật tốt. Màu sắc và hoa văn phong phú của những miếng vải cũng gợi cho người họa sĩ nhiều cảm xúc và những ý tưởng, giúp họ thăng hoa cho tác phẩm của mình. Trong một bức tranh những gam màu mạnh, màu tươi sáng luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất là đối với tranh trừu tượng. Màu tương phản còn giúp thu hút thị giác của người xem ở mọi khoảng cách. 

tranh ghep vai 2

tranh ghep vai 4

Tranh cho trẻ nhỏ cần màu sắc tươi sáng và hình ảnh dễ thương

Tranh ghép vải cũng có nhiều thể loại khác nhau như tranh trừu tượng, tranh dân gian, tranh thiếu nhi, tranh phong cảnh... Mỗi một thể loại tranh lại sử dụng gam màu, chất liệu và kỹ thuật thể hiện khác nhau. Sự khéo léo của người họa sĩ là ở việc lắp ghép, chọn lựa được chất liệu, hoa văn vải mang tính ổn định về màu sắc để tạo được sự hài hoà và hợp lý. Màu sắc là hình thức bên ngoài còn hoạ tiết chính là linh hồn bên trong. Trong sáng tác tranh ghép vải, họa tiết hoa văn là phần không thể thiếu để hoàn thiện tác phẩm. Tuy nhiên đôi khi người hoạ sĩ không thể lạm dụng hay tận dụng một cách vô thức các hoạ tiết hoa văn được cho dù hoạ tiết đó rất cầu kỳ mà chính người hoạ sĩ phải tự tạo ra hoa văn, chất liệu sao cho thống nhất với các mảng miếng và chi tiết trong tác phẩm của mình.

Ngoài ra, để thể hiện được tính đồng bộ và đặc trưng tinh thần của bức tranh việc lựa chọn chất liệu vải phù hợp là rất cần thiết. Tùy vào ý tưởng cũng như chủ đề của thể loại tranh để có thể chọn chất liệu vải là công việc không hề dễ. Trên thị trường có vô vàn các chất liệu khác nhau như: Vải lụa, chiffon, voan, ren, lông, dạ…Tranh ghép vải nếu chỉ sử dụng duy nhất một chất liệu thì sẽ vô cùng tẻ nhạt và không ra được tính chất của một bức tranh mà phải biết kết hợp các chất liệu khác nhau trong cùng một tác phẩm thì bức tranh đó mới trở nên sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn người xem, giúp người xem cảm nhận được đó là một tác phẩm giàu tính thẩm mỹ và vô cùng kỳ công. Đó chính là sự khác biệt của tranh ghép vải so với các dòng tranh khác. 

tranh ghep vai 3

Kỹ thuật để tạo ra một bức tranh ghép vải không hề đơn giản. Khởi đầu, bố cục bức tranh được phác thảo trên bìa cứng, sẽ phải cắt rời thành từng chi tiết nhỏ. Vải dùng ghép tranh được giặt sạch, ủi từng miếng cho phẳng. Sau đó, vải được tráng hoặc phết lớp keo sữa mỏng, tiếp tục đem hong cho thật khô. Ngoài giúp miếng vải cứng cáp hơn, lớp keo có tác dụng làm tăng tuổi thọ, độ bền màu sắc trên mỗi miếng vải. Phức tạp nhất là ở công đoạn cuối cùng, người thợ phải biết cách lựa chọn, phối hợp màu sắc thể hiện các chi tiết thành bức tranh sinh động, hoàn mỹ nhất, chi tiết này hỗ trợ làm nổi bật chi tiết khác mà không phá vỡ bố cục chung... Ngoài sự kiên trì, tỉ mỉ ghép từng mảnh nhỏ, người làm tranh cần có óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú. Việc xử lý vải để tạo chi tiết cũng vô cùng phức tạp, có khi phải tước thành sợi nhỏ tạo cảnh cánh đồng lúa, sóng biển nô đùa hay những bông cỏ lau hoặc phải cắt vụn vải ra li ti để chắp ghép thành những bông hoa rừng sống động… Bởi thế khi nhìn vào một bức tranh ghép vải, người xem không những chỉ cảm nhận được vẻ đẹp khác biệt từ hoa văn vải mà còn có cảm giác như bức tranh có thể sờ thấy từng chi tiết, thấy được sự kì công của người tạo ra nó. Vẽ chân dung đã khó, ghép chân dung từ vải còn khó hơn rất nhiều đặc biệt là việc tạo hình cho các khuôn mặt theo những sắc thái cảm xúc khác nhau. Nếu không có tính kiên trì đủ lớn, người làm tranh rất dễ bỏ cuộc. Thời gian để hoàn thành một tác phẩm như thế phụ thuộc vào thể loại và kích thước tranh. 

tranh ghep vai 5

Bức tranh “Cô gái Mông”

Khi xem một tác phẩm ghép vải nếu nhìn xa sẽ lầm tưởng là tranh vẽ nhưng nhìn gần những hoa văn và chất liệu bắt đầu hiện lên vô cùng sáng tạo và độc đáo. Điều đặc biệt ở tranh ghép vải là càng xem kỹ càng thấy rõ vẻ đẹp của nó, bởi màu nọ tôn màu kia, màu nền tô đậm cho hình họa hoa văn. Mỗi chấm phá đều có một ý nghĩa. Đó là sự kì công của người họa sĩ, kể từ từng nét nhỏ của chi tiết cũng đều được thể hiện bằng các sợi chỉ vô cùng mỏng manh mà không có sự can thiệp bởi màu hay bút vẽ.

Tranh ghép vải là một môn nghệ thuật của người dân Nga, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Kỹ thuật ghép vải đa dạng và sự liên kết màu sắc, họa tiết đẹp đã tạo nên những bức tranh phong cảnh, tình yêu và những bức tranh trừu tượng rất đặc sắc. Hiện nay, tranh ghép vải vẫn còn khá mới lạ với người Việt Nam nhưng bằng niềm hăng say và sức sáng tạo, một số họa sĩ Việt Nam đã đưa những bức tranh ghép vải vào cuộc sống như họa sĩ Thanh Thục, Thu Huyền, Phương Lan… Mỗi họa sĩ lại có cách thức sáng tạo riêng, kỹ thuật riêng với các đề tài thể hiện phong phú và đa dạng.

tranh ghep vai 6

Cô gái lãng mạn phù hợp với lứa tuổi teen

tranh ghep vai 8

Đám cưới hạnh phúc được thể hiện rất thành công với màu sắc ấm áp.

tranh ghep vai 8-b

Thú bông và mặt trời là những gì mà trẻ nhỏ yêu thích

tranh ghep vai 9

Bức tranh “Làng quê thanh bình” với con thuyền, bến nước, trẻ chăn trâu

tranh ghep vai 10

Trái tim và vầng trăng phù hợp với những đôi lứa đang yêu nhau

tranh ghep vai 11

Tranh ghép vải mô phỏng rất thành công các bức tranh Bác Hồ

0976984729