Nguyên tắc phối màu hoa
Dù hoa ở trong vườn hoa hay trên bàn tiệc, nếu biết cách phối màu, bạn sẽ tạo ra được những hòa sắc quyến rũ làm ngất ngây mắt người chiêm ngưỡng. Những nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho các đóa hoa rực rỡ mà còn cho bất cứ cách phối màu nào trong nội thất, hay thời trang.
Vòng tròn màu
Tất cả các màu trong tự nhiên đều là sự hòa trộn theo các tỷ lệ khác nhau từ 3 màu cơ bản: đỏ, lam, vàng. Từ ba màu này, màu sắc được pha lẫn hai màu với nhau (ví dụ: Đỏ + Vàng = Da cam; Lam + Đỏ = Tím, Vàng + Lam = Xanh lá cây) rồi ba màu trộn lại với nhau, cứ thế ta sẽ có mọi hòa sắc.
Trong cùng của vòng tròn là 3 màu cơ bản (Primary), vòng kề ngoài là Cấp thứ hai (Secondary) gồm Da cam, Xanh lá cây, Tím. Cấp thứ ba (Tertiary) phía ngoài cùng, hình thành bằng chồng các màu ở cấp Primary và Secondary, ta sẽ được các màu ở cấp Tertiary là: Đỏ cam – Vàng cam – Vàng xanh – Xanh lơ – Xanh tím và Đỏ tím.
Màu bổ túc (màu tương phản)
Những cặp màu bổ túc là những cặp màu có tính tương phản mạnh, đối diện nhau trên vòng tròn màu, gồm có những cặp màu cơ bản sau đây: Vàng - Tím; Đỏ - Xanh lá cây; Da cam - Xanh lam... Trên vòng tròn màu thì hai màu đối lập nhau là hai màu ở hai phía đối xứng nhau.
Do bản chất mắt con người luôn có xu hướng tiến tới cân bằng, bởi vậy khi nhìn vào một màu đơn sắc bất kỳ lâu, tức là bên ngoài có sự mất cân bằng về màu sắc, thì trong mắt tự động sinh ra màu đối lập (bổ túc) để cân bằng màu kia. Do vậy có thể coi đó là những cặp màu bổ trợ cho nhau, tạo sự cân bằng, màu nọ nâng màu kia lên.
1. Phối màu đơn sắc (Monochromatic):
Quy luật đầu tiên của hoà sắc là nếu ta chỉ dùng một tông màu duy nhất, chỉ thay đổi sáng tối đậm nhạt thì bố cục màu sẽ luôn luôn hài hoà, thống nhất.
Để áp dụng nguyên lý này trong cảnh quan ta có thể trồng những loài hoa có cùng màu trong vườn. Do đặc điểm của cây cối thường có lá xanh và hoa khác màu, nên để phối màu đơn sắc ta phải chọn loại hoa có ít lá hoặc hầu như không có lá. Hoa phải nở rộ.
Dùng một tông màu duy nhất, chỉ thay đổi sáng tối đậm nhạt với những cánh hoa nở rộ
Trong các loài hoa thường được sử dụng để tạo mảng màu đơn sắc, màu vàng hay được sử dụng nhiều vì các cây có hoa vàng có số lượng lớn, và màu này tương đối sáng. Đặc biệt là họ cúc với những loài như Cúc vạn thọ, Cúc chuồn, Cúc đại đoá, Cúc vàng to, Cúc gấm…
Màu vàng của các sắc hoa cúc luôn được ưa dùng
Ưu điểm của luật phối màu này là nó tạo ra được cảm giác hoành tráng khi khu vườn có diện tích rộng. Ta cũng có thể áp dụng cho việc cắm hoa trong phòng.
Phối màu cùng tông giữa hoa và nội thất
2. Phối màu bổ túc (Complementary)
Sử dụng kiểu phối màu này tạo ra cảm giác cân bằng trong mắt người quan sát, đồng thời làm cho mắt không bị mệt mỏi theo như nguyên lý ở trên. Các màu bổ túc làm tôn nhau lên là các màu đối diện nhau trên vòng tròn màu. Ngoài 3 cặp màu bổ túc cơ bản là Vàng - Tím; Đỏ - Xanh lá cây; Da cam - Xanh lam thì xem trên vòng tròn màu còn có: Màu Gạch cua – Xanh ve chai; Nghệ – Chàm; Vàng xanh – Đỏ tím.v.v…
Lá xanh cũng có thể làm màu bổ túc cho hoa màu đỏ nghệ
Màu chính và màu hỗ trợ có tính năng làm tăng nét rực rỡ, linh động và giúp nhau nổi bật lên. Chẳng hạn như nếu ta đặt cánh hoa vàng trên phông nền tím, hay một nền hoa hoặc lá tím làm background, hoa vàng sẽ rực rỡ hơn nhờ màu tím làm nền đệm. Nhưng nếu cũng với cách thức ấy, dùng nền màu trắng hay xanh lá thì cánh hoa vàng không nổi bật được. Nếu đặt mảng màu đỏ tươi cạnh màu xanh lá cây thì cũng có hiệu ứng tương tự.
Vàng cam trên nền lá và hoa chàm ánh bạc
Hoa vàng nổi trên nền tường tím tránh hiện tượng mỏi mắt và làm biến dạng cảm thụ màu sắc