Nghệ thuật phù điêu
Từ thời sơ khai của lịch sử loài người, con người đã phát hiện một cách ngẫu nhiên những hình tựa như những hoa văn rất đẹp. Họ đã cảm thụ, sử dụng và sáng tạo, phát triển thành một ngôn ngữ để diễn tả cái đẹp. Đầu tiên đơn giản chỉ hình ảnh của thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá, chim thú, cá…được khắc vạch lại lên vách hang động nơi họ trú ngụ. Theo sự phát triển của xã hội loài người thì những đường nét trang trí được cách điệu, khái quát trừu tượng cao hơn, có giá trị về phương diện lịch sử và nghệ thuật như hoa văn trang trí trên trống đồng Ngọc Lũ ở Việt Nam ta, rồi về sau, loại hình trang trí này được tồn tại và phát triển mang đậm sắc thái dân tộc, thể hiện ở các công trình như lăng mộ, đình, chùa…mà chủ yếu là phù điêu với hai chất liệu chính là gỗ và đá.
Phù điêu: (Relief – Pháp, có nguồn gốc từ tiếng La tinh Relevo: làm nổi lên) phù điêu là loại điêu khắc được thể hiện trên mặt phẳng, có sự gắn kết khăng khít với mặt phẳng. Mặt phẳng đóng vai trò là nền tảng cơ bản và là phông nền của hình khối tạo hình trên nó. Với những điểm đặc thù của mình, phù điêu là một loại hình quan trọng của điêu khắc.
Tính cố hữu của phù điêu là triển khai bố cục trên mặt phẳng, nó có khả năng kiến tạo xa gần bằng các lớp không gian và tạo nên các ảo giác về không gian (không gian ảo). Phù điêu cho phép triển khai những bố cục phức tạp như bố cục có nhiều lớp nhân vật thậm chí thể hiện những công trình kiến trúc và tranh phong cảnh. Phù điêu không những thể hiện những bố cục ở tường, vòm mái, ở các chi tiết kiến trúc, mà còn được sáng tác như một tác phẩm độc lập để trưng bày.
Dựa trên mối quan hệ giữa hình khối và mặt phẳng nền người ta phân biệt ra phù điêu khoét lõm (khối âm) và phù điêu nổi lên ( khối dương).
Phù điêu gốc cúc cỗ
Phù điêu trong điêu khắc giống như trang trí trong vẽ mỹ thuật. Vì thế khi bố cục đòi hỏi phải có sự nhịp nhàng về đường nét, phong phú về hình khối. Phải có mảng chính, mảng phụ, đồng thời chú ý các mảng đặc, mảng trống và cách diễn tả đường nét sao cho thật trang trí. Nếu bố cục phù điêu toàn những mảng đặc, không có mảng trống thì phù điêu trở nên tức, bí rất khó chịu. Do đó, các mảng trống, mảng đặc nói trên phải bố trí sao cho vừa vặn, cân đối, không bị trống hay bị lốm đốm, vụn vặt.