Hội họa Châu Phi
KWADWO ANI - Gia đình
Người phụ nữ da đen đội chiếc bình lúc hoàng hôn (Tranh sơn dầu)
Nhờ là một trong những cái nôi khai sinh của nhân loại, nơi xuất hiện những con người đầu tiên, châu Phi cũng là khu vực có nhiều hình thức nghệ thuật sơ khai, nguyên thủy nhất, mà tiêu biểu phải kể đến hội họa. Ở đây, người ta đã phát hiện ra những bức tranh thượng cổ rải khắp trên hơn 200 nghìn điểm thuộc các nước, mà lâu đời nhất là những bích họa - tranh vẽ trên đá chừng 20 nghìn tuổi ở Namia, được giữ tốt nhất song có tuổi đời trung bình chỉ sáu nghìn năm là những họa phẩm ở Nigeria và nổi tiếng nhất nhờ sự liên tục là những sáng tác của người San trên sa mạc Nam Phi.
Người San đã biết vẽ tranh trên đá từ cách đây hàng nghìn năm và tới nay thỉnh thoảng họ vẫn vẽ vào mỗi dịp đặc biệt khi cần giao tiếp với thần linh, chữa bệnh hoặc cầu xin một điều gì đó. Các phù thủy của bộ lạc trong quá trình nhảy múa sẽ vẽ lên vách động một số hình thù họ cho rằng mình đã nhìn thấy khi bước vào ranh giới giữa thế giới người sống và linh hồn. Thường thấy đó là các cảnh đàn thú rừng chạy hoang, những người thợ săn là tổ tiên của bộ lạc hoặc một viễn cảnh tương lai, qua đó dạy cho người dân cách lắng nghe, theo dõi con vật, tìm nguồn nước - thức ăn, săn bắt - hái lượm và chữa bệnh... Có tất thảy 20 nghìn bức tranh như vậy ở 500 địa điểm trong vùng núi và sa mạc Nam Phi. Nhiều hình vẽ đến nay đã ra khỏi động, đi vào đời sống được dùng làm vật trang trí quần áo, nhà cửa, đồ đạc.
APPIAH NTIAW - Mạnh mẽ
Từ một loại hội họa nguyên thủy trên mặt đá, hiện nay đã có rất nhiều thể loại tranh ở châu Phi bao gồm tranh giấy, gỗ, lụa, batik, sơn dầu, vật liệu tổng hợp... và là một nghệ thuật đặc sắc, không chỉ rực rỡ, màu mè nhất thế giới mà còn rất giàu tính chuyện, khắc họa sự đấu tranh sinh tồn. Các loại tranh đều phản ánh nhiều về đề tài con người mà nổi bật là hình ảnh mẹ con, nam giới cầm vũ khí, cặp đôi, ba hoặc một nhóm người làm việc và cuối cùng là kẻ lạ. Tranh mẹ con thường khắc họa hai mẹ con bồng nhau, thể hiện cho tình mẫu tử thiêng liêng - một điều rất hệ trọng trong văn hóa bản địa bởi có nhiều dân tộc theo mẫu hệ và còn hàm ý ca ngợi sức mạnh của đất, sự phì nhiêu của mùa màng. Tranh nam giới cầm vũ khí thường vẽ người đàn ông trong vai trò trụ cột trong gia đình như chăn thả, đánh bắt, bảo vệ và mở rộng lãnh thổ, đồng thời cũng vinh danh tổ tiên với những chiến công hiển hách. Tranh cặp đôi thường đặc tả một nam, một nữ biểu thị cho hình ảnh tổ tiên, vợ chồng, anh chị và là loại tranh thờ tự, bày biện nghi lễ. Khác với quan niệm yêu đương, người ta vẽ tranh cặp đôi không phải vì sự luyến ái do đôi bạn yêu nhau hay có tình cảm riêng tư mà họ là sức mạnh, khối đoàn kết và đại diện cho danh tiếng gia đình. Tranh người lạ thường nói về những dị nhân ngoại bang có những dung mạo, thói quen khác lạ khiến mọi người bàn tán. Du khách nước ngoài khi đến đây được vẽ tranh đều cảm thấy mình thật khôi hài, thậm chí kỳ cục bởi cách nhìn nhận cũng như cách thể hiện dí dỏm của người bản địa. Ngoài ra, còn có những