Nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương
Chân dung nữ họa sĩ
Vũ Giáng Hương (23 tháng 1 năm 1930 - 20 tháng 8 năm 2011), là một nữ họa sĩ Việt Nam. Bà từng là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Trong sự nghiệp giảng dạy, bà được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú và có học hàm Phó Giáo sư. Có thể nói bà là:
- Một nữ phó giáo sư đầu tiên của giới mỹ thuật nước nhà.
- Một nhà giáo ưu tú hết lòng vì đồng nghiệp và chăm lo cho các thế hệ sinh viên.
- Một trong ba nữ hoạ sĩ nhận được Giải thưởng văn học nghệ thuật nhà nước đợt đầu.
Những danh hiệu cao quý đó đã thực sự tôn vinh những đóng góp của bà trong sự nghiệp đào tạo và sáng tạo mỹ thuật. Nói rộng ra, một nhà lãnh đạo quản lý cấp cao hội đủ uy tín với giới văn học nghệ thuật cả nước.
Một con người trọng thực, nhân hậu, một tâm hồn trong sáng, dịu dàng và giàu nghị lực, sống hết mình cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật. Khi bà chuyển công tác lên Hội Mỹ thuật Việt Nam, phong cách lãnh đạo quan tâm đến đồng nghiệp, thường trao đổi và lắng nghe cộng sự, khẳng định những phẩm chất quý làm nên nhân cách lớn của nữ hoạ sĩ Vũ Giáng Hương không né tránh, dám chịu trách nhiệm trước công việc được giao.
Con người:
Vũ Giáng Hương sinh năm 1930 tại Hà Nội, quê gốc Đông Cảo, Gia Lương, Bắc Ninh, trong một gia đình trí thức văn nghệ tên tuổi, cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan, mẹ là nhà thơ Hằng Phương, chồng là giáo sư bác sĩ Lê Cao Đài. Sống trong một gia đình nề nếp gia phong có truyền thống lâu đời Hà Nội, đã thực sự nuôi dưỡng tâm hồn và định hình một nhân cách sống, trọng thực, nhân hậu, thẳng thắn và tôn trọng mọi người. Có điều hình như số phận đã dành cho bà trọng trách chăm lo sinh viên, hội viên, văn nghệ sĩ nhiều hơn cho mình.
Trong lời tự bạch đến với con đường nghệ thuật hội hoạ, hoạ sĩ viết: “Từ nhỏ tôi đã thích vẽ, tuy rằng rất yêu văn chương, trong nhà có nhiều sách vở cổ kim đông tây và tôi rất thích ham đọc. Lần đầu tiên tôi được học vẽ do hoạ sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc hướng dẫn, sau đó học lớp vẽ ở Quần Tín, Thanh Hoá, năm 1952 lên Việt Bắc học khoá ngắn hạn tại trường Mỹ thuật kháng chiến do thầy Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, thầy Nguyễn Tư Nghiêm giảng dạy, năm 1955 học khoá Tô Ngọc Vân... năm 1957 thi đỗ vào khoá 1 trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, được học các thầy Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Tạ Thúc Bình...”. Con đường nghệ thuật của bà khá dày công, đặc biệt được thọ giáo nhiều danh hoạ, thế mới biết “không thầy đố mày làm nên”. Song không thể không nói đến nội lực, nghị lực của một nữ hoạ sĩ Vũ Giáng Hương, những trải nghiệm đó đã giúp được bà đào tạo được nhiều thế hệ hoạ sĩ quen biết tên tuổi.
Khi bà được tín nhiệm bầu làm Phó Tổng Thư ký, rồi Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, những phẩm chất cao quý dám chịu trách nhiệm và không né tránh càng được phát huy, luôn bảo vệ đường lối quan điểm nghệ thuật của Đảng và Nhà nước. Một mặt thẳng thắn đóng góp trực tiếp với các nhà lãnh đạo cao cấp, mặt khác kiên trì thuyết phục bảo vệ đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng của một nữ Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, và một nữ Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, thật đáng trân trọng!
Nghệ thuật
Viết về nghệ thuật hội hoạ Vũ Giáng Hương đã có nhiều đồng nghiệp và nhà báo viết đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trong tuyển tập Hội hoạ Vũ Giáng Hương xuất bản năm 2006.
Nghệ thuật hội hoạ của bà chân thành trong cảm xúc, cụ thể về nội dung, giản dị và dễ hiểu về hình thức, có khả năng đối thoại rộng rãi với công chúng.