chủ đề khác như người vũ công, thợ săn, tù trưởng, thần thoại, thiên nhiên, phong cảnh làng xóm, sự kiện bi hùng. Nói chung, con người trong tranh thường được thể hiện một cách trừu tượng hoặc là phóng đại hoặc là thu nhỏ hay nhìn ở góc độ khác, khiến cho cả người và vật nhạt nhòa, méo mó. Điều này phản ánh thế giới tâm linh của người dân Phi châu rất đa dạng với niềm tin về hình thù trừu tượng, bất định chính là linh hồn tiên tổ. Không chỉ vậy, mỗi họa phẩm còn giàu nhịp điệu do nhảy múa, âm nhạc đóng một vai trò thiết yếu trong sinh hoạt. Mỗi khi làm gì, người dân đều muốn nhảy múa, ca hát và nó được biểu hiện trong tranh qua các cử động, hình dạng, màu sắc lặp lại. Nhiều bức tranh còn có thiên hướng ba chiều, đa chiều nhất là tranh vẽ trên tường hay có các mảng chạy dài, bao lấy ngôi nhà, kích thích người xem tò mò dạo quanh, và từng hình vẽ theo mỗi bước chân cứ như nhảy ra di chuyển trước mắt. Một điều kỳ thú nữa là tranh rất giàu màu sắc, đặc biệt là màu ấm nóng cho cái nhìn tươi sáng, mãn nhãn và còn giúp người xem mường tượng, phiêu linh cùng cảm xúc và các trải nghiệm thần bí.
ANGU WALTER - Nguyện cầu
IBRAHIMA KEBE - Điệu múa vui
Trong hội họa Phi châu cũng phân ra hai loại gồm tranh dân gian truyền thống và tranh ký chương hiện đại. Ở tranh dân gian, tác giả là các nghệ nhân thuộc các trường phái tranh dân dã (thường không ký tên hoặc có ký song sản xuất đại trà). Trong tranh luôn có những nét vẽ hồn nhiên, gồm cả hình thù đơn giản lẫn hình thù phức tạp do tác giả là những người không qua trường lớp mà tự mày mò sáng tác, lấy cảm hứng, đề tài từ thiên nhiên. Họ thường vẽ tranh từ bé, dựa trên những gì thấy hàng ngày để trang trí, biếu tặng hoặc vì một mục đích nào đó như để thuật lại một câu chuyện bất bình (hài lòng), cho biết họ vừa thấy gì, tin tưởng hoặc mong đợi điều gì. Và ngược lại, nhờ cách thể hiện độc đáo, người xem cũng phần nào biết họ là ai cùng những tâm sự. Vì lẽ đó, hầu như các họa phẩm được vẽ ra đều được đưa ngay vào cuộc sống, phục vụ hàng ngày như làm trang phục, trang sức, vật đựng, vật che hoặc biểu diễn trong các nghi lễ thay vì để không, trưng bày cố định. Với dân gian, chúng không chỉ là mỹ thuật mà còn là cách giao tiếp, truyền đạt các thông điệp bí mật. Một ví dụ tiêu biểu là tranh vẽ trên người ở các nước Đông Phi. Từ xưa, các tộc người ở thung lũng Omo tây bắc Ethiopia, đông nam Sudan và quanh hồ Turkana miền bắc Kenya đã có thú vẽ mặt, thân mình như một hình thức ngụy trang, làm đẹp, xua đuổi ma tà, chữa bệnh, thu hút người xem. Mẹ thường vẽ cho con, anh em vẽ cho nhau, cứ thế tạo thành truyền thống kéo dài hàng trăm năm. Ngoài vẽ trên người, ở nhiều nơi còn vẽ trên nhà cửa, quần áo. Trang phục của họ phủ đầy các mô típ rối ren - mảng màu đối lập, phản ánh những quan niệm sống mà nổi cộm nhất là sự lo âu trước những hỗn loạn của cuộc sống. Người Kasenna ở Burkina Faso hoặc người Ndebele ở Nam Phi cũng có phong tục vẽ tranh lên tường. Trên mặt trong lẫn mặt ngoài của mỗi ngôi nhà nơi đây đều có những hình vẽ phức tạp mà chỉ thổ dân mới hiểu song tựu chung là những câu chuyện lý thú về sự đấu tranh của họ mỗi ngày nhằm bảo lưu truyền thống cùng đó là sự phản kháng trước sự ô nhiễm, đô thị hóa và những ảnh hưởng xấu từ văn hóa phương Tây. Cũng có nơi không chỉ duy trì nét đẹp văn hóa, tập tục mà còn muốn giới thiệu nó với bạn bè thế giới nên người ta đã biến những hình vẽ trên tường hoặc đất thành các tác phẩm trên giấy, lụa, gỗ để làm quà tặng phục vụ du lịch. Một ví dụ cho việc này là các kiểu tranh Tingatinga. Lấy cảm hứng từ tranh vẽ trên tường mộc mạc của dân gian, họa sĩ Edward Said Tingatinga, người Tanzania vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, đã phát triển nó thành một loại tranh truyền thống giàu chi tiết hơn với nhiều ý tưởng siêu thực để lôi kéo du khách về với quê hương. Chất liệu tranh là những thứ sẵn có, với chi phí thấp nên dễ dàng đến tay mọi người. Sau khi ông mất, nhiều nơi đã làm theo kiểu này và đưa nó trở thành dòng tranh Tingatinga phổ biến khắp Đông Phi.
Hát ru
Mặt trời Ghana
Mặc dù đa dạng song những họa tiết thường thấy trong hội họa Phi châu, được xem là linh hồn của văn hóa lục địa Đen là các hình học có góc cạnh, các mô típ - hoa văn tượng hình được tái lặp đơn giản. Tuy có thể khó coi song chúng lại góp một phần lớn trong sự phát triển của mỹ thuật thế giới thế kỷ 20 ở cả Âu, Á, Mỹ. Nhiều danh họa như Pablo Picasso, Henri Matisse, Vincent Van Gogh, Paul Gauguin và Amedeo Modigliani đều học tập, lấy cảm hứng từ các hình khối mộc mạc và cách thể hiện hồn nhiên của hội họa Phi châu để tạo nên phong cách cho mình và cho ra xu hướng lập thể hay chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng ngày nay. Cũng nhờ các tác giả này mà thế giới bắt đầu hiểu hơn về hội họa Phi châu với các đặc tính độc đáo và sự giữ gìn truyền thống quyết liệt để không bị hòa tan từ hàng trăm năm trước.
Cũng nhờ học thuật của châu Âu đến với châu Phi mà đã có các thế hệ họa sĩ hiện đại đầu tiên làm nên hội họa Phi châu đương thời. Trong nửa đầu thế kỷ 20, đã ra đời rất nhiều trường học mỹ thuật ở đây góp phần không nhỏ đào tạo tài năng trẻ, như ở Ghana là trường đại học mỹ thuật vào năm 1936, Uganda 1939, Zaire 1943, Sudan 1946, Congo 1951, Nigeria 1953, Ethiopia 1959... Tuy nhiên, giới họa sĩ Phi châu hôm nay vẫn tiếp tục kế thừa truyền thống bảo duy những nét độc đáo, cá tính của châu lục Đen. Trong các gương mặt nổi tiếng của hội họa đương đại, có lẽ phải kể đến Appiah Ntiaw, Amakai Quaye, Ben Agbee, Gabriel Eklou, James Addo, James Cudjoe, Kobinan Nyarko, Kwadwo Ani, Rikki Wemega-Kwawu, Ti Jay, Wiz Kudowor (Ghana); Jared Kihiu Njuguna, John Ndamba, Joseph Thiongo, Rebecca Shiundu, Richard Onyango, Willie Wamuti, Wycliffe Ndwiga (Kenya); Don Bell, Ilze Coetzee, Marianne Rust, Lesley Charnock, Ronnie Biccard, Tracey Rose (Nam Phi); Iba Ndiaye, Ibrahima Kebe, Ismaila Manga Mansata (Senegal); Elias Jengo, Lubaina Himid (Tanzania); Abdoulaye Konate (Mali); Angu Walter (Cameroon); Cheri Samba (Congo); Ibrahim El Salahi (Sudan); John Mubiru (Uganda); Malangatana Ngwenya (Mozambique), Mahlet Birhanu (Ethiopia)...