Khi xem triển lãm Ký ức chiến tranh nhà văn Nguyễn Đình Thi đã viết: “Tâm hồn dịu dàng và đầy nghị lực đã hoà làm một với tâm hồn của cả dân tộc trong những năm tháng ấy”. Phải chăng đó là cái đẹp đích thực trong tranh Vũ Giáng Hương?.
Đề tài mà các nữ hoạ sĩ quan tâm là trẻ em, phụ nữ và gia đình, sinh hoạt thường nhật, bà thường xuyên vẽ và có hẳn một triển lãm Hoà bình cho trẻ thơ, bức tranh lớn ghép 6 tấm “những gương mặt tuổi thơ” đập vào mắt người xem, đã tự vượt chính mình về quan niệm về nghệ thuật, xây dựng một hệ thống hình tượng nghệ thuật nhằm đồng hiện được nhiều nội dung với thủ pháp chia ô chia mảng trong một bố cục, mở rộng được cả không gian lẫn thời gian trên một mặt phẳng, tiếng nói đặc thù của nghệ thuật hội hoạ.
Vũ Giáng Hương cũng như nhiều đồng nghiệp ưa dùng nhiều chất liệu: lụa, sơn dầu, acrylic, bột màu, thuốc nước và hai thể loại hội hoạ và đồ hoạ để sáng tác. Có điều chất liệu nào, thể loại nào bà đều làm chủ được ngôn ngữ đặc thù của thể loại và tinh thông chất liệu .... đều có không ít tác phẩm đi vào lòng người, đi vào lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam:
Tranh khắc gỗ:
Cầu Hàm Rồng, Bến phà đêm, chùa Thầy, Đôi chim bồ câu, Em bé chăn ngỗng... thường kết hợp hài hoà giữa hệ thống nét và mảng, một nét tinh hoa của tranh khắc gỗ Đông Hồ. Đặc biệt cái tinh tế của hệ thống nét đã tả chất, diễn chất, tạo ánh sáng trong tranh đồ hoạ, nhất là tranh đen trắng.
Tranh khắc gỗ Mẹ con - 1968
Tranh khắc gỗ Buổi sáng trên bờ biển
Tranh khắc gỗ Đôi chim bồ câu - 1959
Tranh sơn dầu:
Tranh sơn dầu nổi trội hệ thống nét đen, nét xác định hình, nét xác định màu như: Phố cũ Hà Nội, Chân dung tự hoạ, Gia đình... tạo nên một phong cách nghệ thuật riêng mà vẫn nằm trong dòng chảy phong cách nghệ thuật sơn dầu đậm bản sắc của các danh hoạ. Học khoa học kỹ thuật sơn dầu phương Tây, vẽ theo quan niệm tạo hình phương Đông Việt Nam, không sa vào tả chất, diễn chất, tả ánh sáng như nghệ thuật sơn dầu phương Tây một thời.
Tranh sơn dầu Bản Thái mùa xuân - 1997
Tranh sơn dầu Phố cổ Hà Nội
Tranh lụa:
Cả giới họa sĩ đánh giá sở trường, cái tạng nghệ thuật của bà là nghệ thuật lụa, bà đã viết nhiều bài về nghệ thuật lụa, xin trích dẫn vài câu trong bài Vài suy nghĩ về tranh lụa Việt Nam trong sách Một số vấn đề mỹ thuật – Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam xuất bản năm 1983. Bà viết “Chất liệu lụa mềm mại óng ả... đặt bút lên lụa thấy nét bút đi êm và ngọt, mảng màu thấm nước và loang vừa độ... vẽ lên tranh vẫn giữ nguyên màu sắc tươi trong, thớ lụa hiện lên rõ nét” phải chăng đó là tuyên ngôn nghệ thuật thể hiện khá sinh động trong các tác phẩm tiêu biểu đã vào Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 5/7 tác phẩm là tranh lụa: Tổ thông tin truyền thông, Ven núi Trường Sơn, Dốc Trường Sơn, Những bông hoa trong vườn Bác, Hai sắc hoa tigôn vẫn nổi trội thủ pháp kết hợp hài hoà hệ thống nét và mảng, đã làm phong phú phong cách nghệ thuật riêng Vũ Giáng Hương.
Tranh lụa Bếp lửa Trường Sơn - 1984
Tranh lụa Hợp tác xã Đánh cá về - 1969